Top 9 Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm (lớp 7) hay nhất

9234

Mỗi người có thể có một phong cách sống khác nhau, song có những lối sống mà mỗi người đều cần gây dựng. Đó là lối sống tình nghĩa, biết yêu thương sẻ chia, lối...xem thêm ...

Top 0
(có 2 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 1

Chúng ta luôn băn khoăn tự hỏi, tại sao có những người làm được rất nhiều tiền bạc, nhưng cuối cùng cũng chẳng thể trở nên giàu có. Có nhiều lí do khác nhau, cả khách quan và chủ quan, nhưng theo tôi nghĩ chính là vì họ không biết tiết kiệm số tiền mà mình đã làm ra. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta nên thực hành cách tiết kiệm.


Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải, tài nguyên và thời gian một cách hợp lí. Đó là khi chúng ta không phung phí chúng, coi chúng là lẽ dĩ nhiên sẽ có. Người biết tiết kiệm luôn phải tính toán trong đầu làm sao để tiêu tiền hợp lí, làm sao để có thể không lãng phí thời gian. Họ hiểu được tầm quan trọng của những giá trị, của cải mình đã làm ra và họ sử dụng cho những việc thật cần thiết. Tiết kiệm chưa hẳn đã là nghèo, cũng không phải là thấp kém. Đó là một lối sống mà lâu nay chúng ta đã lãng quên, và đây là lúc ta cần hồi phục lại nó.


Vậy vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm? Tiết kiệm đã trở thành một truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Đất nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, con người gắn cả đời mình với mảnh ruộng con trâu. Vậy nên, kinh tế chưa bao giờ thực sự dư dả. Càng chăm chỉ làm lụng bao nhiêu, họ lại càng chắt chiu bấy nhiêu. Họ để dành cho con cái sau này, cho những lúc ốm đau bệnh tật, hay cho những khi mất mùa đói kém. Hay đơn giản hơn, họ thấy những thứ xa hoa là không cần thiết. Vậy mà giờ đây, chúng ta lại phá vỡ đi truyền thống ấy bằng cách tiêu xài hoang phí, cả thời gian, sức lực và tiền bạc. Thử hỏi như vậy, có đáng hay không? Học một lối sống tiết kiệm là trở về với những nét đẹp văn hoá của một dân tộc, là làm giàu có thêm truyền thống của quê hương. Vậy cớ sao, chúng ta lại bỏ đi lối sống ấy?


Chúng ta tiết kiệm, còn là cho chính chúng ta. Bởi cuộc đời vốn nhiều xoay vần, hôm nay ta sống trong nhung lụa, biết đâu ngày mai sa cơ lỡ vận. Đến lúc ấy, những ngày tháng hưởng lạc không còn, tiền bạc hết, thời gian hết, chúng ta sẽ lấy gì để trang trải cho cuộc đời sau này? Biết tiết kiệm, là ta biết lo cho chính tương lai của mình sau này, để ta có thể yên tâm khi những chuyện không may xảy ra. Hơn thế nữa, tiết kiệm còn thể hiện sự chân quý sức lao động mà mình đã bỏ ra. Bởi kiếm được một đồng tiền không phải là điều đơn giản.


Đó là mồ hôi nước mắt, là trí lực và trí tuệ của chính chúng ta. Ta lãng phí của cải, có phải là đang vứt bỏ những công sức của chính mình? Và ta cũng nên nhớ, tài nguyên, tiền bạc, thời gian không phải là vô hạn. Nó không mãi mãi ở đó để ta có thể lấy bất cứ lúc nào. Nếu mỗi chúng ta không tiết kiệm được những thứ ấy, thì chính chúng ta sau này cũng không còn mà sử dụng. Tiết kiệm cho ta hôm nay, chính là để cho chính chúng ta ngày hôm sau. Còn muôn vàn những lí do nữa để chúng ta phải nhận thức rằng, ngay hôm nay cần phải tiết kiệm.


Nhưng quá tiết kiệm lại có phải là điều tốt. Khi tiết kiệm được đẩy lên cực đoan, nó trở thành hà tiện, nhỏ nhen. Con người hà tiện không bao giờ muốn chia sẻ những gì mình có cho người khác, thậm chí là cho chính mình. Nó khiến con người trở nên tách bạch với xã hội, không một ai muốn đến gần, không một ai muốn giúp đỡ. Và họ lại làm khổ chính bản thân mình, dù có đau ốm bệnh tật cũng không dám chữa trị. Tiết kiệm luôn phải đúng nơi, đúng chỗ và đúng cách.


Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta chưa đủ khả năng để làm ra đồng tiền, nên phải tiết kiệm là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, sắp xếp thời gian để học hành, giải trí một cách hợp lí cũng là cách để tiết kiệm thời gian. Có rèn luyện từ bây giờ thì sau này, chúng ta mới biết tiết kiệm cho tập thể, xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Các bạn có sẵn sàng để tiết kiệm ngay từ hôm nay. Chúng ta là những thế hệ trẻ. Sự tiết kiệm của chúng ta ngày hôm nay chính là tương lai của đất nước ngày mai.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 2 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 2

Trong cuộc sống, để trở thành con người hoàn thiện thì ai cũng phải xây dựng cho mình những lối sống đẹp. Đó là nếp sống giản dị, cách sống ân tình thủy chung,... Tiết kiệm cũng là một lối sống đẹp mà chúng ta cần thực hành và phát huy. Tiết kiệm là hành vi sử dụng của cải vật chất một cách hợp lý và không làm lãng phí, mất mát hay thiệt hại. Xã hội ngày càng phát triển, nhiên liệu cần cho nền công nghiệp sản xuất ngày càng gia tăng nên đòi hỏi ở con người lối sống tiết kiệm.


Tiết kiệm giúp con người kiểm soát được những chi tiêu không cần thiết để dùng vào những việc có ích hơn. Một con người muốn làm giàu thì việc đầu tiên là phải biết tiết kiệm. Đơn giản nhất là việc sử dụng điện, nước hợp lý. Là học sinh chúng ta cần phải biết bảo quản, tận dụng đồ dùng học tập và tránh xa lối sống xa xỉ đua đòi. Sử dụng đồ tái chế cũng là ý kiến hay để thực hành lối sống tiết kiệm. Sáng tạo ra đồ tái chế còn khơi nguồn tài năng và trí tuệ của con người. Sống tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Biết trân trọng những giá trị do sức lao động tạo ra nhất định ta sẽ gặt hái được thành quả tốt.


Lối sống tiết kiệm không chỉ có ý nghĩa với bản thân con người mà còn làm giàu cho đất nước và xã hội. Một xã hội phồn vinh là xã hội mà mọi người biết sống tiết kiệm. Một tờ giấy được tiết kiệm đồng nghĩa với việc ít cây bị chặt hơn. Do đó tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ và không bị tàn phá. Tắt một bóng đèn điện vào giờ trái đất sẽ cắt bớt được điện năng tiêu thụ không cần thiết và giúp những người ở vùng sâu vùng xa có điện, có cuộc sống tươi sáng hơn. Như vậy bằng lối sống tiết kiệm ta đã đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp.


Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về lối sống tiết kiệm. Thân là một vị chủ tịch nước nhưng đời sống của Bác giản dị giống như bất kì người dân nào khác. Bác luôn chủ trương với mọi người nên tận dụng những thứ còn dùng được. Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Trong năm tháng đói khổ của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, Bác luôn nghĩ tới những người nghèo: “ Tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem số gạo tiết kiệm đó để cứu dân nghèo”.


Ngày nay, có rất nhiều người đã thực hiện được lối sống tiết kiệm. Tuy nhiên có nhiều người vì được hưởng cuộc sống sung túc đủ đầy nên họ tiêu xài phung phí do không hiểu giá trị của đồng tiền. Đó là những con người không có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt bủn xỉn, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu mà tiết kiệm chỉ là gác lại những thứ không cần thiết để đầu tư vào việc có ích hơn. Hãy xây dựng lối sống giản dị, thanh cao, không đua đòi hay chạy theo vật chất tầm thường. Chỉ có thế tâm hồn ta mới được thanh thản và sống hạnh phúc.


Tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp mà ai cũng cần có. Đó là lối sống lành mạnh, tiến bộ và văn minh. Hãy thực hành lối sống tiết kiệm ngay khi bạn có thể để kiến tạo cho bản thân một cuộc sống có ý nghĩa và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 1 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 3

Người dân Việt Nam ta dù nghèo khó hay đủ đầy, họ vẫn luôn có lối sống tiết kiệm và đó là một cách sống tốt đẹp mà ai ai cũng cần có.


Thế nào là lối sống tiết kiệm? Sống tiết kiệm tức là chúng ta chi tiêu mọi thứ một cách hợp lí, không lãng phí quá nhiều tiền so với giá trị sử dụng mà vật dụng đem lại. Con người ta thường thực hành lối sống tiết kiệm ấy trong sinh hoạt đời thường, sử dụng các biện pháp khác nhau để giảm thiểu tối đa những chi phí phát sinh không cần thiệt. Đôi khi lối sống tiết kiệm ấy có thể là ăn nốt mẩu bánh mỳ còn sót lại trên đĩa, tắt đèn khi ta không sử dụng, khóa nước,.. Tất cả những việc làm dù to hay nhỏ, chúng ta đều có thể thực hành lối sống ấy.


Vậy vì sao mỗi người chúng ta phải thực hành lối sống tiết kiệm? Trước hết lối sống tiết kiệm là cách sống tốt đẹp. Nó khiến chúng ta cân đối nguồn thu nhập, chi tiêu hàng ngày. Và hơn nữa, tiết kiệm giúp ta tìm được cách chi tiêu mọi thứ một cách hợp lí, quản lí tốt túi tiền của bản thân. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm nếu chúng ta tích góp từ cái nhỏ nhất trong cuộc sống sẽ mang đến cho ta một cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Về sau, ta sẽ có một khoản tiền từ việc tiết kiệm, để thực hiện các kế hoạch và dự định đã đặt ra trong tương lai. Và khi thực hành lối sống tiết kiệm ấy, ta rèn luyện được đức tính biết quý trọng mọi thứ từ ông cha ta ngày trước. Mỗi lần vứt đi một hạt cơm, bạn hãy nhớ rằng, vì một hạt cơm mà người nông dân phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, mỗi khi ném đồ vật còn sử dụng được và đống phế thải, bạn hãy nhớ rằng người công nhân đã rất vất vả để tạo ra nó. Các bạn biết không nếu chúng ta không thực hành lối sống tiết kiệm thì chính cuộc sống của các bạn sẽ trở nên bấp bênh không ổn định, nay no mai đói, hoặc tốn tiền một cách vô ích. Lúc ấy bản thân cũng sẽ bị stress về gánh nặng cơm áo gạo tiền và các vấn đề khác .Vì vậy thực hành lối sống tiết kiệm là điều cần thiết đối với mỗi người chúng ta.


Trong cuộc sống hiện đại, giá cả các mặt hàng và đời sống con người ngày một tăng cao. Chúng ta làm gì để thực hành lối sống tiết kiệm cho tốt? Bắt đầu từ việc nhỏ nhất, đừng bao giờ để lại thức ăn thừa và hãy biết quý trọng những món ăn ấy. Đừng quên tắt điện và khóa vòi nước mỗi khi dùng xong. Hãy luôn giữ gìn đồ vật của mình thật cẩn thận. Và khi điều cần thiết nhất là chúng ta nên thực hiện tiết kiêmh những khoản tiền, và xác định các mục đích, các khoản chi tiêu sao cho hợp lí. Việc chi tiêu trong cuộc sống hầu hết số tiền chi tiêu đều tập trung vào nhà ở, tiện ích, giải trí, quần áo, thực phẩm, du lịch, và chăm sóc y tế. Hãy kiểm soát toàn bộ khoản chi ấy để đảm bảo rằng chúng không lãng phí. Ngày trước, Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã sống rất tiết kiệm, tuy là chủ tịch nước, nhưng Bác chỉ sống trong nhà sàn đơn sơ, ăn đồ ăn bình thường. Có lẽ Bác thấu hiểu được nỗi khổ của nhân dân cần lao, nạn đói hoành hành, nghèo đói liên miên. Mai sau, khi chúng ta làm được nhiều của cải vật chất, sống tiết kiệm nên mới có thể dựng xây được một đất nước giàu đẹp như ngày nay.


Thật vậy, đối với con người, thực hành lối sống tiết kiệm là điều rất cần thiết khi cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Hãy chủ động sống tiết kiệm và lành mạnh thì mỗi người sẽ có một cuộc sống viên mãn và tốt đẹp.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 0 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 4

Chúng ta vẫn thường được bố mẹ và thầy cô nhắc nhở rằng nên giữ thói quen tiết kiệm, tránh lãng phí nhưng dường như không phải ai cũng lắng nghe điều đó. Ấy là bởi nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩ của việc thực hành tốt lối sống tiết kiệm. Nếu bạn biết rằng việc tiết kiệm mang đến cho chúng ta những lợi ích như thế nào thì chắc chắn bạn sẽ thay đổi hành vi của mình.


Tiết kiệm có nghĩa là không lãng phí nguồn của cải, vật liệu,… cả của riêng lẫn của chung. Tiết kiệm  không có nghĩa là cất giữ hay giấu kín đi mà là làm cho nguồn của cải ấy sinh sôi thêm. Đất nước ta vẫn được biết đến với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào. Chúng ta có rừng vàng, biển bạc thế nhưng bạn nghĩ nếu một ngày nào đó chúng ta chặt phá hết rừng, khai thác hết biển thì nguồn tài nguyên của chúng ta sẽ chẳng mấy mà cạn kiệt. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày rừng không còn cây xanh thì đã bị đốn lấy gỗ hết thì bao nhiêu thiên tai sẽ xảy ra. Nào là xói mòn, rửa trôi, mạch nước ngầm sẽ không được bảo vệ. Nếu nước lũ về, người dân sẽ không kịp trở tay bởi sẽ chẳng có cánh rừng nào giúp cản nước lại cả. Như thế chẳng phải rất nguy hiểm hay sao?


Đất nước Việt Nam chúng ta vốn dĩ là một nước nông nghiệp lạc hậu. Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã cố gắng vươn lên để trở thành một nước công nghiệp nhưng cái gốc nông nghiệp vẫn không thể nào từ bỏ. Trong khi đó, chiến tranh đã tàn phá của chúng ta biết bao nhiêu của cải. Thiệt hại do chiến tranh mang lại kể đến bây giờ vẫn chưa hết. Nếu chúng ta không tiết kiệm thì làm sao đất nước ta có thể phát triển được?


Nhiều người cho rằng chỉ cần tiết kiệm cái của riêng mình còn cái chung thì không cần. Chẳng hạn như điện. Chúng ta vẫn thường dùng điện một cách rất lãng phí chẳng hạn như bật bóng điện không cần thiết. Không tắt thiết bị điện khi không dùng nữa. Lý do bởi nhiều người cho rằng không tiết kiệm điện thì chẳng ảnh hưởng đến ai cả. Mình dùng nhiều thì mình trả nhiều tiền. Tiền của mình nên cũng chẳng cần mọi người nhắc mình tiết kiệm. Trên thực tế, nguồn điện là của chung và nó cũng có thể bị cạn kiệt đi nếu như chúng ta không biết tiết kiệm. Nếu như hạn hán kéo dài, nguồn nước dùng cho thủy điện không có thì lúc ấy bạn sẽ đổ lỗi do đâu? Còn nhớ có những năm giữa trời mùa hè oi bức nhưng người dân cả nước phải sống trong cảnh mất điện luân phiên. Nguyên nhân sâu xa chính là do chúng ta đã không chịu tiết kiệm điện trước đó.


Khoan vội nói nhiều đến những thứ xa xôi. Hãy lấy ngay ví dụ trong gia đình mình. Bố mẹ chúng ta hàng ngày đi làm vất vả để kiếm được một chút tiền, lo cho chúng ta từng bữa ăn, giấc ngủ. Tiền của bố mẹ làm ra đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Vì vậy, chúng ta không nên đua đòi để bắt bố mẹ phải mua cho chúng ta thứ nọ, thứ kia. Như vậy là không ngoan. Trách nhiệm của chúng ta bây giờ là phải học tập cho thật tốt. Bố mẹ cũng là những người bỏ tiền ra cho chúng ta theo học để lấy kiến thức. Nếu chúng ta không học mà chỉ mải chơi thì đó cũng là một sự lãng phí to lớn. Không chỉ là lãng phí tiền bạc của bố mẹ mà còn lãng phí cả tuổi trẻ của mình nữa.


Nếu chúng ta biết tiết kiệm cho ngày hôm nay, nguồn tài nguyên của chúng ta sẽ còn mãi cả mai sau. Nếu chúng ta biết tiết kiệm thời gian, tiết kiệm của cải của mình từ hôm nay thì trong tương lai chúng ta sẽ trở thành những người giàu có. Vậy thì chẳng có lý do gì để chúng ta không thực hành tiết kiệm ngay từ bây giờ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 0 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 5

Đất nước Việt Nam chúng ta là một đất nước đi lên từ một nền nông nghiệp. Đất nước chúng ta lại có quá trình kháng chiến chống kẻ thù xâm lược nhiều hơn các nước khác. Trong những năm tháng chiến tranh mọi sức lực, của cải của chúng ta đều phải dồn tập trung cho kháng chiến. Chính vì vậy, tốn rất nhiều tiền bạc công sức của toàn Đảng toàn dân của chúng ta. Sau chiến tranh, chúng ta cũng có những bước chuyển đổi tích cực nhưng chưa thật sự đột phá. Nền kinh tế nước ta bị kéo lùi khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới.


Trong những năm hòa bình chúng ta đã cố gắng để đẩy mạnh khoa học, công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực kinh tế của mình nhằm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Để cho nước ta thành nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn đang trong thời kỳ thực hiện mà thôi. Người dân ở các vùng sâu vùng xa của nước ta vẫn còn nghèo khổ. Chính vì vậy chúng ta cần phải tiết kiệm nhiều hơn, không nên lãng phí tiền bạc ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển vững mạnh hơn, và toàn diện hơn.


Thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm làm gì? Tiết kiệm không đồng nghĩa với việc ki bo, keo kiệt, bủn xỉn, không phải là việc chúng ta coi trọng đồng tiền hơn tất cả mọi thứ. Mà tiết kiệm chính là việc chúng ta cần phải cân nhắc xem việc gì nên chi tiền chi bao nhiêu là hợp lý, không nên sa đà, hoang phí tiền của ngân sách của nhà nước, những đồng tiền thuế mà người dân đóng góp.


Tiết kiệm là một cách để chúng ta luôn làm giàu ngân khố, dành tiền để chi cho những khi cần thiết ví dụ như khi người dân bị lũ lụt hạn hán thì lúc này nhà nước cần phải dùng tiền để trợ giúp cho người dân. Cần đầu tư tiền xây dựng bệnh viện trường học cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo thay vì tiêu tiền vào việc mua xe ô tô công quá nhiều, rồi tiệc tùng chiêu đãi phè phỡn. Hay việc thi thoảng lại thấy những quyết định xây dựng tượng đài hàng trăm nghìn tỷ, những dự án hàng triệu đô nhưng nằm đắp chiếu chẳng biết bao giờ mới thi công.


Tiền của ngân sách của nhà nước bị thất thoát bởi những dự án vẽ ra trên giấy nhưng tiền bạc mất đi thì là thật. Mỗi người dân chúng ta cũng cần phải thực hiện lối sống tiết kiệm cho riêng mình, trước tiên chúng ta cần tiết kiệm quỹ thời gian vàng bạc của chính mình. Một lối sống tiết kiệm là như thế nào? Mỗi ngày con người chúng ta chỉ có 24 giờ đồng hồ trong đó mất 8 giờ để ngủ. Thời gian còn lại chỉ là 16 giờ chúng ta phải điều phối nó sao cho thật hợp lý, để chúng ta không phải hối hận về sau này.


Mỗi người chúng ta nên thực hành tiết kiệm, trong mỗi gia đình việc gì không cần dùng tới điện thì nên tắt những bóng điện không cần thiết để dành diện cho những nơi còn thiếu. Hoặc việc sử dụng nước sạch cũng như vậy nhiều nơi vẫn còn phải dùng nước giếng khoan hoặc phải hứng từng giọt nước sạch để dùng. Nhưng nhiều nơi lại dùng thả ga thừa mứa… Hoặc trong mỗi gia đình việc thức ăn nấu lên quá nhiều không ăn hết rồi bỏ đi là việc thường xuyên xảy ra. Trong khi trên cả nước ta, cũng như trên thế giới biết bao nhiêu người lang thang sống cảnh màn trời chiếu đất không có cơm ăn áo mặc. Việc chúng ta đổ cơm và những thức ăn thừa đi là một hành động vô cùng lãng phí. Chúng ta còn có tội với những người nông dân họ đã chăm chỉ để làm ra những hạt gạo cho chúng ta hưởng.


Với một đất nước còn nhiều khó khăn như nước ta hiện nay thì việc tiết kiệm làm một việc làm vô cùng đáng quý cần thiết và quan trọng vô cùng. Tiết kiệm sẽ giúp cho đời sống của người dân của ta trở nên phát triển hơn, đưa nền kinh tế vững bước sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.


Là một học sinh chúng ta cũng cần có ý thức phải tiết kiệm bằng những hành động nhỏ của mình. Như tiết kiệm lại những quyển vở cũ để sử dụng làm giấy tái chế, hay tiết kiệm những quyển sách giáo khoa năm cũ dành cho các em nhỏ lớp dưới có hoàn cảnh khó khăn không thể mua sách mới để dùng. Chúng ta nên tiết kiệm bằng việc giữ gìn những trang thiết bị đồ dùng như bàn ghế, bảng đen, phấn trắng của nhà trường. Mỗi con người cần có ý thức tiết kiệm không lãng phí, dù những thứ đó không phải của mình.


Tiết kiệm không chỉ là một đức tính tốt đẹp quan trọng trong mỗi con người mà còn là một phẩm chất đáng quý cần phải giữ gìn phát huy. Không nên lãng phí khi nền kinh tế nước nhà còn nhiều khó khăn. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải thực hiện tiết kiệm, tiết kiệm từ việc nhỏ cho tới việc lớn. Chỉ khi nào mỗi chúng ta thực hành thật tốt lối sống tiết kiệm thì mới mong đất nước có thể phát triển vững mạnh hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 1 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 6

Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no: Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.


Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật, nhà nước ta đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân. Coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước. Vậy thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp việc cần đóng góp cũng không đóng góp.


Tiết kiệm cũng không phải là dè sẻn, để dành, cất kín những tiền của dư thừa, mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà. Cao hơn nữa, tiết kiệm là cần sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí. Tiết kiệm là quốc sách, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chỉ tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có.


Với một quốc gia như Việt Nam hiện nay thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản mà nguồn vốn của dân chỉ có thể có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm.


Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng tốt là tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm cồng sức lao động. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của.


Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm? Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là mỗi người phải có ý thức tự giác. Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước.


Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 7

Trong tình hình đất nước hiện nay, đang trong giai đoạn là một đất nước đang phát triển, đòi hỏi trong mọi vấn đề chúng ta phải cẩn thận cân nhắc một cách kỉ lưỡng về vần đề giao lưu mở cửa hội nhập, tiếp thu các khoa học kỉ thuật hiện đại, tinh hoa văn hóa nhân loại và đặc biệt là tiết kiệm thời gian, nguồn nguyên liệu cũng như ngân sách nhà nước….Khẳng định chủ trương tiết kiệm là đúng đắn và hết sức cần thiết.


Chúng ta cần hiểu về nhiệm vụ tiết kiệm và suy nghĩ của mỗi chúng ta như thế nào về thực hiện nhiệm vụ đó? Thế nào là tiết kiệm? tiết kiệm là sử dụng của cải, vật liệu..một cách đúng mức, không phi phạm dù đó là của nhà nước, của tập thể hay của cá nhân. Tiết kiệm không có nghĩa là để dành, cất kín những tiền của dư thừa, chưa dùng đến mà ngược lại cần làm cho nó sinh sôi nảy nở thêm.


Vì sao chúng ta phải biết tiết kiệm? Đối với đất nước: muốn xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội công bằng văn minh từ một nước nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp chưa phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề thì phải tiết kiệm. tiết kiệm để tích lũy vốn, phát triển sản xuất, góp phần đưa đất nước tiến lên , cải thiện đời sống nhân dân. Đối với bản thân thì tiết kiệm là biểu hiện đạo đức của mỗi người: không xa hoa đua đòi, lãng phí tiền của,thời giờ vào những việc không cần thiết. đó cũng là biểu hiện của lối sống khoa học có văn hóa.


Và chúng ta tiết kiệm là tiết kiệm những gì? Tiết kiệm tiền của, vật tư trong sản xuất,trong sinh hoạt, trong tiêu dùng của toàn xã hội cũng như của mỗi cá nhân. Tiết kiệm thời giờ, sử dụng giờ hợp lý, có hiệu quả. Tiết kiệm sức lao động (cải tiến, sắp xếp hợp lý nhất mọi công việc được phân công, tránh làm hùng hục, vô tổ chức). tiết kiệm đi đôi với tăng năng suất lao động, tăng số lượng, chất lượng sản phẩm….


Tất cả các cơ quan, đơn vị, nhà máy xí nghiệp Tiết kiệm mà tất cả mọi người, mọi tầng lớp nhân dân phải biêt tiết kiệm. học sinh thì phải biết tiết kiệm thời giờ, đồ dùng, giấy bút, giữ gìn và bảo vệ tài sản của công và của riêng mình như sách giáo khoa, đồ dùng học tập, bàn ghế trường lớp…. Tiết kiệm trong chỉ tiêu lao động, giúp đỡ gia đình trong mọi công việc, làm giảm chi tiêu của gia đình. Đối với bản thân em là một đứa con trong gia đình khó khăn, bố mẹ vất vả nuôi cho em ăn học. ngày ngày bố mẹ phải làm lụng vất vả trong từng luống ngô,khoai, tưng đàm ruộng để có tiền cho em ăn học, vì vậy em luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, em luôn chăm chỉ học tập và phụ giúp bố mẹ.


Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bạn luôn suy nghĩ lệch lạc, gia đình bạn khá giỏi nên bạn muốn tiêu sài bao nhiêu thì tiêu, không biết tiết kiệm vì bạn luôn nghĩ dù có tiêu sài thế nào cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đất nước, mà tiết kiệm thì sợ bạn bè chê trách là bủn xỉn…Nhũng suy nghĩ đó các bạn nên dùng lại và suy nghĩ một cách đúng đắn hơn. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thì chúng ta phải cố gắng dành thời gian tập trung vào việc học và về nhà thì phụ giúp bố mẹ. chúng ta phải cố gắng chứ việc học không thể nào chờ đợi chúng ta mãi. Nếu kiến thức bị hỏng thì khó mà lấy lại được và tương lai chúng ta sẽ không có, chúng ta vô tình đánh mất một tương lai tươi sáng của mình.


Tiết kiệm là một đức tính tốt mà mỗi người chúng ta cần học tập, chúng ta cần phải hiểu rõ được trách nhiệm của bản thân trong việc thực hành tiết kiệm. trước hết là cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 0 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 8

Cuộc sống trở nên phồn vinh không những do con người luôn tạo ra của cải vật chất mà còn ở việc sử dụng tiết kiệm của cải vật chất ấy. Dù ở thời đại nào, tính tiết kiệm và lối sống cần kiệm cũng được trân trọng và đề cao. Bởi thế, giáo dục đức tính tiết kiệm và lói sống cần kiệm cho mỗi học sinh là nhiệm vụ rất cần thiết.


Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lí , đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác. Tiết kiệm là tránh lãng phí, thất thoát cảu cải vật chất một cách vô ích. Tiết kiệm không những là ý thức mà còn là một phẩm chất cần có ở mỗi con người. Sống tiết kiệm sẽ làm tăng lên của cải vật chất của bản thân, gia đình và xã hội. Sự tích lũy vật chất từ ít đến nhiều góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.


Sống tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Vật chất trong cuộc sống này luôn có hạn. Một ngày nào đó nó cũng sẽ được dùng hết. Thành quả lao động cũng không tự nhiên mà có. Nó là kết tinh của biết bao sức lực, trí tuệ và niềm tin của con người. Bởi thế, khi sử dụng, ta phải biết tiết kiêm nó. Tránh làm cho nó bị lãng phí vô ích.


Sống tiết kiệm thể hiện lối sống văn hóa, tiến bộ. Người có lối sống tiết kiệm luôn được mọi người yêu mến, kính trọng. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa lối sống tiết kiệm và lối sống keo kiệt, bủn xỉn, ki bo quá đáng. Người tiết kiệm luôn có ý thức sử dụng của cải vật chất một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân và cho mọi người. Họ cũng là người hào phóng trong việc giúp đỡ người khác. Còn người keo kiệt chỉ biết giữ cho riêng mình. Họ sống ích kỉ, khắc nghiệt cả với bản thân. Họ muốn tích lũy của cải vật chất thật nhiều, không muốn giúp đỡ ai. Đối với họ, tiền bạc là trên hết. Bởi thế, họ thường bị mọi người khinh thường và xa lánh. Những người như thế thật đáng chê trách.


Để có cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh, nhất định phải sống tiết kiệm. Mỗi người cần phải rèn luyện cho mình tính tiết kiệm. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Trước hết, học sinh phải ra sức học tập và rèn luyện bản thân tốt đẹp. Có tri thức mới có thể tạo ra nhiều của cải vật chất và thực hành lối sống tiết kiệm. Học sinh cần tránh xa lối sống đua đòi, xa hoa và lãng phí. Học sinh là người chưa tạo ra được các giá trị vật chất. Học sinh đang được ba mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng. Mọi vật chất mà học sinh thụ hưởng đều do người khác làm ra. Bởi thế, cần phải trân trọng và tiết kiệm nó.


Biết sắp xếp việc làm khoa học tránh lãng phí thời gian. Thời gian luôn là hữu hạn đối với cuộc đời con người. Thời gian mất đi không thể nào có lại được. Lãng phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất của con người. Trách nhiệm của học sinh là học tập tốt và rèn luyện bản thân có đủ năng lực làm việc thành công. Đừng bao giờ lãng phí thời gian cho những công việc không hữu ích. Biết bảo quản, sử dụng và tận dụng các đồ dùng học tập, lao động. Những gì còn sử được thì không nên mua cái mới. Những gì có thể tái sử dụng thì đừng bỏ phí. Tiết kiệm giấy bút trong học tập. tập thói quen tiết kiệm trong ăn uống, tiêu dùng. Chỉ mua những thứ cần thiết, đúng với nhu cầu sử dụng.


Biết trân trọng vật chất và sức lao động của người khác. Kêu gọi mọi người thực hành lối sống tiết kiệm, bảo vệ môi trường sống. Nhắc nhở, phê phán những hành vi phung phí của cải vật chất. Đặc biệt là những giá trị vật chất, tinh thần do cha ong để lại. Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người không biết tiết kiệm. Họ sống đua đòi, xa hoa, lãng phí nhiều của cải, tiền bạc. Những hành vi đó không những làm hao tổn của cải bản thân mà còn làm lãng phí của cải xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Những người như thế thật đáng che trách. Sống tiết kiệm là tự làm giàu cho bản thân mình. Mỗi học sinh cần phải rèn luyện và thực hành lối sống tiết kiệm cho mình.


Con người trở nên giàu có bởi vì biết lao động nhưng sẽ hạnh phúc hơn nhờ lối sống tiết kiệm. Tiết kiệm không những là một trong những cách làm giàu mà còn thể hiện lối sống cao cả và nhân cách tốt đẹp của con người. Của cải vật chất luôn có hạn. Sự xa hoa, lãng phí là kẻ thù của giàu có và là mầm móng của tai họa.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 1 lượt vote)

Bài văn chứng minh: Mỗi chúng ta cần thực hành lối sống tiết kiệm - mẫu 9

Đất nước ta là một nước có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời và lạc hậu. Đặc biệt đáng nói nhất ở đâu đó chính là đất nước nghèo khó lại chịu hậu quả của chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và khi hòa bình được lập lại thì từ năm 1975 thì đất nước mới cựa mình để có thể khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như có thể phát triển kinh tế. Và để có thể khắc phục được điều này thì chúng ta cũng cần phải thực hành những lối sống tiết kiệm.


Không thể phủ nhận được trong xã hội hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật thì nhà nước ta cũng đã chủ chương để cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân và nó được nâng cao lên là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để có thể xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên bạn có hiểu như thế nào là tiết kiệm hay chưa? Tiết kiệm chính là việc chúng ta cần dùng những gì cần thiết , dùng đủ chứ không hoang phí. Đồng thời việc tiết kiệm không phải là sự keo kiệt mà cứ coi trọng đồng tiền một cách quá mức những gì cần chi tiêu cũng không chi tiêu, những gì cần đóng góp thì cũng lại thật là e dè không dám chi trả.


Hơn hết chũng ta cũng phải nên hiểu được việc tiết kiệm cũng không phải là dè sẻn, hay là để dành, cất kín đi tất cả những tiền của dư thừa vào một chỗ mà chỉ mình biết. Mà tiết kiệm thông minh nhất chính là làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở thêm thật nhiều. Có người thì đem của cải dư thừa của mình vào ngân hàng gửi tiết kiệm vừa an toàn mà lại có thể gia tăng được thêm một khoản thu nhật. Nhưng lại có người dùng số của cải dôi ra đó đầu tư vào nhiều lĩnh vực như kinh doanh buôn bán. Có rất nhiều cách tiết kiệm thông minh mà mọi người có thể tha hồ chọn lựa.


Không ai có thể phủ nhận được rằng chính việc tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Tiết kiệm luôn mang lại nhiều lợi ích cũng thật to lớn cho con người cũng như xã hội. Không những thế nó cũng còn là một trong những nếp sống văn minh để giúp cho con người có thể tạo dựng được một nền tảng về mặt vật chất, để sống đủ đầy, phòng những bất chắc không may như ốm yếu không đi làm được thì cũng đã có một phần tích lũy trước để lo. Từ xưa cho đến nay thì những thói xấu của nhiều người thì lại nén tiềm qua cửa sổ, họ phung phí và ăn hôm nay cũng chẳng quan tâm lắm đến ngày mai. Những người tiết kiệm sẽ có một cuộc sống thật hợp lý và hạnh phúc, ngày càng giàu có. Thực tế có thể nhận thấy được hai người cùng đi làm ở một nơi lương như nhau nhưng một người thì lại nợ rất nhiều, còn người kia lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Tuy nhiên người giàu có kia không phải quá tiết kiệm mà họ có chi tiêu hợp lý, cái nào cần cái nào không, cái nào quan trọng cái nào không quan trọng mà sẽ có được sự chọn lựa hợp lý.


Không chỉ thế mà đối với một quốc gia như Việt Nam hiện nay thì chúng ta cũng nhận thấy được nếu như chúng ta mà tiết kiệm thì nó thực sự cũng lại càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Thực chất việc tiết kiệm để tích lũy vốn, đồng thời cũng đã lại đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân, thông qua đó thì cũng từng bước đưa đất nước đi lên để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tất nhiên đất nước chúng ta cũng có thể huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. Nhưng bạn biết đây các khoản vay, đầu tư nước ngoài có bao giờ cho không mà không kèm thêm điều kiện, cho nên nguồn vốn trong nước bao giờ cũng là nguồn vốn cơ bản và quan trọng nhất của một quốc gia. Mỗi người dân trong quốc gia lại luôn ý thức được việc tiết kiệm thì cũng giúp cho nền kinh tế nước nhà được ổn định hơn, đời sống nhân dân cũng chính vì thế mà có những bước tiến thật khởi sắc.


Tiết kiệm từ lâu cũng được đánh giá chính là việc làm vô cùng cần thiết của con người chúng ta. Ta nhận thấy được khi Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể cũng đứng lên chung tay cùng tiết kiệm một cách tối đa nhất. Những hành động đó có thể nhận thấy được đó chính là việc không tiệc tùng, nhậu nhẹt cũng không mua đồ quá đắt tiền và xa xỉ với bản thân mình. Tất nhiên tiết kiệm thì cũng phải lo đủ cho cuộc sống của chính bạn không lãng phí vào những việc không cần thiết và cũng không quá ky bo. Mỗi người dân cũng lại có các cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm và với mục tiêu là lo cho cuộc sống của chính bản thân bạn đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn.


Ta có thể nhận thấy được rằng chính việc tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà đó cũng còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp nữa. Có lẽ chính vì thế mà mọi người dân chúng ta cũng hãy cứ ủng hộ chủ trương của nhà nước về chính sách tiết kiệm trong dân sẽ thêm ấm no hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .