Top 6 di tích lịch sử nổi tiếng nhất tại Bắc Ninh
Việc bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách tri ân của người Bắc Ninh với các chiến sĩ cách mạng tiền bối ưu...xem thêm ...
Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp còn có tên gọi khác là “chùa Ninh Phúc, Ninh Phúc tự, Ninh Phúc thiền tự, chùa Thiếu Lâm”. Nay thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Năm 2013, chùa Bút Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Được xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000 m2, chùa Bút Tháp tọa lạc tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, với lối kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên. Công trình ngoài cùng là Tam quan, có kiến trúc tương đối giản dị. Gồm 3 gian, dài 9 m, rộng 5,25 m với 4 bộ vì chồng rường, tì lực lên 3 hàng chân cột, mái lợp ngói mũi. Tiếp đó là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường với tổng chiều dài hơn 100 m. Dù đã trải qua 5 lần trùng tu, bắt đầu từ thế kỷ 17 và lần gần đây nhất là năm 1992 - 1996, nhưng về cơ bản, kiến trúc của chùa vẫn gần như nguyên vẹn và được giới chuyên môn đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
Ngoài giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa Bút Tháp còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia gồm: Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm Liên Hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Điểm đặc biệt, độc đáo của chùa Bút Tháp là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, bên trong thờ tượng Thiền sư Chuyết Chuyết.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song chùa Bút Tháp vẫn còn giữ được nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng cổ của người Việt xưa. Nơi đây luôn là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc và là điểm đến hấp dẫn của du lịch tâm linh đối với nhiều du khách trên khắp mọi miền đất nước cũng như nước ngoài khi tới Việt Nam.
Địa chỉ: xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Chùa Dâu
Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử. Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa Dâu là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đây là trung tâm Phật giáo được hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán là Bành Thành và Lạc Dương. Chùa Dâu còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), và chùa Phương Quan thờ các lực lượng thiên nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của cả tục thờ Mẫu, một tôn giáo bản địa thuần Việt. Chùa còn thờ “Đức Thạnh Quang” – biểu tượng của thần SiVa trong Ấn Độ giáo.
Như vậy, chùa Dâu đã dung hội, cải tiến một cách điển hình các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa với các tôn giáo lớn trong khu vực nhưng vẫn mang đậm đà bản sắc dân tộc. Hội Dâu tổ chức vào ngày 8 tháng 4 Âm lịch hàng năm, đây là lễ hội lớn của cả tổng Dâu xưa với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được duy trì. Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa Dâu đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Đại tu toàn bộ các hạng mục công trình, tu sửa tháp Hòa Phong, sơn thếp hệ thống tượng, khôi phục Tam quan, giải phóng mặt bằng phía trước chùa để kè hồ, xây dựng tường bao bảo vệ di tích. Chùa Dâu gồm các hạng mục công trình: Tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, nhà Tả vu – Hữu vu, Tam Bảo, Hậu đường, hành lang và các công trình phụ trợ.
Địa chỉ: xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, BN
Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Lý
Đền Đô và khu Lăng mộ các vị vua triều Lý (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Nơi đây cũng là một trong những điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Về với vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh, du khách không thể không đến thăm quan, dâng hương tưởng nhớ công ơn các vị vua triều Lý.
Nằm trên địa bàn khu phố Thượng, phường Đình Bảng, Đền Đô có tên là Cổ Pháp điện nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nên cũng được gọi là đền Lý Bát Đế. Đền Đô được vua Lý Thái Tông cho xây vào năm 1030, trải qua thời gian đền nhiều lần được trùng tu vào các thế kỷ sau đó. Năm 1952 đền Đô bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn, đến năm 1989 được phục dựng lại…Đền Đô nhìn từ trên cao, được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 31.000m2, bao gồm 21 hạng mục công trình chính như: Cửa Rồng, nhà Phương đình, khu Văn chỉ, Võ chỉ, hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà lưu niệm, nhà khách, hồ bán nguyệt…Ngay trước khu vực cổng Đền Đô là bức cuốn thư lớn “Chiếu dời đô” bằng gốm phủ men cô ban, gồm 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nằm cách Đền Đô khoảng hơn 2km, khu lăng mộ các vị vua triều Lý, còn gọi là Thọ lăng Thiên Đức hay khu sơn lăng cấm địa, xưa là rừng cây báng…Nơi đây gồm lăng của tám vị vua triều Lý và lăng Lý Thánh Mẫu, lăng Nguyên phi Ỷ Lan và lăng Lý Chiêu Hoàng. Hàng ngày, nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, dâng hương tại Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và mọi điều tốt đẹp nhất.
Địa chỉ: phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, BN
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Phật Tích.
Chùa Phật Tích có tên tự là “Vạn Phúc tự” tọa lạc trên núi Phật Tích, xưa thuộc Bắc Ninh tỉnh, Từ Sơn huyện, Thụ Phúc tổng, Phật Tích xã, nay thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích huyện Tiên Du. Được khởi dựng vào thời Lý (1057) Phật Tích được biết đến như một Đại danh lam của đất nước. Đến thời Trần, chùa Phật Tích cũng được biết đến như một đại danh lam thắng cảnh, các vua Trần thường lui tới chùa thăm cảnh, lễ phật, dự hội và đề thờ.
Hiện nay, chùa Phật Tích còn bảo lưu được nguyên nền móng của thời Lý với 4 lớp nền có quy mô to lớn, nhiều cổ vật, di vật thời lý như: gạch ngói, chân cột, bệ tảng, tượng phật A di đà, tượng đầu người mình chim, 10 linh thú… và một phần kiến trúc điêu khắc, di vật, cổ vật các thời Lê - Nguyễn như: vườn tháp, tượng cổ Chuyết công, tượng Tiên chúa Trịnh Thị Ngọc Am, tượng hậu, bia đá…Dấu tích nền móng chùa Phật Tích từ thời Lý vẫn còn tới ngày nay. Ngôi chùa được xây dựng ở lưng chừng núi Phật Tích và được phân thành 4 cấp.
Cùng với kiến trúc cổ kính của các thời kỳ lịch sử, ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ là chứng tích của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc: Tượng phật Adiđà bằng đá xanh, Tượng 10 linh thú bằng đá, Chân tảng bằng đá xanh hình vuông chạm dàn nhạc công, Chân tảng bằng đá xanh hình tròn, Tượng đầu người mình chim...
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, chùa xưa tháp cũ thời Lý không còn nữa nhưng những dấu tích quy mô, nền móng rộng lớn và những di vật, cổ vật thời Lý hiện vẫn còn khá nhiều như: Chân tháp, tượng phật Adiđà, tượng linh thú, tượng đầu người mình chim, chân tảng, chân cột, gạch ngói, con giống… đã khẳng định chùa Phật Tích là một đại danh lam thắng cảnh thời Lý và nay là điểm đến tham quan cho du khách trong và ngoài nước.
Địa chỉ: xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
Khu di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự
Di tích thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Căn cứ vào gia phả dòng họ Ngô ở làng Tam Sơn cho biết, dòng họ Ngô đã tới vùng đất Tam Sơn lâu đời. Ngôi đồng chí Ngô Gia Tự được cha xây dựng vào năm Khải Định thứ nhất 1916. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà đã bị hư hại nhiều. Gia đình nhiều lần tu sửa. Năm 2008, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự, di tích được tỉnh Bắc Ninh đầu tư, tu bổ phục hồi như vốn có của khu di tích.
Ngôi nhà đồng chí Ngô Gia Tự là một di tích cách mạng, nơi ghi dấu ấn đồng chí Ngô Gia Tự sinh ra, trưởng thành và hoạt động cách mạng. Đây là nơi đồng chí làm việc và hoạt động cách mạng thời kỳ vận động thành lập Đảng. Ngôi nhà là cơ sở quan trọng của tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Bắc Kì. Tháng 9 năm 1928, Đại hội đại biểu Bắc Kì của Việt Nam cách mạng thanh niên các đại biểu đã họp và đưa ra chủ trương “Vô sản hóa” đưa cán bộ, công nhân đến học tập, sinh hoạt tại các nhà máy xí nghiệp, tuyên truyền chủ trương chủ nghĩa Mác –Lênin về cách mạng vô sản, thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam phát triển. Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự gồm: Nhà trên có năm gian, nhà gỗ xây gạch lợp ngói, kiến trúc theo lối cổ. Phía bên phải nhà chính là Nhà điện. Ngôi nhà hẹp, xây gạch, lợp ngói là nơi thừ đức thánh Trần.
Khu di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự là nơi lưu niệm danh nhân cách mạng có đóng góp xuất sắc trong lịch sử dân tộc, gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương và quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng. Di tích là nơi cơ sở cách mạng, nơi diễn ra nhiều hội nghị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nơi đã đề ra nhiều chủ trương lớn góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển để giành độc lập dân tộc.
Địa chỉ: khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, BN
Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Khu di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại làng Phù Khê,xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ngay chính khu vực nhà ở xưa của gia đình, bao gồm nhà lưu niệm và khu trưng bày.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941) - Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1938 - 1940, xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Khê Thượng, nay thuộcphường Phù Khê, thị xã Từ Sơn. Nhà lưu niệm là công trình phục dựng lại ngôi nhà xưa theo nguyên mẫu trên nền đất cũ, gồm nhà chính 5 gian, nhà bếp, cổng, sân vườn và tường rào tre. Kết cấu nhà cùng các đồ trang trí, vật dụng thật đơn sơ: khung tre, mái lợp rạ, ba gian ngoài để thờ tự, tiếp khách và nơi cụ Đồ Quán - thân phụ đồng chí Nguyễn Văn Cừ dạy học; chính giữa treo biển hoành phi với hai chữ "Trí thành" của chính cụ Đồ Quán và quang treo sách. Hai gian bên là nơi ở của bà Đồ Quán - tức cụ Nguyễn Thị Khuyến - con gái cụ Tú Ba bên Cẩm Giang, cách Phù Khê khoảng 2km.
Để lưu giữ các nguồn tài liệu về đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đầu tư xây dựng cạnh nhà lưu niệm là Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ bằng đồng cùng với hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng như gia đình, gia tộc đồng chí và quê hương Phù Khê. Khu di tích lưu niệm về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - cách mạng Quốc gia năm 1989.
Các công trình của Khu di tích đã thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Khu di tích là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật và các sự kiện có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Nơi đây đã được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dâng hương tưởng niệm và tham quan quê hương đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Địa chỉ: Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .