Top 8 loài cá quái dị nguy hiểm nhất
Không chỉ có hình thù quái dị, những loại cá này còn vô cùng nguy hiểm với nọc độc cực mạnh, những bộ răng sắc lẹm hay khả năng hút máu kinh hoàng… Cá mút đá,...xem thêm ...
Cá chình
Cá chình có cơ thể dài giống loài rắn, miệng có quai hàm rộng. Loài cá này có thể dài đến 2,5m. Chúng thường ẩn nấp trong các khe hoặc hốc đá vào ban ngày và thường săn mồi vào đêm. Bộ răng sắc cộng với sức mạnh của hàm, những vết đớp của cá chình gây ra những vết thương lớn. Ngoài ra những vết thương lớn này cũng rất dễ nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn cư trú trong miệng loài cá này.
Cá mút đá
Trước kia, cá mút đá chỉ xuất hiện trong Đại Tây Dương. Tuy nhiên, vào thế kỉ XIX, loài cá này đã lọt vào vùng hồ Great Lakes, Mỹ sau khi người ta đào kênh Erie. Với khả năng thích nghi cực kì cao, loài cá này đã tồn tại và phát triển rất nhanh trong môi trường nước ngọt và trở thành thủ phạm gây ra sự suy giảm số lượng của rất nhiều loài cá khác ở vùng hồ này.
Loài cá mút đá sống kí sinh trên các loài động vật khác bằng cách hút máu của những loài động vật này. Cá mút đá có cái miệng tròn với rất nhiều răng mọc xung quanh miệng. Chúng dùng miệng của mình bám vào da của các loài cá khác, đưa lưỡi sắc, nhọn của mình qua vảy để hút máu. Các con mồi thường bị chết sau khi bị cá mút đá hút máu.
Cá ma cà rồng
Cá ma cà rồng còn được gọi là cá da trơn Vandellia cirrhosa. Đây là một loài cá nước ngọt chỉ có ở vùng Amazon. Kích thước nhỏ và có màu trắng sáng, cá ma cà rồng rất khó để bị phát hiện trong tự nhiên. Tuy nhiên, loài cá này vô cùng nhạy cảm với amoniac trong nước, vốn thường được thải qua mang của các loài cá khác. Chúng thường theo dấu vết của amoniac tìm đến trú ẩn và ăn máu trong mang của các loài cá lớn hơn. Loài cá này cũng có thể chui vào cơ thể con người qua đường tiết liệu và sống kí sinh trong đó. Năm 1997 đã có người tại khu vực Amaron bị cá ma cà rồng chui vào cơ thể sau khi tắm trên sông.
Cá đá
Cá đá là loài động vật tiết ra nọc độc mạnh nhất ở dưới nước. Cá đá không tấn công con người tuy nhiên với nghệ thuật ẩn mình siêu hạng, cá đá thường khiến cho các loài động vật khác nhầm lẫn và dẫm phải. Khi đó, những chiếc gai chứa nọc độc sẽ phát huy sức mạnh. Nọc độc của cá đá có thể gây sốc, tê liệt tức thì và chết người nếu không được chữa trị kịp thời.
Cá đầu rắn
Sống ở hầu hết các nước Đông Nam Á, một phần Ấn Độ và Châu Phi, cá đầu rắn với những chiếc răng sắc nhọn là một quái vật thực sự. Chiều dài thông thường của loài cá này là 0,6m và có thể lên đến 0,9m. Ngoài việc có độc, cá đầu rắn còn ăn mọi thứ trên đường đi của nó. Nó cũng có thể sống sót trên cạn trong vòng 4 ngày. Chính do đó, loài cá này là nỗi kinh hoàng với các loài động vật khác.
Cá Piranha
Piranha là loài cá ăn thịt. Chúng ăn cả động vật trên cạn lẫn dưới nước. Cá piranha kiếm ăn suốt ngày và có thể róc thịt con mồi trong vòng vài phút. Một đàn cá piranha có thể "xơi tái" một con bò trong vòng 10 phút. Các nhà khoa học cho biết khoảng 1.200 con bò bị loài cá này giết hại và ăn thịt mỗi năm tại Brazil.
Trẻ em chơi trên sông và phụ nữ giặt quần áo gần bờ cũng có thể là nạn nhân của loài cá này. Cá Piranha có thân hình tam giác, răng sắc như dao cạo, răng lớn ở hàm dưới và răng nhỏ ở hàm trên. Điểm đặc biệt là răng của cá Piranha có thể thay thế. Khi một chiếc bị gãy, chiếc răng mới sẽ mọc lên thay thế. Răng của loài cá này sắc ngọn đến độ nó được người dân Amaron dùng làm kéo cắt tóc.
Cá vảy chân
Cá vảy chân (hay còn gọi là cá angler) có thân tròn như một quả bóng với miệng rộng, hàm răng sắc nhọn. Loài cá này có khả năng phát sáng nhờ miếng mồi nhử ở đầu vây lưng đong đưa qua lại trước hàm răng khổng lồ. Ngay khi con mồi bị thu hút đến gần, cá vảy chân sẽ ngay lập tức đớp lấy và nghiền nát bằng hàm răng to khỏe.
Cá đuối gai độc
Cá đuối gai độc có cái đuôi dài 20cm và lởm chởm như một lưỡi mác. Chiếc đuôi này trở nên cứng, nhọn hơn khi cá đuối cảm nhận mối nguy hiểm. Đặc biệt là chiếc đuôi này chứa loại nọc độc rất nguy hiểm. Nó có thể tạo ra sự đau đớn khủng khiếp cho các loài động vật có vú, làm thay đổi nhịp tim và rối loạn chức năng hô hấp.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .