Top 12 Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết (Ngữ văn 6 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất

122.4k

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều truyền thuyết lịch sử hay, hấp dẫn người đọc, ở đó có không ít nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong...xem thêm ...

Top 0
(có 19 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 1

Môn học mà tôi yêu thích nhất là môn Văn vì khi học Văn, tôi được đọc nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười thú vị. Nhắc đến truyền thuyết, tôi lại nhớ ra một kỉ niệm vô cùng đặc biệt.

Lần ấy, tôi mải mê đọc những truyện truyền thuyết và ngủ thiếp đi từ lúc nào. Bỗng tôi thấy mình lạc đến một xứ sở rất xa lạ, xung quanh mây phủ trắng, mùi thơm của các loài hoa tỏa ra ngào ngạt. Khung cảnh rất giống thiên đình – nơi có các vị thần tiên mà tôi thường thấy trong các câu chuyện cổ. Tôi còn đang ngơ ngác thì bỗng một tráng sĩ vóc dáng cao to, vạm vỡ tiến về phía tôi. Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng thì người đó đã đứng ngay trước mặt tôi và nở một nụ cười thân thiện:

- Chào cháu bé! Cháu từ đâu đến vậy?

Tôi ngắm kĩ thì thấy vị tráng sĩ mặc áo giáp sắt rất giống trong truyền thuyết Thánh Gióng. Tôi sung sướng hỏi:

- Ông có phải là ông Gióng không ạ?

Tráng sĩ nhìn tôi, mỉm cười đáp:

- Ta đúng là Thánh Gióng đây! Sao cháu lại biết ta?

- Chúng cháu đang học về truyền thuyết Thánh Gióng đấy ông ạ! May qua, hôm nay, cháu được gặp ông ở đây. Cháu có thể hỏi ông vài điều mà cháu đang thắc mắc được không ạ?

Ông Gióng nhìn tôi mỉm cười:

- Được cháu cứ hỏi đi.

- Ông ơi, vì sao khi đánh thắng giặc Ân xong, ông không trở về quê nhà mà lại bay lên trời? Hay ông chê quê cháu nghèo, không bằng xứ thần tiên này?

- Không! Ta muốn được ở cùng họ, nhưng vì ta là con trưởng của Ngọc Hoàng nên phải trở về thiên đình sau khi đã hoàn thành sứ mệnh.

- Thế ông nhớ cha mẹ ông ở dưới kia không?

- Có chứ, cha mẹ đã từng mang nặng đẻ đau ra ta, ta rất biết ơn họ. Những ngày tháng ta chưa biết đi, chưa biết nói, họ không hề ghét bỏ ta mà vẫn yêu thương ta. Ta rất muốn có ngày nào đó trở về báo đáp ơn nghĩa của cha mẹ Cũng chính vì lẽ đó mà ta đã cố gắng đánh tan quân xâm lược để cha mẹ ta cũng nhân dân được sống trong tự do, thanh bình.

- Ồ, giờ thì cháu hiểu rồi. Ông đã báo đáp công nuôi dưỡng cha mẹ mình bằng việc đánh đuổi quân xâm lược.

- Ừ, đó là một trong những cách thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đấy cháu ạ!

- Khi cháu còn nhỏ thì phải học tập thật tốt để cho cha mẹ vui lòng, đó cũng chính là tỏ lòng biết ơn cha mẹ phải không ông?

- Đúng rồi, cháu ngoan và thông minh lắm! Ông chúc cháu học thật giỏi nhé! Thôi hẹn gặp cháu vào lần khác. Ta phải đi gặp Ngọc Hoàng đây.

Trong phút chốc, ông Gióng dã biến mất sau đám mây trắng. Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng mẹ gọi:

- Lan! Dậy vào giường ngủ đi con!

Tôi bừng tỉnh, hóa ra cuộc gặp gỡ với Ông Gióng là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ ấy đã cho tôi biết được nhiều điều bổ ích và khiến tôi nhớ mãi.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 8 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 2

Những ngày nghỉ hè, tôi thích nhất là được ở nhà nằm đọc truyện cổ tích. Năm vừa rồi, tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi nên mẹ đã mua cho tôi một quyển Truyện cổ tích Việt Nam. Nhờ nó, tôi đã được du ngoạn trong một thế giới huyền ảo.

Tôi đang mơ màng bỗng giật mình tỉnh dậy bởi tiếng hát và nụ cười đùa trong trẻo của lũ trẻ. Tôi nhìn thấy trước mắt mình một đám trẻ đang vui đùa. Lũ trẻ đang chơi thấy tôi tiến lại thì dừng lại, chúng cũng có vẻ ngạc nhiên vì thấy tôi mặc khác với chúng. Có một cậu bé mặt mũi sáng sủa và thông minh tiến lại chào và hỏi tôi. "Chị là ai?". "Mình tên là Thúy, còn em?" Cậu bé chưa kịp trả lời thì lũ trẻ nhao nhao lên và đồng thanh hô: "Đó là cậu bé thông minh!". Tôi ngạc nhiên quá và vui mừng khi biết trước mặt mình là cậu bé thông minh - người đã đưa ra được những lời giải đơn giản và dễ hiểu trước những câu đố hóc búa của vua. Tôi nói: "Chị rất thích những câu trả lời của em. Dù có gặp vua hay bất kỳ ai, em không hề run sợ mà lại nhanh trí đối đáp lại những câu đố đầy oái oăm của nhà vua. Bằng trí thông minh của mình, em đã cứu được dân làng và cứu nước ta trước sự dòm ngó của ngoại bang. Câu trả lời của em trước sứ thần khiên ông ta sợ và nể phục nước Việt ta tuy nhỏ nhưng không thiếu người tài."

Cậu bé nhìn tôi, đưa tay gãi gãi, vẻ xấu hổ và nói: "Chị cứ khen em mãi thế. Đất nước ta không thiếu nhân tài. Em thấy các bạn học sinh bây giờ còn nhỏ nhưng đã rất giỏi, mang về cho đất nước bao giải quốc tế. Các bạn đã làm cho thế giới biết đến nước Việt Nam bằng các giải vàng trên trường quốc tế".

Tôi ngạc nhiên: "Sao em biết?". "Bởi em rất thích học nên thường đến xem các bạn học sinh học tập. Em thấy rất vui khi ngày càng có nhiều bạn học giỏi. Các bạn giỏi nhưng rất ngoan và khiêm tốn. Nhưng thôi, chị lại đây chơi cùng bọn em". Em kéo tay tôi, cùng hòa vào đám trẻ. Chúng tôi cùng giải đố, cùng đùa nghịch thật vui. Thậm chí, tôi còn được bọn trẻ đãi món khoai lang nướng vùi dưới lá khô. Mải vui đùa, chúng tôi quên cả thời gian. Trời đã sẩm tối, lũ trẻ chia tay tôi ra về. Tôi còn đang đứng ngẩn ngơ nhìn lũ trẻ ra về mà thấy tiếc quá, chẳng biết bao giờ mới có dịp gặp lại.

Bỗng tôi thấy có tiếng mẹ đang gọi tôi: "Thúy ơi! Dậy đi con. Sao lại nằm lên sách mà ngủ thế này". Hóa ra, tôi đang đọc truyện thì ngủ quên mất. Cuộc gặp gỡ với cậu bé thông minh thật là thú vị biết bao.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 12 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 3

Trong giấc mơ ngắn ngủi, tôi thấy mình bị lạc giữa một khu rừng lớn bốn bề cây cao. Tôi lần đường tìm ra bờ suối mong sẽ gặp ai đó đi rừng. Phải đến ngang chiều, tôi mới nhìn thấy dòng nước mát khi chân tay và cả người nữa đã rời rã. Vừa vục tay xuống một ngụm nước, tôi bỗng giật mình.

Cháu là ai? Sao lại tới đây? Một bà lão tóc bạc trắng đang đứng ngay trước mặt tôi.

Thấy tôi hoảng hồn nhưng trông vẻ mặt phúc hậu của bà, tôi ngập ngừng :

Dạ! Cháu…cháu…

Cháu đừng sợ!

Dạ! Thế bà là ai ạ?

Bà là thủy tổ của người Việt cháu ạ!

A! Cháu hiểu rồi! Bà chính là mẹ Âu Cơ.

Cháu vừa mới học xong bài này nhưng có một vài điều cháu chưa hiểu được , tiện đây cháu có thể hỏi bà được không?

Ừ! Cháu ngoan lắm, nào có điều gì chưa hiểu cháu cứ hỏi đi!

Dạ!Tại sao ngày xưa khi đưa năm mươi con lên núi, bà lại lập ngay con trưởng làm vua.

À! Vì cả nước Nam ta rộng lớn lắm, nếu không có ai chịu trách nhiệm đứng ra cai quản non sông thì đất nước không có chủ quyền được cháu ạ!

Thế còn số người còn lại, sao bà lại cho mỗi người đi cai quản một phương trời?

Có như vậy chúng ta mới vừa giữ gìn, vừa mở rộng đất đai lãnh thổ. Và nhất là mỗi khi có việc hệ trọng thì miền ngược, miền xuôi, miền nam, miền bắc là anh em chung của một nhà cũng tương thân, tương ái cho nhau.

Dạ cháu cảm ơn bà! Bây giờ thì cháu đã hiểu.

Thôi bây giờ bà sẽ đưa cháu về nhà, hãy học tập cho tốt để làm những điều có ích cho đất nước mai sau, cháu nhé!

Toàn! Toàn ơi! Dậy lên giường ngủ đi con!

Tiếng mẹ tôi gọi, tôi tỉnh dậy, ngơ ngác. Mẹ tôi ra chiều không hiểu, tôi nhìn mẹ nhoẻn miệng cười. Ở ngoài kia những cơn gió thu vẫn thổi mát rượi. Những chiếc lá vàng vẫn tung bay nhảy múa.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 11 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 4

Năm nay tôi, được lên lớp 6 bố mẹ giao hẹn nếu năm nay tôi được học sinh giỏi bố mẹ sẽ cho ra biển chơi một tuần. Tôi nhủ thầm sẽ cố gắng học thật tốt để có được chuyến đi chơi đầy hấp dẫn đó. Qua một năm phấn đấu, cuối năm học tôi được công nhận là học sinh giỏi, không những vậy mà còn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Bố mẹ tôi vô cùng phấn khởi khi thấy tôi học hành giỏi giang và đúng như lời hẹn, đầu tháng 7 bố đưa cả nhà đi biển.

Chiếc xe bon bon đưa gia đình tôi ra thành phố biển, trước mắt tôi biển hiện ra xanh thẳm, bình yên, từng con sóng bạc đầu nối đuôi nhau nô đùa với bờ cát dài phẳng lặng.

Sau một hồi dập dềnh cùng sóng biển, cả nhà tôi cắm trại trên một hòn đảo nhỏ. Giữa bốn biển mênh mông, đưa mắt nhìn ra xa tôi thấy cảnh vật thật nên thơ, hiền hoà, chợt tôi liên tưởng đến hình ảnh cô Út trong truyện cổ tích Sọ Dừa khi bị dạt vào đảo hoang, vừa nghĩ đến cô Út tôi đã thấy trước mắt có một túp lều nhỏ, xem ra rất sơ sài như mới vừa dựng tạm, và phía ngoài cửa có một cô gái xinh đẹp, dịu dàng đang ngóng về phía xa xa.

- Chào cháu bé! Cháu đi đâu vậy?

- Cháu đi dạo và ngắm biển cô ạ.

- Chắc cô cũng đi du lịch như gia đình cháu?

- Không cô bị lạc vào nơi này đã mấy tuần rồi!

- Cháu thấy cô rất quen, dường như cháu đã gặp cô ở đâu rồi.

- Thế cháu học lớp mấy rồi?

- Dạ. Cháu học lớp 6 rồi cô ạ. Mà cô biết không cháu được đọc rất nhiều truyện cổ tích.

- Thế cháu có thích truyện Sọ Dừa không?

- Cháu thích lắm cô ạ. Và trong các nhân vật đó cháu thích nhất cô út vừa hiền lành vừa tốt bụng. Mà cháu thấy cô giống cô Út lắm hay chính cô là....

- Đúng rồi cháu ạ. Cô đang ở đây chờ thuyền trạng đi sứ về cứu cô.

Ôi thích thật, tôi không thể ngờ lại được gặp cô út ở đây, lại đúng lúc cô đang phải sống cô đơn ngoài đảo vắng. Cô Út quả thật đáng thương.

- Cô ơi! những ngày ở đây cô có buồn không?

Cô út nhìn tôi và nói:

- Buồn và nhớ nhà lắm cháu à! Suốt ngày cô cứ thui thủi một mình hết trong lều lại ra bờ biển ngóng thuyền trạng đi qua. May có hai chú gà làm bạn cũng đỡ đi phần nào.

- Thế cô ăn bằng gì ạ?

- Dạo đầu cô xẻ thịt con cá kình nướng ăn, bây giờ cô bắt cá tươi ở biển làm thức ăn cho qua ngày.

- Cô ơi! Cô có giận hai người chị của mình không?

- Cô cũng giận họ nhưng dẫu sao họ cũng là những người ruột thịt của cô. Cô tin rằng sau này họ sẽ hối hận về việc làm sai trái này. Và chị em cô sẽ hòa thuận, yêu thương nhau như xưa.

- Cô cho cháu hỏi điều này nhé. Sao cô lại đồng ý lấy chàng Sọ Dừa vừa xấu vừa nghèo?

- Bởi cô biết Sọ Dừa là một người tốt và hơn nữa cô tin rằng những người tốt sẽ luôn gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống.

- Vậy cháu chúc vợ chồng cô mau chóng đoàn tụ và hạnh phúc.

Tôi vừa dứt lời bỗng thấy ai đó khẽ lay lay vào người, hoá ra là mẹ tôi:

- Mẹ ơi con vừa mơ một giấc mơ tuyệt đẹp!

Mẹ mắng yêu tôi: “Vừa ngồi nghỉ một lát đã ngủ tít rồi”. Tôi mỉm cười sung sướng và kể lại cho mẹ nghe giấc mơ vừa rồi. Nghe xong mẹ nói:

- Ở hiền rồi sẽ gặp lành con ạ. Bây giờ mẹ con ta đi kẻo bố đợi.

Trên đường về trong đầu tôi còn vương vấn mãi hình ảnh cô út hiền lành, dễ thương. Ngoài kia biển như đẹp và nên thơ hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 4 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 5

Từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích được nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết xa xưa, ham đến nỗi không được nghe là tôi không ngủ được. Khi lớn lên, bắt đầu đi học tôi lại càng thêm ưa thích môn Văn, đặc biệt trong năm học lớp 6 được học lại những câu chuyện cổ tích thật hay, tôi lại càng thêm thích thú. Đến mức tôi còn nằm mơ thấy mình được gặp công chúa Mị Châu ở dưới Thủy cung.

Không biết bằng cách nào mà tôi lạc được đến thủy cung nữa, tôi chỉ thấy quang cảnh xung quanh là một màu xanh biếc, các vách tường được kết toàn bằng những loài san hô tuyệt đẹp. Những viên minh châu sáng lấp lánh được gắn trên tường, trên đá, đặt trên sàn, làm thủy cung trông thật lung linh, cộng thêm phía trên là ánh mặt trời xuyên tầng nước chiếu xuống một loại ánh sáng mờ mờ, làm thủy cung càng trở nên tráng lệ, rực rỡ. Tôi lang thang khắp thủy cung, hết nhìn cá lại nhìn tôm, nhìn mực bơi thành đàn, cuối cùng tôi đi đến một cung điện nhìn có vẻ thanh lệ hơn, không gắn quá nhiều trân châu sáng lóa, màu nước cũng dịu dàng ấm áp, tôi mạnh dạn đoán đây là nơi ở của một vị công chúa nào đó. Phóng tầm mắt ra xa tôi thấy một ngôi đình nghỉ mát, hình như bên trong có người, tôi bước đến gần hơn, hóa ra là một cô gái rất xinh đẹp. Nàng ấy mặc một bộ xiêm áo nhiều lớp, dài chấm gót chân, lưng thắt một sợi dây lưng bản to màu xanh nhạt, áo bên trong màu trắng, riêng áo khoác ngoài thì có màu xanh nhạt. Tóc nàng ấy vấn cao một nửa, bên trên cài một cây trâm bạc hình bươm bướm, thêm một cây trâm ngọc nạm trân châu, nửa tóc còn lại thì thả dài tới qua lưng. Tôi hơi bỡ ngỡ vì nghĩ mình gặp một nàng tiên, cũng mừng thầm vì đi mãi cuối cùng cũng gặp được một người, nhưng không biết nàng ấy đang nghĩ gì mà có vẻ đăm chiêu lắm, môi hồng mím chặt, mày liễu cũng nhíu lại, tôi đã bước tới gần mà nàng vẫn không hề biết.

Tôi nghĩ đợi mãi cũng không phải là cách, thế nên đành lên tiếng đánh động nàng ấy.

- Dạ... dạ cho em hỏi...

Nàng ấy giật mình quay lại, nhìn thấy cách ăn mặc của tôi thì có vẻ ngạc nhiên vì khác quá, nhưng nàng vẫn mỉm cười thật dịu dàng, lúc này đây tôi mới thấy nàng thật đẹp, xứng danh quốc sắc thiên hương, trước giờ tôi chưa từng gặp qua người nào đẹp đến thế. Có lẽ nàng tiên cũng chỉ đẹp đến thế là cùng.

- Em là ai, sao lại lạc đến nơi này?

- Em vô tình lạc đến đây ạ, mà chị cho em hỏi đây là đâu thế, chị là tiên hay người trần mà sao đẹp quá?

Nàng ấy, đưa tay lên che miệng cười vừa câu hỏi ngu ngơ của tôi, rồi đáp:

- Đây là thủy cung còn ta là Mị Châu, con gái nuôi của Long Vương, ngài là người có ơn đối với ta.

- Mị...Mị Châu?

Tôi quá bất ngờ vì không nghĩ mình lại gặp được công chúa Mị Châu trong truyền thuyết, ra là đây là đoạn sau khi nàng bị vua cha giết rồi lưu lạc xuống thủy cung, thật không thể ngờ được. Xem ra nãy nàng buồn ắt hẳn là vì những chuyện đau lòng trong quá khứ. Mị Châu thấy tôi bất ngờ, thì lấy làm lạ, bèn hỏi:

- Em có biết chị ư?

- Dạ không ạ, em chỉ nghe danh của chị thôi.

Đến đây tôi thấy nàng thoáng buồn, nét mặt tái hẳn đi.

- Chắc toàn là những chuyện xấu xa mà ta đã gây ra đúng không, ta hận không thể chết đi vì quá xấu hổ, nhưng đã chết một lần sao có thể chết thêm được nữa.

- Không ý em không phải vậy, em tin chị là một người con gái tốt, chỉ là Trọng Thủy kia quá mưu mô, xảo quyệt, lợi dụng lòng tin yêu của chị mà gây tội. Chị đừng tự trách, tất cả đã qua rồi, lịch sử vốn cũng là số mệnh không thể tránh được chị ạ.

- Không ngờ, em còn nhỏ mà lại có thể thấu hiểu cho nỗi lòng của chị như thế, suốt mấy năm qua chị vẫn không thể buông xuống nỗi đau này, cứ làm một hồn ma vất vưởng ở chốn thủy cung. Tuy sống trong nhung lụa nhưng cũng nhạt nhẽo, vô vị, tâm đã chết thì tồn tại còn ý nghĩa gì, chi bằng sớm đi đầu thai, kiếp sau lại làm một người tử tế.

Tôi chỉ biết im lặng vì lời cần nói cũng đã nói hết, có nói thêm chi cũng chỉ là lời thừa. Đột nhiên tôi nghe tiếng mẹ gọi "Dậy đi học mau, sáng bảnh mắt rồi mà còn ngủ nướng hả?". Tôi choàng tỉnh sau cơn mộng dài, cuộc gặp gỡ với Mị Châu vẫn còn nguyên ký ức, tôi mỉm cười, hóa ra là mộng, một giấc mộng thật ý nghĩa. Tôi bước xuống giường bắt đầu một ngày mới, trong một thế giới thực, nhưng lòng thầm ghi nhớ những ký ức về nàng Mị Châu bạc mệnh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 6 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 6

Hôm nay em đã được học bài văn Thạch Sanh, cô giáo có giao cho bài tập về nhà là "Chọn một chi tiết rồi vẽ tranh minh họa cho truyện Thạch Sanh". Em đã chọn vẽ chi tiết Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng. Sau khi hoàn thiện bức tranh đã có một chuyện kì lạ xảy ra và em đã được gặp Thạch Sanh.

Khi em giơ bức tranh lên cao gần ánh đèn để nhìn thì bỗng có một luồng ánh sáng rất mạnh tỏa ra khiến em phải nhắm mắt, đến khi mở mắt ra thì đã thấy một người lạ đứng trước mặt mình. Em đang hồn bay phách lạc và lo sợ thì người đó cất tiếng nói: "Ta chính là Thạch Sanh mà ngươi vẽ, cảm ơn ngươi đã vẽ ta đẹp như vậy và đưa ta tới với thế giới này". Em liền giơ bức tranh của mình lên, quả thực người đó giống y hệt với Thạch Sanh mà em đã vẽ. Em liền hỏi "Nếu thực sự là Thạch Sanh vậy có thể cho em xem rìu và cung tên bằng vàng của người hay không?", Thạch Sanh trong nháy mắt đã biến ra trên tay chiếc rìu lưỡi to lớn, cung tên bằng vàng to và nặng, sáng rực cả căn phòng của em. Lúc này em mới tin đây chính là Thạch Sanh, em liền hỏi: "Em cũng muốn có rìu và cung tên cùng cây đàn như của Thạch Sanh để có thể trừ bạo giúp người". Thạch Sanh cười nói "Bây giờ sách bút của các em chính là rìu của ta, cung tên chính là mục đích sống, mục tiêu học tập của các em, còn cây đàn chính là vốn văn hóa, văn nghệ mà các em phải trau dồi".

Em còn đang nghe Thạch Sanh nói thì bị tiếng chuông báo thức kêu đến inh tai, hóa ra đó chỉ là một giấc mơ, giấc mơ đó Thạch Sanh đã dạy em bài học quý giá.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 6 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 7

Tình cờ tối hôm qua em được xem phim hoạt hình truyện cổ tích Thạch Sanh, đọc truyện ta chỉ có thể tự tưởng tượng ra nhân vật, còn xem phim em thấy rất hấp dẫn, từng cử chỉ, hành động và giọng nói đều rất phù hợp với nhân vật. Vậy là buổi tối khi đi ngủ em đã gặp một giấc mơ kì lạ, em cũng là một nhân vật đóng cùng với Thạch Sanh.

Trong mơ em lạc vào một thế giới cổ tích khác thường, xung quanh mọi thứ đều xa lạ. Em mặc trên mình bộ quần áo gụ thời xưa, đầu quấn khăn, đi chân đất. Em nhìn ra xung quanh, thấy có một người đang tiến đến gần, mọi người hô vang "Thạch Sanh đến rồi! Thạch Sanh đến rồi!". Em nhận ra trước mắt mình chính là nhân vật Thạch Sanh trong truyện cổ tích, chàng trai có thân hình cao lớn, cơ bắp nổi cuồn cuộn, trên mình chỉ quấn mỗi một mảnh khố. Dáng đi hiên ngang, tay vung chiếc rìu lưỡi sáng loáng, tay lại cầm cây cung vàng chói lóa.

Vừa đi Thạch Sanh vừa hô to "Đại bàng và chằn tinh! Các ngươi đừng hòng hại người, có ta ở đây ta sẽ diệt trừ các ngươi". m thanh đó vang xa dần rồi lại thấy chuyển cảnh, lúc đó em đang ngồi ở một gốc đa thì thấy có người mặc long bào đi cùng đoàn quân đi qua, em đứng lên chào thì người đó lại nói mình chính là Thạch Sanh đây. Em bỗng chốc vui sướng nói chuyện với Thạch Sanh "Hóa ra chàng đã được làm vua, ta rất khâm phục võ công và tấm lòng của người, vậy còn hai mẹ con nhà Lý Thông sao rồi?". Thạch Sanh với vẻ mặt buồn tiếc nói rằng "Ta đã rộng lòng tha thứ để mẹ con hắn về quê bình yên sống tiếp nhưng gieo nhân nào thì gặt quả đó, họ đã không qua được sự trừng phạt của trời đất". Sau đó Thạch Sanh kêu em đi cùng đoàn quân vào trong cung để được dạy võ, học văn trở thành người có ích cho xã hội, em nhận lời và đi theo.

Sáng ra khi giấc em vẫn chưa nhận ra mình đã trở về thế giới thực, trong lòng còn đang phấn khởi mình sẽ được học võ nghệ. Em đem chuyện giấc mơ kể cho các bạn cùng nghe ai cũng lấy làm thích thú.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 4 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 8

Cuối tuần vừa rồi em được về nhà bà ngoại chơi, ở quê của bà có làng, có đình, có giếng to và có cả một cây đa cổ thụ. Khi em đứng dưới gốc cây đa cổ thụ, chẳng biết sao lại có cảm giác rất quen thuộc, rất giống với cây đa mà em tưởng tượng khi đọc truyện Thạch Sanh. Thế rồi chẳng biết từ lúc nào em đã ngủ thiếp đi, trong giấc mơ em lại thấy mình được nói chuyện với Thạch Sanh.

Em thấy mình đi lững thững dưới gốc cây đa, tai nghe văng vẳng thấy tiếng đàn rất hay mà không biết tiếng đó phát ra từ đâu. Em liền chạy tìm quanh, thì bỗng từ trên cây đa nhảy xuống một chàng dũng sĩ với khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, trên người chàng ta chỉ mặc một chiếc khố nhưng rất kín đáo và lịch sự. Trên tay chàng ta còn cầm một chiếc rìu sắc bén, một cây cung bằng vàng quàng trên vai. Em ngẩn người một lúc, không nói lên lời.

Chàng dũng sĩ tự giới thiệu: "Ta là Thạch Sanh, sống một thân một mình ở đây đã rất nhiều năm, hôm nay mới thấy có người ghé thăm, hóa ra là một cậu học trò nhỏ". Em khi đó rất ngỡ ngàng, vẫn không thể tin vào mắt mình, em cố dụi mắt nhiều lần nhưng vẫn là hình ảnh Thạch Sanh. Em liền tiến đến nói chuyện với Thạch Sanh, em hỏi "Em đã được đọc truyện của Thạch Sanh, tại sao chàng lại có võ nghệ cao cường và tấm lòng giúp đỡ mọi người rộng lớn đến thế?". Thạch Sanh đáp lời em "Ta có võ nghệ là do chăm chỉ tập luyện, rèn sức khỏe, còn tấm lòng giúp đỡ mọi người thì ai cũng có thể làm như ta, chỉ cần mọi người có lòng nhân ái, tự khắc sẽ trở thành anh hùng". Thấy vậy em liền hỏi "Vậy em có thể làm anh hùng như Thạch Sanh được không?", Thạch Sanh cười đáp "Dĩ nhiên là được rồi, hãy chăm ngoan, học giỏi, giúp đỡ cha mẹ và mọi người, thật thà và đừng bao giờ đố kị, em chính là một anh hùng". Nói vậy rồi Thạch Sanh cưỡi chim đại bàng bay lên trời rồi biến mất.

Thật là một giấc mơ kì lạ, em chợt nghĩ, chắc hẳn sau câu chuyện trong sách giáo khoa, Thạch Sanh đã thuần hóa được chim đại bàng và cho nó đi theo mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 3 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 9

Tết năm nào nhà em cũng gói và nấu bánh chưng. Dù bận rộn đến đâu, nhà em cũng không đổi thay lệ đó, bởi nó đem lại một không khí bận rộn, rộn ràng rất là Tết. Năm ấy, vào đêm 29 tháng chạp, em cùng mấy đứa bạn thức canh nồi bánh chưng. Đêm đã khuya, mọi người đã ngủ cả. Mọi nhân vật cùng đều im lặng, chỉ còn nghe thấy nồi bánh chưng sôi đều, củi cháy đượm, thỉnh thoảng vang lên tiếng nổ lép bép. Em nhìn bếp lửa đỏ hồng, những đốm sao từ đó bay lên.

Bỗng một tiếng nói rất xa lạ vang lên sau lưng: “Chà, vất vả quá nhỉ?” Em quay lại nhìn, một chàng trai trẻ trạc ngoài hai mươi tuổi, tóc búi củ hành, ăn mặc sang trọng nhưng xưa cũ, chân đi guốc tre, nhìn em mỉm cười. Em tỏ ý ngạc nhiên, định hỏi “Anh là ai?” thì chàng đó đã tự giới thiệu: “Ta là Lang Liêu, người sáng tạo ra bánh chưng cổ truyền đi tìm hiểu xem dân tình ngày nay còn nấu bánh chưng để cúng giỗ ngày Tết nữa hay không?”. Em chớp mắt hỏi: “Lang Liêu nào, Lang Liêu thời vua Hùng phải không?”. Thấy em còn nhỏ, chàng tươi cười đáp: “Đúng đó, chú em còn nhớ tên ta giỏi quá!”. Nói rồi chàng thân mật ngồi xuống cạnh em, trên chiếc ghế con bằng nhựa. Em lấy làm lạ, thời vua Hùng cách đây đã mấy nghìn năm, sao Lang Liêu còn sống mà đến được nhỉ? Em chưa suy nghĩ xong thì đã thấy chàng bảo: “Ta vừa ở chỗ các vua Hùng đến đây. Nghe nói dân tình ngày nay việc thì nhiều, thời gian ít, lại có thêm nhiều công nghệ mới làm ra các thức “ăn liền”, ta sợ bánh chưng không có người làm, bàn thờ gia tiên vắng vẻ nên mới đi xem xét. Thấy nhà chú em đang nấu, ta vui quá mới ghé xuống thăm. Thế nào, chú em vẫn thích bánh chưng chứ?”. Em bối rối quá. Đích thị là Lang Liêu thời Hùng Vương rồi, liền nói: “Thưa ngài, thích lắm ạ! Em có thể ân liền mấy ngày Tết không biết chán ạ!” “Đúng lắm, Lang Liêu tiếp lời- Điều này ta đã nói từ mấy nghìn năm trước. Trên đời này không có gì quý bằng gạo. Gạo nuôi sống người. Sơn hào hải vị dù có ngon mấy, ăn rồi cũng chán, duy chỉ có gạo ăn mãi là không chán mà thôi! Có đúng thế không? “Em nói: “Thưa ngài, đúng lắm. Nhân ngài đến, xin cho em hỏi: làm sao mà ngài nghĩ ra được thứ bánh ngon thế? Người ta bảo do ngài nghèo không có điều kiện nên mới nghĩ ra bánh chưng có phải không?” Lang Liêu chau mày, nghĩ ngợi rồi bảo: “Sự thực ta nghèo hơn các anh ta, nhưng không phải chỉ vì nghèo đâu. Ta nghèo tiền của thật, nhưng giàu lòng với thóc gạo. Nhiều người chuộng lạ bỏ quen, tham xa bỏ gần, mà không biến cái quen thành cái lạ, cái ngon, lại còn có ý nghĩa nữa”. Thấy Lang Liêu tỏ ra cởi mở, dễ gần, em mới đánh bạo hỏi thêm: “Thấy sách chép rằng bánh này cũng không phải do ngài nghĩ ra, mà do thần mách bảo, có phải không?”. Lang Liêu hơi đỏ mặt, nhưng rồi chàng bình tĩnh trả lời: “Đúng là thần có mách bảo. Nhưng ta cũng phải suy nghĩ lao tâm khổ tứ, quên ăn mất ngủ suốt nửa năm trời thì thần mới mách cho. Chứ như những kẻ lười biếng, động một tí là vung tiền ra mua, cho gia nhân đi tìm kiếm, thì thần có mách bảo cho gì đâu!” Đúng thật! Em nghĩ thầm, em đang định hỏi thêm câu nữa, thì bỗng có ai nói to: “Thêm nước vào đi, nước cạn hết rồi! Em mở mắt. Thì ra là một giấc mơ, một giấc mơ thú vị quá.

Nhìn nồi bánh chưng sôi sùng sục, bốc hơi thơm phức, em lại nghĩ đến Lang Liêu. Tai em còn văng vẳng lời trò chuyện vừa rồi. Em nghĩ, Lang Liêu sâu sắc thực. Phải có tình cảm sâu nặng với sản vật nước nhà mới tạo ra được món ăn có giá trị lâu dài như thế chứ. Cả dân tộc Việt Nam sẽ mãi biết ơn Vua Hùng và những người con của ngài.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 9
(có 5 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 10

Đã đến giờ Đô-rê-mon và Nô-bi-ta phải ra về. Hai cậu hẹn tôi đến mùa hè sang năm sẽ trở lại để cùng nhau khám phá thế giới cổ tích li kì và bí ẩn.

Hè vừa rồi, Nô-bi-ta và Đô – rê – mon (hai nhân vật trong truyện tranh Đô-rê-mon chúng em vẫn đọc) sang Việt Nam du lịch. May mắn thế nào, hai cậu lại ghé qua nhà tôi xin ngủ nhờ. Thật là một ngày vui đặc biệt.

Ăn xong, bố mẹ cho ba đứa lên phòng tôi chơi. Sau khi đã xem xét căn phòng nhỏ của tôi, Nô-bi-ta tỏ ý rất thích, chỉ tiếc rằng trông nó hơi bị… luộm thuộm một tí. Sau đó cậu ta khoe:

–    Đô-rê-mon tài như thế nào cậu biết rồi đấy. Giờ cậu ước điều gì, cậu ấy sẽ thực hiện ngay lập tức.

Đô-rê-mon lườm Nô-bi-la một cái, nhưng rồi cậu ta cũng nói:

–    Tớ không làm được tất cả mọi thứ đâu. Nhưng bây giờ cậu muốn đi đâu chơi thật xa, chúng ta sẽ đi. Tớ có mang theo cánh cửa thần kì đây.

Thật đúng dịp. Chả là sáng nay chúng tôi tranh luận với nhau: cô Tấm là người thế nào? Tại sao một người hiền lành, tốt bụng, hiếu thảo như côTấm lại có thể trừng phạt cô em và dì ghẻ một cách vô cùng khốc liệt như vậy? Cãi nhau chán không ăn thua, chúng tôi định bụng hỏi cô giáo nhưng cô lại đi họp vắng. Tại sao không tranh thủ lúc này đến hỏi thẳng cô Tấm nhỉ?

Nghe tôi đề đạt yêu cầu, Đô-rê-mon bảo:

–     Hay đấy! Tớ cũng muốn đến thăm thế giới cổ tích của các bạn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đi bằng cánh cửa thần kì mà sẽ sử dụng cỗ xe thời gian này.

Nói rồi cậu ta rút ngay cỗ xe từ trong chiếc túi thần kì ra. Theo túi Đô-rê-mon, tôi vừa nhắm mắt lại, mở mắt ra đã thấy mình đang ở trong một thế giới vô cùng xa lạ. Một cung điện huy hoàng, tráng lệ ở ngay trước mắt. Người hầu kẻ hạ đi lại tấp nập. Thấy một cô gái đang ngồi trên chiếc võng đỏ trong vườn, chúng tôi đến hỏi thăm. Không ngờ người đó lại chính là cô Tấm (Nô-bi-ta và tôi, mỗi đứa mất một chiếc bánh rán với Đô-rê-mon về chuyện này). Chúng tôi tranh thủ làm một cuộc phỏng vấn ngăn ngắn:

–    Chào chị Tấm! Chúng em từ thế kỉ XXI về thăm chị đây.

–    Chào các em! Các em về thăm chị hay còn muốn hỏi chị gì nữa?

Ba chúng tôi nhìn nhau. Không ngờ chị Tấm lại biết trước việc chúng tôi định làm. Nô-bi-ta nhanh nhảu:

–     Dạ thưa chị, chúng em vẫn nói với nhau là: “Hiền như cô Tấm”. Chị đã phải mò cua, bắt ốc, làm lụng vất vả mà vẫn bị mụ dì ghẻ chửi mắng, bị cô em bắt nạt. Bắt được con cá bống chị cũng không ăn mà lại thả vào chum để nuôi, khi không thể nhặt được số thóc lẫn mà mụ dì ghẻ giao cho, chị chỉ biết khóc… thì đúng là chị hiền thật. Vậy tại sao chị có thể làm cái việc mà không mấy người dám làm, đó là xui cô Cám dội nước sôi vào người, sau lại đem xác cô Cám làm mắm để gửi về cho mụ dì ghẻ?

–    Có chuyện như vậy thật ư? Cô Tấm sửng sốt.

Tôi vội đỡ lời:

–    Đúng thế đấy chị ạ. Em còn mang cả sách theo đây này.

Tôi lấy cuốn sách ra, đọc rành rọt phần kết thúc cho cô Tấm nghe. Nghe xong, cô Tấm ngẩn người ra một lúc. Rồi cô bảo chúng tôi:

–     Không phải thế đâu các em ạ. Dù ghét, thậm chí căm thù mẹ con Cám đến đâu chăng nữa, sao chị có thể làm nổi một việc kinh khủng như vậy. Chắc là có chuyện nhầm lẫn ở đây. Thật là đáng sợ.

Chúng tôi không biết nói sao, sau khi theo chị đi thăm cung điện, chúng tôi chào chị ra về, lòng không khỏi băn khoăn.

Trong bữa cơm chiều, chúng tôi đem câu chuyện kể lại cho mẹ nghe. Mẹ tôi bảo:

–     Cô Tấm nói đúng đấy các con ạ. Một người bình thường cũng khó làm nổi việc ấy chứ đừng nói là cô Tấm.

Tôi thắc mắc:

–    Vậy tại sao trong sách lại có đoạn ấy hả mẹ?

–     Con phải nhớ rằng, Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích. Trước khi được in thành sách cho các con học như bây giờ, nó được lưu truyền qua lời kể của nhân dân. Bởi vậy, nó thể hiện cách nhìn, cách nghĩ và cả quan niệm của nhân dân về đời sống cũng như niềm mơ ước về một xã hội công bằng, trong đó những con người nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi như cô Tấm phải được sống hạnh phúc, còn những kẻ độc ác như mẹ con Cám phải bị trừng trị đích đáng. Thạch Sanh tha tội cho cho Lí Thông nhưng tội của Lí Thông quá lớn, trời đất làm sao dung tha được. Giả sử cô Tấm có tha tội chết cho Cám thì cô ta cũng sẽ phải chịu cái kết cục như Lí Thông thôi. Nhưng mẹ con Cám còn tàn ác hơn Lí Thông nhiều lần. Lí Thông chi đẩy Thạch Sanh đi chết thay mình, hay cùng lắm thì lấy đất lấp cửa hang để Thạch Sanh không lên được, mẹ con Cám thì không chỉ giết chết Tấm một lần. Tấm chết hoá thành chim vàng anh, mẹ con Cám bóp chết vàng anh. Tấm hóa thành cây xoan đào, họ chặt cây xoan đào. Thậm chí khi Tấm hoá thân vào khung cửi, họ cũng không ngần ngại đốt bỏ cả khung cửi. Mẹ con Cám quyết giết Tấm đến cùng. Cái tội ác như vậy, nhân dân ta cho rằng, phải để chính tay Tấm trừng trị Cám thì mới thỏa.

Hành động của Tấm, cái chết thảm khốc của mẹ con Cám chính là chiến thắng của cái Thiện đối với cái ác sau khi cái thiện đã phải đấu tranh quyết liệt bằng máu và nước mắt. Trong thực tế, cô Tấm không thể làm được việc đó nhưng nhân dân ta đã trả thù thay cho Tấm, đã dùng trí tưởng tượng để thực thi lẽ công bằng.

À ra thế! Chúng tôi không ngờ chỉ trung thời gian ngắn đã được một bài học thật bổ ích. Đô-rê-mon bảo:

–    Mình không ngờ, thế giới cổ tích của các bạn phức tạp thật, nhưng cũng thật lí thú.

Đã đến giờ Đô-rê-mon và Nô-bi-ta phải ra về. Hai cậu hẹn tôi đến mùa hè sang năm sẽ trở lại để cùng nhau khám phá thế giới cổ tích li kì và bí ẩn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 10
(có 3 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 11

Sáng nay, trong tiết Văn, chúng em được học về truyền thuyết Thánh Gióng, người anh hùng nhỏ tuổi đã lập nên kì tích quét sạch giặc Ân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Giọng kể truyền cảm, sinh động của cô giáo Hương đã đưa chúng em vào thế giới đầy những hình ảnh huyền ảo, phi thường. Hình tượng đẹp đẽ của Thánh Gióng đã để lại trong tâm trí em một ấn tượng sâu đậm có sức cuốn hút lạ lùng. Đến đêm, trước khi đi ngủ, em giở sách ra đọc lại truyện một lần nữa và ao ước rằng giá như mình vươn vai một cái cũng trở thành tráng  sĩ oai phong lẫm liệt như Thánh Gióng. Ao ước cháy bỏng ấy đã theo em vào cả giấc mơ,..

Em đang đi giữa một vùng quê yên bình, đầy hoa thơm cỏ lạ. Những ngôi làng được bao bọc bằng lũy tre đằng ngà, thân vàng óng, lá xanh rì rào trước ngọn gió xuân hây hẩy. Dọc đường, ao chuôm nối tiếp nhau thành dãy, mặt nước lung linh soi bóng mây trời. Mỗi hình ảnh đều gợi lại chiến công của Thánh Gióng. Dòng người đông đúc đang hối hả kéo nhau về đền thờ Thánh Gióng. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, náo nức cả một vùng.

Em ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh thăm thẳm, ồ kia! Lạ chưa! có một đám mây ngũ sắc gióng hệt hình người đang cưỡi ngựa. Đám mây hạ thấp dần, thấp dần và em không tin vào mắt mình nữa. Trước mặt em là Thánh Gióng đầu đội mũ sắt, mặc áo giáp sắt, cưỡi trên lưng ngựa sắt… hiển hiện trên bãi cỏ xanh. Thánh Gióng vui vẻ cất tiếng chào:

–    Chào cậu bé! Ta !à Thánh Gióng. Ta đã nhận được lời nguyện cầu của cậu. Cậu có muốn ta giúp gì chăng?!

Sự ngạc nhiên tột độ đã nhanh chóng biến thành niềm vui mừng khôn xiết. Em vội vàng bày tỏ:

–    Thưa ngài! Em và các bạn chi ao ước làm sao vươn vai một cái trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt như ngài. Xin hỏi ngài bí quyết để điều đó biến thành hiện thực.

Thánh Gióng cười lớn, tiếng cười vang động không gian:

–    Ồ! Ta hiểu! Tuổi thơ bao giờ cũng có những ước mơ đẹp đẽ lạ thường! Ngày xưa, ta cũng vậy. Chính sự tồn vong của đất nước trước nạn ngoại xâm đã khơi dậy trong ta sức mạnh thần kì. Chính dân làng đã góp gạo nuôi ta lớn nhanh như thổi để đi đánh giặc. Sức mạnh của ta là sức mạnh lòng yêu nước của toàn dân. Việc ta vươn vai một cái trở thành tráng sĩ tượng trưng cho khát vọng chiến thắng quân thù. Ta thay mặt nhân dân trừng trị đích đáng lũ giặc ngông cuồng, dám xâm phạm vào giang sơn gấm vóc của tổ tiên.

Còn bây giờ, trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, con người không cần phải khổng lồ về thể xác nhưng phải khổng lồ về ý chí và trí tuệ. Một trí tuệ sáng suốt, một nghị lực phi thường trong một thân thể khỏe mạnh là những điều rất cần thiết cho cuộc sống ngày nay. Đó là những lời tâm huyết mà ta muốn nói. Cậu bé hãy suy nghĩ kĩ xem có đúng không. Nếu đúng thì hãy làm theo và ta cũng nói trước rằng đó là cả quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ đấy ! Ta chúc cậu mai sau trở thành người có đức, có tài hữu ích cho đất nước! Thôi, chào cậu! Ta đi đây!

Thánh Gióng dứt lời, ngựa sắt hí vang, bốn vó từ từ nhấc khỏi mặt đất. Cả người lẫn ngựa bay càng lúc càng cao, rồi mờ dần, mờ dần giữa những đám mây trắng như bông.

Em bàng hoàng tỉnh giấc. Ôi! Thì ra là một giấc mơ! Một giấc mơ lạ lùng! Tiếng nói của Thánh Gióng vẫn văng vẳng đâu đây. Em thấm thía lời khuyên chí tình của ngài. Đúng là chi có thể bằng con đường học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng thì chúng ta mới biến được những ước mơ đẹp đẽ thành hiện thực.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 11
(có 4 lượt vote)

Bài văn kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong cổ tích/truyền thuyết - mẫu 12

Hôm nay tôi lại được trở về quê nội, được bước chân trần trên cát trắng, được ngắm biển khơi mênh mông. Tôi đang được thưởng thức những giây phút diệu kì. Ngắm biển đêm xa xăm mờ ảo, chợt tôi nhận ra có một người con gái nằm trên bãi biển, đó là một nàng tiên cá xinh đẹp.

Cùng với những tiếng sóng biển dạt dào, nàng tiên cá dần dần hiện ra và trườn lên hẳn bờ cách chỗ tôi đứng không xa. Nàng rất thân thiện và tự nhiên chú không sợ sệt e dè như những nàng tiên cá mà tôi đã đọc trong những câu chuyện cổ tích. Nàng tiên của biển cả với dáng vẻ thật lạ lùng, đôi chân ấy lướt đi trên cát, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến bên tôi trước đôi mắt ngạc nhiên xoe tròn của tôi.

– Sao nhìn chị giống như người cá vậy? Tôi ngơ ngác hỏi.

– Chị là nàng tiên cá.

Tôi có một phút lạnh cả sống lưng, không tin vào mắt mình. Bởi tôi đã đọc và xem nhiều câu chuyện, nhiều bộ phim về nàng tiên cá nhưng tôi không tin có nàng tiên cá tồn tại thật. Thật hay mơ, ảo tưởng hay hiện thực? Đầu óc tôi chợt bối rối, phân vân rồi tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Nàng tiên cá mà tôi hay gặp trong giấc mơ, người trong câu chuyện đã gắn bó cùng tôi suốt những năm tháng ấu thơ… giờ đây đang ở trước mặt tôi, thật đẹp và gần gũi. Mái tóc vàng óng như một dòng suối mềm mại ấy tôi mới chỉ tưởng tượng mà chưa thật nhìn thấy, cả đến vuốt nhẹ cũng ngoài sức tưởng tượng của tôi, ôi êm dịu mát lạnh và thân thương đến lạ.

Lúc đầu nhìn thấy tôi có chút hoang mang, nghĩ mình gặp phải quái vật, nhưng sau khi thấy thái độ của chị, tôi thấy nàng tiên cá cũng như con người, không có gì đáng sợ. Hai chi em ngồi cạnh nhau, tôi hỏi chị dủ mọi chuyện về cuộc sống của những người cá. Chỉ tay về phía biển mênh mông, chị nói:

Cuộc sống của bọn chị chắc khác cuộc sống của các em. Theo quy định của thủy cung, mười lăm tuổi mới được lên khỏi mặt nước. Các chị lớn của chị được lên bờ trước về kể lại câu chuyện các chi được gặp và nhìn thấy cuộc sống của những con người trên đất liền, chị đã ngày đêm mong ngóng cái ngày mình được lên mặt đất, rồi cái ngày ấy cũng đến và bây giờ, đêm nào chị cũng lên bờ để mong gặp được con người.

Tôi lắng nghe những lời tâm sự của chị, thấy chị kể chăm chú, vừa thích thú hào hứng, nhưng vẫn có nét buồn xa xăm, tôi hỏi:

– Sao kể chuyện lên bờ vui thế mà em thấy chị vẫn không vui?

Chị nhìn xa xăm và tiếp tục câu chuyện của mình: – Chị thấy buồn lắm, vì kỉ niệm lần đấu chị lên bờ, chị đã gặp một chàng trai bị rơi xuống biển, chị đã cứu chàng lên bờ, nhưng khi con người nhìn thấy, chị đã bơi nhanh ra biển. Từ khi nhìn thấy chàng trai, chị đã có tình cảm đặc biệt, nhưng chi không thể gặp được chàng.

Chị đột nhiên dừng lại, tôi mơ hồ tượng ra cái viễn cảnh đẹp đẽ ấy, trong giờ phút gần kề với cái chết, tôi cảm nhận được chàng hoàng tử ấy chắc sỡ hại và lạnh lắm nhỉ. Chàng thật hạnh phúc và thật may khi gặp nàng tiên cá đáng yêu.

Chị còn bên cạnh vẫn hướng đôi mắt buồn xa xăm vào khoảng không, dường như trong ánh mắt ấy chứa đựng cả tình yêu và nỗi nhớ thương.

– Chị đã để chàng ở lại trên bờ và đã có một người con gái khác đưa chàng vào lâu đài nguy nga ấy. Chị đã rung động, đã yêu chàng thật nhiều và hy sinh, đánh đổi cả giọng hát mê đắm lòng người cho mụ phù thủy để có được đôi chân này đây! Nhưng tất cả không như chị muốn, chị không thể nói, không thể bày tỏ tình yêu với chàng, mà chỉ lặng lẽ bên cạnh chàng. Trái tim của chàng đã không giành cho chị

Tôi có thể hiểu chị đã phải lựa chọn cuộc sống giữa người thân, giữa biển cả rộng lớn với cuộc sống thầm lặng bên người mình yêu. Chị đã lựa chọn và đi theo tiếng gọi của trái tim. Cũng như tôi, vì tôi quá yêu bố, quá chờ mong, nên ngày nào cũng đợi nơi bãi biển này. Rồi một ngày nào đó, bố sẽ về trên chiếc thuyền đầy ắp cá, chắc chắn bố sẽ rất vui và tôi cũng vậy.

Chị đang khóc bên tôi, những giọt nước mắt của chị lăn trên là da trắng mịn như những hạt ngọc xanh trên biển, đẹp mà sao buồn thế.

– Chị thật sai lầm khi đã quá yêu chàng, em có biết không, thật sự chị đã không thể giữ nổi con cao ấy, không thể ra tay ghim vào trái tim chàng nỗi đau đớn. Chị không thể quên khuôn mặt hạnh phúc của chàng bên nàng công chúa đó, chị không thể quên…

Lại một lần nữa chị phải lựa chọn, quay về với biển cả hay tan thành bọt sóng, không còn gì cả, không còn tình yêu. Người con trai đó, chàng hoàng tử mang đến cho chị tình yêu và cũng là người mang chị rời thật xa khỏi cuộc sống…

– Chị không hối hận về những gì mình làm chứ ạ? Chị có oán trách, có giận hờn người ấy không chị?

– Không có gì để oán trách cả. Với chị nó đơn thuần chỉ vì tình yêu, bởi nó quá mạnh liệt, quá yêu để rồi phải rời xa. Chị chấp nhận và không oán trách.

Tôi chợt nghĩ, chỉ có thần tiên mới có tấm lòng như vậy. Chị dũng cảm quá, chị cao thượng và hy sinh nhiều quá. Tôi muốn an ủi, muốn làm điều đó cho chị, nhưng làm gì đây, tôi có thể làm được gì ngoài việc ngăn cho những giọt nước mắt không rơi, nhưng tôi không thể, tôi òa khóc và chẳng hiểu vì sao. Tôi ôm chị và thấy tình yêu bố trỗi dậy mạnh mẽ, tôi nhớ bố…

Tôi nhận thấy người cá cũng có tâm tư tình cảm giống như con người, tôi ôm chị thật chặt để cho chị sẽ không tan thành bọt biển, để chị mãi là nàng tiên đẹp nhất, nhưng đôi tay tôi nhỏ bé quá, ý nghĩ của tôi còn non nớt quá và tôi cũng chưa đủ hiểu thế nào là sự ra đi. Chị ôm tôi, thật ấm áp.

– Em khóc hả! Xấu quá đi! Đừng như thế. Hai chị em mình cùng cười thật to nhé, bố em sẽ nghe thấy và hoảng tử cũng sẽ thấy, hãy chuyển những tình yêu và nỗi nhớ của mình vào gió biển, làn gió sẽ bay thật nhanh, sẽ để cho bố và hoàng tử cảm nhận được, phải không em

Chị vung tay và làm hiện ra trước mắt tôi hình ảnh bố đang cưỡi thuyền vượt gió, bố vẫn thế, không khác đi và tóc bố bạc hơn. Chị nói rằng sẽ gặp được bố và gửi cho bố hình ảnh của tôi.

Cuộc gặp gỡ của tôi và chị diễn ra thật ngắn ngủi, tôi còn muốn nói chuyện với chị thật nhiều, nhưng đã đến giờ chị phải trở về biển cả, hai chị em chào nhau và hi vọng có ngày được gặp lại. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh từ lần gặp nàng tiên cá. Tình yêu, lòng dũng cảm và sự hi sinh vì người mình yêu của chị đã giúp tôi vững niềm tin vào cuộc sống, tôi thấy yêu cuộc sống hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .