Top 7 Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất
Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) hay nhất mà Alltop.vn đã tổng hợp trong bài viết...xem thêm ...
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 1
Mác- tin Lu- thơ Kinh là một mục sư, đồng thờ là một trong những nhà hoạt động dân quyền có sức ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử của nước Mỹ. Ông đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh không ngừng nghỉ trong phong trào đấu tranh bất bạo động, đây cũng chính là bước đầu đặt nền móng đòi lại sự bình đẳng giữa các sắc tộc tại Mỹ.
Mác- tin Lu- thơ Kinh sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 và mất năm 1968, là người Mỹ gốc Phi . Ông từng tốt nghiệp cử nhân tại một trường đại học dành riêng cho những người da màu. Trước khi nhận bằng tiến sĩ thì Mác- tin Lu- thơ Kinh đã trở thành mục sư, và quản nhiệm nhà thờ. Nơi đây chính là cái nôi sản sinh ra các cuộc vận động đấu tranh cho phong trào dân quyền trên toàn đất nước Mỹ. Và sau nhiều năm nỗ lực, ngày 14 tháng 10 năm1964, ông chính thức trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình nhờ những đóng góp to lớn trong công cuộc dành quyền bình đẳng, chấm dứt sự kì thị, phân biệt chủng tộc cho người da màu.
Có thể nói di sản lớn nhất trong cuộc đời ông là những hành trình đi khắp muôn nơi để chia sẻ kinh nghiệm, diễn thuyết về những cuộc đấu tranh của mình đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong đời sống xã hội và tình hình chính trị tại nước Mỹ. Một trong số đó, phải kể tới bài diễn văn lịch sử nổi tiếng khắp năm châu "Tôi có một ước mơ" được Mác- tin Lu- thơ Kinh đọc tại bậc thềm trước Đài tưởng niệm ở thủ đô Washington vào ngày 28 tháng 8 năm1963.
Mở đầu bài diễn văn, Mác- tin Lu- thơ Kinh bày tỏ niềm sung sương và hạnh phúc khi được phát biểu tại nơi này: "Tôi rất vui được tham gia cùng các bạn ngày hôm nay vào cuộc biểu tình cho tự do như là một sự kiện tuyệt vời nhất sẽ đi vào lịch sử đất nước của chúng ta”.
Một trăm năm trước đây, đã từng có một vĩ nhân Hoa kỳ, chính là người mà giờ đây ông cùng với quần chúng đang đứng dưới bóng biểu tượng, ngài ấy đã đặt bút mà ký Bản Tuyên Cáo Giải phóng Nô lệ. Chính bản tuyên cáo vĩ đại ấy đã đã trở thành ngọn hải đăng với biết bao niềm hy vọng thắp sáng cho cuộc sống của hàng triệu người nô lệ da đen, những người đã cùng cực, héo khô, mòn mỏi đã phải chịu những áp bức, bất công. Bản tuyên cáo đến như một ánh bình minh thật rạng rỡ, soi rọi và chấm dứt cho những tăm tối của tù ngục.
Ấy vậy mà một trăm năm đã qua đi, nhưng những người da đen vẫn chưa thoát khỏi sự áp bức, vẫn chưa nhận được tự do mà họ xứng đáng được. Họ vẫn phải sống trong sự phân biệt chủng tộc, bị những xiềng xích của sự kỳ thị, chế nhạo làm cho tàn tật. Phải chật vật, lặn lội sống trên một hòn đảo đói nghèo, cô đơn, hiu quạnh giữa một đại dương bao la bát ngát của vật chất và sự phồn vinh. Và như vậy, ông đã lên án và phô bày những góc khuất, tình trạng đáng xấu hổ này trước toàn thể công chúng. Và trong khoảnh khắc ấy Mác- tin Lu- thơ Kinh đã kêu gọi: ” Đây không còn là lúc để lẫn tránh trong sự xoa dịu xa xứ hay trong những liều thuốc an thần rằng mọi việc sẽ từ từ thay đổi. Đây là lúc chân thật hóa những lời hứa. dân chủ. Đây là lúc chúng ta giải thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn của sự phân biệt chủng tộc để bước lên con đường chan hoà ánh nắng của sự bình đẳng về chủng tộc. Giờ đây đã là lúc cần mang đất nước ra khỏi vùng cát lún của sự bất công phân biệt chủng tộc đến tảng đá vững chắc của tình anh em. Đây là lúc hiện thực hoá công lí cho tất cả những người con của Tạo Hoá.” Đồng thời ông cũng nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề trong của thời điểm này, chính là lúc công lí cần xuất hiện , nếu không đất nước này phạm một lỗi lầm chí tử.
Và cao trào của bài diễn văn được đẩy lên mạnh mẽ là khi Mác- tin Lu- thơ Kinh bày tỏ những ước mơ, khát khao về sự tự do và công bằng chính đáng qua câu nói được ông lặp đi lặp lại: "Tôi mơ rằng": “Tôi mơ rằng một ngày kia đất nước của chúng ta sẽ vươn lên và sống đúng ý nghĩa với niềm tin rằng: “Con người sinh ra vốn bình đẳng điều chúng ta tin là sự thật hiển nhiên”“Tôi mơ rằng một ngày kia trên những ngọn đồi đỏ rực ở Gioóc-gia, con cháu của những người nô lệ năm xưa cùng con cháu của các chủ nô ngày trước sẽ có thể ngồi bên nhau quanh chiếc bàn của tình huynh đệ. chủ nông” “Tôi mơ rằng một ngày kia, dù bang Mi-xi-xi-pi ngột ngạt bởi cái nóng của sự bất công và đàn áp cũng sẽ biến thành ốc đảo của tự do và công lí.” “Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm cách của chúng”
Từ những phát biểu và đặc biệt là qua bài diễn thuyết trên, ông đã thành công làm lay động tới trái tim của quần chúng, qua đó đã góp phần gây áp lực đến Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền ban hành năm 1964 dưới thời của Tổng thống Lyndon Johnson, đã ghi rõ quy định cấm phân biệt hay đối xử bất công đối với các chủng tộc, màu da, tôn giáo khác biệt trên khắp nước Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày qua đời của Mác- tin Lu- thơ Kinh trong một vụ ám sát bằng súng diễn ra vào tối ngày 4 tháng 4 năm 1968. Tuy ông đã ra đi, những những giá trị di sản của ông để lại vẫn mang tầm ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử đồng thời là một bài học để đời đối với nước Mỹ và nhất là đối với những người da màu.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 2
Ngày 28 tháng 8 năm 1963, Martin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng “I Have a Dream” (Tạm dịch: Tôi có một giấc mơ) từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln tại Washington, D.C., trước 250.000 người ủng hộ phong trào đòi quyền công dân.
Và cao trào của bài hùng biện là khi Martin Luther King bày tỏ giấc mơ về tự do và nhân quyền trước công chúng. “Tôi có một giấc mơ…”, những lời nói ấy đã đưa ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến nước Mỹ hiện đại, cùng với tổng thống Thomas Jefferson và tổng thống Abraham Lincoln.
Chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc đối với người da đen luôn là một mảng quan trọng trong lịch sử cận – hiện đại của Hoa Kỳ. Từ năm 1500, trong những chuyến tàu chở nô lệ đầu tiên đến Mỹ, những người nô lệ da đen bị lùa từ châu Phi sang. Họ bị đối xử như súc vật đúng nghĩa (vì luật pháp bấy giờ không coi họ là con người), làm việc 16 giờ 1 ngày và không được hưởng bất cứ quyền gì (Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về tình cảnh của những nô lệ da đen thời kỳ đầu, có thể đọc thêm cuốn “Cội Rễ” miêu tả về 7 thế hệ người da đen bắt đầu từ ông tổ bị bắt ở châu Phi đến thế hệ cuối cùng được giải phóng).
Từ đó (đến tận ngày nay) người da đen vẫn liên tục đấu tranh cho quyền con người của mình với ước mong được bình đẳng với những con người khác. Trong quá trình đấu tranh đó, xuất hiện 2 người vĩ đại tạo nên những bước ngoặc quan trọng. Người đầu tiên là tổng thống Abraham Lincoln với quyết tâm xoá bỏ chế độ nô lệ. Quyết tâm này đã dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ giữa chủ nô miền Nam và những người giải phóng nô lệ miền Bắc (nếu ai thích có thể đọc lại “Cuốn Theo Chiều Gió”). Ông đã thành công và người da đen được xem như là “người” tại nước Mỹ. Vì những tranh đấu của mình mà ông bị ám sát chết!
Tuy nhiên, sau khi xoá bỏ chế độ nô lệ, người da đen vẫn bị đối xử như những người “hạ đẳng” trong xã hội, họ phải đi học ở trường riêng, ăn riêng, uống riêng, đi vệ sinh trong các nhà vệ sinh dành riêng cho người da đen. Và những cái “riêng” này thì luôn tồi tệ. Martin Luther King là người vĩ đại thứ 2, ông đã cống hiến cuộc đời mình, tiếp nối các thành quả của Lincoln, tiếp tục chiến đấu giành quyền bình đẳng thực sự cho người da đen: được hưởng nền giáo dục bình đẳng, quyền công dân bình đẳng (như đi bầu cử). Ông đã có những thành công lớn và ngày nay người da đen được bình đẳng về nguyên tắc với người da trắng. Vì những tranh đấu của mình, ông cũng bị ám sát chết!
Sự phân biệt chủng tộc bám rễ sâu trong lòng người Mỹ và không dễ dàng nhổ ra trong 1 lúc. Trở lại các tranh đấu của King, ông đã kiên trì theo đuổi đường lối bất bạo động, chỉ tác động đến suy nghĩ của người dân thông qua các cuộc biểu tình, tuần hành và phương tiện thông tin đại chúng. Ông tổ chức những cuộc phản kháng nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, được biết với tên luật Jim Crow, thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông.
Qua tiếp xúc với ông, nhiều nhà báo và quay phim đã làm nên những bài báo, những thước phim được chiếu trên truyền hình về cuộc sống thường nhật của người da đen miền Nam, đầy ắp sỉ nhục và luôn bị tước đoạt, dấy lên một làn sóng đồng cảm lan tỏa rộng khắp trong nhân dân Mỹ.
Năm 1955, ông lãnh đạo phong trào tẩy chay xe bus sau sự kiện Rosa Parks (người phụ nữ da đen bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo qui định của Luật Jim Crow) cho đến khi phán quyết của Tòa án Liên bang cấp Quận ra lệnh chấm dứt các hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt ở Montgomery.
Năm 1963, ông nằm trong ban tổ chức “Cuộc Diễu hành đến Washington vì Việc làm và Tự do” nhằm đưa ra 1 loạt thỉnh cầu về quyền bình đẳng của người da đen: như chấm dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc tại trường công, ban hành các đạo luật bảo vệ dân quyền, bao gồm luật cấm phân biệt màu da trong tuyển dụng, bảo vệ người đấu tranh cho dân quyền khỏi sự bạo hành của cảnh sát cũng như ấn định mức lương tối thiểu, và quyền tự trị cho Đặc khu Columbia.
Ngay tại Đài Tưởng niệm Lincoln, ông đã đọc bài diễn văn này, được xem là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử và được nhiều người xem là là bài diễn văn xuất sắc nhất thế kỷ 20. Ông đã khéo léo trích dẫn hay nhắc đến những nguồn không thể chối cãi để tạo nên sức mạnh của bài diễn văn: Kinh Thánh, bài Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ), Diễn văn Gettysburg.
Lập luận logic, dẫn chứng chắc chắn, giọng văn mạch lạc đã thể hiện được 1 bầu nhiệt huyết to lớn với người nghe. Tất cả những điều này tạo thành một bài diễn văn rung động lòng người.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 3
Bài phát biểu vào ngày 28/8/1963 của Martin Luther King Jr cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử Mỹ, góp phần đưa tới bước ngoặt lớn với người da màu.
Mục sư Martin Luther King Jr là một trong những nhà hoạt động dân quyền có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho phong trào dân quyền, đặt nền móng cho bình đẳng sắc tộc tại Mỹ.
Ông sinh ngày 15/1/1929 tại thành phố Atlanta, bang Georgia, là con đầu của mục sư Martin Luther King Sr. Ông tốt nghiệp cử nhân tại đại học Morehouse dành riêng cho người da màu. Sau đó, ông tớChester-Pennsyvaniaia theo học tại Viện Thần họCrozerer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học năm 1951. Vào năm 1955, ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Thần học Hệ thống tại Đại học Boston.
Trước khi nhận bằng tiến sĩ, năm 1954, Martin Luther King Jr đã trở thành mục sư dòng Baptist, quản nhiệm nhà thờ trên đại lộ Dexter tại thành phố Montgomery, bang Alabama. Đây chính là cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn nước Mỹ sau này.
Sau nhiều năm đấu tranh không ngừng nghỉ, ngày 14/10/1964, ông trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình nhờ những cống hiến và đấu tranh của ông dành quyền bình đẳng cho người da màu. Di sản lớn nhất cả cuộc đời ông là những chuyến đi khắp nơi để diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm và những cuộc đấu tranh của mình để tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội và chính trị Mỹ. Một trong số các bài phát biểu nổi tiếng nhất của ông là bài diễn văn lịch sử “Tôi có một ước mơ” được đọc tại bậc thềm Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington vào ngày 28/8/1963.
Bài phát biểu của Martin Luther King Jr, diễn ra trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân, thu hút sự tham gia của hơn 250.000 người, cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bài phát biểu chứa đựng giấc mơ mà ông luôn ấp về “những đứa trẻ da màu và những đứa trẻ da trắng cùng nắm tay nhau như anh chị em một nhà”.
Mở đầu bài diễn văn, ông nói: “Hôm nay tôi rất vui được cùng các bạn tham gia vào một sự kiện sẽ đi vào lịch sử như một minh chứng vĩ đại nhất cho tự do trong lịch sử đất nước chúng ta”. Martin Luther King Jr nói: “Có một lời hứa rằng mọi công dân Mỹ, không phân biệt da trắng hay da màu, được đảm bảo các quyền bất kể xâm phạm: quyền được sống, quyền được tự do, và quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Nhưng rõ ràng, ông cho rằng nước Mỹ đã không giữ lời hứa, “phản bội” các công dân da màu của mình.
Ông kêu gọi, “giờ là lúc để hiện thực hóa những lời hứa hẹn về dân chủ. Giờ là lúc phải đi lên từ bóng tối và thung lũng của sự phân biệt chủng tộc tới con đường ánh sáng của sự công bằng. Giờ là lúc để đưa đất nước từ vũng lầy của sự bất công chủng tộc lên một nền tảng vững chắc của tình anh em”. Cao trào của bài diễn văn là khi Martin Luther King Jr bày tỏ ước mơ về tự do và công bằng qua câu nói được lặp đi lặp lại: “Tôi có một ước mơ”.
“Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó đất nước sẽ trỗi dậy và sống đúng với lời hứa của mình: Chúng ta luôn giữ vững những sự thật này như chân lý hiển nhiên: mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tôi có một ước mơ, là một ngày nào đó trên những ngọn đồi đất đỏ ở Georgia, con của những nô lệ cũ và những người chủ cũ sẽ có thể ngồi lại với nhau, coi nhau anh chị em. Tôi có một ước mơ, là một ngày nào đó, ngay cả tiểu bang Mississippi, nơi vốn đang ngột ngạt vì bị áp bức và bất công sẽ biến đổi thành một ốc đảo của tự do và công bằng.
Tôi có ước mơ, một ngày nào đó 4 đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một đất nước mà chúng sẽ được đáng giá qua chính con người của chúng chứ không phải là màu da. Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó ở Alabama, nơi có những thành phần phân biệt chủng tộc, nơi vị thống đốc nắm quyền luôn miệng xen vào cuộc sống của người khác và nói về quyền vô hiệu hóa, mọi đứa trẻ da màu và da trắng sẽ có thể cùng nắm tay như anh chị em”.
Những phát biểu lay động lòng người đó đã góp phần gây áp lực cho Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, quy định cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính trên khắp nước Mỹ. Cho đến nay, hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Martin Luther King Jr qua đời trong một vụ ám sát bằng súng vào tối 4/4/1968, di sản ông để lại vẫn mang tầm ảnh hưởng lịch sử và là bài học để đời với nước Mỹ, nhất là những người da màu.
Đó là lý do mục sư Martin Luther King Jr trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng vĩ đại nhất đến nước Mỹ hiện đại. Ông cũng là công dân Mỹ đầu tiên và duy nhất không phải là tổng thống nhưng ngày sinh của ông là một ngày lễ được cả nước Mỹ vinh danh.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 4
Có đội ngũ cố vấn viết diễn văn, nhưng khi bước lên sân khấu, Martin Luther King quyết định cất tiếng nói từ trái tim: ‘I have a dream’ (Tôi có một giấc mơ).
Ngày 28/8/1963, trước hơn 250.000 người, mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” trước Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, DC. Cùng với diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln năm 1863, “Máu, vất vả, nước mắt và mồ hôi” của Winston Churchill năm 1940, bài diễn văn của Martin Luther King được đánh giá có sức ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Nó khơi dậy một phong trào đấu tranh dân quyền và là bước đệm dẫn đến sự ra đời của đạo luật Dân quyền năm 1964 và đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965.
Tuy nhiên, ít người biết bốn từ nổi tiếng “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) vốn không có trong bản thảo. Martin Luther King là con thứ hai trong gia đình ba con của một mục sư và giáo viên, sống ở một khu phố của người Mỹ gốc Phi giàu có. Cũng như rất nhiều người da đen trong thời kỳ này, Martin đã chứng kiến và từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc.
Ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng mình. Từ giữa những năm 1950 đến trước khi bị ám sát 1968, ông đã đi nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết. Martin được biết đến như một người có tài hùng biện và có ảnh hưởng trong cộng đồng người da đen. Chính vì thế, nhà hoạt động dân quyền A. Philip Randolph đã liên hệ với Martin, cùng với nhiều nhân vật nổi bật khác, để tổ chức sự kiện March on Washington (Tuần hành về Washington) vì việc làm và tự do, ngày 28/8/1963.
Trong số này có nhiều diễn giả là lãnh đạo các phong trào sinh viên, cựu chiến binh và các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Vì mọi người nhận phát biểu trước, nên Martin nhận nói cuối cùng, với bài hùng biện giới hạn trong 4 phút. Dù vậy, ông có mục tiêu rất rõ ràng, đó là muốn có một bài phát biểu có tác động đến quốc gia, giống như Gettysburg của Tổng thống Lincoln.
Ba đài truyền hình lớn vào thời điểm đó là ABC, CBS và NBC đều hứa sẽ đưa tin về sự kiện, vì vậy Martin biết trọng trách là rất lớn. Ông giao cho hai cố vấn Stanley Levison và Clarence Jones viết diễn văn cho mình. Mặc dù hài lòng với bản thảo, mục sư vẫn muốn nhận càng nhiều góp ý càng tốt. Đêm trước sự kiện, ông tập hợp các cộng sự tại tiền sảnh của khách sạn Willard, chứ không phải phòng riêng, đề phòng trường hợp bị nghe lén. Mỗi người đưa ra một ý kiến.
Cụm từ “Tôi có một giấc mơ” đã bị cắt bỏ vì nó gần như là chủ đề xuyên suốt các bài phát biểu trước đây. Martin đã nói về “giấc mơ” vào tháng 4/1963, tại một cuộc họp ở nhờ thờ về việc “nhìn thấy những chàng trai và cô gái da đen đi bộ đến trường với những cậu bé và cô bé da trắng, cùng nhau chơi trong công viên và đi bơi”. Ông tiếp tục giấc mơ đó tại một bài phát biểu ở Detroit vào tháng 6/1963, rằng hy vọng “người da đen có thể mua hoặc thuê nhà ở bất cứ đâu với tiền họ có và họ sẽ có thể kiếm được việc làm”.
Vì lẽ đó, tất cả đồng ý cắt bỏ câu này. Một cố vấn thậm chí mạnh mẽ phản bác: “Đừng sử dụng những câu nói như ‘Tôi có một giấc mơ’. Nó sáo rỗng. Anh đã sử dụng nó quá nhiều lần rồi”. Với rất nhiều ý kiến, cuối cùng 4 giờ sáng, Martin Luther King chào mọi người lên phòng đi ngủ. Ngày 28/8, bất chấp cái nóng ở thủ đô, người dân đổ đến quảng trường, nơi có rất nhiều người nổi tiếng xuất hiện. “Thật đáng kinh ngạc. Vượt xa ước tính của chúng tôi. Con số tham gia phải ít nhất 250.000 người. Và ngay đến lúc này chúng tôi cũng không biết Martin sẽ nói gì”, Jones kể.
Đến lúc mục sư phát biểu, đám đông đã giãn bớt vì cái nóng và ngột ngạt. Giống như cách Lincoln bắt đầu với câu nói mà nay trở thành khuôn mẫu “Four score and seven years ago” (Tám mươi bảy năm trước), Martin Luther King cũng viện dẫn “Five score years ago (Một trăm năm trước) và nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên ngôn giải phóng nô lệ. “Nhưng một trăm năm sau, những người da đen vẫn chưa được tự do”, ông nói, trước khi mô tả tình trạng cuộc sống của người Mỹ gốc Phi ở Mỹ.
Sau đó, ông chuyển sang mục đích của cuộc tuần hành. Những lời nói của Martin có tác động mạnh, song không có hiệu ứng mạnh như ông mong đợi. Bất chợt ông dừng lại tích tắc. Đúng lúc đó, ca sĩ nhạc phúc âm Mahalia Jackson đứng cách bục phát biểu hơn 4 m, hét lên: “Hãy nói với họ về giấc mơ, Martin”. Dẹp tờ diễn văn sang một bên, mục sư 34 tuổi nói:
“Tôi vẫn còn một giấc mơ. Đó là một giấc mơ ăn sâu vào giấc mơ Mỹ. “Tôi mơ rằng một ngày kia đất nước của chúng ta sẽ vươn lên và thực sự tồn tại với niềm tin: “Chúng tôi coi sự thật này là điều hiển nhiên: rằng con người được tạo ra bình đẳng. Tôi mơ rằng một ngày kia, trên những ngọn đồi đỏ ở Georgia, những người con của các nô lệ và những người con của các chủ nô sẽ cùng ngồi lại như những người anh em. Tôi mơ rằng một ngày kia, thậm chí cả những vùng đất khô cằn ngột ngạt trong bất công và đàn áp như Mississippi, cũng sẽ chuyển thành ốc đảo của tự do và công lý. Tôi mơ rằng sẽ có một ngày bốn đứa con của mình được sống trong một quốc gia, nơi chúng không bị đánh giá bởi màu da, mà được công nhận bởi phẩm cách. Ngày hôm nay tôi có một giấc mơ…“.
Từ đây, ông đi đến một kết thúc đầy kịch tính, gióng lên hồi chuông từ đầu này đến đầu kia của đất nước. Nhìn lại sự kiện này, tiến sĩ Jones ghi nhận một sự thay đổi đáng kinh ngạc ngay khi Martin ném tất cả các lời lẽ chuẩn bị sẵn. “Từ lúc bỏ văn bản sang một bên, anh ấy mang tư thế của một nhà truyền đạo. Và đó là thông điệp mà nước Mỹ cần phải nghe”, Jones nói. Ngay cả Martin cũng thừa nhận, không gì có tiếng vang hơn việc nói trước đám đông bằng tin tưởng vào chính bản thân mình.
Mặc dù bài phát biểu dự kiến kéo dài 4 phút, nhưng cuối cùng lên tới 16 phút và giống như phát súng quyết định tạo ra bối cảnh thuận lợi để Quốc hội và Chính quyền Liên bang ghi nhận những đòi hỏi của người Mỹ da đen như quyền bầu cử, quyền đối xử bình đẳng và các quyền dân sự khác để thông qua đạo luật Dân quyền năm 1964 và đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm bài phát biểu của Martin Luther King, cựu tổng thống Barack Obama đã tự coi mình là minh chứng về sự tiến bộ bình đẳng chủng tộc đã đạt được, dù cho biết con đường hiện thực hóa giấc mơ của cố mục sư Luther King vẫn còn dài. “Không ai có thể sánh được với sự lỗi lạc của King, nhưng cùng một ngọn lửa thắp sáng trái tim của tất cả những ai sẵn sàng đấu tranh vì công lý, tôi biết ngọn lửa đó vẫn còn”, ông nói.
“Sau hơn nửa thế kỷ, bài diễn văn của Martin Luther King vẫn được nhắc đến mỗi ngày, khi được giảng trong trường học, được in trong sách giáo khoa đại học, được giới thiệu trong nhiều bộ phim tài liệu và thậm chí còn được trích dẫn trong âm nhạc của Michael Jackson và rapper Common”, tờ New York Times bình luận. Mục sư Martin bị ám sát tối 4/4/1968 khi đang đứng trên ban công ở Memphis, nơi ông tới để hỗ trợ một cuộc đình công, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Năm ngày sau, Tổng thống Mỹ Johnson đã công bố một ngày để tang.
Ngày nay, những tư tưởng của Martin Luther King được lưu giữ và tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ ủng hộ công bằng xã hội và quyền bình đẳng cho tất cả, bất kể màu da hay tầng lớp xã hội.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 5
Đến nay, ‘Tôi có một ước mơ’ của Martin Luther King Jr. vẫn được đánh giá là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất, mở ra một trang mới trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King Jr. đọc bài diễn văn trên bậc thềm Đài Tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington D.C. Phát biểu của ông diễn ra trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân, thu hút sự tham gia của hơn 250.000 người. Martin Luther King Jr. đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình cho một tương lai của nước Mỹ mà ở đó, người da màu và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận.
Và cao trào của bài diễn văn là khi Martin Luther King Jr. bày tỏ ước mơ về tự do và nhân quyền trước công chúng qua câu mở đầu: “Tôi có một ước mơ…”. Những lời nói này đã đưa ông trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng vĩ đại nhất đến nước Mỹ hiện đại, cùng với các Tổng thống Thomas Jefferson và Abraham Lincoln.
Được ca tụng như là một kiệt tác của thuật hùng biện, bài diễn văn của King được định hình theo phong cách thuyết giáo của các mục sư da đen thuộc hệ phái Baptist, thường viện dẫn từ những nguồn có giá trị thiêng liêng và được mọi người tôn trọng như Kinh Thánh, Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Thông qua thủ thuật hùng biện để kiến tạo những liên tưởng (định nghĩa bởi Campell và Huxman (2003) như là “những trích dẫn gián tiếp từ kiến thức văn hoá chung của người Mỹ như Kinh Thánh, thần thoại Hi Lạp và La Mã, hoặc lịch sử nước Mỹ”), King sử dụng ngôn từ và các trích đoạn từ những áng văn thâm thuý và được yêu thích của văn hóa Hoa Kỳ để biến chúng thành sức mạnh thuyết phục cho bài diễn văn của ông.
Ngay từ phần đầu của bài diễn văn, King đã mượn lời từ Diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln khi ông nói “Five score years ago…” (Một trăm năm trước…). Những gợi ý đến từ Kinh Thánh chiếm vị trí vượt trội. King trích dẫn từ Thi thiên (Thánh vịnh) 30:5 trong đoạn thứ nhì của bài diễn văn, khi nhắc đến điều khoản bãi bỏ nô lệ được ghi trong bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, ông nói “Nó đã đến như bình minh rộn rã để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ“.
Một gợi ý khác đến từ Kinh Thánh được tìm thấy trong đoạn thứ mười của bài diễn văn: “Không, không, chúng ta không hài lòng, và chúng ta sẽ không hài lòng cho đến khi sự công chính đổ xuống như nước chảy và sự chính trực như một dòng sông“, đến từ Amos 5:24. King cũng trích dẫn từ Isaiah 40:4 khi ông nói “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được san bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng…”
Sử dụng những chữ đầu một câu hoặc một phân đoạn để nhấn mạnh, sắp xếp và đẩy một ý tưởng lên đỉnh điểm (Campbell & Huxman, 2002, p. 177) là phép hùng biện được King sử dụng suốt bài diễn văn. Một ví dụ được tìm thấy ngay từ đầu khi King dẫn đưa đám đông đến cao trào: “Nay là lúc…” được lặp lại bốn lần trong đoạn thứ sáu của bài diễn văn. Nổi tiếng nhất là câu nói “Tôi có một giấc mơ…” được lặp lại tám lần khi King phác họa bức tranh hòa hợp chủng tộc của một nước Mỹ hiệp nhất.
Theo sắp đặt của chương trình, King là người thứ mười sáu trong số mười tám diễn giả phát biểu trong ngày tổ chức cuộc tuần hành. Dân biểu Hoa Kỳ John Lewis, ông cũng là một diễn giả tại sự kiện này với tư cách chủ tịch Ủy ban Phối hợp Sinh viên Bất bạo động, nhận xét, “Tiến sĩ King có sức mạnh, năng lực, và khả năng chuyển hóa những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln thành một địa điểm được tưởng nhớ lâu dài. Bằng cung cách diễn thuyết của ông, King đã giáo dục, soi dẫn, và loan báo không chỉ cho những người có mặt ở đó, nhưng cho mọi người trên khắp nước Mỹ, và cho những thế hệ chưa sinh ra.”
Những ý tưởng được thể hiện trong bài diễn văn phản ánh những ngược đãi King đã nếm trải như một người da đen, và kêu gọi sự quan tâm đến lý tưởng của nước Mỹ như là một quốc gia được thành lập để cung ứng quyền tự do và công lý cho mọi người, rồi ông củng cố và làm thăng hoa những lý tưởng ấy bằng cách đặt chúng vào một bối cảnh thiêng liêng với lập luận rằng sự công bằng xã hội là phù hợp với ý chỉ của Chúa.
Như thế, bài diễn văn đã cống hiến cho nước Mỹ cơ hội được cứu rỗi khỏi tội kỳ thị chủng tộc. King miêu tả những gì nước Mỹ đã hứa hẹn là một “tín phiếu” mà nước Mỹ không chịu thanh khoản. Ông nói, “nước Mỹ đã trao cho người da đen một tấm ngân phiếu xấu”, nay “chúng ta đến để đổi tấm ngân phiếu ấy thành tiền” bằng cách tuần hành ở Washington, D. C.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 6
“Tôi có một giấc mơ” (tên gốc tiếng Anh: “I Have a Dream“) là tên phổ biến của bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng.
Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.
Khởi đầu với gợi ý đến bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, văn kiện năm 1863 công bố sự tự do cho hàng triệu nô lệ, King đưa ra nhận xét, “nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do.
” Khi sắp kết thúc bài diễn văn, King rời bỏ bản thảo soạn sẵn để trình bày một điệp ngữ đầy tính ngẫu hứng, khi ông nhắc đi nhắc lại câu, “Tôi có một giấc mơ”, có lẽ theo yêu cầu của Mahalia Jackson, “Martin, hãy nói cho họ biết về giấc mơ!”
Đây là thời khắc đẩy cảm xúc người nghe lên đỉnh điểm, và khiến nó trở thành phần nổi tiếng nhất của bài diễn văn: King kể cho họ nghe về giấc mơ của ông, phác họa những hình ảnh về sự tự do và bình đẳng đang trỗi dậy từ vùng đất nô lệ và đầy hận thù. “Tôi có một giấc mơ” đứng đầu danh sách 100 bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, theo sự bình chọn năm 1999 của giới học giả về diễn thuyết trước công chúng.
Từ thập niên 1960, King đã khởi sự nói về “giấc mơ” khi ông diễn thuyết tại Hiệp hội vì sự Thăng tiến của người Da màu (NAACP) mà ông gọi là “Người da đen và Giấc mơ Mỹ”, trình bày về khoảng cách giữa Giấc mơ Mỹ và cuộc sống thực tế của người Mỹ; ông cho rằng những người ủng hộ thuyết da trắng ưu việt làm tan nát giấc mơ, và thêm rằng “Chính phủ liên bang của chúng ta khoét sâu thêm qua thái độ vô cảm và đạo đức giả, và bởi sự phản bội của họ đối với chính nghĩa của công lý”.
King nhận định, “Có thể lắm người da đen chính là phương tiện Chúa dùng để cứu rỗi linh hồn nước Mỹ.” Tháng 6, 1963 ở Detroit, King cũng nói về một “giấc mơ” khi ông tuần hành trên Đại lộ Woodward với Walther Reuther và Mục sư C. L. Franklin.
Diễn từ King trình bày tại cuộc tuần hành Washington, “Tôi có một giấc mơ”, có vài phiên bản được viết vào những thời điểm khác nhau. Không có một phiên bản độc nhất nhưng là một sự tổng hợp từ vài bản thảo, lúc đầu được gọi là “Normalcy, Never Again”.
Một ít từ bản thảo này cùng một ít từ một bản thảo khác, “Normalcy Speech”, được đem vào bản thảo sau cùng. Một bản thảo “Normalcy, Never Again” được lưu giữ tại Thư viện Robert W. Woodruff của Trung tâm Đại học Atlanta và Đại học Morehouse.
Khi sắp kết thúc bài diễn văn, Tiến sĩ King nghe tiếng kêu to của ca sĩ nổi tiếng thuộc dòng nhạc Phúc âm, Mahalia Jackson, từ dưới đám đông, “Hãy bảo cho họ biết về giấc mơ, Martin”. King ngưng đọc bài diễn văn soạn sẵn, và khởi sự “thuyết giảng”, nhấn mạnh đến câu nói cao trào, “Tôi có một giấc mơ”.
Bài diễn văn được phác thảo với sự trợ giúp từ Stanley Levinson và Clarence Benjamin Jones ở Riverdale, Thành phố New York. Jones thuật lại, “việc chuẩn bị hậu cần cho cuộc tuần hành quá nặng nề đến nỗi bài diễn văn không được xem là ưu tiên”, ông thêm, “vào chiều tối thứ Ba, ngày 27 tháng 8 [12 giờ trước khi cuộc tuần hành bắt đầu] Martin vẫn chưa biết phải nói gì”.
Trước đó, King đã ứng dụng thủ pháp điệp ngữ cho câu “Tôi có một giấc mơ” khi diễn thuyết trước cử tọa 25 000 người tại Cobo Hall ở Detroit ngay sau cuộc Diễu hành cho Tự do với sự tham dự của 125 000 người tại Detroit vào ngày 23 tháng 6 năm 1963. Sau cuộc tuần hành tại Washington, một bản thu âm diễn từ của King tại Cobo Hall được phát hành với tiêu đề “The Great March to Freedom”.
Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 7
Trong “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 Mĩ có đoạn: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai ở bất cứ nơi nào trên đất nước Mĩ cũng được tự do và sở hữu những quyền cơ bản mà thiêng liêng ấy. Nạn phân biệt chủng tộc diễn ra trong thời gian dài tại đất nước này đã khiến cuộc sống của rất nhiều người da đen rơi vào tăm tối. Để đấu tranh chống lại sự kì thị ấy, Martin Luther King đã viết bài diễn văn “Tôi có một ước mơ”.
Martin Luther King (1929 - 1968) là mục sư và một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Martin Luther King đã dành cả cuộc đời mình để đại diện cho những người da đen cất cao tiếng nói đấu tranh cho nhân quyền. Năm 1964, ông được nhận Giải Nobel Hòa bình danh giá. Đoạn trích “Tôi có một ước mơ” được trích từ bài diễn văn nổi tiếng của Martin Luther King vào năm 1963 trong cuộc tuần hành tại Washington.
Mở đầu bài diễn văn, Martin đã nêu ra nguyên nhân của cuộc đấu tranh: "Tôi rất vui được tham gia cùng các bạn ngày hôm nay vào cuộc biểu tình cho tự do như là một sự kiện tuyệt vời nhất sẽ đi vào lịch sử đất nước của chúng ta”. Đó là “một cuộc biểu tình cho tự do”, có nguyên nhân chính đáng, khác với những cuộc bạo động hay nổi loạn bất chính. Những người da đen đang xuống đường biểu tình vì quyền lợi chính đáng của mình. Có thể thấy đây là tiền đề hợp lí để tác giả triển khai các ý kiến về sau.
Sau đó, tác giả nhắc đến bản “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ” được Tổng thống Lincoln kí cách đó hơn một thế kỉ. Trước đây, từ có thời kì những người da đen bị coi là nô lệ, bị buôn bán như những món hàng. Sắc lệnh của Lincoln tưởng như đã mở ra thời kì tươi sáng cho những người da đen nhưng thực tế họ vẫn “cô đơn trên những hòn đảo nghèo đói giữa đại dương mênh mông thịnh vượng về vật chất”, “gầy mòn trong những ngóc ngách của xã hội Mỹ”. Martin đã thẳng thắn chỉ ra rằng đây là một tình trạng rất đáng xấu hổ. Một đất nước từng giương cao ngọn cờ tự do, giải phóng nô lệ và rồi cũng chính đất nước ấy vẫn kìm hãm những người da đen. Việc viện dẫn văn kiện lịch sử nổi tiếng đã trở thành điểm tựa vững chắc, giúp lập luận của Martin trở nên thuyết phục. Từ đó, tác giả cho thấy việc kì thị người da đen là sai trái.
Tiếp đến, Martin đã thúc giục mọi người bằng cách đề ra thời điểm thích hợp để đứng lên đấu tranh: “Ngay Bây Giờ”. Những người da đen đã chịu đựng sự đau khổ kéo dài, đã nuôi hi vọng về tương lai tươi sáng quá lâu. Và bây giờ là lúc “hiện thực hóa lời hứa dân chủ” của nước Mĩ cho chính những người dân của nó. Nếu con người không lên tiếng sẽ là một điều tai hại cho đất nước. Cuộc đấu tranh này mới chỉ là “năm khởi đầu”. Martin hướng lời kêu gọi mạnh mẽ, gan góc của mình đến những người da đen và tất cả những công dân Mĩ. “lời hứa dân chủ” là lời hứa của tất cả công dân Mĩ, là bộ mặt của đất nước tự do nên mỗi người đều có trách nhiệm của mình với lời hứa đó. Trên hết, ông còn cảnh báo trước về sức mạnh của những người da đen: “Và sẽ không có sự bình yên hay ngơi nghỉ ở nước Mĩ cho đến khi người da đen được công dân quyền công dân cua mình”, “Những cuộc nổi dậy như con lốc sẽ tiếp tục rung lắc nền móng của đất nước”. Lời văn của Martin dõng dạc và đanh thép, thể hiện ý chí quật cường và quyết tâm cao độ.
Phương pháp đấu tranh là điều quan trọng quyết định chiến thắng của một cuộc đấu tranh. Martin đã đặt ra cho nguyên tắc đấu tranh vô cùng đúng đắn. Ông nhắc nhở những chiến hữu tránh xa những “hận thù và cay đắng”, “hành động sai trái”. Để đây thực sự là cuộc nổi dậy của chính nghĩa, tranh đấu vì hòa bình và tự do thì trước hết, chính những con người tham gia vào đó phải thực sự là những người ưa chuộng hòa bình. Martin cũng đề cập đến những người anh em da trắng đang ủng hộ cuộc biểu tình này và đề cao những con người ấy. Có thể thấy lập luận của Martin rất thông minh, khéo léo và vô cùng thuyết phục.
Martin đã khơi dậy sức mạnh và lòng quyết tâm hừng hực của những người dân da đen bằng cách nói như “luôn tiến về phía trước”, “không thể quay lại”. Đây là cuộc chiến danh dự của những người da đen, phản kháng cho quá khứ, hiện tại và cả tương lai của họ nên họ sẽ không bao giờ hài lòng khi sự phân biệt chưa chấm dứt. Martin một lần nữa nhắc lại thực tế xót xa để truyền động lực cho người nghe. Người da đen không thể thuê phòng nghỉ trên những xa lộ, phải chịu đựng sự tàn bạo của cảnh sát, không có quyền bầu cử và con cháu của họ sẽ bị tước đi nhân phẩm bởi những tấm bảng “Chỉ dành cho người da trắng”. Martin thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm với những người dân da đen đã và đang chịu áp bức. Những câu nói: “Đừng chìm sâu trong tuyệt vọng”, “các bạn đã trở thành những người tranh đấu kì cựu và sáng tạo” cho thấy niềm tin tưởng của ông vào các chiến hữu của mình.
Cuối cùng, Martin thể hiện niềm tin cao cả của mình vào “giấc mơ Mỹ”, tin rằng đất nước sẽ thực sự tự do và bình đẳng như đúng những gì ta vẫn nói về nó. Tác giả đề cập đến một loạt địa danh như Giosooc - gia, Mi - xi - xi - pi, Niu - Hem - sơ, A - lơ - ghe - ly,... kết hợp với điệp khúc “Hãy để tự do ngân vang” để truyền lửa đến nhân dân ở khắp nơi trên nước Mỹ chứ không chỉ riêng những người có mặt tại Washington ngày hôm đó. Ông nhấn mạnh rằng mọi người đều là con của Tạo Hóa. Lời kêu gọi của Martin tràn đầy tình yêu hòa bình. Lời ca trong bài hát của người da đen khép lại bài diễn văn nhưng mở ra trong tâm hồn con người ý chí khôn nguôi, tinh thần dũng cảm để đấu tranh cho quyền sống chân chính.
Bài diễn văn của Martin Luther King có lập luận chặt chẽ, bố cục mạch lạc, dẫn chứng thực tế thuyết phục, hòa quyện giữa cảm xúc và lí lẽ. Đây là minh chứng cho những cống hiến cao cả của Martin trong công cuộc đấu tranh cho bình đẳng, truyền cảm hứng cho mọi công dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .