Top 9 Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" (Ngữ văn 10 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất

9335

Mời các thầy cô tham khảo một số bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" (Ngữ văn 10 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất má Alltop.vn đã tổng hợp trong bài viết...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 1

Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới bởi tài năng thiên phú cùng những đóng góp lớn lao. Là một nhà văn hóa kiệt xuất và lỗi lạc, những trang văn của ông đã góp phần tô đậm lịch sử hào hùng, vẻ vang của đất nước. Bài "Bạch Đằng hải khẩu" ("Cửa biển Bạch Đằng") đã thể hiện niềm thương cảm của tác giả đối với chiến công lịch sử và các vị anh hùng xưa.


Sau vụ án "Lệ chi viên", các tác phẩm của Nguyễn Trãi còn sót lại không nhiều. "Bạch Đằng hải khẩu" là một trong những thi phẩm được nhà thơ viết bằng chữ Hán. Lấy cảm hứng từ trang sử hào hùng của dân tộc lịch sử, Nguyễn Trãi thể hiện niềm tự hào và tình yêu đất nước sâu sắc. Cảm xúc trong bài thơ đi từ hãnh diện đến trăn trở, bâng khuâng.


Trong sáu dòng đầu tiên, thi nhân bộc lộ sự tự hào về mảnh đất chiến địa, từng lưu dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông. Ở hai câu đầu, không gian rộng lớn, kì vĩ của dòng sông Bạch Đằng được khắc họa qua các hình ảnh gắn liền với thiên nhiên: "gió bấc", "khí", "cửa biển". "Gió bấc" chính là cách gọi của dân gian, dùng để chỉ thời tiết mưa lạnh vào mùa đông. Trong khi đó, từ láy "cuồn cuộn" lại diễn tả chuyển động mạnh mẽ của gió. Khí trời cứ ào ào, lớp này tiếp nối lớp khác. Như vậy, câu thơ đã diễn tả được sự hùng vĩ, dữ dội của cửa biển Bạch Đằng lúc vào đông. Đối lập với sự mênh mông, rộng lớn của biển là hình ảnh cánh buồm nhẹ nhàng lướt qua. Câu thơ "Kinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng" mang nét thơ mộng, trữ tình với hình ảnh cánh "cánh buồm thơ" và từ ngữ "nhẹ giương".


Trên con thuyền, nhân vật trữ tình đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Cảnh núi, sông, bờ bãi hiện lên thông qua các hình ảnh: "cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ", "núi uốn lượn quanh co", "bờ xếp chồng lởm chởm", "cây giáo bị chìm", "chiếc kích bị gãy". Với lối đảo ngữ và so sánh độc đáo, nhà thơ đã diễn tả địa hình hiểm trở nơi Bạch Đằng. Từng ngọn núi uốn lượn quanh co như con cá sấu, cá kình bị chặt ra làm nhiều khúc. Còn bờ bãi thì xếp chồng lên nhau, dày đặc. Tuy nhiên, ý thơ không chỉ đơn thuần khắc họa địa thế mà còn nhắc về mảnh đất chiến địa. Thông thường, từ "kình ngạc" dùng để chỉ hai loài vật dữ sống ở nước là cá voi và cá sấu. Nhưng trong thơ ca, "từ kình ngạc" lại ẩn dụ cho giặc dữ. Hình ảnh "cá sấu", "cá kình" kết hợp với từ "bị chặt", "bị mổ" đã nhấn mạnh vào sự thất bại của quân giặc. Ở dòng tiếp theo "Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng", từ láy "lởm chởm" diễn tả có nhiều mũi nhọn đâm lên, xếp chồng lên nhau. Bờ bãi kéo dài như giáo gươm của giặc bị dân ta đánh chìm, chất đống mà thành. Cửa biển Bạch Đằng lúc này vừa mang nét đẹp hùng vĩ vừa là nơi ghi dấu những chiến tích oai hùng của dân tộc.


Đến với câu năm và sáu, tác giả gợi nhắc về chiến tích của các vị anh hùng dân tộc trên con sông Bạch Đằng. Trong câu thơ "Quan hà bách nhị do thiên thiết", thi nhân dẫn chữ trong "Sử kí" của Tư Mã Thiên nhằm khẳng định sự tài ba, mưu lược của các vị anh hùng khi đã biết dựa vào địa hình núi sông hiểm trở để lập nên kì tích lớn. Tiếp đến, ông khẳng định và nhắc đến các anh hùng dân tộc từng lập nên chiến công trên sông Bạch Đằng. Đó chính là hình ảnh Ngô Quyền đuổi đánh quân Nam Hán năm 938. Hay còn là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hai câu thơ đã cho thấy cảm xúc tự hào của Nguyễn Trãi về những trang sử hào hùng, lừng lẫy.


Ở hai câu cuối cùng, người đọc sẽ thấy được sự biến chuyển trong cảm xúc của nhà thơ. Hai câu thơ mang nặng suy tư, suy ngẫm của nhân vật trữ tình về lịch sử, thế sự. Từ cảm thán "ôi" ở câu thơ "Việc cũ ngoái đầu nhìn lại, ôi đã qua rồi" chính là sự tiếc nuối của tác giả khi nhìn lại những việc đã qua. Bây giờ, tất cả mọi thứ chỉ còn là quá khứ, thuộc về một thời xa xôi. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng, tác giả suy tư về việc cũ, về những chiến công hiển hách của anh hùng mà lòng trí bâng khuâng, không thể diễn tả hết bằng lời "Tới bên dòng ngắm cảnh, ý khôn nói xiết".


Với thể thơ thất ngôn bát cú, phép đối, phép đảo đặc sắc, từ ngữ giàu sức gợi hình cùng sự kết hợp tài tình giữa các yếu tố miêu tả, tự sự, nghị luận, Nguyễn Trãi muốn ca ngợi những vị anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Bài thơ là niềm tự hào của tác giả về con sông Bạch Đằng - nơi lưu dấu nhiều chiến tích vang dội.


Là một tài năng lỗi lạc hiếm có, Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta những tác phẩm có giá trị. Bài thơ là sự kết tinh của một tư tưởng tiến bộ và tấm lòng "yêu nước, thương dân", "trung quân ái quốc". Chắc chắn "Bạch Đằng hải khẩu" sẽ luôn sống mãi theo dòng chảy của thời gian.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 2

Nguyễn Trãi không chỉ là nhà thơ lớn mà còn là vị anh hùng, là bậc nhân tài đóng góp nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Đến nay, các sáng tác của ông vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến "Bạch Đằng hải khẩu". Qua bài thơ, nhà thơ đã giúp người đọc có những hình dung rõ hơn về con sông Bạch Đằng lịch sử lưu danh tới muôn đời sau.


Trước hết, mở đầu thi phẩm là cảnh tượng:

"Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,

Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng."


Thời gian và không gian được tác giả khéo léo nêu lên trong hai câu thơ đầu. "Sóc phong" là gió bấc mùa đông thổi trên biển, khí thế cuồn cuộn, mạnh mẽ. Nó khiến cho sóng biển cũng không hiền dịu mà nổi lên từng đợt sóng dâng cao, nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác. Câu thơ thứ hai lại có hình ảnh "Khinh khởi ngâm phàm" nghĩa là nhẹ lướt cánh buồm thơ. Dường như, sự xuất hiện của cánh buồm kia khiến cho cơn sóng dữ dịu lại, ý thơ trở nên nhẹ nhàng hơn. Hai câu thơ mở đầu vừa gợi ra cảnh hùng vĩ, dữ dội lại vừa có nét thơ mộng trữ tình, góp phần dẫn lối người đọc tìm hiểu về dấu ấn lịch sử trên con sông Bạch Đằng.


"Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng."


Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh để miêu tả đồi núi, bờ bãi quanh sông Bạch Đằng với các hình ảnh "cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ" hay "cây giáo bị chìm, chiếc kích bị gãy", "xếp chồng lởm chởm". Những hình ảnh này gợi cho ta liên tưởng tới kết quả của trận chiến oanh liệt trên sông. "Cá sấu", "cá kình" tượng trưng cho quân địch đã thất bại "bị chặt", "bị mổ". Những "cây giáo bị chìm, chiếc kích bị gãy" cũng đại diện cho sự thua cuộc của lũ giặc. Bao nhiêu chiếc giáo, chiếc kích là bấy nhiêu quân giặc bỏ mạng trong các trận chiến đấu. Những thứ đó chất đống lên nhau "lởm chởm", làm con người nghĩ đến hình ảnh bờ bãi bên sông Bạch Đằng. Từ những lời thơ của Nguyễn Trãi, ta lại thêm tự hào về cửa biển Bạch Đằng - một nơi có vẻ đẹp mênh mông, hùng vĩ đã ghi dấu các chiến tích oai hùng của dân tộc.


"Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng."


Nguyễn Trãi đã dẫn cụm từ "Quan hà bách nhị" trong Sử kí Tư Mã Thiên nhằm khẳng định địa thế núi sông hiểm yếu. Cùng với đó là ca ngợi sự tài ba, mưu lược của các vị anh hùng đời trước khi đã biết dựa vào địa thế để lập nên kì tích lớn. "Hào kiệt công danh thử địa tằng" là câu thơ đầy kiêu hãnh, ngầm nhắc đến chiến công của Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 hay sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn năm 1288. Bốn câu thơ trên đã thể hiện rất rõ niềm tự hào dân tộc, sự hãnh diện về lịch sử giữ gìn độc lập vẻ vang của nhân dân ta.


Trải qua niềm xúc động tự hào, hai câu thơ cuối nói lên một vài ý nghĩ của tác giả:

"Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng."


Hai câu thơ mang nặng suy tư, trăn trở của Ức Trai về lịch sử của đất nước. Từ "ôi đã qua rồi" thể hiện niềm tiếc nuối, sự cảm thán về những câu chuyện cũ. Tác giả nhận ra rằng lịch sử cho hậu thế rất nhiều bài học có giá trị. Đó có thể là bài học về tài mưu lược, lối đánh sáng tạo hoặc cách bày binh bố trận độc đáo của cha ông,… Thế nhưng chúng ta học được bao nhiêu phần từ quá khứ? Càng ngắm cảnh hùng vĩ bên bờ Bạch Đằng, tác giả càng có thêm nhiều trăn trở không sao kể hết.


Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đặc trưng với bốn phần đề, thực, luận, kết đã cho ta thấy bức tranh phong cảnh bên bờ Bạch Đằng mênh mông, kì vĩ. Việc tác giả sử dụng những từ ngữ giàu sức gợi, phép đối, phép đảo đặc sắc khiến cho câu thơ trở nên đầy cuốn hút. Đọc bài thơ, ta như thấy trận chiến oai hùng năm xưa như đang diễn ra ngay trước mắt.


Nguyễn Trãi là một thi nhân tài năng, luôn ghi nhớ, tôn kính, biết ơn các vị anh hùng có công dựng xây và giữ gìn đất nước. "Bạch Đằng hải khẩu" đã chứng minh điều đó. Bài thơ không chỉ diễn tả niềm tự hào, kiêu hãnh về những chiến công vẻ vang mà còn thể hiện suy tư, trăn trở của tác giả về lịch sử dân tộc

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 3

Sông Bạch Đằng là dòng sông đã đi vào huyền thoại, dòng sông của lịch sử, của thi ca. Đây là nơi đã diễn ra rất nhiều trận đánh quan trọng trong hành trình bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, thật không quá bất ngờ khi bạn đọc dễ dàng bắt gặp các tác phẩm lấy đề tài về sông Bạch Đằng. Một số sáng tác tiêu biểu phải kể đến: "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, "Bạch Đằng giang" của Lê Thánh Tông,... Trong đó có cả "Bạch Đằng hải khẩu". Đây là tác phẩm rất hay, do nhà thơ, người anh hùng Nguyễn Trãi sáng tác.


Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa kiệt xuất và lỗi lạc. Gia tài sáng tác của ông rất đồ sộ với các tác phẩm viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. "Bạch Đằng hải khẩu" được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú với bốn phần đề, thực, luận, kết. Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảm hứng lịch sử và cảm hứng thế sự. Vì thế, mạch cảm xúc của bài đi từ sự tự hào đến niềm trăn trở, bâng khuâng khi đứng trước dòng sông huyền thoại.


Mở đầu bài thơ, cửa biển Bạch Đằng hiện ra với không gian thật rộng lớn, kì vĩ:

"Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,

Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng."


"Gió bấc thổi trên biển, khí nổi cuồn cuộn" là ý nghĩa của câu thơ đầu. Đọc lên, ta cảm nhận ngay được sự lạnh lẽo, rét buốt của "gió bấc" mùa đông. Mà gió biển lúc nào cũng thổi mạnh, lạnh hơn trong đất liền. Nó kết hợp với "khí nổi cuồn cuộn" – chuyển động nhanh, liên tục của gió và sóng biển đã cho thấy sự mạnh mẽ của cửa biển Bạch Đằng, như đang chuẩn bị khí thế để bước vào trận chiến lớn. Trái ngược với cảnh dữ dội, hùng vĩ ở câu trên, câu dưới lại có "cánh buồm thơ" nhẹ nhàng lướt qua mặt biển. Nét trữ tình bất ngờ này khiến cho không khí nơi cửa biển hòa hoãn lại, dịu dàng hơn. Sự đối lập giữa biển và thuyền càng làm cho không gian thêm phần hùng vĩ, rộng lớn còn nhà thơ thì thật nhỏ bé khi đứng trước khung cảnh thiên nhiên ấy.


"Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.

Quan hà bách nhị do thiên thiết

Hào kiệt công danh thử địa tằng"


Bốn câu thơ tiếp theo nói về những chiến tích, dấu ấn lịch sử trên con sông Bạch Đằng. "Cá sấu bị chặt", "cá kình bị mổ" chính là ẩn dụ cho sự thất bại thảm hại của quân giặc. Chúng là những con cá dữ nhăm nhe xâm chiếm nước ta nhưng đã bị đánh đuổi, hứng chịu kết cục thảm bại. Hai động từ "chặt" và "mổ" làm cho câu thơ thêm phần sinh động cũng như thể hiện sức mạnh to lớn của nhân dân ta. "Cây giáo bị chìm", "chiếc kích bị gãy" xếp chồng lởm chởm trên bờ chính là vũ khí của kẻ địch đã thất bại, bỏ lại trên chiến trường xưa. Như vậy, hai câu thơ không chỉ ẩn dụ về sự thất bại của quân địch mà còn ngầm bày bày tỏ niềm kiêu hãnh về chiến công vang dội của dân tộc. Trong câu thơ tiếp theo, Nguyễn Trãi đã dẫn lời "Sử kí" của Tư Mã Thiên nhằm khẳng định sự tài giỏi của các bậc anh hùng xưa. "Quan hà bách nhị" là núi sông hiểm yếu. Ý nghĩa của từ này là: chỉ cần biết tận dụng địa hình thì việc hai người có thể địch nổi trăm người không hề khó. Giống như các "bậc anh hùng hào kiệt" của Đại Việt. Bằng sự mưu trí, tinh thông võ lược, họ đã lập nên vô vàn chiến công ở vùng biển Bạch Đằng. Tuy tác giả không nhắc tên trực tiếp nhưng ta có thể hiểu rõ đó chính là Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc cho nhân dân Hay đó còn là Trần Quốc Tuấn - vị Hưng Đạo đại vương với trận chiến năm 1288, đánh bay dã tâm xâm lược Đại Việt của đội quân Mông - Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Qua bốn câu thơ này, Ức Trai khéo léo bộc lộ niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về những vị anh hùng đời trước và về cửa biển Bạch Đằng – một dòng sông huyền thoại.


Trong dư âm của niềm tự hào, tác giả lại có những trăn trở, suy tư. Điều này được thể hiện rõ ở hai câu cuối bài:

"Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng."


Đứng trước cửa biển Bạch Đằng, tác giả có vô vàn suy nghĩ. Những suy nghĩ đó ập đến bất ngờ và miên man khiến Nguyễn Trãi không thể nói hết thành lời, chỉ có thể bộc lộ cảm xúc của mình qua từ "ôi". Đặt trong ngữ cảnh bài thơ, "ôi" là từ cảm thán biểu lộ sự tiếc nuối về những sự việc đã qua. Đứng bên bờ sông ngắm cảnh, cảnh đẹp mà lòng ngổn ngang nặng trĩu những ưu tư về đất nước, về dân tộc.


Bằng việc sử dụng các phép đối, phép đảo và từ ngữ giàu sức gợi hình. Nguyễn Trãi đã khiến "Bạch Đằng hải khẩu" trở nên có sức hút mạnh mẽ đến tận ngày nay. Với những đặc sắc về cả nội dung và hình thức nghệ thuật, chắc chắn rằng, bài thơ sẽ còn mãi giá trị, lưu danh muôn đời.


Những tác phẩm văn chương viết về dòng sông Bạch Đằng tuy mang nội dung chung là ngợi ca, tự hào về dòng sông lịch sử nhưng nếu đánh giá kĩ càng, ta sẽ thấy mỗi bài đều mang một sức sống, giá trị riêng. Điểm riêng biệt này đến từ nguồn cảm hứng và lối viết đặc trưng của mỗi tác giả. Về phần Nguyễn Trãi, ông đã khiến cho "Bạch Đằng hải khẩu" trở thành một bài thơ đặc biệt, độc đáo, không dễ nhầm lẫn giữa vô vàn những bài thơ khác.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 1 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 4

Nguyễn Trãi (1380-1442) là người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời, là tác giả áng thiên cổ hùng văn “Bình ngô đại cáo “. “ức Trai thi tập “và “Quốc âm thi tập” là hai tập thơ của Nguyễn Trãi làm rạng rỡ nền thi ca Đại Việt. Bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng” rút trong “, một trong những bài thơ kiệt tác ca ngợi đất nước và nhân tài Việt Nam. Bài thơ như một thiên bút kí trữ tình về một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp của thi nhân.


Mở đầu bài thơ là hình ảnh “cánh buồm căng gió lướt nhẹ vượt Bạch Đằng Giang”. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời sông nước. Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt “băng băng “trên mặt biển. Cảnh quan bao la ấy của biển trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Du khách cùng với con thuyền và cánh buồm thơ đang sống trong tâm thơ vô cùng ung dung, thư thái:


“Biển lùa gió bấc thổi băng băng,

Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng”.


Ức Trai đến với dòng sông, cửa biển không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên mà còn muốn tìm lại một thời đã qua, một thời oanh liệt về dòng sông lịch sử này.


Hai câu thực là bức tranh hoành tráng về dòng sông, cửa biển Bạch Đằng:

“Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,

Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng”,


Núi, sông, bờ bãi hiện lên qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ: “Ngạc”, “kình”, “gươm giáo “mang ý nghĩa tượng trưng. Trên cửa biển Bạch Đằng, núi trập trùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc, cá kình - lũ giặc phương Bắc bị nhân dân ta căm giận băm vằm và chặt thành từng khúc. Bờ bãi nhấp nhô “dăng dăng” kéo dài vô tận như giáo gươm của lũ giặc ngoại xâm bị nhân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống mà thành. Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và chiến công oai hùng của thiên nhiên. Người đọc như cùng nhà thơ sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này năm 938, Ngô Quyền đại thắng giặc Nam Hán, chém chết thái tử Hoàng Thao; Năm 1288, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt 3 vạn quân Mông - Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Phải có một tấm lòng yêu nước và niềm tự hào lân tộc mãnh liệt, ức Trai mới viết nên những vần thơ tráng lệ như vậy.


Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Bài học giữ nước về địa lợi, về nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói lên rất thấm thía:


“Quan hà hiểm trở Trời kia dựng,

Hào kiệt công danh đất ấy từng”


Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc, cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là quà tặng của thiên nhiên ban cho nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở”. Đất nước ta, dân tộc ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Họ đã đem tài thao lược bài binh bố trận để lập nên những chiến công bất tử trên lòng sông Bạch Đằng. Quan hà với hào kiệt, trời với đất, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa, lòng dân hợp lẽ Trời nên dã chiến thắng vẻ vang. Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Niềm cảm hoài dào dạt. Tâm hồn thi nhân như chan hòa với sông núi, mây Trời, sông nước. Tâm trí người anh hùng “Bình Ngô” sống lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những “việc cũ”, tìm lại “bóng” những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng.


Câu thơ cảm thán vang lên bồi hồi, luyến tiếc, gợi lên bao nỗi nhớ thương man mác:


“Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt

Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng"


Đằng sau những cảnh núi sông tráng lệ là hình ảnh nhân dân anh hùng được nhà thơ ca ngợi với tất cả niềm tự hào về sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam.


Đọc bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng”, đã cảm nhận sâu sắc thêm vế đối của người xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" - Ta thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, tự hào về những trang sử chống xâm lăng của nhân dân ta. Tâm hồn Ức Trai đã hóa núi sông ta

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 1 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 5

Nguyễn Trãi (1380-1442) có hơn một trăm bài thơ chữ Hán hiện sưu tầm được. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh (vợ vua Lê Thái Tông) và bọn gian thần đã âm mưu tàn độc, giết hại cả ba họ Đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi và vợ ông là bà Lễ Nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, vào tháng Tám năm Nhâm Tuất 1442.


Mục tiêu chủ yếu là giết người diệt khẩu, nhằm che giấu việc bà Nguyễn Thị Anh đã có thai 3 tháng với Lê Nguyên Sơn, trước khi là vợ vua. Hơn hai chục năm sau, Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan. Khoảng 15 vị Tiến sĩ đã được cử đi tìm kiếm di cảo thơ văn của Nguyễn Trãi còn lưu lạc trong dân gian.


Bên cạnh 254 bài thơ Nôm đã được tìm thấy, thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, cho dù chỉ còn rất ít ỏi, nhưng phần nhiều đều là những bài thơ hay, rất hay. Một số bài đặc biệt hay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong nhiều bài thơ đặc sắc của Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Trãi.


Nguyễn Trãi viết “Bạch Đằng hải khẩu” ở thời điểm nào? Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì cửa biển Bạch Đằng xưa là cửa sông Chanh ở phía Đông Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, không phải cửa Nam Triệu.


Tuy nhiên, sông Chanh cũng chỉ là một nhánh của hệ thống sông Bạch Đằng, mà nơi diễn ra các trận đánh của Ngô Quyền, của Lê Hoàn, của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chống giặc phương Bắc, lại bao chứa một khoảng không gian khá rộng, gồm cả hai bờ của dòng sông Bạch Đằng, phía Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía Nam thuộc Hải Phòng bây giờ, xưa cũng là vùng đất An Bang, Xứ Đông cả.


Chỉ có thể ước đoán rằng Nguyễn Trãi đã từng ngồi trên chiếc thuyền buồm mà qua cửa Bạch Đằng, trong mùa gió bấc, mà chắc là từ bờ Bắc sang bờ Nam, nương theo gió, để “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”…


Có thể thấy đây là thời điểm mà tâm trạng Nguyễn Trãi có phần phấn khích. Có lẽ, đây là thời điểm Nguyễn Trãi đã được phục chức, ở thời kỳ vua trẻ Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) trị vì. Ngoài các chức vụ được giao ở triều đình, Nguyễn Trãi còn được giao thêm việc quản lý quân dân hai đạo vùng Đông Bắc, một vùng đất biên cương chiến lược, cực kỳ quan trọng.


Ở thời điểm này, Nguyễn Trãi đi khinh lý khắp vùng Đông Bắc. Thi nhân cũng sáng tác khá nhiều bài thơ, cả chữ Hán và chữ Nôm. Bài thơ chữ Hán “BẠCH ĐẰNG HẢI KHẨU” được ra đời trong thời điểm và hoàn cảnh đó…


Gió bấc thổi trên biển, mang theo “khí lạnh”, nhưng chưa phải là gió cắt da cắt thịt. “Khí lăng lăng”, cũng mới chỉ là săn se lành lạnh, cuối thu, chưa ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại, nên thi nhân mới có thể “Nhẹ kéo buồm thơ qua cửa Bạch Đằng”, cùng với một tâm trạng lâng lâng của một thi nhân đang làm chủ hoàn cảnh, làm chủ chính mình, tâm hồn có vẻ tiêu sái.


Hai câu 3 và 4, tả thực. Tả cảnh núi non và quang cảnh hai bờ sông Bạch Đằng:


Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,

Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.


Núi non lớp lớp nối tiếp nhau, chen vai thích cánh như luỹ như thành, như cá sấu bị chặt (ngạc đoạn), như cá kình bị mổ (kình khoa); rồi ngổn ngang chồng chất gò đống, ngòi lạch, hiện lên như thể những mũi qua chìm (qua trầm), những ngọn kích gãy (kích chiết) bên bờ sông…


Tả cảnh, liệt kê, liên tưởng so sánh khoa trương, nhưng là một sự liên tưởng rất chính xác, rất gợi cảm và hấp dẫn. Hơn thế, tả cảnh vật mà tác giả như đang dựng lại, đang tái hiện lịch sử oai hùng của những trận chiến ác liệt như thể vừa mới diễn ra ở chính nơi này, với một cảm hứng vô cùng hào sảng.


Người đọc có thể hình dung như thấy khúc sông này đang sôi lên tiếng hò reo dậy đất, tinh kỳ phấp phới, “Trận đánh thư hùng chửa phân/ Chiến luỹ Bắc Nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi” (Trương Hán Siêu – BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ)…


Phải có một tâm hồn khoáng đạt, một tầm quan sát sâu rộng và khả năng liên tưởng nhạy bén, tài hoa, mới có thể sáng tạo được những câu thơ tràn đầy hào khí hào hùng như vậy!


Hai câu tiếp theo, luận về địa lợi. Bởi đang đối diện với núi non cảnh vật bên sông Bạch Đằng, cho nên tác giả mới “luận” về địa lợi, tức là cái sự lợi hại của hình thế núi non sông nước Bạch Đằng, xét về mặt quân sự.


Tác giả viết:

Quan hà bách nhị do thiên thiết,

Hào kiệt công danh thử địa tằng.


Bách nhị (hai trăm), đấy là mượn điển tích của sách SỬ KÝ bên Tàu, nói rằng hai vạn quân Tần, có thể đánh thắng được hai trăm vạn quân các nước chư hầu. Tức là hai người lính chốt giữ nơi hiểm yếu (cửa ải Hàm Cốc), có thể địch nổi trăm quân đối phương.


Cũng vậy, địa thế hiểm trở của Bạch Đằng, có thể làm tiêu vong bất kỳ đội quân xâm lược nào, cho dù chúng rất hùng hậu và thiện chiến. Trời đất đã sắp đặt cho ta quan hà hiểm yếu, ở chính nơi đây (thử địa tằng) để chống kẻ mạnh cuồng ngông và tàn bạo.


Đấy cũng chính là nơi anh hùng hào kiệt có thể lập nên công danh rạng rỡ, như Ngô Quyền, như Lê Hoàn, như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và biết bao anh hùng hào kiệt hữu danh và vô danh khác, nối tiếp nhau trong lịch sử chống xâm lăng, bảo vệ độc lập dân tộc.


Hai câu kết, cảm thán, suy tư về lịch sử.

Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,

Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.

(Ngoảnh đầu xem việc cũ, than ô

Cúi xuống dòng sông mò bóng, tâm sự không thể nói nên lời)


Việc cũ, việc xưa (vãng sự), tức những trận chiến ác liệt từng diễn ra trên sông Bạch Đằng, những chiến công làm xoay chuyển trời đất, quay đầu nhìn lại, than ôi, tất cả đã trôi vào dĩ vãng. Bọn xâm lược đã tiêu vong, anh hùng lưu danh muôn thuở. Muôn lớp anh hùng về thiên cổ, chỉ còn dòng sông vẫn chảy hoài, mà nhục quân thù khôn rửa nổi! Trong lòng thi nhân trào lên bao nỗi cảm hoài mà “Cúi xuống dòng sông mò bóng, bao ý tình không sao nói hết ra được”…


Không nói, nhưng thật ra tình thơ ý thơ đã hiển lộ cả rồi. Chỉ là để cảm thán đấy thôi, cho ngân nga mãi tiếng lòng thi nhân đang dạt dào cảm xúc. “Cúi xuống dòng sông mò bóng” là một hình ảnh thơ rất lạ và giàu sức gợi hình, gợi cảm.


Ngồi trên chiếc thuyền nhẹ, kéo buồm thơ trên sông nước Bạch Đằng, rồi cúi xuống dòng sông lịch sử này mà “mò bóng”, mò chính cái bóng mình soi xuống, hay là mò cái bóng hình quá khứ xa xăm? Có lẽ là cả hai vậy! Và ý “nan thăng” (ý khó nói ra thành lời), cảm xúc không nói thành lời, không thể diễn đạt nên lời. Một ý thơ hàm xúc và độc đáo, nếu tôi không nhầm, thì mới chỉ thấy trong thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi mà thôi!


Riêng câu cuối “Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng”, Trung tâm nghiên cứu Quốc học chép là “Lâm lưu phủ cảnh ý nan thăng” và dịch là “Trên sông ngắm cảnh, tình ý khó nói nên lời”…


Trộm nghĩ, nếu là chữ “phủ cảnh”, thì câu thơ bình thường, một nhà thơ cỡ “Thường thường bậc trung” cũng viết được. Chúng tôi tán thành bản chép của cụ Đào Duy Anh là “phủ ảnh”. “Lâm lưu phủ ảnh (Cúi xuống dòng sông mò cái bóng). Đấy mới là chữ của Nguyễn Trãi, là “thương hiệu Nguyễn Trãi”, bậc đại bút hàng đầu trong thơ ca nước Việt mấy ngàn năm.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 6

Nhà thơ Nguyễn Trãi đến cửa biển Bạch Đằng thi hứng trào dâng, ông đã sáng tác bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng) hào khí ngùn ngụt:


“Biển rung gió bấc thế bừng bừng,

Nhẹ cất buồm tha lướt Bạch Đằng.

Kình ngạc băm vàm non mấy khúc

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.

Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”


Sức hấp dẫn của “Cửa biển Bạch Đằng” trước tiên là ở không gian, sông rộng, cửa biển mở ra bát ngát, gió biển lùa vào cửa sông, sóng lớn. Nhà thơ dong buồm dạo chơi trên cửa sông Bạch Đằng:


“Biển rung gió bấc thế bừng bừng

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đàng.”


Hình ảnh cánh buồm của nhà thơ kéo lên là nét cuối cùng hoàn mỹ bức tranh “Cửa biển Bạch Đằng”. Cảnh vừa hùng vĩ với núi non, sông nước, cửa biển, vừa thơ mộng với hình ảnh mong manh của cánh buồm trước gió. Nhà thơ không nói lộ ra như Cao Bá Quát “núi non đã kỳ tuyệt, lại thêm ta đến đây”, nhưng từng chi tiết, từng hình ảnh thơ khiến cho người đọc nghĩ đến lời của họ Cao.


Dạo thuyền trên sông nước, nhà thơ quan sát quang cảnh Bạch Đằng. Nhìn vào đâu nhà thơ cũng thấy dấu ấn của lịch sử:

“Kình ngạc băm vàm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.”


Những hình ảnh ẩn dụ “Kình ngạc băm vằm” vừa miêu tả được cảnh núi non hiểm trở vừa gợi lại những chiến tích chống xâm lăng của cha ông xưa. Quang cảnh như một bãi chiến trường với “Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”. Hình tượng thơ xứng với hào khí của người xưa, bộc lộ được niềm tự hào của tác giả đối với chiến tích Bạch Đằng.


Chuyển sang hai câu luận (5,6), tác giả suy tưởng về địa thế hiểm trở của núi non, về anh hùng hào kiệt của sông nước Bạch Đằng:

“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt

Hào kiệt công danh đất ấy từng.”


Từ “hiểm yếu” dịch thoát mà hay. Trong nguyên bản chữ Hán là “bách nhị”, tác giả dùng chữ của Tư Mã Thiên khen địa thế của nước Tần là “bách nhị”, nghĩa là địa thế hiểm trở, quân ít có thể chống lại kẻ địch nhiều (hai người có thể địch nổi trăm người). Tác giả còn suy tưởng một cách thiêng liêng:


“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt”


Trong văn chương mỗi khi hình ảnh trời xuất hiện đều tạo ra không khí thiêng liêng. Trong bài “Nam quốc sơn hà”, Lý Thường Kiệt cũng viết:


“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

(Núi sông nước Nam vua Nam ở,

Cương giới đã ghi rõ trong sách Trời)


“Quan hà bách nhị do thiên thiết” này gắn liền với những anh hùng hào kiệt như Ngô Quyền (diệt quân Nam Hán thế kỉ IX), Trần Hưng Đạo (diệt quân Nguyên thế kỉ XIII). Từng chữ thơ thấm đẫm tinh thần tự hào của tác giả về non nước, về những bậc anh hùng hào kiệt đã có những chiến công lẫy lừng bảo vệ đất nước.


Từ cảm hứng lịch sử với giọng thơ hào hùng, nhà thơ chuyển sang dòng cảm nghĩ về thế sự với giọng bùi ngùi:


“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”


Tâm trạng của nhà thơ được thể hiện một cách kín đáo nhưng cũng không giấu được sự thất vọng của nhà thơ đối với xã hội bấy giờ. Theo ông, những chiến công oanh liệt bảo vệ đất nước của cha ông, những anh hùng hào kiệt chỉ còn là chuyện cũ, chuyện của lịch sử.


Còn thời đại của nhà thơ đang sống?. Một thời đại khởi đầu thật là oanh liệt, nhưng giờ đây chỉ còn một lũ quan bất tài, xiểm nịnh, ghen ghét người trung nghĩa. Nhà thơ viếng cảnh sông Bạch Đằng lòng bồi hồi khôn xiết:


“Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…”


Nhiều nhà thơ đã đến cửa biển Bạch Đẳng lịch sử và đều có thơ để lại, nhưng có lẽ bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” (Cửa biển Bạch Đằng) của Nguyễn Trãi là bài thơ hay hơn cả. Quang cảnh Bạch Đằng được miêu tả vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, tráng lệ.


Những chiến tích của Bạch Đằng vừa là của anh hùng hào kiệt lại vừa là của khí thiêng sông núi. Cảm hứng lịch sử hòa quyện với cảm hứng thế sự khiến cho từng câu thơ có sự xôn xao ở bên trong và rung động lòng người đọc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 7

Bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” rút trong tập thơ “ức Trai thi tập” hiện có 105 bài thơ chữ Hán. Trong “Nguyễn Trãi toàn tập” học giả Đào Duy Anh xếp bài thơ này vào số 45/105 bài.


Bạch Đằng là dòng sông lịch sử oai hùng. Năm 938 Ngô Quyền chém đầu tướng Hoàng Thao tiêu diệt quân Nam Hán xâm lược. Năm 981 Lê Hoàn đánh bại giặc Tông. Năm 1288 Trần Quốc Tuấn đại phá giặc Nguyên Mông bắt sống ồ Mã Nhi. Nhiều nhà thơ đã viết về sông Bạch Đằng.


Bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng” ca ngợi sông Bạch Đằng hùng vĩ là mồ chôn quân xâm lược. Nhìn dòng sông, Nguyễn Trãi tự hào về cửa ải hiểm trở, tự hào về anh hùng hào kiệt, rồi lòng man mác bâng khuâng.


Bao trùm toàn bài thơ là cảm hứng lịch sử, là niềm tự hào dân tộc. Bài thơ chữ Hán viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Ngôn ngữ cổ kính trang trọng, hàm súc.


Nguyễn Trãi đến thăm cửa biển Bạch Đằng với cánh buồm thơ lộng gió tâm hồn thi sĩ. Gió bấc thổi mạnh trên mặt biển. Hình ảnh “cánh buồm thơ nhẹ” là một nét vẽ thần tình và tài hoa:


“Biển rung gió bấc thế bừng bừng

Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”.


Ngắm biển trời bát ngát mênh mông, nhà thơ xúc động miêu tả cảnh núi non, bờ bãi nơi cửa biển Bạch Đằng bằng hai nét vẽ ẩn dụ hoành tráng, cái cao cái thấp, cái gần cái xa, đăng đối gợi cảm:


“Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,

Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”.


Núi nhấp nhô từng khúc như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ. “Kình ngạc” trong thơ cổ tượng trưng cho lũ giặc dữ; trong văn cảnh chỉ lũ giặc phương Bắc bị quân ta tiêu diệt trên Bạch Đằng giang. Bờ bãi lớp lớp như giáo gươm (quân xâm lược) bị chìm gãy chồng chất lên.


Cũng là hình ảnh ẩn dụ gợi tả sự thất trận của lũ giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên Mông thuở nào. Đây là hai câu thơ có hình tượng kì vĩ, hàm súc, giàu chất liên tưởng, mang cảm hứng lịch sử oai hùng. Sông Bạch Đằng, cửa biển Bạch Đằng là tử địa quân xâm lược phương Bắc:


“Bạch Đằng một cõi chiến tràng

Xương phơi trắng đất, máu màng đỏ sông”.

(Đại Nam Quốc sử diễn ca)


Thơ trở nên sâu lắng trong suy tưởng. Nguyễn Trãi khẳng định quan hà hiểm yếu. Sông Bạch Đằng hiểm yếu do thiên nhiên sắp đặt ra. Cũng là nơi để bậc anh hùng dụng binh chông giặc, lập nên bao chiến công lừng lẫy: “Tiếng thơm đồn mãi – Bia miệng chẳng mòn” (Trương Hán Siêu). Phép đốì tạo nên vần thơ đẹp, ca ngợi núi sông hiểm trở, dân tộc Đại Việt có nhiều anh hùng hào kiệt:


“Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,

Hào kiệt công danh đất ấy từng”.


Tên tuổi những anh hùng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn… bất tử với sông Bạch Đằng lịch sử.


Giọng thơ càng về cuối càng thiết tha sâu lắng. Đối cảnh mà sinh tình. Đến dòng sông nhìn cảnh mà nhớ bóng người xưa, lòng dạ cảm hoài bâng khuâng khôn xiết kể. Hoài niệm tạo nên chất thơ. Tự hào, nhớ thương, nghĩ về cái còn và cái mất, cái hiện tại và cái đã qua:


“Việc trước quay đầu ôi đã vắng

Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”.


Cũng nói về hồn thiêng sông núi, cũng nói về đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi sức mạnh Việt Nam mà Nguyễn Trãi chỉ nói về một cửa biển và một dòng sông Bạch Đăng. Mỗi chữ, mỗi câu thơ, mồi hình ảnh về cửa biển Bạch Đằng mà nhà thơ nói đến như nâng cao tầm vóc lớn lao của dân tộc để chúng ta yêu thêm sông núi tổ quôc thân yêu, yêu thêm truyền thống anh hùng của dân tộc và tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của đất nước muôn đời.


“Cửa biển Bạch Đằng” là bài thơ kiệt tác tiêu biểu cho hồn thơ trang trọng hào hùng và tráng lệ của Nguyễn Trãi, mãi mãi “lấp lánh sao Khuê”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 8

Bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng” rút trong “, một trong những bài thơ kiệt tác ca ngợi đất nước và nhân tài Việt Nam. Bài thơ như một thiên bút kí trữ tình về một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp của thi nhân:


“Biển lùa gió bấc thổi băng băng

Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.

Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,

Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.

Quan hà hiểm trở, Trời kia dựng

Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Chuyện cũ ngoảnh đầu, ôi đã dứt

Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng"


Mở đầu bài thơ là hình ảnh “cánh buồm căng gió lướt nhẹ vượt Bạch Đằng Giang”. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời sông nước. Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt “băng băng “trên mặt biển. Cảnh quan bao la ấy của biển trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Du khách cùng với con thuyền và cánh buồm thơ đang sống trong tâm thơ vô cùng ung dung, thư thái:


“Biển lùa gió bấc thổi băng băng,

Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng”.


Ức Trai đến với dòng sông, cửa biển không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên mà còn muốn tìm lại một thời đã qua, một thời oanh liệt về dòng sông lịch sử này. Hai câu thực là bức tranh hoành tráng về dòng sông, cửa biển Bạch Đằng:


“Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,

Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng”,


Núi, sông, bờ bãi hiện lên qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ: “Ngạc”, “kình”, “gươm giáo “mang ý nghĩa tượng trưng. Trên cửa biển Bạch Đằng, núi trập trùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc, cá kình – lũ giặc phương Bắc bị nhân dân ta căm giận băm vằm và chặt thành từng khúc.


Bờ bãi nhấp nhô “dăng dăng” kéo dài vô tận như giáo gươm của lũ giặc ngoại xâm bị nhân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống mà thành. Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và chiến công oai hùng của thiên nhiên.


Người đọc như cùng nhà thơ sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này năm 938, Ngô Quyền đại thắng giặc Nam Hán, chém chết thái tử Hoàng Thao; Năm 1288, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt 3 vạn quân Mông – Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Phải có một tấm lòng yêu nước và niềm tự hào lân tộc mãnh liệt, ức Trai mới viết nên những vần thơ tráng lệ như vậy.


Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Bài học giữ nước về địa lợi, về nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói lên rất thấm thía:


“Quan hà hiểm trở Trời kia dựng,

Hào kiệt công danh đất ấy từng”


Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc, cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là quà tặng của thiên nhiên ban cho nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở”. Đất nước ta, dân tộc ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Họ đã đem tài thao lược bài binh bố trận để lập nên những chiến công bất tử trên lòng sông Bạch Đằng.


Quan hà với hào kiệt, trời với đất, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa, lòng dân hợp lẽ Trời nên dã chiến thắng vẻ vang.


Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Niềm cảm hoài dào dạt. Tâm hồn thi nhân như chan hòa với sông núi, mây Trời, sông nước. Tâm trí người anh hùng “Bình Ngô” sống lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những “việc cũ”, tìm lại “bóng” những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng. Câu thơ cảm thán vang lên bồi hồi, luyến tiếc, gợi lên bao nỗi nhớ thương man mác:


“Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt

Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng”


Nguyễn Trãi là nhà thơ viết nhiều, viết hay về cảnh trí thiên nhiên với một tình yêu tha thiết đối với tạo vật, với một cảm hứng lịch sử tràn đầy tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc:


“Núi Dục Thúy mưa tan, non tựa ngọc,

Cửa Đại An triều dậy, nước ngang Trời,"

(Vong Doanh)


“Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

(Côn Sơn ca)


Đằng sau những cảnh núi sông tráng lệ là hình ảnh nhân dân anh hùng được nhà thơ ca ngợi với tất cả niềm tự hào về sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam.


Đọc bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng”, đã cảm nhận sâu sắc thêm vế đối của người xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng – Ta thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, tự hào về những trang sử chống xâm lăng của nhân dân ta. Tâm hồn Ức Trai đã hóa núi sông ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích "Bạch Đằng hải khẩu" - mẫu 9

Dòng sông Bạch Đằng gắn với chiến công lừng lẫy của đất nước đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ các thế hệ khác nhau của dân tộc.


Chúng ta đã từng biết đến thơ về Bạch Đằng của Trần Minh Tông, Trần Lâu, “Bài phú sông Bạch Đẳng” cùa Trương Hán Siêu, “Bạch Đằng hải khẩu” của Nguyễn Trãi, “Quá Bạch Đằng giang”, “Xuất Bạch Đằng hải môn tuấn An bằng của Lê Thánh Tông… Mỗi nhà thơ cảm nhận Bạch Đằng với một tâm trạng và diễn đạt điều đó bằng những bút pháp riêng.


Nguyễn Trãi qua Bạch Đằng vào một ngày đầy gió mạnh:

“Biển lùa gió bấc thổi băng băng”.


Nguyên văn “khi lăng lăng” mà có người dịch là thế bừng bừng. Khí lãng lăng như gợi nhớ lại không khí trận đánh mấy năm trước. Bây giờ nhà quân sự và cũng là nhà thơ Nguyễn Trãi đang có mặt ớ giữa nơi chiến trường xưa. Nhưng không chỉ đem con mắt của người làm tướng để xem chiến địa, mà chủ yếu như một nhà thơ du ngoạn.


Vi thế con thuyền của ông rất thi sĩ giương cánh buồm thơ:

“Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng".


Chữ “quá” có nghĩa là vượt hoặc qua. Nhưng hình như dịch vượt Bạch Đằng thì quá sát và do đó mất đi cái vẻ thanh thoát và bay bổng. Câu thơ dịch của Nguyên Đình Hồ có lẽ đắt hơn:


“Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng”.


Cửa biển Bạch Đằng bát ngát trời mây núi non hùng vĩ là “danh thắng núi sông vào bậc nhất”, “bên tá sóng nước ngút trời núi non đứng sừng sững”. Nguyễn Trãi đã chú thích về cửa biển này như vậy dưới bài thơ của mình. Có thể có nhiều cách cảm nhận và suy tư trước phong cảnh Bạch Đằng. Nhưng Nguyền Trãi vốn là nhà quân sự – nhà thơ – nên cách cảm nhận mang dấu ấn độc đáo, đượm màu sắc lịch sử hào hùng:


“Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,

Giáo chìm gươm gãy bãi giăng giăng”.


Xin hãy chú ý một chút về cách nhìn núi và nhìn bãi bờ sông. Cũng là một cách so sánh, nhưng nếu viết: Núi như cá sấu bị chặt, cá kình bị phanh thì trước hết vẫn nhìn thấy núi. Nhưng Nguyễn Trãi tả:


“Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc”.


Rõ ràng ấn tượng mạnh, ấn tượng bao trùm là cảnh cá sấu bị chém, cá kình bị băm. Đó là cảnh núi non, nhưng trước hết đó là cảnh quân giặc dữ bị băm vằm trên cửa biển này mấy trăm năm trước. Cũng như thế, khi nhìn bờ bãi thì chưa thấy bờ mà thấy tầng tầng giáo gãy sương chìm, ở đây cảm hứng lịch cứ sống động mãnh liệt đã làm cho quang cảnh chiến địa được đẩy lên bình diện thứ nhất, còn cảnh thực thì lui xuống bình diện thứ hai.


Cần phải so sánh thêm một chút để thấy rõ điều này. Cùng với hồn thơ ấy, cũng tả núi ờ biến san sát hùng vĩ, như núi ở Vân Đồn:


“Đường Vân Đồn núi rồi lại núi”.

Muôn hộc núi xanh đen tựa những làn tóc màu xanh rủ xuống núi Vân Đồn. Còn đây là núi ờ cửa biển Thần Phù:

“Ngân ngọn núi sát bờ bày ra như măng mộc”.

(Qua cửa biển Thần Phù)


Điều này nói lên sự đa dạng trong cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Trãi, nhưng trước hết cho thấy chính cảm hứng lịch sử đã khiến nhà thơ nhìn cảnh núi Bạch Đằng bằng cách nhìn như vậy.


Cảnh núi hiểm trở là cảnh của thiên nhiên. Nhưng con người anh hùng và chiến công của họ cũng góp phần làm cho cảnh sắc trở nên nổi tiếng. Hai câu thơ phần luận tiếp nối cảm hứng lịch sử ở trên.


Sự đối sánh giữa núi non hùng vĩ và hào kiệt anh hùng gợi thêm suy tưởng. Có lẽ núi sông của thiên nhiên tạo ra như đã dành sẵn để mãi mãi ghi chiến công của anh hùng hào kiệt. Và người anh hùng, tuy cuộc đời là hữu hạn nhưng với chiến công họ có thể trường tôn với núi sông:


“Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt,

Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng".


Nhà thơ Nguyễn Trãi thăm Bạch Đằng là để tìm lại người xưa với việc xưa. cảnh thì vẫn như xưa đó, nhưng việc xưa với người xưa nào thấy đâu ? Đến đây ta đoán ra vì sao trong câu thơ đầu tiên Nguyễn Trãi viết “gió bấc”. Ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tí 1288 quân ta đại thắng trận Bạch Đằng.


Rất có thể mấy trăm năm sau Nguyễn Trãi đến thăm Bạch Đằng đúng vào ngày, hoặc đúng vào thời gian gần ngày chiến thắng nhất. Đó là khi còn có gió bấc thổi vào mọi cảnh vật gợi nhớ chiến địa rõ ràng hơn. Nhìn lại “vãng sự”, ngắm lại cảnh xưa vào thời điểm ấy xiết bao ý nghĩa.


Là một nhà quân sự, là một người đã giúp Lê Lợi làm nên những chiến công hào hùng của dân tộc ta ở thế kỉ XV, những chiến công có thế sánh ngang tầm vóc của các bậc hào kiệt thời trước, Nguyễn Trãi càng dẻ dàng cảm xúc và hoài niệm. Một nổi cảm xúc bâng khuâng xao xuyến trong lòng trước cảnh sắc núi sông một thời lừng lẫy chiến công.


Có điều đáng nói là con người lừng danh hết sức khiêm tốn, ông cảm xúc thuần túy như là một công dân, một nhà thơ trước lịch sử chứ không hề với tư cách người làm nên lịch sử. Vì thế cảm hứng của Nguyễn Trãi gần gũi và thân thuộc với bất kì một người Việt Nam yêu nước nào trước lịch sử của cha ông.


Bài thơ cho thấy thêm một nét đẹp trong tâm hồn phong phú trong sáng như sao Khuê của Nguyễn Trãi, nhà thơ – người anh hùng dân tộc thế kỉ XV.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .