Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương (14/5/1915 - 6/9/1976) sinh tại Nam Định, nguyên quán làng Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông theo học Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Xin trân...xem thêm ...
Đời vắng em rồi say với ai
Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu,
Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu.
Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối,
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.
Trai lỡ phong vân gái lỡ tình,
Này đêm tri ngộ xót điêu linh,
Niềm quê sực thức lòng quan ải,
Giây lát dừng chân cuộc viễn trình.
Tóc xoã tơ vàng nệm gối nhung,
Đây chiều hương ngát lả hoa dung,
Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo,
Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay,
Buồn mưa, trăng lạnh; nắng, hoa gầy.
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say.
Gặp gỡ chừng như truyện Liểu Trai.
Ra đi chẳng hứa một ngày mai.
Em ơi! lửa tắt, bình khô rượu,
Đời vắng em rồi, say với ai?
Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang.
Ghé bến nào đây, người hải ngoại
Chiều sương mặt bể có mơ màng?
Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?
Mà đây lòng trắng một mùa đông.
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi,
Thoảng gió... trà mi động mấy bông.
Bài thơ ban đầu có tên là Đời vắng em rồi, nhưng sau được đổi thành Đời vắng em rồi say với ai. Tên này sau cũng được dùng đặt cho một một tập thơ khác.
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
2. Ta đợi em từ ba mươi năm, An Tiêm xuất bản, 1969
Phương xa
Nhổ neo rồi, thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay dạt tới phương đoài.
Xa mặt đất, giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn, cay đắng hoạ dần vơi.
Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Men đã ngấm, bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao, cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan.
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
2. Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
Chén rượu đôi đường
Đáy sông chìm tiếng sóng,
Lời gió ngủ trên cao.
Quanh thuyền ngơ ngác bày sao,
Nàng Trăng còn mải xứ nào xe duyên!
Nhưng đêm nay dịu quá,
Không trăng có hề chi,
Say sưa tràn miệng cốc.
Cùng nâng, hãy uống đi!
Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ.
Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau!
Tối nay còn họp mặt,
Ngày mai đã cách xa.
Vàng xanh thay sắc cỏ,
Tươi úa đổi màu hoa.
Đường trần muôn vạn ngã ba,
Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên.
Giờ đây chia đôi ngả,
Sông nước càng tiêu sơ.
Hồn men cay như quế,
Hồn men đắng như mơ.
Đắng cay này chén tiễn đưa,
Uống đi, uống để say sưa ngập lòng.
Cạn đi! và lại cạn!
Say rồi, gắng thêm say!
Bao nhiêu mơ, mà đắng?
Bao nhiêu quế, mà cay?
Đắng cay chút xuống bàn tay,
Nắm tay lần chót, thuyền quay mũi rồi.
Thuyền anh đi thôi nhé,
Xa nhau dần xa nhau.
Tôi về trên lưng rượu,
Đến đâu thì đến đâu.
Có ai say để quên sầu?
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn.
Nguồn: Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
Say đi em
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng.
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương.
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương.
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo,
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương.
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm, não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ.
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân,
Lui đôi vai, tiến đôi chân;
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió.
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa,
Tay mềm mại, bước còn chưa chuếnh choáng.
Chưa cuối xứ Mê ly, chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn,
Cho cung bực ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa! và quên quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả mầu trôi...
Gian phòng không đứng vững,
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa,
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa,
Say không còn biết chi đời.
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Trong tập Thơ say (1940), bài thơ có tên là Say đi em. Trong tập Mây (1943), tác giả đổi tên bài thơ là Mời say.
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
2. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
Đời tàn ngõ hẹp
Gối vải mộng phong hầu,
Vàng son mờ gác xép,
Bừng tỉnh mưa còn mau,
Chiều tàn trong ngõ hẹp.
Mưa lùa gian gác xép,
Ngày trắng theo nhau qua,
Lá rơi đầy ngõ hẹp;
Đời hiu hiu xế tà.
Ôi! ta đã làm chi đời ta?
Ai đã làm chi lòng ta?
Cho đời tàn tạ lòng băng giá
Sương mong manh quạnh chớm thu già.
Mải mê theo sự nghiệp,
Quá trớn, lỡ giàu sang;
Mưa rơi, chiều, ngõ hẹp,
Lá vàng bay ngổn ngang...
Dìu vương nhau mươi chiếc lá khô vàng,
Xuân đời chưa hưởng kịp,
Mây mùa thu đã sang.
Giấc hồ nghe phấp phới
Cờ biển nhịp mơ màng.
Đường hoa son phấn đợi,
Áo gấm về xênh xang...
Chập chờn kim ốc giai nhân...
Gió lạnh đưa vèo,
Khoa danh trên gối rụng tàn theo!
Nao nao đàn sáo phai dần...
Hạnh phúc tàn theo,
Nửa gối thê nhi lá rụng vèo!
Song hồ lơ lửng khép,
Giường chiếu ấm hơi mưa;
Chiêm bao mờ thoáng hương thừa,
Tan rồi mộng đẹp,
Ôi thời xưa!
Ta đã làm chi đời ta xưa?
Ta đã dùng chi đời ta chưa?
Thiên thu? ngờ sự nghiệp!
Chiều mưa rồi đêm mưa;
Gió lùa gian gác xép,
Đời tàn trong ngõ hẹp.
Nguồn: Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
Yêu mà chẳng biết
Lâu rồi không nhớ bao nhiêu năm,
Từ độ trông nhau hết lạ lùng,
Từ hôm bên nhau thôi ngượng ngùng,
Từ buổi xa nhau mà nhớ nhung.
Em đã nao lòng, anh mê man!
Đuôi mắt đầu môi tình chứa chan,
Đêm thường mơ đêm, ngày đợi ngày.
Nhưng không hề nói cho nhau hay.
Đôi bên cùng kiêu kỳ như nhau,
E dè như nhau nên nghi ngờ,
Không ai cho ai lời yêu đầu,
Anh làm vô tình em ngây thơ.
Kín tiếng nhưng lòng riêng xôn xao,
Ai thấy phong ba nơi bể hồn,
Đâu hễ tim rung là tình trao!
Đâu cứ xuân tươi vì hoa đào!
Nhưng ngày theo ngày, đêm sang đêm.
Tháng năm dìu dịu trôi mơ màng,
Tơ buộc sát hơn và liền thêm,
Khăng khít ai chia Chàng với Nàng.
Một bên thi sĩ, bên đa tình,
Đôi tim đóng then mà hớ hênh,
Cả hai sôi nổi, lại si tình,
Đôi hồn kín bưng mà trống trênh.
Gần nhau, làm dáng với làm duyên
Nhưng tuy say mê, còn dối lòng,
Giấu cả đêm thu, lừa trăng trong,
Có ai yêu đương không thề nguyền?
Cùng nín đau buồn khi chia phôi,
Bình thản như quen vì chuyến đò,
Bao phen thổn thức ngừng trên môi,
Có ai yêu đương không hẹn hò?
Gặp nhau, cười thoáng rồi quay đi,
Mừng tủi chan chan mà hững hờ,
Bao phen giọt lệ ngừng trong mi,
Có ai yêu đương không đợi chờ?
Nắng ngả, còn chưa tin là chiều,
Lá đổ, còn “chưa là mùa thu!”
Còn đợi trời phai, chờ sương mù,
Cãi lòng: “Lưu luyến chưa là yêu!”
Mến kín thương thầm, em với anh,
Không hay yêu nhau từ bao giờ,
Chập chờn, bến Thực hay nguồn Mơ?
Hay chính bâng khuâng là ái tình?
Yêu là còn nghi lòng người yêu,
Đến cả chưa tin mình đương yêu,
Hương tình, ôi! dịu nhẹ bao nhiêu!
Nguồn: Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
Quên
Đã hẹn với Em rồi, không tưởng tiếc
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu.
Đêm nay lạnh, tìm em trên gác tối,
Trong tay em dâng cả tháng năm thừa.
Có lẽ đâu tâm linh còn còn trọn lối,
Để đi về Cay Đắng những thu xưa.
Trên nẻo ấy, tơi bời, - Em đã biết -
Những tình phai duyên úa, mộng tan tành.
Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt,
Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh.
Không, em ạ, không còn can đảm nữa!
Không! nguồn yêu, suối lệ cũng khô rồi,
Em hãy đốt dùm anh, trong mắt lửa,
Chút ưu tư còn sót ở đôi môi...
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên.
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
2. Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
Giáp Dần xuân cảm
Độ giang tòng thử tác lưu dân,
Ngọ tẩu Thìn phi Giáp hựu Dần.
hữu sở tư yên hoàn nhập mộng,
lai hà cầu hỹ khước vong xuân.
tự vô địa tượng vô thiên mã,
chủng bất thời hoa bất thế văn.
nhị thập niên phong xuy nhất dạ,
ưng giao hổ khiếu tức yên trần.
Dịu nhẹ
Gợn trắng ngàn mai thoảng dáng xuân,
Màu trinh e lệ gió ân cần,
Mươi bông cúc nõn chờ tay với,
Một chút hoa đào vướng gót chân.
Thuyền nhỏ sông lam yểu điệu về,
Cỏ chen màu liễu bước chân đê.
Tình xuân ai chở đầy khoang ấy,
Hương sắc thanh bình ngập lối quê.
Nắng nhẹ mây bờ, sương hơi hơi,
Sương thưa, nắng mỏng, nhạc khoan lời,
Dây đàn chầm chậm hôn trên phím,
Muôn vạn cung “Hồ” lả lướt rơi.
Khói dịu hương êm tản mác đầy,
Tơ chùng điệu thấp, bốn phương say
Mùa xuân lẳng lặng về không tiếng,
Duyên khép tình e ngậm dấu giầy.
Là ánh trăng non chớm độ rằm
Xuân là duyên nụ tuổi mười lăm,
Mến thương không ngỏ, Chàng như Thiếp,
Hồn khoá then trinh lặng nhớ thầm.
Tìm chi nao nức giữa mùa tươi,
Xuân chẳng đàn cao ở phím đời,
Rượu ngọt men hiền say chút ít,
Chàng Lưu đừng ngại thiếu Mai Khôi.
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
2. Vũ Hoàng Chương, Thơ say, Nhà in Cộng lực, 1940
Gối mộng
Phách rụng song song nhạc xuống chìm
Tiếng ca bừng nổi giữa chừng đêm.
“Canh khuya đưa khách...” Lời gieo ngọc;
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm.
Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi,
Sen vàng như động phía châu liêm.
Nao nao khói biếc hài thương nữ;
Trở gối, hoa lệ rụng trắng thềm.
Bài thơ in lần đầu trong tập Thơ say (1940) với tiêu đề Nghe hát và hai câu đầu là “Phách ngọt đàn say nệm khói êm, Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm”, sau được sửa lại là Gối mộng và hai câu đầu như ở đây khi in tập Mây (1943).
Nguồn: 1. Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
2. Vũ Hoàng Chương, Thơ say, NXB Nguyễn Đình Vượng, Saigon, 1971
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .