Top 20 Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý (lớp 5) hay nhất
Để bài văn tả người hàng xóm thêm sinh động, các em cũng cần miêu tả ngoại hình, tính cách, kết hợp thêm các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa vào bài viết....xem thêm ...
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 1
Người ta vẫn thường nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” quả không sai. Ở bên cạnh nhà em có một bác hàng xóm rất dễ gần, là người mà em rất yêu quý.
Bác hàng xóm ấy năm nay đã hơn năm mươi tuổi, bác tên là Hoa. Bác ấy có dáng người gầy với nước da nâu khỏe khoắn cùng nụ cười đầy sức sống. Bác có hai cô con gái nhưng cả hai đều đã lấy chồng và đã ra riêng được ba năm nên hiện tại chỉ có bác và chồng chung sống. Bác Hoa có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Ở khóe mắt bác đã xuất hiện một vài dấu chân chim, nếp nhăn cũng nhiều hơn ở trên mặt bác. Mái tóc bác Hoa dài lắm, vừa mượt lại vừa có màu đen tuyền dù bác đã không còn trẻ nữa. Bác Hoa có một hàm răng trắng và đều như hạt bắp cùng một nụ cười tươi sáng luôn vẽ trên môi. Em nghe mẹ kể rằng ngày xưa bác Hoa làm công nhân ở nhà máy dệt nên đôi bàn tay của bác giờ đã chai sạn đi nhiều, không còn được mềm mại nữa.
Bác Hoa hiền lành và vô cùng thân thiện. Đối với những người xung quanh bác luôn cởi mở và chan hòa, chính vì vậy mà ai ai trong xóm cũng yêu quý bác. Những buổi sáng bác đều dậy từ sớm để tập thể dục. Ai trong xóm có việc buồn phiền bác đều nhiệt tình thăm hỏi, động viên dù chỉ là cân cam hay chục trứng gà nhưng mọi người đều biết đó chính là tình cảm của bác. Nhà bác trồng rất nhiều loại rau và quả nên mỗi khi đến mùa thu hoạch bác lại mang sang cho gia đình em rất nhiều thứ. Ngoài ra bác cũng rất yêu quý chị em em, lúc nào có thứ gì ngon bác cũng mang sang cho chị em em. Lúc là miếng bánh, lúc là cái kem.
Em rất yêu quý bác hàng xóm. Em chỉ mong bác sẽ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 2
Chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều người trong cuộc sống của mình và một trong số đó chính là người hàng xóm thân thuộc.
Cô Thơ là người hàng xóm mà em vô cùng yêu quý. Cô là một giáo viên dạy Mầm non đã về nghỉ hưu. Năm nay, cô Thơ ngoài 50 tuổi. Cô có dáng người thanh mảnh. Mái tóc cô dài đến quá lưng được cô búi lên gọn gàng, trên tóc đã điểm những sợi bạc. Nước da của cô ngăm ngăm và những nếp nhăn hằn in trên khuôn mặt cô là biểu hiện cho những vất vả cô trải qua trong cuộc đời. Cô có gương mặt phúc hậu giống như bà tiên bước ra từ truyện cổ tích dân gian vậy. Đôi mắt của cô luôn hiền từ và trìu mến. Đôi mắt ấy khiến mọi người nhìn vào đều có cảm giác được yêu thương. Là một cô giáo nên giọng nói của cô Thơ rất ấm áp. Em còn nhớ mỗi khi cô kể chuyện cho cả lớp, chúng em đều giữ trật tự và chăm chú lắng nghe. Giọng kể của cô diễn cảm và trầm bổng rất phù hợp với diễn biến câu chuyện.
Cô Thơ không chỉ là một giáo viên hiền dịu, tâm huyết với nghề mà cô còn là một người hàng xóm dễ mến, tốt bụng. Mỗi khi thấy ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, cô đều giúp đỡ nhiệt tình. Mọi người ở trong xóm rất quý mến và tôn trọng cô. Còn nhớ ngày học lớp mẫu giáo 5 tuổi, em có tranh giành đồ chơi của một bạn cùng lớp khiến bạn ấy òa khóc, cô bảo em đến xin lỗi bạn nhưng em không nghe lời. Cô phạt em mang ghế xuống ngồi phía cuối lớp đến hết giờ học. Điều đó khiến em rất tức giận, cho đến khi lớn hơn một chút em mới nhận ra cô làm như vậy là đúng vì em không nên giành đồ chơi của bạn và khi mình có lỗi thì phải xin lỗi người khác. Thỉnh thoảng sang nhà cô chơi, cô vẫn hay nhắc lại chuyện này để em nhớ mãi về bài học mà cô đã dạy. Khi hoa quả trong vườn chín, cô thường mang cho mọi người xung quanh. Tấm lòng của cô khiến mọi người vô cùng cảm kích.
Em rất yêu mến cô Thơ. Em sẽ học tập thật chăm chỉ để trở thành một giáo viên Mầm non giống như cô.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 3
Khu phố nơi tôi sống là một nơi đông đúc, và mọi người cũng rất thân thiện với nhau. Tôi có rất nhiều người hàng xóm thú vị, nhưng tôi vẫn thích sang chơi nhà của Minh nhất. Minh và tôi là bạn kể từ khi gia đình cậu ấy dọn về gần nhà tôi, và cả hai gia đình cũng trở thành hàng xóm thân thiết.
Minh lớn hơn tôi hai tuổi, và hiện tại anh ấy đã vào đại học trong khi tôi vẫn còn học cấp 3. Minh là một anh chàng cao ráo nhưng hơi có phần mũm mĩm. Anh ấy dành phần lớn thời gian để học nên không mấy khi tôi thấy anh tham gia vào các trò thể thao như phần lớn con trai trong khu phố. Anh có mái tóc xoăn và đôi mắt sáng, và chúng khiến anh có vẻ rất thông minh và lanh lợi chứ không chậm chạp như vẻ bề ngoài của mình.
Anh là hàng xóm đồng thời cũng là gia sư cho chúng tôi, mỗi lần sắp có kì thi thì tôi cùng vài người bạn nữa hay sang nhà anh để anh kiểm tra bài tập. Đổi lại chúng tôi hay rủ anh ra ngoài chơi thể thao vào dịp cuối tuần, và hầu như chúng tôi dành phần lớn thời gian đi dạo vì anh không biết nhiều về các môn thể thao.
Mẹ tôi rất quý Minh, và bà không lo lắng gì khi tôi thường xuyên ra ngoài cùng anh. Mẹ hay bảo tôi phải cố gắng để học được tốt như anh, và tôi cũng đang dành phần lớn thời gian rảnh để sang học cùng anh vì tôi sắp phải thi đại học. Có được một người hàng xóm như Minh thật tốt, và tôi sẽ luôn duy trì mối quan hệ này
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 4
Xung quanh chúng ta bên cạnh người thân trong gia đình thì vẫn luôn tồn tại những người hàng xóm tốt bụng. Bác Hoàng, hàng xóm bên cạnh nhà em chính là một người như vậy.
Bác Hoàng là một người đàn ông hòa đồng, vui vẻ, thân thiện và tốt bụng. Hiện tại bác đang là một bác sĩ mở phòng khám tư tại nhà. Năm nay bác đã tròn năm mươi tuổi, bác sống một mình cùng bác gái còn con cái của bác thì đi làm ở xa, lâu ngày mới về. Chính vì thế lúc nào bác cũng cưng chiều em, yêu quý em, coi em như người thân trong gia đình vậy. Mái tóc bác dày và đen, trên mái tóc điểm những sợi tóc bạc trắng như cước do dấu hiệu của tuổi tác. Dáng người bác cao, hơi gầy với một làn da ngăm màu bánh mật. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, hiền từ và phúc hậu. Bác có đôi mắt nhỏ, đen láy, nơi khóe mắt đã xuất hiện những nếp nhăn xô lại với nhau. Đặc biệt, bác thường hay đeo kính, mỗi khi đeo thêm chiếc kính vào, trông bác càng thêm trí thức. Bác Hoàng có đôi bàn tay to, nổi lên những chấm đồi mồi và những vết chai sạm của một đời lao động cần cù,vất vả. Bác hoàng rất hay cười, khuôn mặt bác lúc nào cũng tươi vui khiến mọi người xung quanh ai cũng yêu quý bác. Trong ấn tượng của em, bác Hoàng lúc nào cũng là một người vô cùng lịch sự và đứng đắn. Bác thường mặc áo sơ mi và quần âu trắng thơm khi đi ra ngoài, còn khi ở trong phòng khám, bác lại khoác trên mình bộ áo blouse trắng đặc trưng của người bác sĩ.
Bao nhiêu năm qua, bác đã giúp cứu sống, chữa trị cho biết bao người, thỉnh thoảng, có một vài người là bệnh nhân cũ của bác thường mang quà đến cảm ơn. Bác đã không quản nắng mưa vất vả, chăm lo cho những người xung quanh. Bác cũng giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Mỗi khi nhà em có việc gì quan trọng, bác đều tham gia lo toan, đóng góp công sức của mình. Có gì ngon bác cũng đều mang biếu nhà em để cùng chia sẻ, đặc biệt là hay cho em những gói bánh, gói kẹo, mong em hay ăn chóng lớn. Em rất yêu quý bác Hoàng và biết ơn bác.
Bác Hoàng đôi khi giống như một người ông, người cha, người bạn của em vậy. Trong công việc, bác là một người nghiêm túc, hết mình, tận lực tận tâm, còn trong cuộc sống hàng ngày, bác lại là một người hòa đồng, gần gũi với mọi người xung quanh. Dù có đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ quên người hàng xóm tốt bụng của em
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 5
Cạnh nhà em là gia đình một bác hàng xóm đã nghỉ hưu. Bác tên là Hậu, bác tuy năm nay đã gần 60 tuổi nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường mọi thứ.
Sáng nào em đi học cũng thấy bác đã dậy sớm đi chợ về trên tay bác là cái làn với đầy đủ thức ăn hoa quả cho một ngày. Hôm nào em chào bác bác cũng cười thật tươi với mẹ con em. Nụ cười ấy thật hiền từ và phúc hậu. Bác có mái tóc dài nhưng đã điểm những sợi tóc bạc lốm đốm, bác thường búi tóc đằng sau rất gọn gàng. Người bác hơi đậm và cao, bác bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn. Da bác đã điểm những nốt đồi mồi màu nâu nhưng vẫn để lộ ra đôi mắt hiền từ. Mỗi khi bác cười là đôi mắt ấy lại nheo lại và hiền từ phúc hậu làm sao.
Điều em yêu quý nhất ở bác là bác rất hiền lành và không bao giờ quát mắng trẻ con. Bác rất quý chúng em, lần nào bác đi chợ hay đi lễ về bác đều gọi chúng em lại cho quà cho lộc. Cầm như cái kẹo những gói bánh bác cho em cảm thấy rất vui và cảm động vì bác đã già rồi nhưng vẫn rất quan tâm đến chúng em. Bác rất thích trồng cây cảnh, sáng nào em cũng thấy tưới nước trên mỗi chậu cây hay dùng kéo để tỉa cành lá rụng. Nhìn những chậu cây cảnh xanh tốt của bác em biết bác là người rất yêu cây và rất cẩn thận chu đáo. Có lần chúng em đá bóng chẳng may vào chậu cây cảnh của bác làm một cành cây bị gãy và hoa rụng xuống đất khi đó chúng em nghĩ bác sẽ giận và mắng chúng em tuy nhiên khi chúng em lí nhí xin lỗi bác chỉ mỉm cười nhẹ nhàng và bảo “không sao các cháu lần sau chú ý hơn nhá”.
Có một lần em bị điểm kém, trên đường về nhà em vừa đi vừa khóc vì sợ buổi tối về nhà mẹ sẽ mắng quát em, vậy là em ngồi ngoài công viên gần nhà không dám về nhà. Khi đó bác Hậu đi đâu về và nhìn thấy em, sau khi hỏi rõ đầu đuôi và bác bảo em về nhà bác đã. Em ngoan ngoãn đi theo bác, rồi bác nhẹ nhàng ân cần vỗ về em và phân tích cho em hiểu rằng đó không phải là điều xấu rằng ai cũng có những lỗi lầm và động viên em về nhận lỗi với bố mẹ và hứa sẽ ngoan hơn sẽ học chăm hơn để không bị điểm kém. Hôm đó em nghe lời bác em về nhà làm theo lời bác dặn, hôm đó bố mẹ em cũng không quát mắng em như mọi lần nữa.
Em rất yêu quý bác hàng xóm bởi vì bác rất tốt bụng không chỉ với em mà còn với mọi người xung quanh. Bố mẹ em dặn em luôn phải ngoan ngoãn với bác Hậu để không phụ lòng tốt của bác.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 6
Ông bà em đã già, sức khỏe không được như trước nữa nên bố mẹ em quyết định chuyển sang ở hẳn cùng với ông bà để tiện chăm sóc. Trong khoảng thời gian đó, em đã được làm gặp và làm quen cô Liên – một giáo viên mầm non đồng thời cũng là người hàng xóm thân với gia đình em.
Cô có dáng người mảnh mai và dong dỏng cao. Khuôn mặt cô thon tròn, trắng với đôi gò má ửng hồng. Đôi mắt cô to và hiền dịu, đeo cặp kính cận đen và dày cộm. Mái tóc của cô dài ngang lưng, đen óng ả. Cô thường chải và sau đó búi gọn gàng. Thường ngày cô hay mặc áo có cổ cùng quần Âu để đi dạy học. Khi ở nhà, cô mặc áo phông cùng quần âu. Những hôm trời hè oi ả, cô mặc váy hoa xòe nhìn rất đáng yêu.
Cô thường hay sang nhà em chơi. Mỗi lần như thế, cô thường mang những món quà nho nhỏ cho em: lúc thì là một cái cặp tóc nơ hồng, lúc thì gói bim bim, có khi lại là một cuốn truyện tranh thiếu nhi. Cô rất tốt bụng và chu đáo. Ông bà em kể rằng, có những hôm trái gió trở trời, ông bà đau nhức mình mẩy không thể tự mình lo việc bếp núc nhà cửa, mà bố mẹ em đi công tác xa không thể tới thì cô hay qua phụ giúp. Cô quét dọn nhà cửa và nấu cơm rồi ở lại ngồi ăn cùng ông bà. Vào những ngày nghỉ hay sau giờ làm, cô hay qua xem tình hình sức khỏe của ông bà nữa. Bố mẹ em biết vậy cũng yêu quý cô lắm. Gia đình em ai ai cũng coi cô là một thành viên trong nhà.
Sang tháng cô đi lấy chồng và sẽ không còn ở lại đây nữa. Tuy rất buồn và sẽ rất nhớ cô, nhưng em luôn mong cô sẽ hạnh phúc và thành công trong công việc.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 7
Bác Tư gần nhà em là một người bán cà rem dạo. Bác là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Khuôn mặt bác nhăn nheo, như đọng lại biết bao chông gai của một cuộc đời lam lũ. Mái tóc bác đã điểm hoa râm. Đôi mắt bác hiền từ, hiện rõ sự khắc khổ và lắm lo toan. Môi bác nứt nẻ, sầm sậm màu tím. Thân hình bác lộ một vẻ gì đó dày dạn phong trần. Những lúc đi bán hàng, bao giờ bác cũng chỉ mặc một chiếc áo cũ đã sờn bạc. Đôi giày rách cũ kỹ của bác “đôi hia bảy dặm” đã giúp bác bước trên bao nhiêu quãng đường dài. Rồi cứ thế, bác mang thùng cà rem đi ra đường.
Bước những bước chân vô định, thỉnh thoảng, bác dừng lại trước bao cặp mắt thèm thuồng của mọi người và dõng dạc hô to câu nói muôn thuở: “Cà rem đây! Cà rem năm trăm một cây đây!”. Tiếng rao của bác vang xa, vọng mãi trên bầu trời xanh thẳm không cùng. “Cà rem” – những đứa trẻ thường nói lại lời ra của bác. Những lúc rảnh rỗi, bác thường trò chuyện với em và dặn: - Cháu cố gắng học lên, được đi học là một niềm hạnh phúc. Không có học thức, cháu sẽ phải làm lao động chân tay nặng nhọc, sẽ khổ như bác đấy!
Mà bác khổ thật, bán cà muối về, bác còn phải làm biết bao nhiêu công việc không lúc nào nghỉ ngơi. Bác thức khuya dậy sớm, không sợ khó, không sợ khổ. Ấy vậy mà bác luôn hòa nhã, hiền từ, dễ mến đối với mọi người. Sự khổ cực không thể đánh phá được những cái tốt, cái đẹp trong con người hiền hòa như bác.
Bác Tư ơi! Bác mãi là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 8
Nhà em sống ở một khu phố nhỏ, tuy không lớn nhưng khá vui vẻ và sầm uất bởi những căn nhà san sát nhau, nhà này có nhà kia. Nhưng trong số những nhà hàng xóm thân thiết với nhà em, em thích nhất là bác Hùng sống ngay cạnh nhà.
Nhà bác Hùng có vẻ như được xây khá lâu rồi vì trông nó khá cổ kính. Bác sống cùng vợ, thi thoảng hai đứa con trai lớn mà bác vô cùng tự hào mới về thăm nhà vì học ở thành phố lớn. Bởi vậy nên khi nhà em chuyển tới sống bên cạnh, bác và bác gái đã dặn em thường xuyên sang nhà họ chơi đấy. Mẹ em nói về già sống như vậy nên hai bác cô đơn lắm, vậy nên mỗi khi rảnh rỗi em đều mang ít hoa quả sang nhà bác chơi. Sau một thời gian, em biết được bác Hùng là một người rất yêu thích văn thơ và cây trồng.
Mỗi khi rảnh, thú vui của bác là ngồi đọc sách hoặc tưới cây, chăm sóc khu vườn nhỏ của mình. Lúc ấy bác vui lắm, khuôn mặt hiền hậu của bác như trẻ ra thêm mấy tuổi, ánh mắt luôn tràn ngập ý cười.
Đôi tay của bác Hùng chai đi nhiều lắm, còn có rất nhiều vết sẹo nữa. Bác kể đó là dấu vết bom đạn chiến tranh để lại vì ngày xưa bác từng đi kháng chiến đánh giặc mà. Em rất hay nghe bác kể về những câu chuyện ngày xưa, những khung cảnh mà em – một thế hệ sinh sau không bao giờ được chứng kiến như hiển hiện sống động trong tâm trí. Thật tuyệt vời làm sao! Mỗi sáng, bác đều đi bộ một vòng ra công viên gần nhà rồi mới bắt đầu công việc chăm sóc cây trồng của mình. Thi thoảng cây ra hoa, bác đều cắt một ít rồi mang sang cho em. Em thích lắm.
Em rất yêu quý bác Hùng. Bác giống như là ông em vậy, gần gũi và dễ mến. Em sẽ thường xuyên sang chơi cùng bác nhiều hơn.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 9
Khu nhà của em rất vui và rộn ràng, ai ai cũng tốt bụng và luôn giúp đỡ lẫn nhau. Trong đó, người hàng xóm mà em yêu quý nhất chính là cô Lan hàng xóm ngay bên cạnh nhà em.
Năm nay cô đã ngoài ba mươi tuổi, nhưng trông cô vẫn rất trẻ và xinh đẹp như mới ngoài đôi mươi. Dáng người cô dong dỏng cao, thân hình cân đối, vừa vặn. Cô có làn da trắng muốt như tuyết và một đôi mắt biết cười rất đáng yêu. Đặc biệt cô có một nụ cười rất xinh, mỗi khi cô cười lại ánh lên bao niềm hạnh phúc. Cô vừa mới lập gia đình năm ngoái, chồng cô là chú Dũng- thợ sửa điện, chú rất hay phải đi công tác nên chỉ có mình cô ở nhà loanh quanh công việc nội chợ, thỉnh thoảng em lại sang trò chuyện giúp đỡ cô để cô bớt buồn chán. Mỗi khi có bài toán khó, em lại sang nhờ cô giảng hộ, và lần nào cô cũng dịu dàng chỉ dạy tận tình cho em.
Lần nào đi chơi xa về, em cũng nhận được quà từ cô, khi thì mấy gói bim bim, khi thì chục nem chua, khi thì bánh tráng. Ở xóm cô sống rất hòa đồng và nhã nhặn, chưa bao giờ thấy cô to tiếng hay tị nạnh với ai, với người lớn tuổi cô luôn lễ phép kính trọng, với trẻ con, người ít tuổi hơn, cô thường nhường nhịn và chỉ nhắc nhở dịu dàng khi mắc lỗi. Cô rất tốt bụng và hay giúp đỡ làng xóm, cách nhà em mấy nhà có nhà bà Mai, bà tuổi đã cao lại hay đau ốm nhưng con cháu thì ở xa không tiện chăm sóc, cô thỉnh thoảng lại nấu cháo, nấu cơm mang sang và tâm sự với bà để bà vơi bớt nỗi buồn, cô đơn.
Em rất yêu quý cô, cô như một người chị, người bạn, người hàng xóm thân thiết nhất của em. Em sẽ học tập thật tốt để sau này trở thành một người tốt giống như cô Lan.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 10
Dân gian có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Những người tuy xa lạ nhưng luôn gắn bó, chan hòa tình làng nghĩa xóm là những người rất đáng trân trọng. Trong đó, em rất yêu quý bác Tâm.
Nhà em ở trong một con ngõ nhỏ nên các nhà cứ quây quần lại với nhau, ngày nào cũng gặp gỡ chạm mặt nhau vài lần. Bác Tâm là hàng xóm đối diện nhà em từ khi em sinh ra. Giờ chỉ còn bác với bác trai còn hai đứa con đều đã lập gia đình ra ở riêng. Năm nay bác cũng ngoài năm mươi. Bác có dáng người nhỏ, mảnh khảnh. Bác bảo ngày xưa cuộc sống vất vả quá, làm việc quần quật, miếng ăn không có nên còm cõi vậy. Nhưng nhờ tập thể dục thường xuyên nên bác vẫn giữ được cơ thể khỏe mạnh. Nước da của bác cũng ngăm ngăm cộng thêm với thời gian nên nó cũng chẳng còn mịn màng mà đã dần có sự lão hóa của tuổi tác. Gương mặt bác trái xoan nhưng ẩn chứa gì đó nét khắc khổ. Gò má cao và hốc mắt sâu, sự trải đời hiện rõ trên từng đường nét. Bác không có hàm răng đều tăm tắp nhưng điều đó chẳng làm giảm đi sự rạng rỡ trong nụ cười của bác.
Khi bác cười, dù ở khóe mắt xuất hiện những vết chân chim nhưng thần thái lại càng tươi trẻ ra. Hai bên má lấm tấm những tàn nhang nhưng em thấy bác càng duyên dáng hơn với chúng. Đôi mắt có phần mờ đục và hơi đỏ. Bác cũng rất hay bị đau mắt, có thể do công việc mưu sinh của bác phải tiếp xúc nhiều cát bụi. Mái tóc của bác dài đến ngang lưng thường được búi gọn sau gáy bằng một chiếc cặp dù đã cũ kỹ nhưng đó là món quà con gái đã tặng bác từ lâu. Mái tóc ấy cũng đã điểm nhiều sợi bạc. Bàn tay bác nhìn có vẻ gầy guộc với các ngón tay dài xương xẩu nhưng chính bàn tay ấy đã nuôi nấng hai anh chị nên người và đến giờ vẫn từng ngày vun vén và chăm lo cho chồng của bác. Bàn tay đó là vẻ đẹp của tình yêu thương và đức hi sinh. Sở dĩ em yêu quý bác như ruột thịt, thương cả dáng hình bác là bởi bác đã giúp đỡ gia đình em khi mới chuyển đến- bố em đã kể cho em nghe. Và cùng với gia đình, bác cũng chứng kiến năm tháng em lớn lên, thậm chí bác trông nom em nhiều lần khi còn bé, lúc bố mẹ em có việc và dạy em rất nhiều điều hay lẽ phải.
Đúng như cái tên đẹp đẽ của bác, bác Tâm đã sống bằng tất cả tấm lòng mình. Ở bác có rất nhiều đức tính em trân trọng và cảm phục!
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 11
Tuổi thơ em lớn lên cùng gia đình, làng xóm, quê hương. Trong năm tháng ấy, em không thể nào quên hình bóng của bác Liên- người hàng xóm em yêu quý nhất.
Bác Liên năm nay ngoài bốn mươi tuổi. Bác là giáo viên Tiểu học. Năm em bốn tuổi, gia đình bác đã chuyển tới đây để tiện cho việc đi lại, công tác của cả nhà. Bác có dáng người cao, hơi gầy. Mái tóc dài, đen mượt xõa ngang lưng. Mái tóc ấy thường được bác búi gọn gàng sau gáy bằng một chiếc nơ có gắn bông hoa màu xanh trông rất đẹp. Làn da bác trắng hồng, mịn màng giống như được thoa một lớp phấn vậy. Em luôn ao ước lớn lên sẽ có làn da đẹp như bác. Bác có khuôn mặt trái xoan, hàng tóc mai dài ôm lấy hai bên mặt khiến bác trông rất hiền dịu. Cặp mắt nâu núp dưới hàng mi cong như dáng núi mùa xuân và đôi lông mày thanh tú, đã bao lần em ngồi thẫn thờ chỉ vì ngắm đôi mắt ấy. Chiếc mũi dọc dừa rất hợp với khuôn mặt bác. Đôi môi luôn mang một nụ cười hiền khiến em cảm thấy gần gũi, thoải mái mỗi khi trò chuyện với bác.
Bác là người hiền lành, chu đáo. Mỗi ngày bác đều dậy từ năm giờ sáng, để chuẩn bị mọi việc cho một ngày mới. Bác rất quan tâm tới mọi người xung quanh. Thời gian rảnh rỗi, bác thường đi sang nhà các cụ già trong xóm trò chuyện, bầu bạn. Bác lắng nghe, chia sẻ mọi câu chuyện, những lúc ấy em thấy ánh lên trong mắt bác là sự thấu hiểu, chân thành rất ấm áp. Bác luôn giúp đỡ mọi người, ai có khó khăn gì hoặc có việc gì không làm được bác đều hết mình làm giúp. Bác còn là người rất sâu sắc, mỗi khi mọi người có tranh luận, bất đồng bác đều là người đưa ra những lời khuyên chân thành, đúng đắn nhất. Là một giáo viên, bác luôn tận tâm trong công việc trồng người. Sau giờ giảng dạy ở trường, bác thường về nhà chấm bài, soạn giáo án tới khuya. Có những đêm em giật mình thức giấc, nhìn qua cửa sổ vẫn thấy bóng bác đang cặm cụi chấm, soạn bài để kịp sáng mai lên lớp. Bác còn mở một lớp dạy học miễn phí nhỏ cho các em bé gia đình hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi tối thứ tư, trong nhà bác lại vang lên tiếng đọc bài của các em nhỏ và tiếng giảng bài ấm áp của bác, khiến em thêm yêu quý bác hơn. Dù bận bịu với công việc giảng dạy nhưng bác vẫn luôn quan tâm tới gia đình. Bác dạy bảo, rèn giũa các anh, chị rất nghiêm khắc. Nhờ vậy mà bác trai yên tâm công tác tại quân đội, các anh chị ai cũng thành đạt, lên người.
Đối với em, bác như một người mẹ thứ hai vậy. Bác luôn quan tâm em hết mực. Mỗi chiều đi dạy về, bác đều hỏi em đi học có điều gì thú vị hay buồn không. Những khi bác đi công tác, du lịch về bác đều có quà cho em. Khi thì con gấu bông, khi thì hộp đựng bút. Có những khi em buồn vì bị điểm kém, bác luôn an ủi, động viên em cố gắng. Bác thường dạy em rằng:"Thất bại là mẹ thành công" và khuyên em không được nản chí. Mỗi khi có bài tập khó, bác luôn tận tình giảng cho em từng li từng tí đến khi em hiểu mới thôi. Những chiều em học bài xong sớm, em thường sang nhà bác chơi, nghe bác kể chuyện các anh chị hồi nhỏ. Các anh chị giờ đã lớn, đều xa nhà có lẽ vì vậy mà bác luôn quan tâm em như con đẻ. Nghe bác kể chuyện, em đã tự nhủ :"Mình sẽ thường xuyên sang chơi, giúp bác những việc nhỏ để bác vui". Có lần em bị sốt cao, bác rất lo lắng. Đêm hôm đó bác cùng mẹ thức để trông em, bố mẹ em có khuyên thế nào bác cũng không về nhà nghỉ, nhất định ở lại với em. Sáng hôm sau thấy em tỉnh lại, bác vui lắm, ôm em vào lòng, lúc ấy em thấy lòng mình ấm áp, xúc động vô cùng. Bố mẹ luôn nói với em rằng bác là tấm gương sáng để em noi theo và mong em sau này sẽ trở thành người đáng quý như bác.
Thời gian trôi qua, gia đình bác giờ đâu đã chuyển đến nơi ở mới vì bác chuyển nơi công tác. Nhưng những kỉ niệm về bác sẽ làm em nhớ mãi trong tim.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 12
Tổ dân phố nơi em sinh sống là một tổ dân phố văn hóa và mọi người dân trong tổ dân phố đều sống và làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh. Mọi người ai ai cũng đều là những tấm gương sáng cho trẻ con bọn em học tập và noi theo. Trong đó, người em ngưỡng mộ nhất trong khu phố nhà em, đó là bác Ba – người hàng xóm của nhà em. Mọi việc làm, cách sống, cách ứng xử của bác Ba trong cuộc sống hằng ngày đều tuân thủ theo đúng pháp luật và nếp sống văn minh. Nghe chuyện từ mọi người trong khu dân phố kể về bác và chứng kiến những việc bác đã làm, em ngày càng thêm tự hào và ngưỡng mộ, yêu quý bác Ba hơn bao giờ hết. Bác Ba quả thật là một người sống, làm việc theo pháp luật và theo nếp sống văn minh. Và em rất yêu quý và kính trọng bác Ba.
Bác Ba là năm nay là đã ngoài bốn mươi tuổi. Vóc dáng bác Ba khá cao và cân đối. Nước da bác ngăm ngăm, rám nắng trông vô cùng mạnh khỏe. Gương mặt của bác vuông chữ điền, trông rất nghiêm nghị nhưng cũng không kém phần phúc hậu. Mái tóc bác đã điểm bạc. Khuôn mặt cũng đã nhiều nếp nhăn, nếp chân chim mang đậm dấu ấn phai mờ của thời gian, năm tháng dãi dầu. Bàn tay bác có phần chai sạn nhưng trông cũng rất khỏe mạnh. Bác Ba là một người khỏe về thể chất nhưng đồng thời cũng là một người hàng xóm có lối sống văn minh và văn hóa.
Trước hết, bác Ba là một người sống và làm việc theo luật pháp. Câu chuyện về lối sống tuân thủ pháp luật của bác Ba em đã được nghe mẹ em kể lại. Trước đây, nhà bác Ba có một đứa cháu họ sống ở nhà bác ấy tầm hai – ba tháng. Đó là một cậu bé cũng khá lớn nhưng vẫn còn rất tinh nghịch. Một đêm, nhân lúc người dân trong khu phố ngủ hết rồi, cậu ta mang sơn ra phun đầy sơn lên các bức tường của khu phố nhà em. Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, ai ai trong khu phố cũng vô cùng hoảng hốt, không hiểu chuyện gì đã xảy ra và cũng không biết ai đã làm ra chuyện kinh hoàng này. Bác Ba có nghi ngờ đứa cháu của mình và cũng đã tìm ra bằng chứng chứng minh cháu họ bác là người đã phun sơn bậy bạ lên tường của khu dân phố. Bác Ba khi ấy hoàn toàn có thể bao che cho cháu trai của mình, nhưng bất ngờ thay bác lại không làm như thế. Bác Ba gọi cháu trai mình ra xin lỗi mọi người dân trong khu phố và bác cũng mua vôi trắng về tô lại tường cho khu phố em. Mọi người hỏi sao bác không bao che cho cháu mình thì bác Ba cười bảo: “Bao che làm gì chứ ạ? Mình là công dân nên vì vậy mình phải sống theo đúng pháp luật mà nơi mình sống đề ra chứ. Đấy là cách sống lâu này của tôi rồi”.
Không chỉ vậy, bác Ba còn là một người sống và làm việc theo nếp sống văn minh. Gia đình bác Ba trong mấy năm liền đều được trao tặng bằng khen thi đua Gia đình văn hóa. Tất nhiên cái gì cũng có lý do của nó. Bác Ba là một người sống rất có mẫu mực và văn hóa. Mọi cách ứng xử của bác đều tạo cho mọi người trong khu tổ dân phố cảm thấy thân thiện, thoải mái, dễ gần. Mọi hoạt động của khu dân phố thì bác Ba đều tham gia vô cùng tích cực. Cách dạy con, bảo vợ của bác Ba lúc nào cũng hiện đại nhưng luôn lấy nét truyền thống của một gia đình Việt Nam làm gốc rễ.
Bác Ba quả thật là một người sống và làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh. Bác là một tấm gương sáng cho em noi theo và học tập. Em rất ngưỡng mộ và kính trọng bác Ba.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 13
Con người sống vốn không chỉ để tồn tại một cách riêng lẻ mà luôn luôn có sự chung sức của những người xung quanh. Bởi vậy mà tình làng nghĩa xóm vốn là một truyền thống quý giá của ông cha ta tự bao giờ. Em rất yêu quý những người hàng xóm của em, nhưng trong tất cả, em vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho cô Vi - người họ hàng xa và cũng là người hàng xóm thân thiết của nhà em.
Cô năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người cô nhỏ bé, có khi còn thấp bé hơn cả chính em nữa. Cô Vi có một làn da rám nắng, là minh chứng của những mệt nhoài sau những buổi làm đồng dưới ánh nắng gắt gao của mùa hè rực nắng. Tóc cô mỏng nhưng rất dài được cô búi gọn ra đằng sau đầu. Mỗi khi cô xõa tóc xuống lại thoang thoảng hương bưởi thơm ngan ngát. Cô thích gội bồ kết với hoa bưởi, vì thế mà cái hương thơm dịu dàng truyền thống kia vẫn luôn vương trên mái tóc cô.
Cô không đẹp, nhưng lại mang một vẻ gì đó rất cần cù, chăm chỉ của người phụ nữ Việt Nam. Đôi mắt cô cứ có một vẻ gì đó buồn buồn nhưng cùng ánh lên một vẻ dịu dàng đến lạ. Em ấn tượng nhất vẫn là đôi bàn tay của cô. Đôi tay ấy, chẳng mịn màng hay trắng bóc. Đôi tay ấy in hằn những vết chân chim, những dấu vết của một cuộc đời vất vả, lo toan. Đôi bàn tay không đẹp nhưng cần cù, chăm chỉ, đã chăm sóc biết bao nhiêu loài cây sinh sôi, đã vun được bao nhiêu mảnh ruộng thành hạt thóc thơm cho đời. Đôi tay ấy làm việc không biết mệt nghỉ: cô ra đồng vào sáng sớm tinh sương và về nhà lúc bóng tối đã bắt đầu lan đến. Có thể nói cuộc đời cô có một cuộc đời đầy vất vả.
Cô sống có một mình, bởi thế, em hay thấy cô trở đi rồi trở về một cách rất lặng lẽ. Thế nhưng người phụ nữ ấy không có một vẻ gì yếu đuối mà luôn luôn mạnh mẽ để tự mình làm chủ cuộc sống của chính mình. Biết cô như thế nên nhà em rất hay sang trò chuyện với cô, có khi là cho đi một bát canh, một đĩa thức ăn để cô khỏi phải nấu nướng khi trời đã tối. Cô cũng rất quý gia đình em: khi thì cô biếu gia đình một mớ cua mới bắt, lúc lại cho một rổ tép cô mới xúc ở ngoài đồng. Tình cảm làng xóm cứ thế phát triển qua ngày ngày tháng tháng. Lúc em còn bé, chính cô là người hay sang giúp đỡ bế bồng, chăm sóc. Nay em đã khôn lớn, cô vẫn hay giúp đỡ nhà em mỗi khi khó khăn. Em càng lớn lên thì tấm lưng cô lại càng còng xuống bởi những buổi làm đồng hết sức vất vả. Chỉ có một mình mà cô cấy đến hai mẫu ruộng. Em rất khâm phục sức mạnh của người phụ nữ ấy.
Làm nghề nông, cô thấu hiểu những vất vả mà nó đem đến. Ngày mùa hè, thời tiết thất thường, những trận mưa rào có thể đến bất cứ lúc nào và khiến sân thóc ướt trượt. Cô lại bắt đầu chạy đi giúp đỡ những người xung quanh vun lại đống thóc để chúng khỏi ướt, khỏi trôi dưới dòng nước mưa. Hay giúp đỡ người khác, lại cần cù chăm chỉ nên cô giành được rất nhiều tình cảm của những người xung quanh.
Cô vẫn luôn là người hàng xóm, người cô thân thiết nhất với gia đình em. Cô ngày một già đi, em ngày một lớn lên nhưng tình cảm mà hai bên gia đình dành cho nhau vẫn y nguyên như ngày trước. Dẫu có đi đâu xa em vẫn luôn nhớ tới cô, tới người hàng xóm tốt bụng đã đi qua hết tuổi thơ và một phần tuổi trẻ của em.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 14
Trong làng em có rất nhiều người, có các cụ, các ông, bà, anh, chị… Nhưng người mà em gần gũi và quý mến nhất đó chính là bác Trung. Bác với gia đình em không có quan hệ họ hàng, nhưng em coi bác như một người thân trong gia đình vậy.
Bác Trung sống trong một ngôi nhà nhỏ với vợ và hai đứa cháu nội. Vợ chồng con trai của bác đã đi làm xa nên nhờ bác nuôi con. Năm nay bác đã 58 tuổi. Ở độ tuổi sắp được nghỉ hưu rồi nhưng bác vẫn còn phải làm việc vất vả. Vậy nên mái tóc của bác không còn đen láy nữa mà đã xuất hiện rất nhiều những chiếc bạc.
Làn da của bác thì ngăm đen có những đốm đồi mồi và những nếp nhăn đã xuất hiện trên khuôn mặt. Điều ấy cho thấy một cuộc đời làm việc hết lòng vì con, vì cháu.
Khuôn mặt của bác vuông chữ điền. Đôi lông mày thì đen và rộng. Mắt của bác nâu đen. Khi bác cười trông bác thật hiền hậu, mắt bác lúc ấy như biết cười vậy. Ánh mắt ấy khi nhìn con cháu lại chứa đầy yêu thương, bao dung. Môi bác không được đỏ hồng mà thâm và trầm. Trên khuôn mặt bác có những nốt ruồi trông thật duyên.
Bác ngày nào cũng làm việc, ngày thì bác làm vườn, ngày thì bác làm đồng. Em bằng tuổi với đứa cháu lớn nhà bác nên em hay sang bên nhà bác chơi. Bác làm vườn giỏi lắm. Đôi tay thô sần với những vết chai sạn của bác tỉa cây rất điêu luyện.
Ngoài làm việc ra, ngày nào bác cũng chở cháu đi học. Đây thực sự là người ông rất tuyệt vời. Hàng xóm ai cũng yêu quý bác. Vì vậy, mọi người thường mang quà bánh sang cho cháu nội của bác. Bác Trung là một người rất tốt. Nhiều khi chúng em nghịch ngợm lỡ làm gẫy cây hoa bác trồng nhưng bác cũng không chửi và luôn mỉm cười. Bác chỉ nói: “Lần sau mấy đứa cẩn thận hơn nhé!”.
Còn một kỉ niệm khiến em không bao giờ quên đó chính là có lần em sang chơi với cháu của bác. Chúng em lỡ làm vỡ chiếc cốc uống nước khiến mảnh thủy tinh tung tóe ra mặt sàn. Chẳng may em đã dẫm vào khiến chân chảy máu. Thấy vậy bác vội chạy vào nhà lấy giấy mềm thấm máu và dùng băng gô dán vào chân cho em. Sau đó bác đưa em đến trạm y tế để khám lại nữa.
Đối với em, bác Trung không chỉ là một người hàng xóm bình thường. Em coi bác như một người ông của mình. Em sẽ luôn luôn trân trọng và quý mến bác.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 15
Anh Nam là người hàng xóm cạnh nhà em. Anh hơn em năm tuổi nhưng có nhiều đức tính tốt em cần học hỏi. Mọi người trong làng ai cũng quý mến anh.
Anh có dáng người cao dong dỏng, nước da rám nắng có lẽ vì những khó khăn cuộc sống còn vương lại, in đậm trên màu da của anh. Đôi mắt anh đen láy, anh luôn nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến, ánh nhìn thẳng đầy tin tưởng và sự quả quyết. Gương mặt anh tròn cùng với vầng trán cao rộng tô đậm sự cương trực, nét thông minh. Anh Nam là người dễ gần, phải chăng anh sở hữu nụ cười duyên với chiếc răng khểnh luôn tạo thiện cảm với người khác. Giọng nói của anh trầm ấm như tính cách của anh vậy. Vậy mà đôi lúc anh cũng giỏi pha trò cười bởi sự hóm hỉnh của mình, nét tươi duyên luôn để lại sự bâng khuâng, xao xuyến nơi người đối diện. Mái tóc đen bóng được hớt gọn gàng tạo thêm vẻ lanh lợi cho khuôn mặt. Sống với người ông nội, còn bố mẹ ở xa nhà nên mọi việc nhà anh đều phải tự lo liệu. Điều đó làm đôi bàn tay rắn chắc của anh xuất hiện nhiều vết chai sần khác với đôi bàn tay trắng trẻo của bạn bè cùng trang lứa.
Anh Nam học rất giỏi, anh biết cách sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Ở trường, anh là cậu học sinh chăm ngoan, trong top đầu những môn tự nhiên. Những tấm giấy khen ghi nhận bao cố gắng của anh trong học tập. Điều đáng quý là anh luôn hòa đồng với bạn bè, thầy cô thay vì kiêu ngạo. Lúc ở nhà, anh phụ ông chăm sóc đàn gà, cơm nước và giặt giũ mọi việc đều được thực hiện chu đáo. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, em qua nhà, nhờ anh giảng cho một bài toán. Dù dở tay anh cũng niềm nở giải đáp thắc mắc của em trong khi giọt mồ hôi còn lăn dài trên nét mặt. Sống xa sự chăm sóc của bố mẹ, anh lại tập cho mình lối sống tự lập. Em thấy anh là người vui tính, cởi mở và lạc quan. Em không thể tưởng tượng được nếu mình không trong vòng tay yêu thương của bố mẹ thì điều gì sẽ xảy ra! Em còn học tập ở anh sự quyết đoán, ngay khi bước vào lớp mười anh tự xác định bước đi tiếp theo của cuộc đời mình mà không cần ai trỏ vẽ. Em nhớ anh từng nói sự siêng năng, bền bỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ là chìa khóa của sự thành công. Anh có vốn hiểu biết sâu rộng bởi anh lúc nào cũng chăm chỉ đọc sách, em coi anh như tấm gương sáng để noi theo, học hỏi.
Em coi anh Nam- người hàng xóm cạnh nhà em như người anh trai của mình. Em hứa sẽ cố gắng tốt như người anh ấy.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 16
Trong số những người hàng xóm bên cạnh nhà em, ai em cũng kính trọng và yêu quý, tuy nhiên người mà em yêu quý nhất là chú Năm.
Chú Năm đã lớn tuổi, năm nay đã ngoài 50 tuổi rồi nhưng chú ở một mình vì vợ chú đã mất, các con đã lấy chồng chuyển đến khu vực khác sinh sống. Chú là một người rất hiền lành, khuôn mặt chữ điền phúc hậu, đôi mắt chi chít nếp nhăn lúc nào cũng man mác đượm buồn. Chú hay cười và nụ cười của chú là liều thuốc tinh thần để chú chiến đấu với hoàn cảnh cô đơn. Chú Năm rất chăm tập thể dục, sáng nào chú cũng dậy sớm chạy bộ, chính vì thế chú có dáng người rất rắn rỏi, khoẻ mạnh.
Chú Năm ngày trước là công nhân nhà máy bây giờ đã nghỉ hưu, ngoài công việc làm vườn hàng ngày thi thoảng chú lại đi sửa chữa điện nước cho người dân trong xóm. Ai có hỏng hóc gì nhờ đến chú là chú giúp ngay không ngại ngần gì, sửa xong mọi người gửi tiền hoặc biếu quà chú đều không lấy. Những buổi chiều mùa hè em và mấy đứa nhỏ được chú Năm dạy tập bơi rất thích thú, chú còn dạy chúng em đánh cờ, chơi cầu lông.
Em rất yêu quý chú Năm và còn thường gọi là "Bố Năm", em mong sao chú luôn khoẻ mạnh, lạc quan và yêu đời như bây giờ.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 17
Bên cạnh nhà em là nhà của bác Sơn, bác Sơn là một người hàng xóm rất tốt bụng, em yêu quý bác như người thân trong gia đình mình vậy.
Bác Sơn có dáng người đậm, cao ráo và nhanh nhẹn, bác luôn giữ những tác phong của một người lính, một người bộ đội cụ Hồ. Bác có vài bộ quần áo kaki quen thuộc đã bạc màu nhưng bác vẫn rất thích mặc, bác coi đó là kỉ niệm quý giá, luôn muốn giữ bên mình. Bác Sơn năm nay đã ngoài 60 tuổi, tóc đã ngả màu hoa râm, thế nhưng đôi mắt bác vẫn sáng ngời và luôn nở nụ cười tươi híp cả hai mắt. Bác có một chiếc ao nhỏ nuôi cá, bác đã dạy em câu cá tại chính chiếc ao của nhà bác, mỗi khi thấy bác làm việc ngoài vườn em lại nghe thấy bác hát những bài ca cách mạng, những khúc hát hành quân.
Bác Sơn hát rất hay bởi vậy mà bác được làm phó ban văn nghệ của xã, cứ có dịp gì của thôn của xã hay của xóm là mọi người lại được nghe bác hát. Bác còn hay kể về kỉ niệm ngày tháng chiến tranh cho chúng em nghe, bác kể say xưa và luôn nhắc nhở chúng em phải biết ơn thế hệ cha anh đi trước, phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các chiến sĩ đã hy sinh.
Bác Sơn là một tấm gương sáng cho chúng em noi theo, em tự nhủ sẽ cố gắng học tập chăm ngoan để tiếp bước những thành quả mà thế hệ đi trước đã để lại.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 18
Hàng xóm kế bên nhà tôi là một chị gái tốt bụng, và tôi rất yêu quý chị ấy. Chị ấy tên là Nghiên, chị có mái tóc cắt ngắn ngang vai được nhuộm màu nâu rất nổi bật. Đôi mắt chị to tròn và cũng có màu nâu trông rất hợp với màu tóc, và tôi thì đang xin phép bố mẹ để được nhuộm màu tóc giống chị khi tôi được nghỉ hè.
Mỗi buổi sáng lúc tôi rời nhà để đến trường cũng là lúc chị ấy chuẩn bị đi làm. Dáng người chị cao và hơi gầy, nhưng chị luôn biết cách chọn trang phục sao cho phù hợp nhất. Chị làm ở một công ty về thời trang nên nhìn chị lúc nào cũng thật phong cách, và chị cũng hay chỉ cho tôi một số mẹo hay để kết hợp quần áo. Những lúc gặp tôi hay bố mẹ tôi chị đều nở một nụ cười cùng lời chào hỏi thân thiện. Chị là một người trưởng thành nên chị luôn biết cách cư xử tốt với mọi người, và mẹ tôi vẫn thường bảo tôi phải học nhiều ở chị. Chị thích trồng hoa ở trước sân nhà, và chị còn tặng tôi một chậu hoa nhỏ vào hôm sinh nhật tôi. Chị nấu ăn cũng rất ngon, và chị hay mang thức ăn qua tặng nhà tôi. Đôi khi tôi giống như một chú chim bồ câu đưa thư, vì mẹ tôi bảo tôi mang thức ăn sang biếu chị, và chị thì lại gửi thêm thức ăn cho nhà tôi. Tháng sau chị sẽ lấy chồng, và có lẽ sẽ dọn ra khỏi khu nhà này.
Tôi cảm thấy rất buồn khi mất đi một người hàng xóm tốt như chị, nhưng chị hứa là sẽ thường xuyên ghé thăm tôi. Đối với tôi chị không chỉ là một người hàng xóm, mà tôi còn yêu quý chị như một người chị gái.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 19
Trong cuộc sống, đôi khi có những người vốn xa lạ, từ không thân thiết lại trở thành những người mà ta rất yêu quý. Đó chính là lòng yêu quý của em đối với một người hàng xóm rất tốt bụng.
Người hàng xóm mà em yêu quý đó chính là chị Phương, gia đình chị Phương mới chuyển về sống cạnh nhà em đã tròn một năm. Chị Phương là một người con gái rất xinh xắn, dịu dàng, đoan trang và hiền thục. Chị có dáng người cao ráo, mảnh khảnh cân đối, làn da trắng với mái tóc đen dài và nụ cười có răng khểnh rất duyên. Chị Phương hơn em 3 tuổi và đang học lớp 8 ở cạnh trường của em, từ khi chị chuyển về đây em đã có người đi học cùng và trò chuyện mỗi ngày. Mỗi sáng đi học chị đều đứng đợi em trước cổng, nhắc nhở em khăn quàng hoặc có quên gì không. Thi thoảng em có bài nào khó lại chạy sang nhờ chị giảng bài hộ, hai chị em học bài rất vui vẻ. Trong một lần em bị hỏng xe chị đã đưa em đi học suốt một tuần, rồi khi em bị ốm chị lại hàng ngày sang thăm nom, gọt hoa quả cho em ăn.
Có một người hàng xóm như chị Phương em cảm thấy như mình có được một người chị gái, người chị rất mực yêu thương em.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - mẫu 20
Bác Nam đã năm mươi bốn tuổi, lớn tuổi hơn ba em. Vóc dáng cao ráo, dáng đi nhanh nhẹn chẳng xứng với mái tóc muối nhiều hơn tiêu, bác rất năng nổ trong việc xóm giềng. Bác ấy có khuôn mặt chữ điền, biểu hiện của một người nhiều nghị lực, đôi mắt sáng, tinh anh nói lên lòng nhiệt tình, luôn quan tâm đến mọi người.
Ngoài giờ làm việc tại một cơ quan ở tỉnh, bác Nam thường lui tới thăm nom những gia đình neo đơn trong khu phố. Nhà bác thường là điểm lui tới của bọn nhỏ chúng em. Bác thường kể chuyện bác chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Mỗi khi kể chuyện, bác lại trầm ngâm, suy tư, khuôn mặt thoáng hiện nhiều nếp nhăn.
Có bác Nam, khu phố nơi nhà em ở như vui hơn, mọi nhà đoàn kết với nhau hơn. Chính vì vậy, ai ai cũng biết đến bác mặc dù bác đến chưa được lâu lắm.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .