Top 8 cấp độ tự do tài chính trong cuộc sống
Tự do tài chính là trạng thái nguồn tiền đủ để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày như sinh hoạt cơ bản, giải trí, sở thích riêng của mỗi người… Việc đưa...xem thêm ...
Cấp độ 1: Có tài khoản dự phòng
Cấp độ đầu tiên trên con đường tự do tài chính đó là bạn để dành được một tài khoản dự phòng. Đúng như tên gọi, tài khoản dự phòng được lập ra để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, mất cắp, hỏng đồ đạc giá trị cao,… Quỹ dự phòng này nên có đủ tiền để chi trả cho trường hợp khẩn cấp trong ít nhất là từ 3-6 tháng trở lên.
Theo báo cáo lao động việc làm quý 1 năm 2021 của Tổng cục thống kê, Việt Nam đã có gần 3 triệu người thất nghiệp và hơn 10 triệu người bị giảm sút thu nhập từ 50% trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid. Rất nhiều người trong số đó phải sống trong cảnh khốn đốn, nợ nần vì trước đó không dắt lưng cho mình được quỹ dự phòng nào, hoặc quỹ có quá ít tiền. Việc sở hữu cho mình một quỹ dự phòng sẽ giúp bạn an tâm hơn và không bị động khi rơi vào những tình huống éo le.
Cấp độ 2: Có đủ tiền để tạm thời nghỉ việc (một cách chủ động)
Khi được tự do về tài chính, người ta có thể dễ dàng chọn đi làm hay không. Muốn nghỉ việc mãi mãi thì phải tiết kiệm một khoản tiền rất lớn. Tuy vậy nếu bạn tích lũy đủ tiền để có thể nghỉ việc trong một khoảng thời gian ngắn thì đó cũng được coi là một bước tiến lớn rồi. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải thực sự bỏ việc, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất vui nếu biết rằng mình hoàn toàn có thể nghỉ.
Bên cạnh đó bạn có thể tiết kiệm cho một kỳ nghỉ phép hoặc một kỳ nghỉ dài. Ví dụ như một kỳ nghỉ kéo dài một đến hai tháng mỗi năm ở nước ngoài chẳng hạn. Bạn không bắt buộc phải bỏ việc để làm thế, nhưng bạn có thể lên kế hoạch để có thể rời công ty một khoảng thời gian để thực hiện việc này. Trong ngắn hạn, số tiền tăng thêm đó cũng có thể được dùng làm quỹ khẩn cấp cho bạn. Đôi khi bạn cũng cần một chút động lực để đạt được cấp độ này.
Cấp độ 3: Đủ để sống thoải mái trong khi vẫn có thể tiết kiệm
Cấp độ này liên quan một chút đến việc tận hưởng cuộc sống và có tiền để làm điều đó. Bạn sẽ thấy vô cùng nhẹ nhõm nếu kiếm đủ tiền để tiết kiệm, làm những việc mình thích mà cuối tháng vẫn dư dả. Phần tiền bổ sung đó có thể được sử dụng để giúp bạn nhanh chóng tiến về mốc tự do tài chính của bạn.
Tiền bạc không còn là nỗi lo thường trực trong đầu bạn nữa. Số tiền bạn kiếm được đủ để mua những thứ bạn thích, ăn những thứ bạn muốn và mặc những bộ đồ bạn muốn diện. Tất nhiên giả định ở đây là bạn sẽ tránh sống phung phí và tiêu hết khoản để dành này của bạn.
Cấp độ 4: Tự do về lựa chọn
Lúc này bạn có đủ khả năng tài chính để không phải ép mình bó buộc vào công việc văn phòng 8h đi 18h về, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7. Tự do về tài chính và tự do về lựa chọn có mối liên hệ khăng khít với nhau. Khi đạt đến cấp độ này, bạn sẽ không còn phải quay cuồng với vòng xoáy công việc mà có thời gian phát triển bản thân, làm những điều mình thích hoặc dành cho gia đình bạn bè nhiều hơn.
Bạn cũng sẽ không lâm phải tình trạng oái oăm như là hoãn việc nhổ răng khôn vào cuối tuần, hay không thể tham dự concert của idol vì vướng lịch làm nữa.
Cấp độ 5: Có đủ tiền cho một cuộc sống nghỉ hưu cơ bản
Gần đây trong giới trẻ rộ lên phong trào FIRE (Financial Independence, Retire Early) hay còn gọi là độc lập tài chính để về hưu sớm. Theo đó, những người theo đuổi phong trào này sẽ nỗ lực làm việc, tập trung tối ưu hóa tỷ lệ tiết kiệm thông qua việc giảm chi tiêu và đầu tư hiệu quả.
Mục tiêu của họ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt khi còn trẻ để có thể nghỉ hưu sớm, sống một cách hưởng thụ an nhàn. Một trong những cách tiếp cận phổ biến của phong trào này là quy tắc rút tiền 4%, đặt mục tiêu tạo ra quỹ hưu trí có giá trị tối thiểu gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm.
Nói đơn giản, lúc này bạn đủ khả năng trả chi phí sinh hoạt hàng tháng mà không phải đi làm cho đến cuối đời. Muốn nghỉ hưu càng sớm, bạn càng cần phải biết cách quản lý tài chính cá nhân và đầu tư từ sớm. Với đa số những bạn trẻ, rất khó để các bạn có ngay trong tay vài chục triệu đem đi đầu tư. Và không phải ai cũng có điều kiện để đi vay ngân hàng hoặc bạn bè người thân.
Thấu hiểu nhu cầu đó, một số dịch vụ tài chính đã ra đời để giúp những bạn trẻ vừa không có nhiều tiền vừa không có nhiều thời gian tìm hiểu cặn kẽ cũng có thể tiếp cận với các loại hình đầu tư khác nhau như: 100man Cashback có đầu tư crypto, Finhay có đầu tư chứng khoán,…
Cấp độ 6: Có đủ tiền cho một cuộc sống nghỉ hưu thoải mái
Giả sử bạn đang có công việc khá tốt và hài lòng với mức sống hiện tại của mình, vậy bạn có muốn duy trì mức sống này ngay cả khi đã về hưu và không có việc làm? Hoặc khi đã về hưu, bạn vẫn có một khoản thu nhập thụ động bắn đều đều vào tài khoản ngân hàng mỗi tháng?
Một cuộc sống thoải mái không phải lo lắng về tiền bạc, không phải cân nhắc đắn đo mua cái này bỏ cái kia, chính là phần thưởng dành cho những người đạt được cấp độ 6 trong tự do tài chính.
Cấp độ 7: Có đủ tiền cho một cuộc sống nghỉ hưu trong mơ
Nếu không phải dành 8 tiếng mỗi ngày để lên văn phòng làm việc, cuộc sống của bạn sẽ như thế nào? Nhà cao cửa rộng, siêu xe đắt tiền, ăn tối trong những nhà hàng 5 sao, du lịch vòng quanh thế giới, ngồi du thuyền hạng sang? Đó chính là cuộc sống vô cùng sung túc và giàu có mà nhiều người mong ước đạt được sau nhiều năm cống hiến hết mình, làm việc hết sức.
Để đạt được mức sống này, bắt buộc bạn phải đầu tư. Không chỉ là những khoản đầu tư nho nhỏ, an toàn mà còn là những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ trong thị trường chứng khoán, bất động sản, công nghệ thông tin, start-up,…
Cấp độ 8: Có nhiều tiền hơn mức bạn có thể chi tiêu
Đây chính là cấp độ cao cấp nhất của tự do tài chính cá nhân. Bạn kiếm được nhiều tiền đến mức sẽ khá khó khăn để có thể tiêu hết được số tiền đó. Những người đạt được cấp độ này thường là các tỷ phú, triệu phú, người được thừa kế tài sản kếch xù,… Đó là khi của cải sẽ sống lâu hơn chính bạn. Bạn không thể tiêu hết số tiền mình có trong suốt cuộc đời.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .