Top 10 Bài văn nghị luận về sự thấu cảm (lớp 12) hay nhất

102.4k

Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi ta có sự thấu cảm, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để cảm nhận,...xem thêm ...

Top 0
(có 1 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 1

Thấu cảm là khả năng hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn cảm xúc, suy nghĩ của một ai đó. Thấu cảm là một sự thông cảm sâu sắc với tha nhân, có một ý nghĩa lớn lao đối với con người và cuộc sống. Khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng nhận biết được một cách thấu đáo hoàn cảnh, suy nghĩ của người khác.


Trên cơ sở đó, người ta hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác trong hoàn cảnh cụ thể. Sự hiểu biết ấy sẽ khơi nguồn cho sự cảm thông, sẻ chia nỗi buồn…. của người khác. Điều này sẽ góp phần nói lên bản chất tốt đẹp của con người và giúp cho cuộc sống xã hội có một diện mạo nhân ái, lành mạnh. Vì trong xã hội đó, người với người có quan hệ tương thân tương ái như Tố Hữu đã từng hình dung: Có gì đẹp trên đời hơn thế - Người yêu người, sống để yêu nhau. Khi người ta không có sự thấu cảm, con người dễ trở nên lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm.


Nếu thiếu sự thấu cảm đôi khi chúng ta có những sự giận dữ vô lý. Sự giận dữ không đúng là một hình thức tự hành hạ mình bằng những cảm giác khó chịu. Người ta dễ rơi vào sự ích kỷ và không biết quan tâm đến niềm vui cũng như nỗi buồn của người chung quanh. Khi đó, con người dễ trở nên xấu xa và cuộc sống xã hội cũng vì thế dễ trở nên tồi tệ, người với người dễ trở thành dã thú và đầy thù hằn với nhau… Có sự thấu cảm, người ta sẽ tránh được suy nghĩ và thái độ cực đoan đối với người khác. Thế giới vẫn còn đầy những cuộc chiến tranh man rợ chính vì thiếu sự thấu cảm đó.


Vì vậy, sống trên đời cần có một tấm lòng, cần có sự thấu cảm. Mỗi người đừng để cái tôi của mình lấn át những tình cảm tốt đẹp. Nếu mỗi người đều biết tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ và cảm thông chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều hữu ích cho xã hội và thế giới loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 2

Tôi đã bị ám ảnh bởi câu văn: “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảng khắc của cuộc sống” – trích trong “Thiện, Ác và Smartphone”. Tôi tự ngầm hỏi mình thấu cảm là gì mà lại hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và nó xảy ra như thế nào ? Phải chăng để định nghĩa đúng về sự thấu cảm đó chính là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét…


Và liệu thực sự sự thấu cảm có xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống? Tôi đã từng đọc một cuộc phỏng vấn của tờ The Herald Sun về một phụ nữ có 3 con nhỏ bị phạt vì tội ăn trộm thức ăn ở một siêu thị với trị giá 36 đô la để các con của mình không bị chết đói. Nhưng điều đáng nói ở đây đó chính là việc làm của hai nhân viên cảnh sát Keith Bradshaw và Candace Spragins của Sở Cảnh sát Hillsborough. Sau khi nhận yêu cầu điều tra và tìm ra thủ phạm của vụ trộm, họ đã buộc người phụ nữ đó phải nộp phạt cũng như hoàn trả lại toàn bộ số thức ăn cho siêu thị. Nhưng tối hôm đó, hai cảnh sát nói trên lại tới nhà chị ta… với rất nhiều đồ ăn. Thì ra chính họ đã quay lại cửa hàng, dùng tiền của mình để mua số thực phẩm trị giá lên tới 140 USD, bao gồm thịt, rau và hoa quả cùng những mặt hàng thiết yếu khác. Khi được hỏi tại sao lại hành động như vậy thì một trong hai cảnh sát nói trên đã trả lời: “Đôi khi công việc của cảnh sát không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Đầu tiên chúng tôi là con người, sau đó mới là cảnh sát.


Lòng trắc ẩn mà chúng tôi dành cho những người dân trong cộng đồng thường xuyên được thể hiện.” và vì “Đây không phải là sự phạm tội vì lòng tham, mà là sự cần thiết của một người mẹ để con mình có cái ăn”. Đó phải chăng chính là biểu hiện của sự thấu cảm. Đôi khi chúng ta thường có quan niệm những người thực thi pháp luật luôn cứng nhắc với những quy định, những luật lệ nhưng thực ra ở trong họ lại chứa đựng tình người, sự thấu cảm với người khác. Họ đã đứng trên cương vị của một người mẹ vì tình mẫu tử mà bắt buộc làm điều sai để suy nghĩ, để cảm nhận.


Hay như chính tôi cũng đã từng nhận thấy sự thấu cảm của bản thân. Một ngày cuối tuần rảnh rỗi, thay vì ngủ nướng như mọi lần thì tôi đã ra ngoài tìm kiếm vài thứ. Tới một khu chợ nhỏ bé, tôi bắt gặp một cụ già đã ngoài 80 gầy gò, yếu ớt. Ông cụ với chiếc xe thồ và đầy các ấm, tích trong hai cái thúng vắt ngang xe. Không biết có điều gì thu hút, tôi lại gần mua một hai hộp xôi cho tôi và ông. Sau một hồi trò chuyện và hỏi thăm tôi biết cụ có con cái đủ cả nhưng khi cụ lo cho họ đầy đủ, có gia đình riêng họ lại chối bỏ cụ, chối bỏ trách nhiệm của một người con. Tôi nhớ như in lời cụ sau khi tôi trách mắng con cái cụ: “Thôi cô ạ! Mình tới tuổi gần đất xa trời, may thôi nó chối mình thì mình cũng thấy đỡ gánh cho con cái ! Cái nguyện cho con đầy đủ là tôi an tâm rồi. Giờ có gánh hang đủ sống qua ngày”.


Nghe tới đây tôi tự dưng bật khóc! Tôi ít khi khóc! Tôi thấy bản thân xót xa thay cho ông cụ cả một đời vì con, vì cái ngay cả khi bị phụ bạc vẫn nghĩ cho con mà không oán trách. Cứ đúng hằng tuần tôi quay trở lại nơi đó gặp ông cụ, chia sẻ và mua cho ông cụ chút thức ăn. Tôi kể ra không phải để thấy người khác cảm nhận về mình mà kể ra để có thể mang cho người khác thấy cái nhìn của tôi về sự thấu cảm. Đó là khả năng “đi trong đôi giày của người khác” để cùng vui, cùng buồn, cùng trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc với người mà bạn chọn để nhập vai. Sự thấu cảm cũng cho phép chúng ta có thể tưởng tượng ra các viễn cảnh tương lai khi nhân vật chính không phải là bản thân, để từ đó sử dụng lý trí suy diễn ra cách giải quyết cho các vấn đề dựa trên trải nghiệm cá nhân. Thậm chí, thấu cảm cũng là khả năng để chúng ta kết nối tinh thần với người khác, để đi vào tâm trí họ, và để thấu hiểu lẫn nhau.


Thấu cảm là sự cần thiết trong cuộc sống bởi sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương đem con người ta xích lại gần nhau hơn. Nếu một xã hội không có sự thấu cảm sẽ ra sao ? Như một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu ở Trung học cơ sở ở Hòa Bình. Một nữ sinh uống thuốc tử tự chỉ vì bị các bạn và giáo viên chủ nhiệm nghi oan lấy 100.000 đồng. Một sự việc đáng lưu tâm!  Nếu như các bạn và cô giáo đứng trong tâm thế của nữ sinh đó để đưa ra hướng giải quyết toàn diện, tích cực hơn có lẽ sẽ không xảy ra sự việc đau lòng đó. Điều đó cho thấy nếu một xã hội mà thiếu mất sự thấu cảm thì đó sẽ là xã hội mà chẳng ai kết nối với ai, chỉ là những sinh vật độc lập, trơ trọi, rời rạc. Một xã hội như vậy chỉ có cái kết duy nhất là diệt vong, loài người tất nhiên chẳng thể tồn tại. Bởi tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu, các mối quan hệ, những yếu tố để duy trì nhân loại đều có nguồn gốc xuất phát từ sự thấu cảm cả. Rõ ràng, bạn không thể cảm thấy yêu ai đó khi bạn không có kết nối tâm hồn với người ta. Rõ ràng, các bạn không thể là bạn bè nếu như không có cảm giác thấu hiểu lẫn nhau. Rõ ràng ngày trong cả cuộc sống gia đình, nếu không có sự thấu cảm, đồng cảm thì các thành viên trong gia đình sẽ mất sự liên kết mà tan rã…


Có sự thấu cảm có nghĩa là bạn thực sự quan tâm đến những người khác. Và nếu một người cảm thấy mình được thấu cảm, họ cũng sẽ cảm thấy mình thực sự có giá trị, sẽ dễ dàng cởi mở hơn để chia sẻ, và dễ dàng thấu cảm với những người khác hơn. Đó là một vòng tuần hoàn cảm giác cộng đồng, đem đến các kết nối giữa người với người, tạo dựng liên kết mạnh mẽ để nhằm mục tiêu cao thượng nhất là xây dựng xã hội bền chặt. Sự thấu cảm giữ người và người còn có sức mạnh giúp đỡ nhau hoàn thiện nhân cách, nâng đỡ nhau trong tâm hồn bởi chúng ta đã biết cảm thông và chia sẻ, vị tha cho nhau. Nhưng thấu cảm không đồng nghĩa với việc chúng ta bao che cho những hành vi xấu, vi phạm đạo đức, pháp luật của người khác mà chúng phải lên tiếng phê phán những người sống thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm, những hành vi xấu.


Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác trước khi làm việc gì đó, không nên tùy tiện phán xét một ai đó. Biết chia sẻ, thấu cảm ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với những người xung quanh ta bởi: “Có gì đẹp trên đời hơn thế Người yêu người sống để yêu nhau”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 3 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 3

Cuộc sống có muôn hình vạn trạng những cách sống, những lối sống khác nhau. Mỗi người là một cá thể khác nhau có thể chọn lựa cho mình những cách sống và những phương châm sống khác nhau. Và điều để có thể gắn kết con người với nhau chính là những sự thấu cảm trong cuộc sống. Sự thấu cảm cho đến nay luôn được đánh giá là một trong những điều thực sự cần thiết trong xã hội.


Đầu tiên để nói về sự thấu cảm thì ta cần phải hiểu được rằng sự thấu cảm có nghĩa là gì? Thấu cảm đó chính là một trong những việc làm, đức tính cần thiết của con người. Có sự thấu cảm tức là có sự cảm thông và hiểu được những tâm tư tình cảm, hành động của con người với nhau. Trong cuộc sống thì sự thấu cảm luôn luôn là điều cần thiết và không thể thiếu được. Thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của con người chúng ta. Ta dường như cũng có thể hiểu được sự thấu cảm được đánh giá chính là nguyên nhân dẫn đến sự đồng điệu, hay đó cũng chính là sự sẻ chia, là cội nguồn của lòng trắc ẩn của con người. Hay ta như dễ dàng có thể hiểu được đó cũng chính là những tình yêu thương của con người. Không thể phủ nhận được chính nhờ có sự thấu cảm mà ta như thấy được con người có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo cũng như thật trọn vẹn về người khác hơn. Khi con người mà đã nhìn nhận và hiểu được thì cũng chính từ đó mà con người ta lúc này đây dường như cũng đã biết nghĩ cho người, sống vì người. Có thể khẳng định được rằng, chính tác dụng kì diệu của sự thấu cảm là mang con người xích lại gần nhau hơn.


Quả không sai khi người ta cũng đã nói được rằng chính sự thấu cảm cũng là cơ sở, đồng thời nó cũng chính là những nền tảng để người ta không ngừng làm giàu vốn sống và hoàn thiện nhân cách bản thân mình hơn. Ta dường như cũng thấy được khi con người mà hiểu về nhau hơn thì sẵn sàng có thể chia sẻ hơn với người đó. Không chỉ vậy, sự thấu cảm chính là một trong những điều quan trọng để giúp cho con người hiểu nhau hơn. Hiểu thấu được họ và đồng cảm với họ như đã giúp cho sợi dây gắn kết giữa con người với con người như cũng thật bền chặt hơn bao giờ hết. Và nếu như có thể ví cuộc sống như một bức tranh muôn màu thì ta như thấy được sự thấu cảm cũng chính là chất kết dính để khiến cho bức tranh cuộc sống như thật đẹp và có hình khối thống nhất hơn.


Bên cạnh đó ta như cũng cần phải phê phán những người sống dửng dưng, vô cảm với người khác. Họ dường như cũng sống trong một xã hội nhưng chẳng bao giờ để ý và quan tâm đến những người trong cùng một xã hội mà đnag gặp khó khăn. Với những câu nói cửa miệng của những người vô tâm này đó chính là câu “thóc đâu mà đãi gà rừng”. Họ như vô tâm đến mức nhìn những người ăn xin nghèo khổ cũng phủi tay nói “Lừa đảo bây giờ đâu có thiếu”. Thế rồi thật đáng thương tâm biết bao nhiêu khi một vụ tai nạn xảy ra người ta túm năm tụm bảy như chỉ để xem vì hiếu kỳ nhưng không một ai lo lắng và gọi xe cho người đó đi cấp cứu. Thế rồi ta lại bắt gặp một em bé gái gầy gò, mồ hôi nhễ nhại như chạy vạy khóc than ở cổng bệnh viện mong có thể xin được một chút tiền có thể đóng viện phí cho bố. Nhưng người ta cũng bỏ mặc làm ngơ mà thôi. Liệu có bao giờ bạn nghĩ rằng họ mới là những người đặt nhầm niềm tin không? Thật là một hiện thực đáng buồn biết bao nhiêu.


Cuộc sống luôn luôn cần sự chia sẻ, bởi khi có sự chia sẻ và thấu cảm con người ta cũng như sẽ cố gắng hơn nữa. Đồng thời ta dường như cũng có thể nhận thấy được rằng khi con người hiểu và đồng cảm với nhau họ sẽ biết và trân trọng cuộc sống hơn, tôn trọng con người hơn và có thể làm những việc có ích cho chính bản thân họ và cho cả xã hội. Có thể nhận thấy được rằng, cuộc sống này thực sự có quá nhiều bất công. Không ai sinh ra là đã muốn làm người xấu, ông cha ta cũng đã nói “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người sinh ra là một điều thiện, nhưng vì cuộc sống mưu sinh người ta như cũng bị hoàn cảnh tác động, có những người vượt qua được thì được người ta coi trọng. Thế rồi lại có những người bị nhấn chìm trong những cơn bão lòng, trong cuộc sống mưu sinh, Nhưng tất cả ta mà có thể hiểu được họ, hiểu được hoàn cảnh của họ thì chắc chắc rằng cuộc sống như cũng trở lên đáng sống biết bao nhiêu.


Con người chúng ta cũng phải biết thấu cảm với mọi người không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng hành động cụ thể nữa. Cuộc sống nếu như không có sự thấu cảm giữu con người thì cũng thật đáng sợ biết bao nhiêu. Khi đó con người dường như cũng chỉ tồn tại mà không phải là sống, họ không biết đồng cảm và sẻ chia với nhau thì đây quả thực là một trong những điều đáng buồn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 1 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 4

Cuộc sống của chúng ta hiện nay như đang dần bị đổi thay rất nhiều nhưng ta như mất đi sự cảm thông với nhau. Mối quan hệ giữa người với người như trở lên xa cách hơn, chính vì thế mà con người chúng ta rất cần phải đồng cảm, thấu cảm với nhau để cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn.


Đầu tiên ta phải hiểu thế nào là thấu cảm? Thấu cảm cũng chính là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác. Đó chính là việc chúng ta sẽ đặt mình vào cuộc đời của họ. Đồng thời ta cũng như hiểu được đó cũng chính là sự hiểu biết thấu đáo trọn vẹn một ai đó. Khi con người chúng ta mà có thể hiểu được người khác, hiểu được những suy nghĩ của họ và cũng có thể hiểu được cả những cảm xúc của chính họ thì sẽ không có sự phán xét hay phân biệt gì nữa. Khi chúng ta làm được như vậy chắc chắn cuộc sống sẽ trở lên tốt đẹp hơn rất nhiều.


Bạn luôn kì thị nhiều người, đó là khi bạn chỉ nhìn vào họ một cách phiến diện chỉ đánh giá vào một số hành động mà lại quy chụp họ là người không tốt. Nhưng nếu như bạn muốn tìm hiểu họ thì chưa chắc họ đã là những người như ban đầu bạn nghĩ. Nhà văn Nam Cao cũng đã phát biểu một chân lý rất đúng đắn đó là câu “Chao ôi! Đối với người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,…toàn những cớ cho ta tàn nhẫn không bao giờ thấy được họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”. Cho nên chúng ta muốn đánh giá một người chúng ta phải thấu cảm họ trước, đặt mình là họ thì mới đưa ra nhận xét chứ đừng chủ quan duy ý chí của mình mà làm ảnh hưởng đến những người khác, họ thật buồn khi mình bị nhìn nhận không đúng. Và cho dù bạn có nhận ra được và xin lỗi họ thì vẫn không thể nào có thể xóa nhòa 100% tổn thương mà trước đây bạn đã gây ra cho họ.


Thấu cảm nói một cách đầy đủ nó cũng chính là khả năng nhìn nhận thế giới bằng con mắt của người khác, là sự thấu hiểu, cảm thông trọn vẹn giữa con người với nhau. Ta như nhận thấy được sự thấu cảm có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ta như nhận thấy được sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn và hiểu nhau, cảm thông cho nhau nhiêu hơn. Trong cuộc sống ta như nhận thấy được rằng cũng lại đã có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn. Tất cả những điều này dường như cũng đã giúp ta biết cảm thông và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn và cao hơn đó chính là lòng vị tha với lỗi lầm của người khác. “Nhân vô thập toàn” là bởi vậy, không ai có thể hoàn hảo được tất cả mọi thứ cho nên chúng ta hay biết thấu cảm và suy nghĩ cho nhau để có thể sống thật hạnh phúc cho chính mình và mang lại cả những sự yêu thương, đồng cảm cho những người cạnh bên mình.


Có thể nhận thấy được rằng, chính sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người. Hơn hết nó dường như cũng đã lại hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách một cách đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Sống trong cuộc sống mọi người như đặt vào vị trí của những người khác để từ đó cũng như hiểu được cho chính họ chắc chắn sẽ mang được niềm tin yêu trong cuộc sống. Đồng thời qua đó như cũng đã lại phê phán những người sống thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.


Dường như chúng ta cũng lại có thể ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu thương và sự cảm thông của chính con người với nhau. Ta dường như cũng nhận thấy được mỗi con người chúng ta mà như biết sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh thì chắc chắn cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều. Có ai đó đã từng nói rằng "Có gì đẹp trên đời hơn thế, Người yêu người sống để yêu nhau".


Thêm một điều nữa ta cũng cần phải nhận thấy được ở sự thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, đồng thời nó cũng chính là một sự trọn vẹn một ai đó. Khi chúng ta mà hiểu được họ sẽ khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ. Đồng thời cũng sẽ lại cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét bất cứ điều gì cả. Đừng bao giờ đánh giá người khác dựa trên những suy nghĩ chủ quan của chính mình, hãy mở lòng ra để đặt chính bản thân mình vào họ xem nếu như mình là họ mình sẽ như thế nào. Sư hiểu nhau, thấu cảm lẫn nhau sẽ mang đến cho con người niềm tin yêu, xã hội công bằng và luôn tràn đầy tình yêu thương.


Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi


Thấu cảm trong cuộc sống con người, đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay khi “mệnh ai người nấy lo” thì chúng ta cũng rất cần sự thấu cảm. Sự thấu cảm như một sợi dây vô hình nó như gắn kết con người chúng ta lại khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 5

Kinh tế ngày càng phát triển. Đời sống của người dân ngày một tăng cao, cuộc sống đã ngày một xa vời với hồi ức của những năm tháng chiến tranh, cả dân tộc ta một lòng đoàn kết hướng về sự độc lập dân tộc, để rồi khi hòa bình lập lại, nhân dân ta lại một lần nữa chứng tỏ sự đồng lòng toàn dân cùng nhau vượt qua những khó khăn để vươn lên những ngày tháng cuộc sống có thể ăn no mặc ấm, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên ngày gian khó, người với người lại yêu thương, đùm bọc nhau mọt cách chân thành mà khi cuộc sống đủ đầy, người với người trái tim sao lại xa cách nhau vậy. Con người ngày càng mất dần sự thấu cảm dành cho nhau.


Trong cuộc sống, triết lý về cuộc đời có vô vàn, nhưng câu nói mà tôi thấy tâm đắc và thấm thía nhất, đó là “Ở trên đời, người với người sống để yêu thương”, thế nhưng, con người ta lại càng ngày càng tính toán thiệt hơn với nhau, và với bất cứ sự lên tiếng nào họ cũng quy hết vào do nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền, guồng quay cuộc sống, người ta chỉ yêu chính bản thân mình hoặc chỉ quan tâm đến chính bản thân mình, họ vẫn mặc định sống phải vì bản thân. Hơn chút họ dành thêm sự quan tâm đến người mà họ yêu thích. Tôi cảm thấy rất buồn khi người ta khuyên nhau “Càng biết nhiều thì càng khổ, hãy nhớ điều đó”. “Không nên lo chuyện bao đồng”, “Việc của tôi không cần người khác quan tâm”…Con người vô cảm dần đều và rồi không còn sự thấu hiểu dành cho nhau.


Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Hiểu họ, đồng cảm với họ,. Con người với con người gần nhau thêm về mặt tình cảm, đồng điệu để sẻ chia. Thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, Tổng hòa, nó là thước đo quyết định ý nghĩa của cuộc sống. Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, tình yêu thương, nhờ có sự thấu cảm mà con người có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn về người khác, từ đó biết nghĩ cho người, sống vì người. Sự thấu cảm là mang con người xích lại gần nhau. Sự thấu cảm cũng là cơ sở, nền tảng để người ta không ngừng trau dồi vốn sống và hoàn thiện nhân cách bản thân. Có thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Qua đó, ta sẽ được mọi người tin cậy, yêu thương. Đó chính là chìa khoá của thành công của hạnh phúc.


Mọi người khi nhận được sự cảm thông, sẻ chia trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi nhẹ nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách ấy. Tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương. Dù đó chỉ là những điểu nhỏ nhặt nhất, nghĩ cho cha mẹ đã vất vả nuôi nấng mình khôn lớn để biết chi tiêu tằn tiện, đỡ đần bố mẹ, với những người lớn tuổi trong gia đình, hãy thường xuyên trở về thăm và trò chuyện cùng họ. Những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn hơn ta, không giúp đỡ được gì cho họ thì ít nhất ta đừng nên dè bỉu, khinh miệt họ. Những nơi gặp thiên tai, bão lũ, hãy chia sẻ với họ những điều mình có thể giúp họ để họ vơi bớt sự khó khăn. Hay trên đường đi hãy giúp đỡ trẻ em, người già qua đường. Đi trên xe buýt, hãy biết nhường ghế. Đừng xả rác bừa bãi, đừng mặc định rằng sẽ có cô lao công quét dọn. Những hành vi ấy nếu được thể hiện bằng hành động thì sẽ trở thành những người có khả năng thấu cảm, biết đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn thế giới bằng con mắt của người khác để hiểu được suy nghĩ của mọi người, cảm được cảm xúc của mọi người và từ đó họ đã tự giúp bản thân mình có một cuộc sống giàu ý nghĩa.


Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn vô số hình ảnh không đẹp mắt vì sự vô cảm của con người. Trên đường giao thông thấy người gặp nạn dửng dưng quay đi, thấy những cảnh đánh nhau không biết can ngăn lại còn cợt nhạt lấy điện thoại ra chụp choẹt, quay clip. Coi khinh những tầng lớp dưới mình…Không cần biết đúng sai, những tin tức trên đài báo, kể cả giật tít câu view nhưng cư dân mạng vẫn không tỉnh táo, về dường như chỉ cần biết tin qua những nội dung báo chí để rồi hùa theo chỉ trích người khác… Những người như vậy thật thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, phải biết thấu cảm với mọi người không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng hành động cụ thể. Muốn rèn luyện lòng thấu cảm, phải luôn sống chân thành, cởi mở, bao dung và vị tha.


Tóm lại, mỗi chúng ta cần có lối sống tích cực và xây dựng cho mình những tình cảm tốt đẹp, từ trái tim mình. Hãy có những hành động đẹp để thấy trái tim ta biết yêu thương.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 6

Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng có những lúc gặp khó khăn, trắc trở trong công việc và trong cuộc sống. Có những khi con người ta gặp một chuyện buồn hay sự bất hạnh nào đó trong cuộc sống rất cần được những người xung quanh thấu cảm, chia sẻ với tâm trạng, hoàn cảnh của mình.


Sự thấu cảm chính là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nếu thiếu đi nó thì con người sẽ trở thành vô tâm, vô cảm sống ích kỷ, bàng quan với mọi thứ xung quanh. Trái tim con người vì thế mà sẽ dần dần bị chai sạn mài mòn đi những rung cảm đời thường, chân thực yêu thương rất con người, rất nhân văn. Sự thấu cảm là gì? Sự thấu cảm chính là sự cảm thông có cái nhìn khách quan, thấu đáo trọn vẹn một tính cách, một sự việc, hiện tượng nào đó để có thể hiểu được suy nghĩ của người khác, hiểu được tâm trạng của người khác khi rơi vào hoàn cảnh đó sẽ như thế nào. Sau khi chúng ta cảm nhận được cảm xúc của họ sẽ đưa ra sự nhìn nhận chân thành, thấu tình đạt lý hơn, có cái nhìn tích cực hơn không phê phán chỉ trích người khác mà thông cảm với hoàn cảnh của họ. Thể hiện cái nhìn bao dung, lạc quan hơn vào những người xung quanh, tránh được cái nhìn phiến diện tiêu cực với mọi việc xung quanh mình.


Trong cuộc sống ai cũng có những lúc gặp chuyện buồn, trong gia đình có người thân chẳng may qua đời, bạn bè, hàng xóm tới phúng viếng hỏi thăm trong lúc tang gia bối rối có thể chủ nhà có những điều sơ xuất không cảm ơn tận tình, hoặc có những thiếu sót thì những người tới hỏi thăm phúng viếng đều cảm thông cho gia chủ bởi họ đang hoàn cảnh vô cùng đau khổ, bối rối, nên đầu óc và trí tuệ sáng suốt bị lu mờ đi ít nhiều chúng ta thường thông cảm mà bỏ qua, không vì thế mà chấp nhặt, hay khó chịu… Đó chính là sự thấu cảm trong cuộc sống, sự nhân văn giữa con người với con người sống trong xã hội cần phải có với nhau.


Hay một bạn học sinh cả tối qua phải thức đêm để chăm người thân bị ốm nên không kịp ôn bài cũ khi tới trường, chẳng may hôm đó bạn lại được cô giáo gọi lên để kiểm tra bài cũ. Bạn học sinh đó không thuộc, nên cô cho điểm kém nhưng nếu biết rõ nguyên nhân vì sao bạn đó không học thuộc bài mà từ trước tới giờ bạn đều là học sinh gương mẫu chăm chỉ, thì chắc chắn cô giáo và cả lớp sẽ thông cảm, chia sẻ với bạn mà thôi. Sự thấu cảm là việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu trong xã hội mất đi sự thấu cảm con người sẽ trở thành những người vô tâm, thành những cỗ máy robot chỉ việc làm việc và hoạt động theo sự lập trình sẵn có thiếu đi tính linh hoạt rất cần thiết của một con người thiếu sự thấu tình đạt lý, thiếu đi tính nhân văn trong xã hội. Xã hội Việt Nam chúng ta là một xã hội vô cùng trọng tình cảm, trọng lễ nghĩa nên sự thấu cảm trong xã hội là một điều vô cùng quan trọng.


Sự thấu cảm trước tiên nó thường bắt nguồn từ lòng trắc ẩn, tình thương yêu giữa con người với con người đối với nhau. Nhờ điều đó, mà mỗi con người chúng ta xích lại gần nhau hơn, trở nên gần gũi thân thiết và gắn bó với nhau hơn, thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái mà người xưa thường dặn dò con cháu mình phải noi theo như "Lá lành đùm lá rách" Một con người khi biết thấu cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của người khác sẽ là con người có cái nhìn toàn diện, toàn cục trọn vẹn giúp người đó đưa ra những phán đoán chính xác và bao dung hơn với những lỗi lầm của người xung quanh mình, không trở thành kẻ hà khắc, độc ác, khó tính…Biết thấu cảm với hoàn cảnh khó khăn, nỗi buồn của những người xung quanh mình để hiểu rõ những người xung quanh mình hơn. Sự thấu cảm mang lại sức mạnh vô cùng to lớn, làm nên sự kỳ diệu đó chính là sự thay đổi tâm tính của một con người, hướng con người tới sự hoàn thiện bản thân, nhân cách, và suy nghĩ của mình trong cuộc sống để trở thành người chín chắn, tích cực, lạc quan.


Tuy nhiên, sự thấu cảm không đồng cảm với sự bao che, dung túng cho những hành vi xấu xa, trái đạo đức pháp luật, trái với luân thường đạo lý làm người ở đời. Ví như việc chúng ta nhìn thấy bạn mình gian dối trong thi cử vì hôm qua mẹ bạn ốm bạn không học bài được, điều này cần nhắc nhở để bạn sửa đổi, bởi một lần gian dối thì sẽ có lần sau gian dối. Nó sẽ biến một con người trung thực thành kẻ chuyên quay cóp bài, sống thành tích. Bên cạnh những người biết cảm thông, thấu cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống thì có những người lại quá thờ ơ, lạnh nhạt, dửng dưng với cuộc sống, với nỗi khổ của những người xung quanh mình. Họ sống vô cùng ích kỷ, bàng quan trước cuộc sống chỉ biết lo tới lợi ích của bản thân mà thôi, không quan tâm tới những người xung quanh sống chết như thế nào theo kiểu "Sống chết mặc bay"


Sự cảm thông có sức mạnh vô cùng to lớn nó làm cho cuộc sống của những con người trong xã hội trở nên gắn bó, thân thiết xích lại gần nhau hơn, không làm cho con người trở nên vô cảm, ích kỷ, hoạt động như một cỗ máy. Nó làm cho con người sống biết yêu thương che chở, cảm thông với người khác trái tim con người rung lên những nhịp đập vô cùng nhân văn, thể hiện tinh thần nhân đạo ấm áp trong cuộc sống làm người. Khi mỗi con người có sự thấu cảm thì những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, sẽ dễ dàng được bỏ qua bởi trái tim con người hướng tới sự Chân- Thiện- Mỹ. Họ sống để yêu thương lẫn nhau, chứ không phải vì đấu đá tranh giành, đố kỵ, còn gì tuyệt vời hơn khi con người sống trong xã hội với tinh thần nhân văn cao cả "người với người sống để yêu nhau".


Khi con người biết đặt mình vào hoàn cảnh sống của người khác để suy nghĩ, để giải quyết tình huống thì sẽ có cái nhìn toàn diện thấu đáo hơn, sẽ tránh được những trường hợp chúng ta cảm thấy hối hận day dứt về sau.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 7

Thiền sư Thích Nhất Hạnh một lần đã từng nói: “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương. Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc”. Thấu hiểu người khác không chỉ là một nhu cầu của bản thân mà bản thân mình cũng cần được người khác thấu hiểu. Không người nào có thể tự do trưởng thành trên đời này và có một cuộc sống hoàn hảo mà không có ít nhất một người thấu hiểu.


Sự thấu hiểu (thấu hiểu, đồng cảm) là khả năng hiểu biết và nhận thức một cách sâu sắc về tình cảm, hoàn cảnh của người khác, từ đó chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với họ. Người có khả năng thấu hiểu sẽ đồng cảm và liên kết với người khác và họ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Thấu hiểu không đơn giản là hiểu cảm xúc của người khác mà thấu hiểu còn là kỹ năng vô cùng quan trọng mà ai cũng cần nên có trong cuộc sống. Có lẽ từ thấu hiểu được viết gọn của cụm từ hiểu nội tâm, nói cách khác thấu hiểu là nghĩ hoặc cảm nhận về mọi chuyện như chúng ta, nhưng thực tế lại không như vậy. Chúng ta thường dùng góc nhìn của mình để hiểu người khác, nhưng góc nhìn của chúng ta thường rất khác với góc nhìn của người khác. Sự khác biệt ấy cần phải được thấu hiểu, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau.


Người thấu hiểu người khác luôn biết quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác. Họ luôn từ tốn và kiên nhẫn lắng nghe người khác bằng cả tấm lòng chân thành, sự yêu thương, chia sẻ mà không vụ lợi. Người thấu hiểu là người có lòng nhân ái, từ sự thấu hiểu, yêu thương sẽ có những hành động thiết thực để giúp đỡ người. Sự thấu cảm vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống mà mỗi người cần có. Cuộc sống cần phải biết thấu hiểu và cảm thông bởi có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Khi thấu hiểu, chúng ta mới biết chia sẻ với người khác. Khi đó, ta cũng sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và lan tỏa được những thông điệp tích cực, tốt đẹp ra ngoài xã hội. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.


Rất rõ ràng rằng giữa yêu thương và thấu hiếu có mối liên hệ rất gần. Ai yêu thương sẽ thấu hiểu, và ai thấu hiểu sẽ yêu thương. Người cảm thấy được mình được hiểu sẽ cảm thấy được yêu thương, và người cảm thấy được yêu thương chắc chắn cảm thấy mình được hiểu. Phải đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu được cách suy nghĩ của họ. Nhưng nghiên cứu tâm lý cho thấy lời khuyên này làm nảy sinh một vấn đề: Khi ta hình dung cuộc sống nội tâm của người khác, ta cũng không chắc chắn nắm bắt được cách suy nghĩ của người khác. Vậy sao ta có thể đón nhận cảm được hết nỗi đau của họ, điều này thật sự khó mà thực hiện được đủ công suất 100%.


Nếu biết thấu hiểu nỗi đau của người khác thì ta sẽ có thể đưa ra những hành động đúng đắn. Nhiều lúc ta chỉ cần một người có thể thấu hiểu, lắng nghe mình, người có thể giải bầy tâm trạng cùng ta tâm sự. Thì đó quả là một điều may mắn, vui mừng. Thay vì chỉ biết khiển trách người, khác hãy cố thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Khi có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn; giúp ta biết cảm thông và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn; vị tha với lỗi lầm của người khác. Đồng cảm, thẩu hiểu, cảm thông đối với người khác, đặt cá nhân mình vào vị thế, suy nghĩ của người khác để hiểu sâu sắc tình cảm, hành động của người đó. Như vậy, thấu hiểu rõ ràng là tên gọi khác của yêu thương. Tình yêu thương là sức mạnh chữa lành lớn nhất. Tình yêu thương thậm chí có thể chữa lành những ký ức sâu sắc và đau đớn nhất vì tình yêu thương mang đến ánh sáng của sự thấu hiểu tới những góc tăm tối nhất trong trái tim và tâm hồn ta. Khi những người quan tâm, yêu thương mình thật sự thì họ mới dành thời gian mà ngồi nghe ta ca thán. Hình dung họ vào hoàn cảnh mình gặp phải. Chỉ cần một người thấu hiểu thôi là có thể xoay chuyển từ buồn thành vui, khóc thành cười. Lúc có cãi vả xảy ra. tranh luận một vấn đề nan giải, chúng ta không chỉ dựa trên trực giác để nắm bắt được ý nghĩ của người khác. Chỉ có lắng nghe họ mới mang lại hiệu quả.


Thấu hiểu người khác, bạn đã trao cho họ nguồn sức mạnh để sống lạc quan, tin tưởng và chiến thắng. Thật bấy ngờ khi biết rằng người ta không mong muốn được yêu thương nhiều bằng mong muốn được thấu hiểu. Có những điều được giấu kín ở trong lòng, rất ngại thổ lộ, rất cần được người khác thấu hiểu. Tuy nhiên, cần phải chân thành và sâu sắc khi thấu hiểu người khác. Sự thấu hiểu nông cạn của người có thiện ý làm khó chịu hơn sự hiểu lầm tuyệt đối của người mang ác ý. Sống với lòng thấu hiểu sâu sắc, chúng ta sẽ tạo dựng được một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương. Sự thấu cảm chính là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn. Khi có được sự thấu cảm, ta có thể có thể hòa hợp với tâm trạng của người ấy và có mong muốn được chia sẻ từ niềm vui đến nỗi buồn. Đó chính là lòng trắc ẩn.


Có được sự thấu cảm, mỗi người sẽ biết cảm thông, yêu thương và cũng chính là biểu hiện của lòng nhân ái, sự trắc ẩn. Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách. Thấu cảm không có nghĩa là chúng ta bao che cho những hành vi xấu, ác (đạo đức, pháp luật) của người khác. Đừng nhận xét bất cứ cái gì mà chưa từng thấu hiểu nó. Phải luôn biết lắng nghe để thấu hiểu. Mỗi cá thể trên thế giới cũng có một chút yêu thương trong con người và khao khát được yêu thương. Thấu hiểu nỗi đau của người khác cũng là một cách học tập thấu hiểu chính bản thân. Phải luôn biết lắng nghe để thấu hiểu.


Thấu hiểu người khác đâu chỉ mang niềm vui đến cho họ mà bản thân cũng được hạnh phúc. Thấu hiểu là cách tốt nhất để chúng ta chống lại sự vô cảm. Sống với sự thấu hiểu, chúng ta sẽ lạc quan và tin tưởng hơn vào bản thân và cuộc sống. Đó chính là cội ngườn của thành công.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 8

Cuộc sống của con người luôn diễn ra với những điều chúng ta không thể lường trước được. Sẽ có những lúc khiến ta gục ngã, buồn bã, tổn thương,… nhưng hơn tất cả, nếu chúng ta biết lắng nghe, chia sẻ với người khác thì cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Chính vì vậy ý kiến: “Lắng nghe với lòng thấu cảm là chìa khóa của thành công” là hoàn toàn chính xác.


Trước hết chúng ta cần hiểu rõ thế nào là “Lắng nghe với lòng thấu cảm”? Lòng thấu cảm chính là sự thấu hiểu, cảm thông trước những nỗi buồn, sự bất hạnh của người khác. Khi chúng ta chịu lắng nghe người khác, chúng ta sẽ nhận ra và hiểu ra được nhiều điều hơn, từ đó có thể an ủi người khác khiến họ vơi đi nỗi buồn cũng như rút kinh nghiệm cho bản thân mình và có nhiều bài học quý giá. Chính vì thế, lắng nghe vô cùng quan trọng trong cuộc sống, bên cạnh lắng nghe nỗi buồn, chúng ta cũng nên lắng nghe những bài học của người khác để hoàn thiện bản thân mình, có như vậy con đường đi đến thành công của chúng ta mới gần hơn.


Mỗi người ai cũng có nhu cầu chia sẻ niềm vui nỗi buồn, nếu chúng ta lắng nghe những tâm sự của người khác tức là chúng ta có thể san sẻ với họ và khi chúng ta có nhu cầu chia sẻ, người khác sẽ lắng nghe ta. Hơn nữa, con người không ai chỉ nói mà không lắng nghe, lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn, khi mọi người thấu hiểu sẽ bao dung cho nhau, như vậy những đức tính tốt đẹp sẽ được nhân lên, xã hội sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn. Một điều quan trọng nữa đó là có những điều bổ ích, thú vị mà chỉ khi ta lắng nghe ta mới có thể biết được, hiểu được nó và áp dụng được nó vào trong cuộc sống của mình.


Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có rất nhiều người chưa biết lắng nghe người khác, chỉ cho rằng lí lẽ của mình là đúng. Những người này thường chỉ giữ quan điểm của mình mà không chịu tiếp thu những bài học từ bên ngoài, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng độc đoán, bảo thủ. Lại có những người chỉ muốn chia sẻ những khó khăn, đau khổ của mình cho người khác mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của họ,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn chỉ trích, phê phán.


Lắng nghe vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nó không chỉ giúp cho bản thân hòa hợp với những tâm hồn khác cũng như rút ra được những bài học cho bản thân mình mà nó còn giúp cho những người chia sẻ với mình họ cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn. Mỗi người hãy bớt đi cái tôi của mình một chút, cố gắng lắng nghe người khác để khiến cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 9

Có bao giờ bạn tự hỏi điều quan trọng nhất trong cuộc sống của con người là gì không? Chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết đó chính là tình yêu thương, sự thấu cảm.


Vậy thế nào là thấu cảm? Sự thấu cảm là thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh của người khác, từ đó chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với họ. Sự thấu cảm vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống mà mỗi người cần có. Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn. Khi có được sự thấu cảm, ta có thể có thể hòa hợp với tâm trạng của người ấy và có mong muốn được chia sẻ từ niềm vui đến nỗi buồn, đó cũng là lúc con người biết san sẻ với nhau. Có được sự thấu cảm, mỗi người sẽ biết cảm thông, yêu thương và cũng chính là lúc lòng nhân ái, sự trắc ẩn lên ngôi.


Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu có thể làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách. Sự thấu cảm giúp ta được được mọi người tin cậy, yêu thương, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi đi, con người có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách và tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương. Người sống có sự thấu cảm là những người có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn; biết đặt cá nhân mình vào vị thế, suy nghĩ của người khác để hiểu sâu sắc tình cảm, hành động của người đó.


Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người chỉ thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Để khắc phục những tình trạng đó, mỗi chúng ta cần ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu thương và sự cảm thông; đồng thời biết sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh, sống chân thành, cởi mở, bao dung và vị tha. Mỗi chúng ta cần có lối sống tích cực và xây dựng cho mình những tình cảm tốt đẹp để xã hội ngày càng phát triển văn minh, nhân đạo hơn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 9
(có 0 lượt vote)

Bài văn nghị luận về sự thấu cảm - mẫu 10

Con người Việt Nam ta vốn được biết đến với nhiều đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Một trong số đó chúng ta phải kể đến chính là sự thấu cảm, sẻ chia, đùm bọc nhau. Sự thấu cảm là việc chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh.


Bên cạnh đó, sự thấu cảm còn là việc chúng ta đồng cảm, xót thương trước những số phận bất hạnh, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác để khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Người có lòng yêu thương, sự thấu cảm, chia sẻ là người sống chan hòa với người khác, sẵn sàng giúp đỡ, cho đi mà không mong nhận lại. Đồng cảm, chia sẻ vô cùng quan trọng trong cuộc sống, mỗi chúng ta hãy sống, yêu thương, chia sẻ với người khác cũng như yêu thương chính bản thân mình.


Người sống có sự thấu cảm, chia sẻ là những người sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà không màng đến tư lợi của bản thân. Họ sống vì tập thể, vì người khác, biết nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của mọi người. Bên cạnh đó, họ cũng là những người biết lan tỏa những hành động, những thông điệp tốt đẹp đến người khác cũng như tuyên truyền những thông điệp đó để nó lan tỏa tốt hơn.


Sự thấu cảm, chia sẻ có vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người: Khi giúp đỡ, san sẻ với người khác, ta không chỉ giúp cuộc sống của họ tốt hơn mà ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của họ dành cho mình. Một xã hội tràn ngập tình yêu thương là một xã hội vô cùng đáng sống. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.


Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại, dù trong khả năng của mình cũng không giúp đỡ người khác… những người này cần phải xem xét lại thái độ sống của bản thân mình. Mỗi người sống yêu thương, chan hòa một chút thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .