Top 12 Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc (lớp 5) hay nhất
Giờ đây trong mỗi gia đình đồ thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ rất được ưa chuộng như bộ bàn ghế, tủ quần áo, kệ đồ... Không chỉ đơn thuần là ghép những miếng...xem thêm ...
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 1
Bác Năm hàng xóm nhà chúng em là một người làm nghè mộc gia truyền, từ thời cụ ông, đồ mộc nhà bác đã nổi tiếng khắp vùng này. Một lần đến chơi với bác, bác đã dẫn em lên xưởng và em đã có có hội được tận mắt chứng kiến bác làm việc, thâth tài hoa và điêu luyện.
Trước khi bước vào xưởng, bác qua phòng thay đồ, thay bộ quần áo công nhân thường phục hàng ngày cho các thợ trong xưởng, aow vin quần áo nghiêm chỉnh, đi ủng cao ngang ống đồng, tay cầm sẵn mũ bảo hiểm, kinh mắt, khẩu trang, găng tay đầy đủ. Bác cũng chuẩn bị cho em một bộ, khi khoác lên bộ quần áo rộng thùng thình phải sắn tận mấy gấu mà thích vô cùng. Bác bước vào xưởng, vào đúng vị trí của mình, trên mặt đất vẫn còn bức bình phong đang khắc dở, xung quanh có đủ các dụng cụ, máy móc, mấy lưõi cưa to nhỏ khác nhau, mấy chiếc dùi, mấy chiếc móc, vài ba cái khăn,... và rất nhiều các dụng cụ khác mà em không biết tên. Bác mượn được người thợ bên cạnh cho em mượn 1 cái ghế nhỏ và bảo em ngồi đó, tránh đi lại linh tinh ảnh hưởng mọi người làm việc.
Bác đội nón bảo hiểm lên, cài chặt quai mũ, kéo tấm kính dày rộng bản xuống che kín cả đôi mắt và nửa khuôn mặt, ngồi xuống chiếc ghế nhựa nhỏ màu xanh, cầm chiếc đục nhỏ trên tay và bắt đầu làm việc. Bác dựng thẳng tấm bình phong lớn lên, lấy một chiếc giá đỡ cho nó đứng vững, lấy chiếc khăn lau qua một lần bề mặt rồi mới bắt đầu làm. Một tay bác cầm chiếc đục, một tay cầm một thanh cứng và lớn như chiếc búa, vừa di chuyển chiêca đục, vừa gõ cho chiêca đục cắm sâu vào bản gỗ, lướt trên mặt gỗ thành những rãnh, những đường hằn lên. Bác đưa đục rất khéo, mới nhìn qua, tuy chưa thấy rõ được bác đang làm tấm bình phong hình gì, nhưng nhìn những vết khắc sâu trên bề mặt rất tròn trịa, khéo léo, nét cong vừa đủ cong, nét cứng vừa đủ cứng như đang vẽ trên giấy vậy.
Tải hết một phần bên này, bác xoay tấm gỗ lại, tiếp tục với mảng bên kia. Từng đường đục, đường khoét, nét uốn lượn đều được bác làm rất tỉ mỉ. Làm hết một lượt, vác lại tiếp tục mài giwuax, tỉa đi tỉa lại một lần nữa mới vừa lòng, ưng ý. Vài tiếng đồng hồ trôi đi, em kiên nhẫn ngắm nhìn bác cho đến khi bác đứng lên, xoay đúng chiều tấm bình phong. Lúc ấy, bộ đồ của bác đã dính đầy bụi gỗ nhưng nhìn thành quả, em không khỏi thốt lên trầm trồ. Quả là một bức điêu khắc tuyệt đẹp về loài mai tuyết. Bức tranh bằng gỗ, được khắc bằng kim loại mà em tưởng như được vẽ lên bằng màu và giấy trắng, cảm giác thật tuyệt vời. Vậy mà bác vẫn chưa ưng ý, bâc bảo mai bác còn đến làm tiếp, có khi mai cũng không xong, trong nghề là phải tâm huyết với nghề, một khi đã làm, phải làm thật đẹp
Em rất khâm phục sự khéo léo và tỉ mẫn, tâm huyết với nghề cyar bác. Nhìn bác tập trung làm việc và thành quả trước mắt khiến em hiểu rõ giá trị của sự cố gắng và chăm chỉ, qua đó thầm hứa sẽ cố gắng hết mình cho tương lai sau này được phát triển, thành công rực rỡ.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 2
Gần nhà em có một xưởng mộc, từ ngày nhỏ em đã hay chạy sang để quan sát các bác thợ mộc làm việc. Bác Tuấn vốn là chủ của xưởng, bác theo cha học nghề từ nhỏ. Em thích nhất là quan sát lúc bác Tuấn làm việc.
Bác Tuấn năm nay đã ngoài bốn mươi, bao nhiêu năm tuổi nghề rèn luyện cho bác một thân hình lực lưỡng, khoẻ mạnh, các cơ bắp trên tay và đùi đều rất săn chắc, làn da ngăm ngăm màu đồng. Cửa hàng của bác cũng tạo được uy tín riêng. Hôm nay, bác đang chuẩn bị đóng một chiếc bàn học. Bây giờ, máy móc hiện đại, đã có cả máy bào nên công việc đỡ nặng nhọc hơn, nhưng tính bác lại cẩn thận, kĩ càng, bác đều kiểm tra sản phẩm xem đã đạt yêu cầu chưa. Những chỗ quan trọng bác đều tự tay làm.
Đầu tiên, bác đặt một thanh gỗ lớn lên trên mặt bàn, bác kẹp thanh gỗ vào nẹp rồi một tay giữ chặt thanh gỗ, tay còn lại bác đặt xuôi theo thân chiếc bào. Chân trái bác tì lên cạnh bàn. Khi cân bằng tư thế xong xuôi, bác bắt đầu bào, từng nhịp đẩy mạnh mẽ giống như giăng buồm ra khơi, chiếc bào như con tuấn mã trượt trên lớp gỗ . Từng vụn gỗ cuốn thành lọn xoăn tít rơi xuống đất, em hay nhặt chúng cuốn vào nhau thành những bông hoa ngộ nghĩnh. Cánh tay to, khoẻ của bác sải những đường dài, vừa khéo léo lại vừa sức.
Những giọt mồ hôi chảy dọc theo cổ bác, đừng tưởng nhìn công việc dễ dàn, nghề mộc vốn vất vả, lại phải chịu khó nên người làm nhiều năm như bác Tuấn mới dày dặn kinh nghiệm như vậy. Trên tấm gỗ dần hiện ra những vân gỗ đẹp trông như những hoa văn của mẹ tự nhiên. Sauk hi bào xong, bác dung cây bút chì và thước căn chỉnh xem đã chuẩn chưa, nếu chỉ cần lệch một xíu thì lúc ráp các thanh gỗ vào sẽ không đều, bị lệch và phải bào lại.
Công việc của nghề thợ mộc tuy vất vả, nhưng lại vô cùng đáng quý, nhìn những đồ vật các bác thợ mộc làm trong nhà của mỗi chúng ta, lại càng phải biết trân trọng thành quả lao động hơn.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 3
Bác hàng xóm nhà em đã mở một xưởng mộc được mấy chục năm nhưng gần đây em mới có dịp chứng kiến bác đang làm việc.
Bác năm nay cũng đã gần năm mươi tuổi, theo nghề cũng ngót nghét ba mươi năm, từ khi bác còn là cậu thanh niên mười tám đôi mươi. Nghề mộc vốn là nghề gia truyền của bác và trong gia đình, bác cũng là người duy nhất còn gắn bó với mộc. Giờ thì tóc bác đã điểm hoa râm, lăn lộn suốt ngày trong xưởng càng làm cho mái tóc của bác nhanh thêm nhiều sợi bạc. Bác đặt một thanh gỗ còn thô sơ lên một chiếc bàn dài, tay cầm chiếc cưa, ánh mắt chăm chú. Bác ra sức cưa đôi thanh gỗ. Những giọt mồ lôi lấm tấm trên trán, chảy dài trên làn da bánh mật. Những bụi gỗ bay lẩn vẩn trong không gian. Sau khi cắt xong, bác thở phào một tiếng rồi lấy giấy nhám bào mặt gỗ.
Bàn tay của bác nhanh thoăn thoắt, mặt gỗ trở nên mịn màng, nhẵn nhụi hơn, các đường vân cũng hiện ra rõ ràng đẹp đẽ. Chẳng mấy chốc lưng bác ướt nhẹp, bác vẫn đeo khẩu trang kín mít. Tiếp theo là đến công đoạn trang trí. Khách hàng yêu cầu bác làm một cánh cửa với các ô hình chữ nhật nhỏ. Bác cầm dụng cụ, ánh mắt càng tập trung hơn bao giờ hết. Được một lúc, bác lại dừng lại ngắm nghía xem có chuẩn xác không. Công đoạn này mất rất nhiều thời gian mà em thấy bác vô cùng tập trung, không hề than vãn gì. Dù vậy bác biết để bẩn thân nghỉ ngơi giữa giờ. Bác uống một ngụm nước lạnh, khà một cái rồi lấy cánh tay lau những giọt mồ hôi trên trán.
Biết em theo dõi bác làm việc, bác quay ra nở một nụ cười tươi với em rồi nhẹ nhàng bảo: "Cẩn thận đấy ở đây bụi lắm". Để hoàn thành xong cánh cửa bác phải đánh một lớp véc-ni để thêm phần bóng bẩy. Mùi gỗ trong xưởng của bác thoang thoảng khắp không gian. Dưới bàn tay của bác, không chỉ cánh cửa mà còn biết bao bộ bàn ghế tỉ mỉ, kì công đã được hoàn thành.
Nhìn bác làm việc, em mới thấy rõ niềm say mê và nỗ lực gắn bó với nghề của một người thợ mộc!
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 4
Chú Hùng là một thợ mộc có tiếng ở quê em. Chú được yêu mến không chỉ bởi tính tình hiền lành mà còn bởi tay nghề cao trong công việc. Đôi bàn tay tài hoa của chú đã làm ra biết bao sản phẩm đẹp mắt và hữu ích phục vụ cuộc sống của người dân.
Năm nay chú Hùng gần 40 tuổi, nhưng chú đã có gần hai mươi năm gắn bó với nghề làm mộc. Mái tóc của chú lúc nào cũng bám bụi gỗ, khuôn mặt luôn lộ vẻ suy nghĩ và tập trung cao độ khi làm việc. Đôi bàn tay chai sần và dính đầy véc-ni. Phần lớn thời gian trong ngày chú làm việc ở xưởng. Vì thế quần áo lúc nào cũng phủ đầy mùn cưa và mùi hương của gỗ.
Hôm nay em xuống xưởng xem chú làm việc. Chú đang hoàn thiện chiếc tủ quần áo cho nhà bác Mai. Cách chú làm mới say sưa và tỉ mỉ làm sao! Những khúc gỗ to và thô kệch, xù xì được chú bào đi bào lại nhẵn thín. Cái bút luôn được cài ở tai, thỉnh thoảng chú lại lấy ra để kẻ vẽ, phân chia tỉ lệ cẩn thận tới từng chi tiết. Đôi bàn tay khéo léo đã biến những tấm gỗ thô kệch trở nên có hình hài. Không những thế còn có những họa tiết vô cùng đẹp mắt.
Chú dùng chiếc đục tạo nên những bông hoa, con rồng, con phượng nổi bật trên bề mặt gỗ. Khi đã xong, chú lấy giấy ráp ra chà đi chà lại để những chi tiết đó được mịn màng. Khâu cuối cùng là đánh véc-ni. Cái tủ vốn đã đẹp khi được sơn véc-ni lại càng đẹp hơn nữa, những đường vân gỗ hiện lên. Những họa tiết hoa lá, rồng phượng trông thật tinh xảo. Chắc hẳn bác Mai sẽ rất hài lòng với sản phẩm đẹp và chắc chắn này.
Mọi người thích những sản phẩm chú Hùng làm ra vì chúng rất đẹp và bền. Ngắm chú làm việc em mới hiểu được sự vất vả của người thợ mộc. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đòi hỏi còn phải có sự nhẫn nại, kiên trì và tỉ mỉ trong công việc. Thành công của người thợ mộc chính là sự hài lòng của mọi người và chú Hùng đã làm được điều đó.
Em rất yêu mến chú Hùng. Đối với em chú không chỉ là người thợ mộc mà còn là một người nghệ sĩ tài hoa.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 5
Với mỗi người chắc hẳn ai cũng có những kỉ niệm không thể nào quên được, và với em kỉ niệm đáng nhớ ấy là lần được quan sát bác Thắng, một người thợ mộc lâu năm đang làm việc.
Có thể nói bác Thắng là người thợ mộc lành nghề nhất trong làng. Tuy năm nay bác đã ngoài 40 nhưng trông bác vẫn đầy vẻ tâm huyết và yêu mến nghề.
Đợt ấy em được cùng bố sang nhà bác chơi nhưng lại đúng lúc bác đang có đơn hàng gấp nên bố và em vào xưởng giúp bác làm việc. Công việc với bác đơn giản là thế nhưng nó cũng khiến bố và em cảm thấy khá chật vật nên từ việc bê những thanh gỗ lớn vào xưởng rồi đến công đoạn đo đạc, xẻ gỗ, tất cả đều do bác Tuấn một tay làm hết, bố và em muốn giúp nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào nên đành đứng đó và đợi bác sai việc. Và trong lúc rảnh rỗi ấy em đã được chiêm ngưỡng dáng vẻ thực thụ của một thợ mộc chuyên nghiệp.
Đầu tiên bác bê những thanh gỗ vào xưởng rồi sau đó mới bắt đầu đo đạc. Bác dùng cánh tay vạm vỡ của mình vận chuyển những mảnh gỗ lớn rồi sau đó lại dùng hai cánh tay ấy thể hiện sự khéo léo của mình. Một tay bác cầm bút, một tay tỉ mỉ ghi chép số liệu, mắt bác không rời tấm gỗ đặt ở trên bàn cho đến khi đã đo và cắt xong. Tiếp sau đó bác đi đến một chiếc bàn khác, nơi bộn bề những đồ chuyên dụng để lấy chiếc máy bào.
Hai tay bác đưa lên đưa xuống liên tục, mắt nhìn chăm chăm vào những chỗ mà chiếc bào vừa đi qua, thỉnh thoảng bác lại lấy tay sờ thử xem nhẵn chưa rồi mới tiếp tục chuyển sang chỗ khác. Cuối cùng bác đi lấy dụng cụ để chạm khắc lên mảnh gỗ đã được gia công, bác cặm cụi, chăm chú đến cực độ và làm mọi thứ thật chính xác và cuối cùng sản phẩm ấy cũng đã hoàn thành, bác ngắm nghía một hồi rồi phun sơn đó một lớp sơn và cuối cùng là bàn giao sản phẩm cho bên mua hàng.
Cuối cùng thì sản phẩm của bác cũng đã hoàn thiện. Qua buổi hôm ấy em đã được chứng kiến trực tiếp quá trình làm việc của một người thợ mộc thực thụ, đó là sự tỉ mỉ, nhiệt huyết đầy quyết tâm khiến cho em ấn tượng không thể nào quên được.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 6
Mỗi người có lựa chọn của riêng mình và nghề nào cũng cao quý bất kể đó là lao động chân tay hay lao động trí óc. Đã là lao động thì không phân chia thứ bậc vì tất cả đều mang giá trị riêng của mình. Và đó là thông điệp ý nghĩa nhất mà em học được từ bác thợ mộc bên cạnh nhà mình.
Bác thợ mộc mà em nói đến tên là Trường, năm nay đã ngoài 40. Bác mang thân hình của một người đàn ông lao động điển hình, vóc dáng cao và thân hình chắc khỏe. Bác có nước da ngăm bánh mật và chiếc mũi cao, vầng trán rộng. Vì là thợ mộc nên cả ngày bác đều dành thời gian ở trong xưởng gỗ để làm việc, bác luôn cố gắng hết sức để có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất cho mọi người. Đôi lúc có nhiều đơn đặt hàng khiến bác khá bận bịu thế nhưng bác không bao giờ nổi nóng với những người xung quanh, bác sống rất thoải mái và tốt bụng bởi vậy nên nhận được rất nhiều sự yêu mến của mọi người.
Một lần em sang nhà bác chơi và được dịp quan sát bác làm việc. Phong thái làm việc của bác khiến em liên tưởng đến những người thợ mộc chuyên nghiệp. Bác làm mọi thứ rất nhanh nhẹn và dứt khoát. Tay bác cầm chiếc cưa gỗ xẻ từng miếng gỗ lớn ra để tạo thành hình thù, ánh mắt bác hướng theo phía cánh tay đang đỡ mảnh gỗ, bác ngắm nghía rồi bắt đầu đặt bút vạch những chỗ cần cắt để tạo thành sản phẩm. Rồi bác cầm chiếc bào trên tay kéo qua kéo lại để đánh bóng sản phẩm, từng phôi gỗ rơi xuống đất và sau đó là lớp vỏ bóng mịn của sản phẩm đã được bác làm ra.
Trong xưởng có mười mấy công nhân đều là thợ của bác, ai nấy đều im lặng làm phần việc của mình đầy tỉ mỉ và tâm huyết. Dường như trong ánh mắt mỗi người lúc ấy đều cháy lên ngọn lửa của nhiệt huyết và đam mê, sẵn sàng cống hiến hết sức mình để tạo ra những sản phẩm tinh tế và điêu luyện.
Bác Trường là một người thợ mộc chuyên cần và khéo léo. Tâm huyết và trách nhiệm với công việc của bác khiến em rất ngưỡng mộ và trân trọng.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 7
Cậu Tám của em là một thợ mộc giỏi, lành nghề. Em đã có lần được xem cậu bào chuốt gỗ và đóng tủ.
Cậu Tám vừa đúng bốn mươi tuổi, cậu đã có hơn mười lăm năm làm nghề mộc. Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng. Mới bốn mươi tuổi nhưng tóc cậu đã có sợi bạc. Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu. Dưới đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong. Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến. Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ. Cậu có dáng đi hơi khập khiễng, kết quả của một lần bị ngã nặng. Cái lần ngã đó làm sức khoẻ cậu giảm sút. Dù vậy, tay nghề của cậu ngày một nâng cao.
Dưới bàn tay cậu Tám, tủ, bàn, ghế các kiểu ra đời mời gọi khách hàng. Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ. Các thanh gỗ mộc được bào chuốt láng mướt và được đục mộng ghép rất sắc sảo. Cậu Tám bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc. Trên ghế dài có nẹp chân, cậu Tám bào đi bào lại thanh gỗ. Cậu ngắm nghía, ướm thử. Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng. Thanh gỗ nào cần bào lại, cậu đặt lên ghế dài, rồi khom người đẩy cái bào đi tới.
Từng phôi gỗ đùn lên sau cái bào, thanh gỗ láng mặt, phổ vân gỗ màu hồng tuyệt đẹp. Xem cậu lắp tủ mới thật thích. Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. Nẹp chỉ viền thanh mảnh rất khó bào được cậu chuốt kĩ lưỡng, chính xác từng ly một. Trong một ngày cái tủ được lắp xong. Cái tủ duyên dáng đứng chờ thợ đánh véc-ni. Chú thợ phụ việc pha véc-ni rồi bắt đầu giai đoạn đánh bóng. Để đóng một cái tủ như thế, cậu Tám phải mất năm, bảy ngày mới làm xong. Sản phẩm của cậu làm theo đơn đặt hàng nên xuất xưởng là đến tay ngay khách hàng. Tủ của cậu làm vừa xinh, vừa chắc bền, không chỉ làm vui lòng khách mà còn đem lại uy tín cho xưởng mộc của cậu.
Em rất thích xem cậu Tám làm việc. Ngoài sự khéo léo của người thợ, cậu Tám còn đặt vào sản phẩm mộc sự say mê nghề nghiệp và kĩ thuật tinh xảo của mình. Nghề mộc không chỉ đòi hỏi tài hoa của người thợ mà còn bắt buộc người thợ phải có tính chịu khó, nhẫn nại mới có thể thành công. Cậu Tám của em là một người như thế.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 8
Bên cạnh nhà em là xưởng mộc của nhà bác Tuấn, tại đây em đã có dịp được chứng kiến quá trình làm việc của bác Tuấn- một thợ mộc lão luyện.
Bác Tuấn năm nay đã ngoài 40, có nước da ngăm đen và thân hình vạm vỡ. Bác là trụ cột trong một gia đình có năm người, vợ bác và ba con nhỏ. Cũng vì vậy mà bác không ngừng làm lụng vất vả để trang trải sinh hoạt cũng như cho đàn con ăn học.
Bác Tuấn khá hiền và thân thiện, bác luôn biết cách làm cho người khác cười và dễ dàng thu hút sự chú ý của đám đông. Một người vui nhộn tưởng chừng như chẳng có lúc nào nghiêm túc thế nhưng khi bắt tay vào công việc của mình thì bác lại rất nghiêm túc và cẩn thận.
Trước khi bắt đầu tiến hành làm một sản phẩm nào đó bác đều đo đạc rất kỹ càng rồi mới bắt đầu cắt gỗ. Sau khi cắt gỗ bác bắt tay vào công việc chính đó là bào gỗ và khắc lên đó những họa tiết đẹp mắt. Trong suốt cả quá trình đó bác không hề nghỉ ngơi một chút nào, mắt bác tập trung hết cỡ, đôi tay kéo lên kéo xuống, đẩy qua đẩy lại. Trên khuôn mặt nghiêm túc của bác thỉnh thoảng lại nhỏ xuống một vài giọt mồ hôi nhưng rồi chúng cũng nhanh chóng bị bác lấy tay gạt phắt xuống đất, không một thứ gì có thể làm phiền và ảnh hưởng đến bác vào những lúc bác đang làm việc, đang tâm huyết với sản phẩm của mình.
Bác Tuấn là một người cha, một người thợ lành nghề với công việc của mình. Sau này lớn lên em muốn được trở thành một người có trách nhiệm và giỏi giang như bác.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 9
Cạnh nhà em có nhà bác Phúc, bác ấy là một thợ mộc lâu năm, rất nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao.
Năm nay, bác Phúc đã ngoài năm mươi, tóc bạc khá nhiều. Là dân lao động từ nhỏ nên bác có thân hình vạm vỡ, chiếc ngực lực lưỡng, bắp tay săn chắc. Suốt ngày chăm chú vào công việc, bác ít tiếp xúc với mọi người. Dù vậy, tính tình bác rất cởi mở, em có dịp được trò chuyện và nhìn ngắm bác làm việc.
Bác có tinh thần làm việc rất cao. Bác thường bảo: "Làm nghề gì cũng phải có cái tâm và lòng yêu nghề." Để hoàn thành một sản phẩm như tủ, bàn ghế, phải qua nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên là chọn gỗ tốt rồi mang đi phơi cho chín. Khi làm việc, cạnh bên bác có đủ thứ đồ nghề: cưa, bào, đục, búa, kềm, đinh vít.
Một thanh gỗ sần sùi, lam nham được bác đặt lên một băng ghế dài gọi là con ngựa. Một chân buông thõng xuống đất, chân kia gác lên ghế, bác cúi rạp người xuống như phi ngựa để bào. Các dăm bào cuồn cuộn tuôn ra như từng lọn tốc xoăn tít thơm nồng mùi gỗ. Bác dừng lại, lấy chiếc bút chì trên vành tai xuống để kẻ rồi đo lại cho chính xác, bác tiếp tục bào, đánh giấy nhám, từng vân gỗ hiện lên rất đẹp mắt. Tỉ mỉ và khéo léo nhất là lúc bác đục các mộng để ráp khung. Rất chính xác và tài tình. Công việc cứ thế tiếp diễn đến khi hoàn thành sản phẩm. Chiếc tủ được khoác cái áo nâu bóng bằng lớp véc-ni được bác đánh rất đều tay. Có nhìn tận mắt mới thấy hết cái tài của người thợ mộc.
Nghề nào cũng quý, cũng mang lợi ích đến cho mọi người, em luôn quý trọng những người lao động chân chính, người luôn vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân mình.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 10
Bà nội em sinh được bốn người con, ba người đi làm ăn xa, chỉ còn chú Út ở nhà với ông bà. Chú Út năm nay hai mươi tám tuổi, dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn. Khuôn mặt vuông vức, đôi mắt trong sáng và nụ cười cởi mở. Cả nhà duy nhất có chú nối nghiệp cha làm nghề chạm khắc và tạc tượng gỗ. Chú cùng mấy người bạn trong ấp lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mĩ nghệ.
Bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, chú Út say mê tạc tượng một em bé cưỡi trâu thổi sáo. Ba em kể rằng ngay từ nhỏ, chú đã tỏ ra rất có năng khiếu nên ông nội đã truyền nghề cho chú. Hai cha con em thực sự bị cuốn hút vào công việc tỉ mỉ, khó khăn nhưng đầy thú vị. Chú Út một tay cầm đục, một tay cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát một. Những miếng dăm gỗ nhỏ xíu rơi lả tả xuống đất. Chỉ một lát sau, hình thù cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn xù xì đơn giản. Chú Út lấy một con dao nhỉ thật sắc, gọt tỉa từng đường cong mềm mại. Mỗi động tác của chú đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa lạ lùng.
Đến chiều, bức tượng nhỏ đã hoàn thành. Chú lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa véc ni màu nâu bóng. Từng đường vân gỗ hiện lên thật đẹp mắt. Chú Út nâng bức tượng ngang tầm mắt, ngắm nghía kĩ lưỡng và đôi môi chú nở nụ cười mãn nguyện. Chú bảo em muốn thành công trong mọi việc, phải có sự say mê và tính cần cù, chịu khó.
Nhìn bức tượng cậu bé đội chiếc nón lá đang thổi sáo, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng có cặp sừng cong vút, đầu cúi xuống như đang thong dong gặm cỏ, em càng mến phục tài nghệ của chú em và những người thợ có bàn tay vàng như chú đang góp phần làm đẹp cho đời.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 11
Từ nhỏ tôi đã sống cùng ông nội. Ông tôi làm nghề thợ mộc. Ông tôi có một hòm đồ nghề khá to. Ở trong đó, nào là cưa, bào, đục, bùa…Gỗ của ông là những hòm cũ mảnh ván thừa và các thanh gỗ to, nhỏ khác nhau.
Căn nhà nhỏ bé của ông cháu tôi lúc nào cũng thơm mùi gỗ. Không gì thú vị bằng được ngồi xem ông làm việc. Tôi chăm chú ngắm nhìn từng động tác của ông. Hai tay ông cầm cái bào, đám vỏ bào ùn lên cứ y như những sợi bánh đa cua. Những sợi bánh đa cua lúc thì cong vồng, lúc thì xoăn xoăn, đợt thì màu trắng, đợt thì màu nâu rồi thì màu hồng ùn lên phía trước và nhẹ rơi xuống đất. Khi ông cưa, cái cưa ngoan ngoãn thoe sự điều khiển của ông.
Tiếng lưỡi cưa kêu xoèn xoẹt nghe thật vui tai. Mùn cưa rắc nhẹ từng đống xôm xốp tựa như hoa sữa mùa thu rụng xuống sân trường. Bàn tay ông thật tài tình. Mảnh gỗ xù xì đã biến thành thanh gỗ vuông vắn, nhẵn bóng. Ông nheo mắt lại, đưa thanh gỗ lên sát mắt, ngắm nghía rồi lại đẽo, gọt. Ông còn sửa bàn, ghế, chuồng gà, chuồng lợn, cánh cửa hỏng cho bà con trong xóm. Lúc rảnh rỗi ông dạy tôi sửa chữa bàn ghế hỏng. Tôi đã biết dùng miếng gỗ mỏng để chêm lại cái ghế bị lỏng chân ở lớp.
Bây giờ ở quê tôi còn rất ít người làm thợ mộc. Riêng ông tôi vẫn hàng ngày đẽo, gọt, sửa chữa đò dùng cho mọi nhà. Tôi thấy vui và tự hào khi nghe mọi người trong xóm gọi ông một cách thân thương là “ông phó mộc”.
Bài văn tả người thợ mộc đang làm việc - mẫu 12
Mẹ là người sinh ra ta và có biết bao bài ca đã từng viết về mẹ. Bố lại là người luôn mạnh mẽ trước bao biến cố trong cuộc đời, dạy ta rắn giỏi đứng lên từ vấp ngã. Bố, mẹ là những người chúng ta gọi tên hàng ngày. Hạnh phúc vẹn tròn khi có bố ở bên. Em cũng vậy!
Bố em năm nay 40 tuổi rồi. Bố làm nghề thợ mộc, đây là nghề ông dạy bố từ nhỏ. Bố yêu nghề như yêu những con người luôn bên cạnh và đem niềm vui đến cho bố. Bố là người có dáng người cao, vạm vỡ dáng người ấy rất phù hợp với nghề nghiệp của bố. Bố có thể lấy dụng cụ một cách dễ dàng vì cánh tay bố dài và linh hoạt.
Bố cũng di chuyển rất nhanh, từ khâu lấy gỗ, kiến tạo, mọi công việc bố đều sắp xếp rất chu đáo, gọn gàng. Có lẽ vì vậy mà bàn tay bố không hề mềm mại, thô và chai sần nhưng lại vô cùng khéo léo, sản phẩm của bố độc đáo và ưng ý với mọi người. Với em, đó là bàn tay rất đặc biệt. Bố em có khuôn mặt tròn, đôi mắt bố luôn nhìn mọi người thân thiện, có lẽ cũng do nghề nghiệp đem lại niềm vui nên đôi mắt bố không hề tỏ ra mệt mỏi mà luôn sáng lên một cách kỳ lạ.
40 tuổi nhưng mái tóc bố không còn đen. Ngoài thời gian giúp em học bài, cùng mẹ làm những việc nặng nhọc, bố luôn ngồi ở xưởng gỗ để làm việc. Những lớp bụi của gỗ bám vào tóc làm cho bố như già đi. Em nhìn rõ hơn những sợi tóc bạc khi bố xoa xoa lớp bụi bám ấy. Khi làm việc, bố thường mặc những bộ quần áo tối màu, bố lúc nào cũng cần mẫn, tỉ mỉ trong từng sản phẩm và bố thường cài bút chì trên đôi tai rất điêu nghệ.
Những vật dụng trong nhà đều do bố làm cả, bố dành riêng cho em một giá sách được sơn bóng loáng, gửi gắm niềm mong muốn em sẽ cố gắng học tập. Bố không sở hữu chất giọng êm, ngọt ngào như của mẹ. Giọng bố ấm áp, truyền cảm, bố truyền đạt rất dễ hiểu và luôn ân cần với em. Nhất là lúc em gặp những bài toán khó hiểu, bố kiên trì giảng giải và luôn thúc đẩy em phải nỗ lực hết mình. Em thấy khâm phục bố lắm!
Bố là người sống kín đáo, tế nhị, không hề mất lòng ai. Mặc dù miệt mài với công việc nhưng bố luôn dành thời gian quan tâm tới gia đình. Em sẽ học tập ở bố đức kiên trì, bền bỉ. Với bản thân em, bố mang lại niềm tin rất lớn. Em thầm cảm ơn bố đã cho em một gia đình hạnh phúc, đủ đầy.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .