Top 9 Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến (Ngữ văn 8 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất
Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến (Ngữ văn 8 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất mà Alltop.vn đã tổng hợp trong...xem thêm ...
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 1
Nguyễn Khuyễn là một nhà thơ tài năng, cốt cách thanh cao, một lòng yêu nước thương dân, từng từ bỏ chốn quan trường vốn là nơi có thể tu chí lập nghiệp vì chán ghét chính quyền thực dân Pháp và bộ máy nhà nước phong kiến thối nát. Ông có một sự nghiệp thơ từ đồ sộ bao gồm cả chữ Hán và Nôm, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chùm thơ thu bằng chữ Nôm và Thu ẩm là một trong ba bài thơ nức danh đó.
Nhan đề "Thu ẩm" đại khái được hiểu là mùa thu, uống rượu, uống ở đây không phải là nốc ừng ực cả chai, cả bầu mà là sự nhâm nhi thưởng thức đầy văn nhã của một thi sĩ nhân cảnh mùa thu trữ tình. Hai câu đầu như sau:
"Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè."
Khác với Thu vịnh, cảnh mùa thu của Thu ẩm lại hiện lên trong đôi mắt của vị thi nhân ngà ngà men rượu là khung cảnh tối tăm, im ắng, đậm chất làng quê bình dị với "Năm gian nhà cỏ thấp le te". Nơi đây cũng chẳng sáng bừng ánh đèn như chốn phồn hoa kinh thành mà thay vào đó là những con "ngõ tối" cùng với ánh sáng "lập lòe" của đom đóm đang dạo đêm kiếm bạn. Là những màn sương đêm giăng "phất phơ" như màu "khói nhạt" bên lưng giậu, là hình ảnh "bóng trăng loe" nhàn nhạt đang "lóng lánh" trên mặt ao phẳng lặng trước sân nhà. Và hơn tất cả bầu trời mùa thu vẫn luôn là điểm nhấn đặc sắc với một màu "xanh ngắt" nền nã, trong trẻo, như được ai dồn hết cả tâm sức mà nhuộm lên. Trái ngược với cái màu xanh thanh mát của trời thu là sắc "đỏ hoe" ấm nóng trong đôi mắt của người đang âm thầm thưởng rượu, cảm nhận cái cảm giác được say.
Bài thơ đặc biệt ở chỗ trong sáu câu thơ đầu tả cảnh, tả người, nếu tinh ý người ta sẽ nhận ra được những nét bút cao thấp, gần xa, lúc đậm nhạt. Thấp trong "Năm gian nhà cỏ thấp le te", thấy được độ sâu của bóng "đêm sâu" dài hun hút, cũng thấy cả sương khói nhạt nhòa vương bên giậu cúc tần trồng trước nhà, lại thấy được cả cái màu "xanh ngắt" đậm đà trên nền trời cao thăm thẳm. Rồi cả cái mỏng nhẹ của ánh trăng "lóng lánh" khi bóng trăng phủ lên mặt ao, "loe" ra một màu nhàn nhạt như dát vàng. Đến câu "Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe", ta lại chợt mường tượng ra một đôi mắt hơi sâu, chứa đựng trong đó là một cánh cửa tâm hồn mơ màng trong men rượu, say trong cảnh mùa thu thanh tĩnh, dịu dàng.
Ở hai câu thơ cuối:
"Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè"
Đây là lời thi nhân, nhận xét vu vơ về rượu, nhà thơ thường nghe người đời ca tụng rượu là thú vui tao nhã, uống vào khoan khái tâm hồn, nhưng với nhà thơ ông lại thấy "hay chả mấy", ý bảo chẳng như lời đồn, làm chi có thứ tuyệt diệu thế. Thú vị hơn, thi nhân cũng không phải người biết uống rượu, thế nên "Độ năm ba chén đã say nhè", đôi khi ta suy nghĩ rằng liệu có phải thi nhân lần đầu hoặc hiếm khi uống rượu không nhỉ? Nếu vậy thì cớ sự nào khiến nhà thơ tìm đến rượu? Xưa nay người ta vẫn thường ví, uống rượu, câu cá, làm thơ là ba thú vui ta nhã của những kẻ ẩn dật, thong dong hay uống rượu, ngắm hoa, vịnh trăng là thú vui thanh cao tao nhã mà văn nhân, thi sĩ hay làm. Ở đây nhà thơ say nhưng cái cốt cách văn nhã, quân tử vẫn cò đó, chỉ bằng một từ nhẹ nhàng "say nhè", say nhưng không làm ồn ã, náo động mà chỉ đơn giản là yên ắng, âm thầm ngả lưng xuống chiếu, mở đôi mắt đỏ hoe ngắm trăng ngắm trời rồi thiu thiu vào giấc ngủ.
Cái khung cảnh uống rượu của Nguyễn Khuyến khiến chúng ta liên tưởng đến sự cô đơn trống vắng trong từng cảnh vật và cả trong tâm tưởng của nhà thơ. Bởi chỉ nhìn phong thái uống rượu ta cũng đã nhận ra Nguyễn Khuyến buồn, thứ nhất là buồn trước thế sự đổi thay, đất nước loạn lạc, tiếp nữa là buồn trước cảnh cô đơn của bản thân khi những người thân yêu lần lượt ra đi trước, chịu cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Còn một mình nhà thơ ở lại sống lay lắt với những chứng bệnh tật tuổi già, chẳng còn cách nào để quên, ông bèn tìm đến rượu, bởi với ông chỉ vài ba chén đã say, mà say thì ngủ, ngủ thì không nhớ, không sầu. Thật xót xa cho bậc quân tử lại tài năng mà gặp thời cuộc xui rủi, nhiễu nhương.
Thu ẩm của Nguyến Khuyến là cảnh thu, chén rượu đắng cay của thi nhân trước khốn cảnh cuộc đời. Cả bài thơ ngoại trừ nhan đề, chẳng ai thấy tác giả nhắc đến chữ "thu" nào nữa cả, nhưng đấy lại là cái hay và độc đáo của một bài thơ tưởng không phải mùa thu mà lại là mùa thu. Một mùa thu nhẹ nhàng, trầm lắng, man mác nỗi buồn, nỗi cô đơn của thi nhân, qua đó cũng thấy được sự tinh tế và tài năng trong phong cách làm thơ của Nguyễn Khuyến.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 2
Thu ẩm có nghĩa là mùa thu uống rượu. Đây là một trong ba bài thơ Nôm nói về mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến: Thu điếu (Mùa thu câu cá), Thu vịnh (Mùa thu làm thơ), Thu ẩm (Mùa thu uống rượu). Chùm thơ này là dáng thu, hồn thu của đồng bằng Bắc Bộ thời xưa. Mỗi bài thơ mang những dáng thu riêng và những nét tâm tình riêng. Thấm đượm vào cảnh vật là tâm trạng băn khoăn, u uất của nhà thơ trước tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc.
Dáng thu trong Thu vịnh thăm thẳm, xa vời, quen mà lạ. Trời thu thì xanh ngát những mấy từng cao; khóm tre thu nhỏ lại trong hinh ảnh cần trúc, sương như khói phủ thành tầng trên mặt nước, song thưa để mặc bóng tràng vào, hoa năm nay bỗng thành hoa năm ngoái, tiếng ngỗng thảng thốt, mơ hổ… Hồn thu như lắng chìm vào bôn trong, ẩn chứa ở chiều sâu.
Dáng thu, hồn thu ở bài Thu điếu lại chất chứa trong sự thu nhỏ và lặng im của cảnh vật: chiếc thuyền câu bé tẻo teo, nước biếc trên mặt ao chỉ gợn tí, lá vàng khẽ rơi vèo không thành tiếng, tiếng cá đớp động rất nhẹ dưới chân bèo. Tất cả đều im lìm, tĩnh mịch. Tưởng chừng như ông câu cũng hoá đá trong tư thế tựa gối ôm cần. Tâm tư cụ Tam Nguyên ngụ trong sự chờ đợi mỏi mòn giữa không khí yên lặng gần như tuyệt đối.
Trở lại với hai bài thơ thu kia mấy dòng như vậy là có ý so sánh đế nhìn được rõ hơn dáng thu, hồn thu và tâm tư nhà thơ trong bài Thu ẩm này, ở đây, dáng thu, hồn thu và cả tâm tư nhà thơ có khác. Cảnh vật vẫn là những cảnh vật quen thuộc. Từ nhà, từ vườn của cụ Tam Nguyên nhìn ra cánh đồng, cái ao, rặng tre, hàng giậu, ngõ xóm quanh co, hun hút, trời xanh trên đầu, khói phủ mặt nước, bóng trăng trong ao. Khác một chút là ở đây, Nguyễn Khuyến không còn là nhà thơ, là ông câu mà là ông già khề khà chén rượu giải sầu. Nhưng cũng chính vì cái khác ấy mà cảnh vật dường như biến đổi, đầy bất ngờ và thú vị .
Hai câu đề:
Ba gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.
Nhà tranh mà gọi là nhà cỏ thì giá trị đã hạ xuống một bậc nhưng chữ nghĩa khác nhau chưa mấy. Nhưng thấp le te thi đã rõ ra là lụp xụp và chẳng còn lành lặn, mái tranh đã rách nát, xác xơ đổi dạng. Tiếp theo, ngõ tối và đêm sâu là cảnh bình thường nhưng ánh lửa đom đóm lập loè lúc tối, lúc sáng làm cho ngõ tối và đêm sâu cũng biến dạng.
Hai câu thực:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Sương thu lớt phớt như làn khói mỏng phủ lên bờ giậu, khiến cho rặng cây cũng nhạt bớt màu đêm. Đặc biệt tài tình là hình ảnh mặt ao lăn tăn gợn sóng, lóng lánh bóng trăng. Bóng trăng trên mặt nước lúc dồn lại, lúc loe ra, biến dạng liên tiếp.
Hai câu luận:
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Nguyễn Khuyến tả cảnh trời và cảnh mình. Dường như bầu trời và con người đều bị một thế lực vô hình nấo đó làm cho biến đổi: Da trời không biết ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt mình không vầy sao cũng đỏ hoe? Hay là do say rượu ? Say rượu cũng thường đỏ mắt. Chữ ai trong câu thơ lấp lửng một mối hoài nghi lấp lửng nhưng không vô ý. Đây cũng là biểu hiện tâm trạng của nhà thơ chăng? Hay là nó cũng cùng một mạch với cảm nhận hoa năm nay mà nhìn ra hoa năm ngoái và nghe tiếng ngỗng văng vẳng trên không mà giật mình tự hỏi là ngỗng nước nào ? Tâm tư nhà thơ trĩu nặng trước cảnh đất nước bị lũ giặc ngoại xâm giày xéo mà mình thì đau đớn, day dứt khồng nguôi.
Cuối cùng là tửu lượng của nhà thơ cũng chẳng còn bình thường: Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy, Chỉ dăm ba chén đã say nhè. Tại sao cảnh vật lại có sự biến hình đổi dạng như thế? Do người nhìn say rượu chăng bởi khi say thì nhìn một hoá thành hai, thành ba hoặc nhạt nhoà tất cả. Sự vật biến đổi hình dáng, màu sắc, đường nét rối lên, nhoè ra, chập lại, lảo đảo như say.
Âm thanh bài thơ cũng theo điệu ấy. Rõ nhất và cũng bất ngờ nhất, thú vị nhất là ở các từ: le te, lập loè, loe, đỏ hoe, say nhè. Tất cả các từ quy vào âm chủ đạo là e: từ nhè, say nhè mà ra rồi nhoè ra thành nguyên âm đôi oè (lập /oè), oe (loe, hoe), các vần này cũng lảo đảo say theo, say mạnh hơn. Cảnh vật cũng như say: ánh sáng đom đóm hoá lập loè, bóng trăng chập chờn loe ra theo làn sóng, mắt người tự nhiên cũng đỏ hoe. Trong câu: Làn ao lóng lánh bóng trăng loe có đến bốn tiếng có phụ âm l nối tiếp nhau, càng làm tăng gấp bội cái cảm giác ngửa nghiêng, chao đảo không chĩ ở bóng trăng mà ở cả mặt ao, làn nước và từ đó lan toả ra toàn bài để rồi kết thúc bằng hai chữ say nhè.
Nhà thơ một mình đối diện với bầu rượu trong đêm thu vắng. Sau dăm ba chén, hơi men đã khơi dậy tâm tư. Nỗi xúc động sâu xa trong tâm hồn nhà thơ thấm vào cảnh vật, đồng điệu với dáng thu, hồn thu. Cái hay, cái tài của bài thơ Thu ẩm là ở đó. Nhà thơ buồn bã, day dứt không nguôi trước vận nước rối ren, đành mượn vài chén rượu giải khuây nhưng càng uống lại càng thấy nỗi niềm đó hiện ra rõ rệt hơn, làm lảo đảo đến cả cảnh vật đêm thu. Đã có lúc không uống rượu và tâm trạng dường như vui hơn, cụ Tam Nguyên tự cười mình và cũng thấy mình chuếnh choáng: Khấp khểnh ba chân dở tĩnh say kia mà.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 3
“Rượu”, “hoa”, “trăng”… là những thú tiêu khiển thanh cao của các tao nhân mác khách xưa nay. Bài thơ “Nâng chén, hỏi trăng” của Lý Bạch rất được nhiều người yêu thích:
Người nay chẳng thấy trăng thời trước
Người trước, trăng nay soi đã từng
Người trước, người nay như nước chảy
Cùng xem trăng sáng đều thế đấy
Chỉ ước vui ca thưởng chén quỳnh
Be vàng, trăng sáng vào rọi mãi”.
(Tương Như dịch)
Tam Nguyên Yên Đổ cũng có nhiều câu thơ rất đậm đà ý vị nói về rượu:
Khi vui chén rượu say không biết
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa
(Cáo quan về ở nhà)
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu
(Lụt, hỏi thăm bạn)
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua…
Và còn có Thu ẩm – mùa thu uống rượu. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Câu thơ đã diễn tả trạng thái ngà ngà say… đến “say nhè”: “Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ năm ba chén đã say nhè”. “Say nhè” là say êm, say nhẹ, say rồi ngủ quên đi lúc nào chẳng biết. Chẳng phải là say bét nhè, bê tha. Nguyễn Khuyến rất thanh cao, chỉ có “năm ba chén” nhỏ, đúng là cái thú “Khi vui chén rượu say không biết” hoặc “Khi hứng uống thêm năm chén rượu – Khi buồn ngâm láo một câu thơ” (Đại lão)
Trong sáu câu thơ đầu thì đã có đến năm câu đều có màu sắc thể hiện một cái nhìn đếm thu lúc ngồi uống rượu một mình. Có màu đen thẫm mịt mùng của đêm sâu “ngõ tối”. Có ánh sáng “lập loè” của bầy đom đóm. Có sắc trắng nhờ của “màu khói nhạt” nhẹ bay “phất phơ” trên lưng giậu cúc tần trước sân của năm gian nhà cỏ bình dị. Có màu vàng của bóng trăng loe tan ra “lóng lánh” trên làn ao “sóng biếc theo làn hơi gợn tí” trong veo. Có da trời màu “xanh ngắt” rất đẹp. Và sắc “đỏ hoe” của đôi mắt ông lão, của thi nhân đang uống rượu âm thầm.
Cảnh vật có đường nét cao, thấp, xa, gần, mỏng và nhẹ. Độ “thấp le te” của ngôi nhà cỏ năm gian. Độ sâu của đêm khuya và “ngõ tối” nơi làng quê vùng đồng chiêm trũng. Độ nhẹ vờn bay “phất phơ” của màu khói nhạt. Chiều đo “thấp” của “lưng giậu”, nét gợi của “làn ao”, vòng tròn của “bóng trăng loe” trên mặt “ao thu lạnh lẽo”, độ xa, cao, rộng của bầu trời, chân trời, độ hõm của đôi mắt “đỏ hoe” đã “say nhè”. Màu sắc ấy, đường nét ấy qua cái nhìn chập chờn, tỉnh say say tỉnh của nhà thơ. Màu sắc đường nét ấy là màu sắc của tâm tưởng, là đường nét của tâm trạng. Còn đâu nữa, chén rượu tri âm của đôi bạn “đăng khoa ngày trước?”.
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân?
Nay nhà thơ chỉ còn uống rượu trong đêm sâu, âm thầm, lặng lẽ và cô đơn. Cao Bá Quát nửa đầu thế kỷ XIX chỉ uống rượu “tiêu sầu”. Còn Nguyễn Khuyến “đêm thu nay’’ uống rượu cho vơi đi nỗi buồn thế sự “Rằng quan nhà Nguyễn nhà Nguyễn cáo về đã lâu” uống rượu để thao thức, thao thức nên uống rượu để vơi đi nỗi đau cuộc đời: “Có phải tiếc xuân mà đứng gọi – Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ” (Cuốc kêu cảm hứng). Vợ chết, con mất, bạn chí thân qua đời, tuổi già, ốm đau, Nguyễn Khuyến mượn “năm ba chén rượu” để vợi đi ít nhiều nỗi buồn cô đơn:
Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mây côi
(Gửi bạn)
Hình như chén rượu của nhà thơ đã tràn đầy nước mắt? Hai câu kết ý tại ngôn ngoại. Thấm một nỗi buồn mênh mông. Người đọc vô cùng xúc động khi thấy nhà thơ “say nhè” nằm ngủ:
Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè
Cả bài thơ, ngoài đầu đề Thu ẩm ra, chẳng có một chữ thu nào nữa, thế mà câu thơ nào cũng chứa đựng một tình thu, và hồn thu man mác, dào dạt. Đó là chất thi vị độc đáo của bài thơ này. Các từ láy: “le te”, “lập loè”, “phất phơ”, “lóng lánh”… với các từ “rượu”, “chén”, “say nhè” – cho thấy nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến vô cùng tinh luyện, hình tượng và biểu cảm. Trước Nguyễn Khuyến gần 500 năm, Nguyễn Trãi có câu thơ:
Sách một hai phiên làm bầu bạn
Rượu năm ba chén đổi công danh
(Tự thán – 10)
Sau khi Nguyễn Khuyến mất gần nửa thế kỷ, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng có câu thơ nói về rượu: “Du kích quy lai tửu vị tàn”. (Thu dạ, 1948). Đó là những chén rượu một thời, cũng là những chén rượu một đời. Chén rượu của các thi nhân – chén rượu thanh cao và sang trọng.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 4
Tác giả Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng. Ông được biết đến là một vị quan có phẩm chất thanh cao và thanh liêm, chính trực. Trong dân gian, đã có rất nhiêu gia thoại thú vị kể về sự gắn bó của nhà thơ Nguyễn Khuyến với người dân.
Không chỉ là một vị quan chính trực, hết lòng vì nhân dân, Nguyễn Khuyến còn là một người có tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc luôn rộng mở và gắn bó với thiên nhiên, làng quê và quê hương đất nước. Quá trình phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn màu sắc thu ở đồng bằng Bắc bộ. Chùm thơ thu là những bức tranh thu đặc sắc, với ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả. Phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, độc giả không thể không nhắc đến tác phẩm “Thu ẩm”. Nếu như Thu điếu là mùa thu câu cá thì Thu ẩm là mùa thu uống rượu.
Trong bài Thu ẩm này, độc giả cảm nhận hồn thu, dáng thu và tâm tư của nhà thơ. Nhà thơ giới thiệu nhà, vườn ra tới cánh động, rặng tre, ao vườn, hàng giậu, ngõ xóm. Chúng mang dáng vẻ hun hút, quanh co… Đọc những câu thơ, chúng tả cảm nhận lúc này Nguyễn Khuyến không còn là thi nhân nữa mà trở thành ông già đang khề khà chén rượu để giả sầu. Chính với cái nhìn say sưa đó mà cảnh vật biến đổi đầy thú vị và bất ngờ:
“Ba gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.
Bức tranh thu của tác giả hiện lên với hình ảnh ngôi nhà cỏ thấp le te. Thấp le te có nghĩa là rất đơn sơ và lụp xụp, mái tranh cũng xác xơ và rách nát. “Đã thế, lại điểm thêm những đốm sáng lập lòe của đom đóm trong ngõi tối đêm sâu, trông càng heo hút, cô quạnh:
“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Bức tranh thu ẩm ấy hiện lên sau lớp sương thu mỏng phớt phơ như làn khói mỏng. Khiến cho khung cảnh trở nên thật mờ nhạt trong màu đêm chập choạng. Đặc biệt, hình ảnh ao thu ở đây không lạnh lẽo trong veo nữa mà là lóng lánh bóng trăng. Có nghĩa là bóng trăng lúc dồn lại, lúc tỏa ra liên tiếp biến dạng, trông thật thú vị nhưng cũng đong đầy cảm xúc:
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vẩy cũng đỏ hoe”.
Ban đêm mà thi nhân thấy bầu trời xanh ngắt, còn mắt không vầy mà cũng đỏ hoe. Thật kỳ lạ! Nhưng đó chính xác là diễn tả tâm trạng buồn bã chán chường, tìm đến rượu để giải sầu của tác giả. Chẳng thế mà thi nhân mới nói “Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ năm ba chén đã say nhè”.
Không phải say túy lúy mà chỉ say nhè, say nhẹ, say rồi ngủ mà không bê tha, phá phách. Có thể thấy theo Nguyễn Khuyến, mùa thu thật hợp để có thể lè nhè đôi ba chén rượu.
Mặc dù đã lui về ở ẩn, vui thú điền viên nhưng tận sâu trong tâm hồn thi nhân vẫn đau đáu nỗi lo vận mện của đất nước. Thông qua cảnh vật, nhà thơ muốn gửi gắm sự xót xa, tiếc nuối trước tình cảnh nước nhà đang bị giặc ngoại xâm. Qua chùm thơ cũng thấy rõ được tài năng thơ ca của tác giả. Chỉ những người có tâm hồn tinh tế mới có thể viết nên những câu thơ lay động lòng người đến vậy.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 5
Hình như trong thi ca – nhắc đến mùa thu là nhắc đến nỗi buồn – nỗi buồn trải ra với đầy đủ cung bậc: từ buồn thương, buồn nhở, buồn man mác… Nhưng với mỗi thi nhân, nỗi buồn lại gắn với một tâm sự khác nhau.
Đến với Thu ẩm của Nguyễn Khuyến – nhà thơ của làng cảnh Việt Nam – người đọc lại được chiêm ngưỡng một bức tranh thu với với đủ sắc màu và âm thanh dưới cái nhìn, dưới con mắt của một thi nhân, của một con người đang đơn độc nâng chén với cuộc đời. Nhan đề “Thu âm” – mùa thu uống rượu – là nhãn tự, là nơi nói lên nội dung chính của bài thơ. Có thể nói, trong ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, chỉ có bài Thu điếu là nhất quán về không gian, về thời gian. Còn ở bài Thu vịnh và Thu ẩm khó có thể xác định một không gian, thời gian cụ thể nào.
Có thể nhà thơ Nguyễn Khuyến uống rượu làm thơ trong một đêm thu nào đó nhưng cảnh thu không nhất thiết là cảnh đêm thu. Khi cái say men đã làm thi nhân hơi chếnh choáng thì các hình ảnh lần lượt hiện về trong tâm trí dệt nên bức tranh thu đa dạng. Vẫn bằng bút pháp hiện thực quen thuộc, bằng lời thơ bình dị, Nguyễn Khuyến mở đầu bài thơ bằng cảnh:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập lòe.
Nơi nhà thơ đang uống rượu làm thơ không phải là thư phòng, thư sảnh của lầu son gác tía nào mà chỉ là ngôi nhà cô đơn sơ bình dị nơi thôn dã, một ngôi nhà lợp bằng rơm rạ “thấp le te”. Từ nơi ấy thi nhân nhìn ra chỉ thấy màn đêm sâu thẳm. Đó là một đêm tối gợi lên chiều sâu không cùng, tối tăm, ánh sáng đom đóm mới lập lòe như thế. Trong đêm thu trời tối, Nguyễn Khuyến trầm ngâm bên chén rượu, những cảnh thu ở nhiều nơi cứ lập lòe ẩn hiện trong tâm trí của thi nhân. Đó là cảnh chiều thu quê hương yên ả, đầm ấm:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt.
Đó là cảnh đêm trăng mùa thu được cảm nhận từ phía ao nhà: “Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”. Đó là cảnh mùa thu trong một ngày nắng đẹp: “Da trời ai nhuộm màu xanh ngắt”. Cảnh trong tâm tưởng mà rất thực, rất bình dị. Đó là cảnh quê, hồn quê từ lâu đã thấm sâu, hòa nhập vào tâm hồn Nguyễn Khuyến để khi làm thơ thi hứng lại gọi về. Trăng mùa thu là thi liệu quen thuộc nhưng thi liệu ấy lại trở nên mới mẻ sinh động lạ thường khi được nhìn qua đôi mắt của thi sĩ làng quê Yên Đổ.
Nhà thơ Xuân Diệu cho đây “là một câu thơ hiếm có”, một phát hiện của nhà thơ có tài: “… câu Làn ao lóng lánh bóng trăng loe, là của một thi sĩ thật có tài, bóng trăng vàng từ mặt nước ao sáng lóe ra, bốn chữ khả năng (làn, lóng, lánh, loe) gợi chất vàng nước kim loại, ba dấu sắc khứ thanh (lóng, lánh, bóng) gợi ánh bắn đi; từ loe, âm oe gợi cái gì tròn (tròn xoe) như cái ao chẳng hạn”.
Xuân Diệu đã phân tích rất tinh tế khả năng gợi tả của ngôn ngữ ở phương diện ngữ âm. Nhưng để có cái hay, cái đẹp, cái độc đáo ấy trước hết là ở cách nhìn, ở hướng tiếp cận. Thi sĩ bao đời nay miêu tả trăng thu. Nhìn trăng qua ao mới có vẻ đẹp lóng lánh như thế, trăng từ trong ao hắt ánh sáng lên mới tạo ra những chùm sáng lòe như thế. Một thi sĩ tài năng thì không có đề tài nào là mòn cũ, không có câu chữ nào là mất đi sức sống. Thu ẩm là mùa thu uống rượu mà mãi cuối bài thơ mới thấy hình ảnh người uống rượu xuất hiện:
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
Đó là chân dung tự họa của nhà thơ Nguyễn Khuyến trong những năm tháng ẩn dật ở quê nhà. Nỗi niềm gì đang xót lòng xót dạ người nho sĩ ấy đến mức mắt đỏ hoe, rớm máu? Từ đôi mắt, người đọc nhìn thấu nỗi buồn đau của cụ Tam Nguyên. Đã từng đỗ đầu thi hương, thi hội đã từng được vua ban chức này tước nọ mà Nguyễn Khuyến không chút đắc ý về cuộc đời mình. Có lúc ông còn thấy việc học cũ là viển vông vô ích, việc làm quan trong thời buổi ấy là nỗi nhục. Tưởng là trở về vườn xưa chốn cũ để thanh thản nỗi lòng, nào ngờ đâu lòng vẫn nặng buồn đau:
Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn
Tình thương hải tang điền qua mấy lớp.
(Trở về vườn cũ)
Để dịu bớt cơn đau, để khuây khỏa nỗi buồn, Nguyễn Khuyến đã làm bạn với túi thơ, bầu rượu. Ở Trung Quốc có nhà thơ Lí Bạch làm nhiều bài thơ về rượu, ở nước Nam ta không có ai nói về rượu trong thơ nhiều như Nguyễn Khuyến. Nhà thơ hay uống rượu nhưng chả uống được nhiều. Người ta uống rượu để mà quên, để mà say còn Nguyễn Khuyến uống rượu lại càng nhớ, lại càng buồn. Cái tôi trữ tình của nhà thơ trong bài Thu ẩm bề ngoài thì có vẻ say nhè nhưng thực chất là rất tỉnh. Say nhè để quên mọi chuyện nhưng nhà thơ không quên được nỗi đau buồn về non sông đất nước.
Bức tranh thi nhân uống rượu trong đêm thu khép lại với những vần thơ đầy xúc động. Có bài thơ, ngoài nhan đề Thu ẩm – chẳng có thêm một chữ “thu” nào, thế mà hồn thu, hơi thu lan tỏa khắp không gian, thấm vào vạn vật và dư âm thu vẫn lan tỏa mãi trong lòng người đọc. Với Thu ẩm, nhà thơ đã viết nên một áng thơ mang đậm dấu ấn và âm hưởng riêng của một Nguyễn Khuyến tài tình và tinh tế, qua đó bộc lộ tâm sự, nỗi buồn về vận nước. Niềm yêu nước của Nguyễn Khuyến biểu hiện thâm trầm, kín đáo mà không kém phần sâu sắc.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 6
Nguyễn Khuyến là một trong những tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ Thu ẩm thuộc chùm thơ về mùa thu của ông và là một trong những bài thơ thu hút độc giả nhất của ông. Bài thơ này đánh dấu một tư tưởng đặc sắc trong đời sống của con người, cũng như là nỗi lòng của nhà thơ về đất nước. Cảnh thu trong bài thơ được miêu tả qua bút pháp nghệ thuật thơ đầy độc đáo, tiêu biểu.
Bài thơ Thu ẩm của Nguyễn Khuyến bắt đầu với hai câu đề:
Ba gian nhà có thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Nguyễn Khuyến không chọn không gian sáng để tôn lên bức tranh thu mà thay vào đó là không gian buổi đêm “ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”. Cảnh thu trong bài thơ không phải là những gì tươi đẹp, sang trọng, rực rỡ. Đó là cảnh nghèo khó “ba gian nhỏ cỏ”. Gian nhà cỏ là biểu trưng cho cái nghèo, cái cực. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Khuyến, cái nghèo dường như bị xóa nhòa. Từ láy “le te” gợi hình dung về mức độ thấp của cảnh vật. Bóng tối dường như bao trùm và khiến cảnh vật bị xóa nhòa.
Hai câu thực:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn áo lóng lánh bóng trăng loe.
Hình ảnh thơ rất độc đáo: sương thu như màu khói phủ quanh bờ rào. Cách chọn hình ảnh rất bình dị, rất mộc mạc. Hình ảnh này cho ta thấy rõ hơn cảnh vật buổi đêm trong bài thơ và tạo cho độc giả một hình ảnh rất sinh động, tươi mới. Xuất phát từ hai câu đề “Ba gian nhà có thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè”, bài thơ Thu Ẩm của Nguyễn Khuyến đưa đọc giả vào không gian buổi đêm với cảnh vật nghèo khó và mờ mịt. Tuy nhiên, nhờ vào cách chọn từ và hình ảnh rất bình dị, mộc mạc của tác giả, cảnh vật được tô điểm một cách tươi mới, sinh động hơn.
Với hai câu thực “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn áo lóng lánh bóng trăng loe”, Nguyễn Khuyến miêu tả hình ảnh sương thu như màu khói phủ quanh bờ rào và bóng trăng lóng lánh, tạo nên một bức tranh về cảm giác uống rượu mùa thu cực kỳ tuyệt vời.
Với tông thơ cao quý và lời văn rất ấn tượng, Nguyễn Khuyến đã đưa đọc giả vào một thế giới đầy màu sắc và cảm xúc. Bài thơ Thu Ẩm của ông là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong thơ Việt Nam, là một bức tranh về văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 7
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè.
Cứ mỗi khi nhắc tới mùa thu là con người ta lại cảm thấy trong đó là cả thế giới của một kiểu tâm trạng hết sức đặc trung trong văn học, đó là tâm trạng buồn, buồn thương, buồn nhớ, buồn man mác…buồn. Với đủ những cách thức để đi đến những tâm trạng đó, các nhà thơ đã sử dụng một cách khéo léo, tinh tế những yếu tố của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật để bày tỏ, để diễn tả tâm trạng của mình qua bức tranh thu buồn kia. Đến với nhà thơ Nguyễn Khuyến, nhà thơ đã được mệnh danh là người đã vẽ nên những bức tranh làng quê vùng Bắc Bộ Việt Nam vào mùa thu đầy đủ và đẹp đẽ nhất, người đọc có lẽ sẽ nhắc tới ngay bài thơ “thu ẩm” trong chùm thơ thu rất nổi tiếng của ông. Nhan đề bài thơ là “thu ẩm” có nghĩa là mùa thu uống rượu là nhãn tự, là nơi nói lên nội dung chính của bài thơ, và ở đây, bài thơ là một bức tranh mùa thu với đủ sắc màu và âm thanh dưới cái nhìn, dưới con mắt của một thi nhân, của một con người đang đơn độc nâng chén với cuộc đời. Năm câu thơ đầu tiên, nhà thơ mở ra một khung cảnh làng quê vào mùa thu trong một thời điểm vô cùng đặc biệt, đó là ban đêm.
Không giống như các thi nhân khác, không tìm đến với những thời điểm có thể coi như là kiểu công thức văn học, không bước theo những lối đi quen thuộc để tả cảnh và rồi tả tình, không lựa chọn hoàng hôn, cũng không lựa chọn chiều tà. Hoàng hôn và chiều tà là những thời điểm rất đặc trưng trong văn học, khiến cho người ta cứ mỗi khi nhắc tới đều cảm nhận được ngay cảnh và tình trong đó, rất hay và rất sâu sắc. Đó là hai thời điểm đã đem lại những thành công rực rỡ cho biết bao tác phẩm thơ, nhưng với nhà thơ Nguyễn Khuyến, hai thời điểm đó dường như đã quá thân quen, và nó cũng không phù hợp với những tâm trạng mà thi sĩ đang ôm ấp trong lòng. Nhà thơ đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho mình ngay từ cách chọn thời điểm miêu tả cảnh ở đầu bài thơ.
“Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”
Giữa thời điểm ban đềm đầy mới mẻ ấy, nhà thơ đã khám phá những cảnh vật rất bình dị, rất thân thuộc và hơn nữa là rất đặc trưng của mùa thu nơi thôn dã. Trong đêm tối, dường như tất cả mọi vật đều bị bao trùm bởi một màu đen của trời đất, tưởng chừng con người ta sẽ chẳng thể trông thấy một thứ gì huống chi là ngắm, ngắm để tìm thấy cái đẹp trong không gian tối mịt. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã từ từ vẽ nên trước mắt người đọc một ngôi nhà năm gian “thấp le te” hay chăng là những con đom đóm đang bay vò vè trong không trung và phát ra một thứ ánh sáng “lập lòe”. Những gì mà nhà thơ nhìn thấy và vẽ nên thật quá giản đơn và mộc mạc nhưng ai bảo sự giản đơn và mộc mạc ấy không đẹp. Lặng mình cô đơn ngắm cảnh vật trong một không gian đặc biệt, một không gian rộng lớn, mịt mù của màu đen, không gian có chiều sâu thăm thẳm của đêm tối, thì việc nhìn thấy một thứ gì đó đã là rất tuyệt.
Chỉ có một mình nhà thơ với không gian và cảnh vật, chẳng có người thân, chẳng ai bầu bạn, lúc này đây, chỉ có vật kia là bầu bạn cùng nhà thơ, gian nhà cổ, rộng mà vắng bóng người, “thấp le te”, hay những con đom đóm bay đi kiếm mồi trong đêm, phát ra thứ ánh sáng mà nhà thơ gọi là “lập lòe” nó không sáng chói, không yếu ớt mà nhẹ nhàng, bé bỏng, mờ ảo, mơ hồ, lúc có lúc không làm cho không gian trước con mắt của nhà thơ bỗng trở nên thú vị và vui mắt bởi cái “lập lòe”của đom đóm.Vẫn trong thời điểm đặc biệt ấy, thi sĩ ấy, con người ấy vẫn lẻ loi, một mình, ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu và ngắm cảnh, ngắm cảnh như thể đi tìm những người bạn thiên nhiên, cảnh vật đang thức cùng mình trong đêm khuya tĩnh lặng.
“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao long lánh bóng trăng loe”
Đêm khuya là một thời điểm mà theo quy luật của tự nhiên, mọi vật đã đến lúc nghỉ ngơi, con người cũng đi phải thiếp đi một giấc sau một ngày lao động nhưng trong bài thơ của Nguyễn Khuyến thì không như vậy. Ông không để cho cảnh vật chìm vào trong giấc ngủ mà để chúng thức, thức cùng ông, để ông được nhìn ngắm cảnh đẹp đêm thu, để ông không phải cô đơn, một mình ngồi uống rượu trong đêm khuya thanh vắng. Bức tranh thu của nhà thơ cứ dần hiện lên một rõ nét hơn với đủ những màu sắc của cảnh và vật. Nguyễn Khuyến đã tìm đến để ngắm, để làm bạn với những vật sống không tuân theo quy luật của con người khi màn đêm buông xuống, những cảnh vật trước mắt ông đều đang thức, đang tiếp tục quy luật sống của mình vào ban đêm.
Mùa thu tới, cảnh vật đều như đang hòa mình vào cái khí thu đang lan toả khắp mọi nơi, không còn cái gió mát lộng sau một ngày nắng chói của mùa hè, không còn cái gió lạnh thấu xương của mùa đông, cũng không còn làn gió ấm áp lẫn trong mưa phùn của mùa xuân, mà nay, thay thế cho tất cả những thứ đó là một làn gió nhẹ, nhẹ mà hơi se lạnh, gió cứ luồn qua từng ngõ ngách, lướt trên từng sự vật, bao phủ lên không gian một hơi thu rõ rệt. Cơn gió nhẹ hiu hiu làm cho làn sương đêm bay đi mọi nơi, bám vào vạn vật trên con đuờng mà nó đi qua. Cơn gió ấy đưa làn sương đi qua con mắt, đi qua tâm hồn của thi sĩ, làn sương trắng mỏng manh kia bỗng trở nên đẹp, có màu sắc như những cảnh vật mà thi sĩ đã vẽ nên trong bức tranh thu. Làn sương trắng giờ mang trên mình cái sắc mờ của “màu khói nhạt” nhẹ bay “phất phơ” trên lưng giậu cúc tần quanh năm gian nhà cỏ bình dị. Làn sương tưởng chừng như rất đỗi bình thường vậy mà nay, trong sự cảm nhận của một con người đang có trong mình một chút men say, có trong mình một chất thơ nồng nàn, làn sương ấy có cái đẹp lạ lùng, cái đẹp ấy là cái đẹp mà chắc hẳn chỉ có mùa thu mới có thể đem đến cho nó, chỉ có mùa thu mới có thể khoác lên cho làn sương cái dáng vẻ “phất phơ” mềm mại, yểu điệu giữa màn đêm sâu thẳm.
Cái nhìn của nhà thơ trải qua từng cảnh, từng sự vật, từ gian nhà cỏ, qua ngõ tối sâu thẳm, hết lưng giậu cúc tần và giờ là tới bờ ao trước mặt. Mặt ao giờ đây cũng chuyển động, cũng họat động như bao vật khác mà nhà thơ đã trông và đã ngắm. Làn ao lúc này không giống như ban ngày đón nhận sự phản chiếu chói chang của ánh nắng mặt trời mà đã khác rồi. Đêm đến, mặt trời đã khuất sau lũy tre làng đằng xa, mặt trời đã nhường chỗ cho mặt trăng, mặt trăng xuất hiện, phát ra một thứ ánh sáng nhẹ nhàng, dễ chịu, một thứ ánh sáng mà trong đêm thu, khi nhìn thấy con người ta có tẻer có cảm giác thật dễ chịu, mát mẻ cũng có mà ấm áp cũng có. Trước gió và trăng thu, gió thu lướt lăn tăn sóng mặt nước, trăng thu soi bóng vàng loe, một cảm giác nhẹ nhàng trong một không gian với những gam màu cũng thật nhẹ, thật êm dịu.
Ánh trăng sáng soi xuống làn nước ao đang gợn sóng nhẹ tạo nên một cảnh tượng thật đẹp và huyền diệu. Vẫn chỉ có một trăng, nhưng trăng trên cao lại khác với tăng trong làn ao trước mắt thi si. Phải chăng sự khác biệt ấy chỉ có với tâm hồn của một thi sĩ, trăng trên bầu trời đêm thật tròn, thật sáng, còn trăng trong làn ao lóng lánh, mờ ảo, diệu kỳ và càng trở nên đẹp hơn, quyến rũ hơn khi trăng ấy quyện mình vào hơi sương mờ bay là là trong gió. Nhà thơ cô đơn mà lại trở nên không còn cô đơn nữa, nếu trước khi ngắm cảnh, ông thực sự chỉ có một mình, một mình cùng chén rượu trong đêm thì giờ đã khác, xung quanh nhà thơ đã có biết bao cảnh vật đẹp đẽ sang sống, đang họat động, đang khoác trên mình chiếc áo mùa thu giản đơn, mộc mạc mà đẹp đẽ, hấp dẫn. Khép lại những câu thơ miêu tả cảnh thu nơi thôn quê, nhà thơ đã đặt một câu hỏi tu từ đầy thú vị
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?”
Bốn câu thơ trên, nhà thơ vẫn đang miêu tả cảnh trong thời điểm là ban đêm, vậy mà đến câu thơ thứ năm này, ta lại trông thấy ở đó màu của ánh sáng, màu của ban ngày hiện lên giữa đêm tối. Phải chăng trong đêm thu đẹp đẽ ấy, thi sĩ vẫn để tâm hồn mình vẩn vơ, tương tư về một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng của ban ngày, thứ ánh sáng trong xanh, sâu thẳm của bầu trời không gợn một bóng mây. Đây là tả cảnh hay ước mơ nhỏ nhoi của thi sĩ về một không gian, một cuộc sống tươi đẹp, vui vẻ. Nhà thơ hỏi “da trời ai nhuộm”, hỏi một điều chẳng bao giờ là sự thật, chẳng bao giờ có, ai có thể “nhuộm” được màu của bầu trời để cho nó có được cái màu “xanh ngắt” đẹp đẽ ấy. Chỉ có điều đó trong ước mong, trong niềm khát khao và chỉ có niềm khát khao, hi vọng mới làm nên điều chưa từng có đó trong tâm hồn của tác giả, của một con người đang ngân nga trong chén rượu khuya. Ở câu thơ này, Nguyễn Khuyến đã thật khéo léo khi sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đáng lẽ câu thơ phải là “ai nhuộm da trời mà xanh ngắt” nhưng nhà thơ lại sắp xếp câu chữ thành “da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Nhà thơ muốn nhấn mạnh một câu hỏi tu từ không có lời giải để khẳng định cái đẹp của thiên nhiên, hay của cuộc sống mà thi sĩ luôn tìm kiếm để bầu bạn.
Trong những câu thơ miêu tả cảnh thiên nhiên làng quê thu vào một đêm khuya tĩnh lặng, dường như nhà thơ đã nhìn, đã ngắm, đã cảm nhận bằng thị giác và cảm giác, chính vì vậy mà hang loạt nhưng từ láy như “le te”, “lập lòe”, “phất phơ”, lóng lánh” cùng nhiều từ ngữ giàu tính tạo hình khác đã được sử dụng một cách tài tình và khéo léo để làm cho bức tranh thu mộc mạc giản dị ấy vẫn trở nên đẹp, đẹp vẻ đẹp của sự gần gũi, của sự hấp dẫn và chân thật. Đặc biệt, trong câu thơ thứ tư “làn ao lóng lánh bóng trăng lòe”, cách vận dụng và sắp xếp các từ ngữ đã thể hiện sự tài năng rất khác biệt của Nguyễn Khuyến. Bóng trăng vàng từ mặt nước sáng loé ra, bốn chứ “l” nối tiếp nhau trong một câu thơ đã tạo cho bài thơ một sức nặng, gợi tả chất vàng nước kim loại, ba dấu sắc khứ thanh là “lóng, lánh, bóng” gởi sự bắn đi của ánh sáng, từ “loe” với vần “oe” đã gởi ra một hình khối tròn trịa, bầu bĩnh như trăng trên bầu trời đêm thu. Bức tranh cảnh đêm thu của Nguyễn Khuyến có gì là kiêu sa, có gì là diễm lệ, sang trọng đâu, vậy mà tất cả lại hiện lên đẹp đẽ đến vậy, đáng yêu đến vậy. Cảnh như hút hồn người vào đó để cùng thưởng thức, cùng cảm nhận về cái đẹp mà chỉ có nơi làng quên, thôn dã mới có được. Bài thơ vẫn chưa dừng lại ở đó, câu thơ thú vị ấy như một cái khép lại cho tả cảnh nhưng như là một bước chuyển, mở ra những câu thơ cuối, tả tình, tả mình, tả tâm trạng.
“Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè”
Đến câu thơ thứ sáu này, người đọc vẫn thấy những vần thơ miêu tả của thi sĩ, nhưng giờ thi sĩ ấy không miêu tả cảnh trước mặt mình nhìn thấu mà đi tả chính bản thân mình, bản thân của một con người đang mang nặng trong lòng những nỗi đau chua chát của cuộc đời. Nhà thơ tả một con người đang đắm mình trong chén rượu, uống rượu để thao thức, để ngẫm qua một đêm dài, nhưng thao thức lại để uống rượu để quên đi những nõi đau mà ông biết cho dù thế nào nó vẫn mãi mãi không bao giờ có thể xóa đi trong trí nhớ và tâm hồn mình. Nếu nỗi đau về thế sự, con người ta còn có thể cố gắng lãng quên đi phần nào và tìm về với nơi mình đã bắt đầu, gia đình, người thân, nhưng một nỗi đau khi nơi ấy cũng chẳng còn nữa thì còn có gì để quên được nữa đây.
Sự thực về cuộc đời là một tấn bi kịch mà thi sĩ phải một mình gánh lấy, vợ chết, con mất, bạn chí thân qua đời, tuổi đã già, yếu đau, uống chút men say của rượu để cố quên, để vơi bớt đi nỗi buồn. Dường như chén rượu mà nhà thơ uống đang tràn đầy nước mắt, đôi mắt của tuổi giả đã hõm xuống, nheo lại nhưng giờ thì điều đó càng rõ hơn khi con người ấy khóc, khóc cho cuộc đời của chính mình, đôi mắt “đỏ hoe” trước những nỗi niềm và sự đau khổ trước bao mất mát quá lớn. Hai câu thơ kết ý tại ngôn ngoại, thấm một nỗi buồn mênh mông. Thi sĩ nâng chén rượu để tiêu sầu nhưng rượu vào, sầu chẳng vợi mà sầu lại càng sầu, buồn đau lại càng buồn đau gấp bội. Tìm đến rượu đâu phải để tìm thú vui cho bản thân mình, thi sĩ không uống rượu để biến mình thành kẻ say, thành kẻ hư vì rượu mà mượn rượu để ngắm cảnh, để say sưa một chút rồi “say nhè” và chìm vào giấc ngủ sau biết bao cảm nhận trước cảnh, biết bao tâm sự, cảm xúc về một thực tại tâm trạng, sự đớn đau tận cùng, sự thương tâm cho số phận của một người đàn ông, một đấng nam nhi.
“Thu ẩm” đã kết lại tại những vần thơ đầy xúc động này, có lẽ mỗi người đọc sau khi thưởng thức xong cái đẹp mùa thu trong bài thơ mà không hề thấy có bất kỳ sự xuất hiện của một chữ “thu”nào đều phải lặng im và suy tư về cuộc đời và số phận của thi sĩ, của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Ta chợt nhận ra rằng, trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, mỗi biến loạn của thế sự lại khiến cho con người ta biết bao mất mát, đau đớn, nạn nhân của nó không chỉ là những người phụ nữ mà những người đàn ông như chính nhà thơ cũng là một trong những nạn nhân phải gánh chịu hậu quả, chịu cảnh mất hết người thân, phải sống cô đơn, lẻ loi một mình đáng thương vô cùng.
Bằng tài năng và sự khéo léo của mình, nhà thơ đã viết nên một bài thơ mang đậm dấu ấn và âm hưởng riêng của một Nguyễn Khuyến đã tài tình và tinh tế viết nên một áng thơ giàu tính thẩm mĩ, tính đã nghĩa, từ cảnh mà tình, rồi tình lại nhuốm lên cảnh. Tất cả những phong cách ngôn ngữ nghệ thuật đó đã khiến cho những vần thơ “thu ẩm” của Nguyễn Khuyến mãi là một kiệt tác văn học tuyệt vời và xúc động.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 8
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học dân tộc, có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thu ẩm là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chùm thơ này đã tôn vinh Nguyễn Khuyến lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu của quê hương, làng cảnh Việt Nam.
Nhan đề bài thơ “Thu ẩm” có nghĩa là mùa thu uống rượu. Đây là một trong ba bài thơ Nôm nói về mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến: Thu điếu (Mùa thu câu cá), Thu vịnh (Mùa thu làm thơ), Thu ẩm (Mùa thu uống rượu). Chùm thơ này là dáng thu, hổn thu của đồng bằng Bắc Bộ thời xưa. Mỗi bài thơ mang những dáng thu riêng và những nét tâm tình riêng. Thấm đượm vào cảnh vật là tâm trạng băn khoăn, u uất của nhà thơ trước tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc.
Trong bài Thu ẩm này, ở đây dáng thu, hồn thu và cả tâm tư nhà thơ được đưa vào trong bài. Cảnh vật vẫn là những cảnh vật quen thuộc. Từ nhà, từ vườn của cụ Tam Nguyên nhìn ra cánh đồng, cái ao, rặng tre, hàng giậu, ngõ xóm quanh co, hun hút, trời xanh trên đầu, khói phủ mặt nước, bóng trăng trong ao. Khác một chút là ở đây, Nguyễn Khuyến không còn là nhà thơ, là ông câu mà là ông già khề khà chén rượu giải sầu. Nhưng cũng chính vì cái khác ấy mà cảnh vật dường như biến đổi, đầy bất ngờ và thú vị .
Ba gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.
“Nhà cỏ”, dùng để chỉ ngôi nhà đơn sơ, nhưng thấp le te thì đã cho thấy là lụp xụp và chẳng còn lành lặn. Mái tranh đã rách nát, xác xơ. Tiếp đến ngõ tối và đêm sâu là cảnh bình thường nhưng ánh lửa đom đóm lập lòe lúc tối, lúc sáng làm cho ngõ tối và đêm sâu cũng biến dạng.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Sương thu lớt phớt như làn khói mỏng phủ lên bờ giậu, khiến cho rặng cây cũng nhạt bớt màu đêm. Đặc biệt tài tình là hình ảnh mặt ao lăn tăn gợn sóng, lóng lánh bóng trăng. Bóng trăng trên mặt nước lúc dồn lại, lúc loe ra, biến dạng liên tiếp.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vẩy cũng đỏ hoe.
Da trời không biết ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt mình không vầy sao cũng đỏ hoe? Hay là do say rượu. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Câu thơ đã diễn tả trạng thái ngà ngà say đến “say nhè”: “Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ năm ba chén đã say nhè”. “Say nhè” là say êm, say nhẹ, say rồi ngủ quên đi lúc nào chẳng biết. Chẳng phải là say bét nhè, bê tha.
Trong sáu câu thơ đầu thì đã có đến năm câu đều có màu sắc thể hiện một cái nhìn đếm thu lúc ngồi uống rượu một mình. Có màu đen thẫm mịt mùng của đêm sâu ngõ tối. Có ánh sáng “lập loè” của bầy đom đóm. Có sắc trắng nhờ của “màu khói nhạt” nhẹ bay “phất phơ” trên lưng giậu cúc tần trước sân của năm gian nhà cỏ bình dị. Có màu vàng của bóng trăng loe tan ra lóng lánh trên làn ao “sóng biếc theo làn hơi gợn tí” trong veo. Có da trời màu “xanh ngắt” rất đẹp. Và sắc “đỏ hoe” của đôi mắt ông lão, của thi nhân đang uống rượu âm thầm. Cuối cùng là tửu lượng của nhà thơ cũng chẳng còn bình thường:
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Chỉ dăm ba chén đã say nhè.
Tại sao cảnh vật lại có sự biến hình đổi dạng như thế? Do người nhìn say rượu chăng bởi khi say thì nhìn một hoá thành hai, thành ba hoặc nhạt nhoà tất cả. Sự vật biến đổi hình dáng, màu sắc, đường nét rối lên, nhoè ra, chập lại, lảo đảo như say. Bài thơ, ngoài đầu đề “Thu ẩm” ra, chẳng có một chữ thu nào nữa, thế mà câu thơ nào cũng chứa đựng một tình thu, và hồn thu man mác, dào dạt. Đó là chất thi vị độc đáo của bài thơ này. Các từ láy: le te, lập loè, phất phơ, lóng lánh… với các từ rượu, chén, say nhè, cho thấy nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến vô cùng tinh luyện, hình tượng và biểu cảm.
Với bài “Thu ẩm”, nhà thơ thể hiện sự buồn bã, day dứt trước vận nước rối ren, đành mượn vài chén rượu giải khuây nhưng càng uống lại càng thấy nỗi niềm đó hiện ra rõ rệt hơn. Tất cả cũng đều vì tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
Bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến - mẫu 9
Bài thơ Thu Ẩm là một trong ba bài thơ viết về mùa thu nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đây là một bài thơ còn được biết đến với cái tên Uống rượu mùa thu. Điểm đặc biệt của bài thơ này chính là ngoại trừ nhan đề có chữ thu ra còn lại cả bài thơ này không có một chữ thu nào nữa. Tuy nhiên cái hay của Nguyễn Khuyến là ông vẫn vẽ lên được một khung cảnh thu ngập tràn. Đó cũng chính là cái hay và là nét độc đáo của bài Thu Ẩm. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết này nhé các bạn!
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.
Mùa thu là một đề tài và cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác thơ ca. Và trong số các bài thơ về mùa thu ấy không thể không nhắc tới bài Thu ẩm của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đây là một trong những sáng tác rất hay và độc đáo của nhà thơ này. Mở đầu bài thơ tác giả đã miêu tả một bức tranh đêm tối tĩnh mịch với căn nhà lụp xụp, liêu xiêu. Điều này điêu tàn tới mức con người ta chỉ có thể nhìn thấy được ánh sáng và sự chuyển động của những chú đom đóm trong đêm tối. Đó cũng chính là đặc sản của mùa hè và mùa thu dể biết rằng mùa thu đang hiện hữu quanh ta.
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Nếu như ở những câu đầu hình ảnh ăn nhà và ngõ sâu chìm trong màn đêm hun hút. Thì với phần sau cảnh vật đã được tô thêm màu sáng và trở nên lung linh huyền ảo hơn. Đó là khi màu khói và ánh trăng được quyện vào nhau tạo thành một khung cảnh vừa lấp lánh huyền ảo. Đó là một không gian vô cùng trữ tình và thơ mộng. Và mọi vật ở đó như đang chuyển động. Khói thì phất phơ, còn ao thì sóng nước lăn tăn… Đó đều là những chuyển động rất nhẹ nhàng nhưng lại có khả năng gợi lên một mùa thu. Mùa thu trong bức tranh của Nguyễn Khuyến vô cùng thanh bình và yên ả.
Nếu như những câu thơ đầu tiên nhà thơ lột tả bức tranh mùa thu khi màn đêm buông xuống thì ban ngày nó lại mang một màu sắc rất khác. Bởi thời điểm này cũng chính là lúc con người ta cảm nhận sâu sắc hơn được cái thu. Đó là trời xanh ngắt một màu làm không gian như rộng và bao la hơn. Nó cũng làm con người ta liên tưởng tới những tia nắng nhẹ nhàng và những cơn gió thoảng qua.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Trong khung cảnh ấy nhà thơ đã để cho hình ảnh của con người xuất hiện. Đó là đôi mắt của ông lão. Đôi mắt ấy như được nhuốm đỏ bởi vì màu sắc của cảnh vật. Sở dĩ bức tranh thu tràn đầy sức sống và sự tươi mới chính là do tác giả đã sử dụng nhiều tính từ chỉ màu sắc. Chẳng hạn như màu khói, xanh ngắt, đỏ hoe… Điều này làm cho mùa thu thêm đẹp.
Ở câu thơ trước ta đã thấy được hình ảnh đôi mắt của ông lão. Đó cũng chính là tiếng than thở của con người mà nhà thơ muốn chuyển tải. Đó chính là cái hay của Nguyễn Khuyến. Đọc các vần thơ này ta như cảm nhận được cái hay, cái suy tư và chiêm nghiệm nên ông lão mới mang rượu ra để nhâm nhi. Tuy nhiên uống chưa được bao lâu lại chếnh choáng say. Cái say của ông lão không chỉ là cái say bởi men rượu mà còn chính là cái say của một người thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.
Và khi thả mình vào những chén rượu làm con người ta thêm suy nghĩ, lo toan về các công việc, về nhân tình thế thái. Đó cũng chính là tấm lòng của Nguyễn Khuyến. Dù ông đang nhâm nhi những chén rượu để thưởng thức mùa thu song trong lòng lại bận trăm mối. Qua đây ta cảm nhận được nhân cách của một nhà thơ lớn, của một tâm hồn lớn luôn đau đáu vì thế sự.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .