Top 9 di tích lịch sử nổi tiếng nhất tại Hà Nội
Những địa điểm lịch sử có đóng góp không nhỏ giúp Hà Nội thu hút du khách khi địa phương này có tới 5.922 di tích được kiểm kê dẫn đầu cả nước. Trong bài...xem thêm ...
Di tích lịch sử Thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy…, mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội. Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Tương truyền, thành có chín vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.
Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4-5m đặc biệt có chỗ cao từ 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều.
Thành Cổ Loa có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai. Ngày nay, trong khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn… Trong các đền chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế.
Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Địa chỉ: Thôn Chùa, Đông Anh, Hà Nội
Văn miếu Quốc Tử Giám
Không chỉ là một địa danh văn hóa nổi tiếng, Văn Miếu Quốc Tử Giám còn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Hà Nội với kiến trúc độc đáo và không gian thanh bình, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những di sản văn hóa lâu đời và quý giá của dân tộc Việt Nam, nơi đây đã thu hút đông đảo du khách đến thăm trong chuyến du lịch Hà Nội của mình.
Tọa lạc tại phía Nam của kinh thành Thăng Long, quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi tập trung những kiến trúc đặc sắc như hồ Văn, vườn Giám và Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) – Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam). Đây là nơi thờ 3 vị vua anh minh của dân tộc: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Nội tại khu Văn Miếu Quốc Tử Giám được bao quanh bởi tường gạch vồ và phía trong là 5 không gian với những kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được xếp hạng là Di tích quốc gia và 82 tấm bia tiến sĩ đã từng được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”. Trước đây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, địa điểm này là nơi khen tặng những học sinh xuất sắc và đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động truyền thống, dân gian nhằm giữ gìn và bảo tồn văn hóa cổ truyền.
Quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám mang đậm kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn, nằm trong khuôn viên khu đất hình chữ nhật rộng lớn có diện tích 54,331m2 gồm nhiều công trình sở hữu kiến trúc đặc sắc khác nhau. Khuôn viên Văn Miếu được bao bọc bởi 4 bức tường gạch vồ được xây dựng kiên cố. Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng quá trình tu sửa, di tích này hiện bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang và bia tiến sĩ, Đại Thành môn và nhà Thái Học. Quần thể di tích này được thiết kế theo bố cục đăng đối từng khu, từng lớp trục Bắc Nam. Phía trước Văn Miếu là một hồ nước lớn với tên gọi là hồ Văn, từ phía cổng lớn đi vào là tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ mã” và quanh khu vực được các bức tường cao bao quanh. Văn Miếu được chia làm 5 khu vực rõ rệt được ngăn cách bởi các bức tường và để đi vào từng khu vực Nội tự phía trong bạn sẽ phải đi qua một hệ thống cửa bao gồm một cửa chính và hai cửa phụ hai bên.
Địa chỉ: 58 P. Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Nhà Tù Hỏa Lò
Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với vô số cuộc chiến tranh lớn nhỏ, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ hào hùng. Cùng với đó là rất nhiều những di tích lịch sử đặc biệt còn tồn tại cho đến ngày nay, một trong số đó là “Nhà tù Hỏa Lò”, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”. Nhà tù Hoả Lò nằm ở địa chỉ số 1, phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Năm 1896, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ hàng ngàn chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam. Sau ngày Giải phóng Thủ đô 10 tháng 10 năm 1954, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng Nhà tù để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Từ ngày 5/8/1964 đến 29/3/1973, nhà tù được dùng làm nơi giam giữ phi công Mỹ. Phần lớn diện tích Nhà tù được sử dụng để xây dựng tháp đôi Ha Noi tower vào năm 1994. Diện tích còn lại là 2.434m2 được bảo tồn thành khu di tích. Những công trình được giữ lại gồm: 3 tòa nhà 2 tầng được xây theo kiến trúc Pháp, 2 dãy trại giam tập thể nam và nữ tù nhân, 4 gian xà lim tử hình, 2 chòi canh và một phần bức tường đá bao quanh nhà tù.
Với khuôn viên rộng hơn 2.000m2 còn giữ lại, cùng với những khối kiến trúc, di vật, hiện vật gốc, Đài Tưởng niệm và hệ thống trưng bày thường xuyên tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã giới thiệu tới công chúng về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò từ khi bắt đầu được thực dân Pháp xây dựng (năm 1896) cho đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (tháng 10-1954); thời kỳ thực dân Pháp sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam và giai đoạn 1964 - 1973, khi Chính phủ Việt Nam tạm sử dụng một phần nhà tù Hỏa Lò để giam giữ tù binh phi công Mỹ.
Với thiết kế chuyên biệt, quy định nghiêm ngặt thực dân Pháp luôn tự đắc nhà tù Hỏa Lò là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, con kiến cũng không lọt, tuy nhiên vẫn có những cuộc vượt ngục thành công của tù chính trị tại Hỏa Lò khi cưa song sắt cống ngầm dưới sân trại tử hình để chui ra ngoài, một số cán bộ đã chạy thoát, một số bị bắt. Xong dù bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn nhưng tinh thần bất khuất, của các chiến sĩ yêu nước, các nhà cách mạng vẫn giữ vững tinh thần, khí tiết biến nhà giam thành nơi học tập, truyền bá và lý luận tư tưởng cách mạng. Các chiến sĩ cách mạng vượt ngục thành công, quay trở về với nhân dân lại tiếp tục tham gia hoạt động, đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Nhà tù Hỏa Lò hiện nay còn trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật phản ánh thủ đoạn tra tấn dã man và cuộc sống gian khổ của tù chính trị Việt Nam khi bị giam giữ tại đây. Bạn có thể viếng thăm Đài Tưởng Niệm các chiến sĩ cách mạng yêu nước đã anh dũng hy sinh tại Nhà Tù Hỏa Lò vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Có thể nói nhà tù Hỏa Lò là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều đau thương cũng như những hy sinh của các anh hùng. Nếu có cơ hội đến Hà Nội bạn nên dành thời gian tham quan nơi đây để cảm nhận rõ nét hơn. Ngoài ra, khi đến tham quan nhà tù Hỏa Lò bạn còn có thể ghé qua tham quan Chùa Quán Sứ và Hồ Hoàn Kiếm.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Địa chỉ: Số 1, phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024.39342253; 024.39342317
Email: bqldtnthl_sovhtt@hanoi.gov.vn
Website:https://hoalo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/hoaloprisonrelic/?ref=embed_page
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Lăng Hồ Chủ tịch còn được gọi với tên thân thương là lăng Bác tọa lạc tại địa chỉ số 2 Hùng Vương, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Công trình là nơi gìn giữ di hài của Bác theo nguyện vọng, tình cảm của Ban chấp hành trung ương Đảng và nhân dân. Lăng Bác được khởi công vào ngày 02/9/1973 và khánh thành vào ngày 29/8/1975. Công trình lăng Bác được xây dựng gồm 3 lớp, cao 21,6 mét và rộng 41,2 mét. Bên dưới là bậc thềm tam cấp dẫn lên kết cấu trung tâm với phòng di hài và những hành lang, cầu thang. Phần trên cùng là mái lăng được thiết kế theo hình tam cấp.
Bên ngoài lăng được ốp đá granite xám, quanh bốn mặt là những hàng cột đá hoa cương vuông vức và ở giữa nổi bật dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ-CHÍ-MINH” bằng đá hồng có màu mận chín. Khu vực bên trong được làm bằng chất liệu đá xám và đỏ được đánh bóng. Khuôn viên quanh lăng trồng nhiều loài cây, hoa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước. Đây là điểm tham quan nổi tiếng của Thủ đô, nơi bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng muốn được đặt chân đến một lần. Phía trước lăng là quảng trường Ba Đình có đường diễu binh và 79 cây vạn tuế xanh tươi mang ý nghĩa tượng trưng cho 79 năm tuổi đời của Bác. Tổng thể kiến trúc lăng là một khối vuông đặc kiên cố, vững chắc, gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m và chiều rộng 41,2m. Lăng có thể chống được bom đạn, lũ lụt và động đất với cường độ 7 richter. Mặt ngoài lăng được phủ đá granite xám, các hàng cột đá hoa cương được thiết kế xung quanh. Trên đỉnh lăng nổi bật dòng chữ CHỦ TỊCH HỒ-CHÍ-MINH được làm từ đá ngọc màu đỏ thẫm. Sảnh trước của lăng được lát bằng đá hoa cương làm nổi bật dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” và chữ ký dát vàng của Bác. Trước lăng luôn có 2 chiến sĩ canh gác, hàng giờ thay đổi ca trực. 200 bộ cửa trong lăng được các nghệ nhân nghề mộc làm từ những loại gỗ quý hiếm do nhân dân khắp mọi miền đất nước gửi ra. Bên trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là căn phòng đặt thi hài Bác được lát bằng đá cẩm thạch. Tại đây, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong lồng kính. Trên chiếc giường bằng đồng với 3 mặt được lắp kính chịu xung lực cao có dải hoa văn bông sen cách điệu. Nhờ lớp kính trong suốt, du khách có thể nhìn thấy thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ quần áo kaki bạc màu và đôi dép cao su giản dị dưới chân một cách rõ ràng nhất. Bên trong phòng, luôn có 4 người lính túc trực.
Lăng Hồ Chủ tịch, một công trình có ý nghĩa to lớn sẽ mãi trường tồn theo thời gian, nơi thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ đại tài của dân tộc. Ngày nay, nơi đây không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội mà còn là điểm đến thu hút hàng triệu lượt du khách ghé thăm.
Địa chỉ: 1 Hùng Vương, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là quần thể di tích gắn với các giai đoạn lịch sử của dân tộc và là địa điểm tham quan hấp dẫn khi sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, đa dạng hoạt động ý nghĩa. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và di tích khảo cổ ở số 18 Hoàng Diệu là quần thể di sản, văn hóa tiêu biểu, phản ánh tiến trình lịch sử của nước Việt trong suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ 11 - thế kỷ 18). Trải qua nhiều biến động, Kinh đô Thăng Long xưa kia đã không còn những tòa thành đồ sộ hay lầu son gác tía nhưng những di tích, dấu vết còn sót lại đã chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Tất cả là minh chứng cho lịch sử dựng nước, giữ nước của một nước Việt độc lập qua bao thời kỳ.
Hoàng thành Thăng Long có tiến trình lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ và trải qua các vương triều phong kiến, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc đến thời Nguyễn và giai đoạn chống Pháp:
- Triều đại nhà Lý (thế kỷ 11 - 12): Vua Lý Thái Tổ sau khi dời đô từ Hoa Lư đã cho xây dựng Kinh Thành Thăng Long với 3 vòng thành:
- Đại La thành: vòng ngoài cùng bao bọc kinh đô
- Hoàng thành/Long thành: nơi làm việc của nhà vua và triều đình
- Tử cấm thành: vòng thành trong cùng, nơi ở của vua và hậu cung
- Triều đại nhà Trần (thế kỷ 13 - 14): Các vua Trần đã cho xây dựng thêm nhiều công trình và sửa sang lại khu vực Hoàng thành, Hoàng cung.
- Thời Lê sơ (thế kỷ 15): Quy mô Hoàng thành dưới thời Lê sơ đã được mở rộng gấp đôi.
- Thời nhà Mạc (thế kỷ 16): Vua nhà Mạc cho gia cố cửa thành, sửa sang đường phố và đắp thêm 3 lần lũy đất ngoài thành Đại la. Những thành lũy này đã bị quân chúa Trịnh phá hủy ngay khi chiếm đóng.
- Thời Lê trung hưng (thế kỷ 17-18): Trên dấu tích thành Đại La, chúa Trịnh Doanh cho đắp lại thành mới và đặt tên là thành Đại Đô.
- Thời Tây Sơn (thế kỷ 18): Vua Quang Trung chọn đóng đô tại Phú Xuân (Huế), nhưng vẫn cho tiến hành tu sửa, đắp lại những đoạn Hoàng thành sụp đổ cũng như xây thêm một số công trình.
- Thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19-20): Kinh thành Thăng Long dưới thời nhà Nguyễn trở thành sở trấn Bắc Thành.
- Thời chống Pháp: Sau khi chiếm đóng Hà Nội, quân Pháp đã cho thay đổi kiến trúc Hoàng thành Thăng Long và xây thêm các doanh trại phục vụ mục đích quân sự.
- Năm 1954: Thành Hà Nội đã trở thành trụ sở của Bộ Quốc phòng.
- Năm 2002: Di tích Hoàng thành được tiến hành khai quật trên diện tích 19.000m2, phát lộ nhiều dấu vết, tầng văn hóa và di tích lịch sử giá trị.
- Năm 2010: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ngày nay bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Mỗi công trình đều khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, oai nghiêm cùng những câu chuyện lịch sử lâu đời:
- Cột cờ Hà Nội: Đây là công trình hoành tráng và vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc tại di tích Hoàng thành, nằm trên đường Điện Biên Phủ. Công trình được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long với một thân cột và 3 tầng đế hình chóp vuông cụt có thang gạch dẫn lên.
- Cửa Bắc: Cửa Bắc hay Chính Bắc Môn là cổng thành duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội xưa kia. Công trình nằm trên phố Phan Đình Phùng, được nhà Nguyễn cho xây dựng vào năm 1805 theo lối vọng lâu. Phần lầu trên cổng thành được phục dựng làm nơi thờ 2 vị anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
- Điện Kính Thiên: Trước đây, Điện Kính Thiên là nơi thiết triều và diễn ra các nghi lễ long trọng của triều đình. Di tích hiện chỉ còn khu nền cũ với thềm đá, lan can và đôi rồng được điêu khắc tinh xảo.
- Đoan Môn: Di tích là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính thiên với 5 công được xây dựng bằng đá.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Địa chỉ: Số 19C Hoàng Diệu, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội
Tel: +84-24-37345427
Hotline: 084 845 5222
Website: https://hoangthanhthanglong.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/ditichhoangthanhthanglong
Chùa Một Cột
Một trong những công trình đặc biệt không thể bỏ qua khi nhắc về Hà Nội chính là Chùa Một Cột. Ngôi chùa cổ này được xây dựng với kiến trúc ấn tượng là điểm tham quan của nhiều du khách khi có dịp đến thủ đô Hà Nội. Chùa Một Cột hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông năm 1049.
Tương truyền rằng, vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên một tòa sen sáng rực, và Người đưa tay dắt vua lên trên đài sen. Sau khi tỉnh dậy, ngay lập tức, vua đã cho xây dựng Chùa Một Cột theo đúng những gì đã nhìn thấy trong giấc mơ đó. Ngôi chùa được xây dựng với kết cấu một cột trụ độc đáo. Dáng kiến trúc nhìn như một đài sen mọc lên giữa hồ Linh Chiểu. Là sự sáng tạo kết hợp của nhiều bộ môn khác nhau từ điêu khắc, chạm vẽ, hội họa. Mặt nước cũng chính là nét đẹp, là gương soi làm sáng bừng lên ngôi chùa phía trên.
Chùa Một Cột được xây dựng theo khối hình vuông. Mỗi chiều của chùa là 3m. Phía dưới là cột trụ bằng đá cao 4m, đường kính 1,2m gồm 2 khối gắn với nhau. Trên thân trụ là 8 cánh gỗ xòe rộng nhìn như một bông hoa sen đang nở. Phía trên mái chùa là mặt nguyệt bốc lửa, hai bên là đầu rồng chầu mặt nguyệt. Chùa có 4 mái với 4 đầu đao cong và hình đầu rồng đắp nổi. Để đặt lễ trên sàn chùa, du khách phải lên 13 bậc. Bên trong chùa là tượng phật bà Quan âm ngồi trên đài sen sơn son thếp vàng. Trải qua nhiều triều đại, chứng kiến sự thay đổi của lịch sử, chùa cũng nhiều lần được trùng tu và sửa chữa. Cho đến hôm nay, kiến trúc của chùa cũng đã có sự thay đổi so với nguyên bản ban đầu. Chùa Một Cột đã được tổ chức Kỷ lục Châu Á xác nhận kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất vào năm 2012.
Chùa Một Cột nằm ở trung tâm quận Ba Đình, bên cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khách thập phương khi muốn đến tham quan, lễ bái tại chùa có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe máy, taxi, xe buýt… Du khách có thể kết hợp đi thăm chùa cùng với Lăng Bác, phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long… cũng nằm trong khu vực đó. Hành trình để du khách có thể tham khảo là: Thăm Lăng Bác tiếp đó là Phủ Chủ tịch, qua Bảo tàng Hồ Chí Minh và kết thúc ở chùa Một Cột.
Địa chỉ: phố P. Chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên một gò đất được gọi là đảo Ngọc Sơn ở phía Đông Bắc của hồ Gươm. Cổng đền nằm tại phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Lịch sử hình thành ngôi đền này cũng lắm thăng trầm và gắn liền với lịch sử đất nước. Đền được xây dựng vào thế kỉ 19, để thờ Quan đế đã giúp trấn áp điều ác, mang đến điều tốt lành cho người dân. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, người đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng. Đến thời nhà Trần, đền được đổi tên thành Ngọc Sơn - là nơi thờ binh tướng đã hy sinh trong trận đánh quân Nguyên – Mông. Sau đó, ngôi đền bị sụp đổ. Đến thời nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã dựng Cung Khánh Thụy và đắp hai quả núi đất trên bờ đất phía Đông, đối diện Đền Ngọc Sơn. Cuối đời nhà Lê, Cung Khánh Thụy bị phá hủy một phần. Sau đó dân làng Tả Khánh dựng lại và đặt tên là Đền Khánh Thụy. Hiện cửa Đền Khánh Thụy hướng ra Đền Ngọc Sơn. Sau đó, một nhà từ thiện có tên Tín Trai đã xây dựng Chùa Ngọc Sơn trên một phần nền cung Khánh Thụy khi xưa, quay mặt về phía Nam.
Một thời gian sau, chùa Ngọc Sơn được nhượng lại cho một hội từ thiện và đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính cùng các dãy phòng hai bên, đặt tượng Văn Xương Đế Quân và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Văn Siêu đại tu cho đắp thêm đất, xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba ở phía Nam, cầu Thê Húc dẫn từ bờ Đông đi vào đền cùng Tháp Bút, Đài Nghiên. Năm 2013, đền Ngọc Sơn đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là điểm tham quan thu hút mọi du khách khi đến Hà Nội. Được biết đến là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Hà thành, hàng năm vẫn có rất nhiều sĩ tử đến đây hành lễ trước kỳ thi.
Ngoài ra, cụm di tích lịch sử này còn bao gồm các kiến trúc độc đáo khác như Đài nghiên, Tháp bút, Đắc Nguyệt Lâu và khu trưng bày tiêu bản "cụ rùa". Tất cả tạo nên một bức tranh lịch sử và văn hóa phong phú, đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách khi thăm quan thủ đô Hà Nội.
Địa chỉ: Bờ hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Gò Đống Đa
Gò Đống Đa là di tích lịch sử tọa lạc tại phố Tây Sơn, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây gắn liền với sự tích vua Quang Trung dẹp tan quân Thanh Trung Quốc vào năm 1789 trong trận chiến Ngọc Hồi – Đống Đa đầy hào hùng. Sự tích Gò Đống Đa gắn liền với chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Thanh từ Trung Quốc do vua Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn dắt năm 1789. Trong trận đánh ấy, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh đuổi quân xâm lược, đập tan đồn Khương Thượng của địch.
Sau chiến thắng, vua Quang Trung đã cho nhặt xác nghĩa quân Tây Sơn xếp thành 12 đống, đắp thành gò và đặt tên là “Kình Nghê Quán”. Sau này, cùng sự phát triển của nước nhà và nhiều lần đào xới mà nhiều cốt giặc sót lại tụ thành gò số 13. Tới năm 1890, khi Pháp xâm nhập vào Hà Nội đã cho giải tỏa 13 gò đất, chỉ còn sót lại khu vực gò Đống Đa hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều chứng cứ cho rằng, lịch sử gò Đống Đa bắt nguồn từ thiên nhiên, được hình thành cách đây khoảng 4000 năm trước. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dưới sự tác động của chiến tranh, gò Đống Đa Quang Trung Đống Đa Hà Nội cũng bị phá hủy nhiều. Đến năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 200 chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, thành phố quyết định thành lập Công viên văn hóa Đống Đa trên nền đất cũ. Đây là một công trình lịch sử văn hóa nhằm ghi nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Với tổng diện tích hơn 21.000 m2, công viên bao gồm các công trình chính gồm 2 khu vực: tượng đài vua Quang Trung, nhà trưng bày và khu vực Gò Đống Đa cũ. Mỗi năm vào mùng 5 tháng Giêng, nơi này tổ chức lễ hội Gò Đống Đa để tưởng nhớ và tôn vinh những tướng sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến, đồng thời là dịp khơi gợi lại những ký ức hào hùng của dân tộc. Lễ hội này là một cơ hội để thế hệ sau kết nối với quá khứ và tôn vinh tinh thần anh hùng của người Việt Nam.
Địa chỉ: Phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Tp Hà Nội
Chùa Trấn Quốc
Thủ đô Hà Nội vẫn nổi danh là vùng đất với bề dày văn hoá, lịch sử cùng vô vàn danh lam thắng cảnh nổi tiếng và các công trình đền chùa, miếu mạo linh thiêng. Khi đến du lịch Hà Nội, du khách hãy dành chút thời gian ghé thăm chùa Trấn Quốc - ngôi chùa với tuổi đời 1500 năm mang nét đẹp kiến trúc lẫn giá trị lịch sử, tâm linh lâu đời. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long thời Lý - Trần, chùa Trấn Quốc Hồ Tây hiện nay đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, lễ bái hàng năm. Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện chùa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.
Theo lịch sử ghi chép lại, dưới thời Pháp thuộc, Viện Viễn Đông Bác cổ đã có những nghiên cứu sâu sắc và đánh giá cao ngôi chùa cổ kính này. Đặc biệt, chùa Trấn Quốc còn được xếp hàng vào một trong 10 công trình lịch sử toàn cõi Đông Dương. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi chùa vẫn được bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn nét đẹp kiến trúc, văn hóa. Năm 1962, chùa Trấn Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đối với Phật giáo Việt Nam, chùa Trấn Quốc thực sự là một niềm tự hào, là di sản quý giá sở hữu nét đẹp về kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Đến nay, công trình này vẫn là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng, điểm đến tâm linh nổi tiếng của Hà Nội, thu hút đông đảo khách du lịch và các tăng ni, Phật tử đến hành lễ.
Kiến trúc của chùa Trấn Quốc được xây dựng theo nguyên tắc chặt chẽ của Phật Giáo và bao gồm một loạt các công trình quý báu như Cổng tam quan, Tiền đường, Thượng điện, Thiêu hương, tạo nên một bức tranh tinh tế của đạo Phật. Tuy nhiên, điểm đặc biệt và độc đáo nhất chính là tòa bảo tháp 11 tầng, cao khoảng 15 mét, nơi mà các tượng Phật A Di Đà được điêu khắc từ đá quý và sắp xếp trong các ô cửa hình vòm, mang lại một trải nghiệm tâm linh đầy phấn khích cho du khách. Chùa Trấn Quốc không chỉ là một nơi thánh thiêng mà còn là một tượng đài của nghệ thuật kiến trúc và tâm linh tại Hà Nội, là một điểm dừng chân tuyệt vời để khám phá sự hòa quyện giữa lịch sử và vẻ đẹp thiêng liêng.
Địa chỉ: Gần với cửa hàng kem Hồ Tây, đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .