Top 8 ngôi chùa nổi tiếng nhất tại Hà Nội mỗi dịp tết đến xuân về
Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh hay những điểm tham quan. Mảnh đất thủ đô nghìn năm văn hiến này còn sở hữu những ngôi chùa linh thiêng được...xem thêm ...
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông năm 1049. Tương truyền rằng, vua Lý Thái Tông nằm mơ thấy Quan Thế Âm Bồ Tát tọa thiền trên một tòa sen sáng rực, và Người đưa tay dắt vua lên trên đài sen. Sau khi tỉnh dậy, ngay lập tức, vua đã cho xây dựng Chùa Một Cột theo đúng những gì đã nhìn thấy trong giấc mơ đó. Ngôi chùa được xây dựng với kết cấu một cột trụ độc đáo. Dáng kiến trúc nhìn như một đài sen mọc lên giữa hồ Linh Chiểu. Là sự sáng tạo kết hợp của nhiều bộ môn khác nhau từ điêu khắc, chạm vẽ, hội họa. Mặt nước cũng chính là nét đẹp, là gương soi làm sáng bừng lên ngôi chùa phía trên.
Chùa Một Cột được xây dựng theo khối hình vuông. Mỗi chiều của chùa là 3m. Phía dưới là cột trụ bằng đá cao 4m, đường kính 1,2m gồm 2 khối gắn với nhau. Trên thân trụ là 8 cánh gỗ xòe rộng nhìn như một bông hoa sen đang nở. Phía trên mái chùa là mặt nguyệt bốc lửa, hai bên là đầu rồng chầu mặt nguyệt. Chùa có 4 mái với 4 đầu đao cong và hình đầu rồng đắp nổi. Để đặt lễ trên sàn chùa, du khách phải lên 13 bậc. Bên trong chùa là tượng phật bà Quan âm ngồi trên đài sen sơn son thếp vàng. Trải qua nhiều triều đại, chứng kiến sự thay đổi của lịch sử, chùa cũng nhiều lần được trùng tu và sửa chữa. Cho đến hôm nay, kiến trúc của chùa cũng đã có sự thay đổi so với nguyên bản ban đầu. Chùa Một Cột đã được tổ chức Kỷ lục Châu Á xác nhận kỷ lục là Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất vào năm 2012.
Chùa Một Cột nằm ở trung tâm quận Ba Đình, bên cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình và lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khách thập phương khi muốn đến tham quan, lễ bái tại chùa có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe máy, taxi, xe buýt…Du khách có thể kết hợp đi thăm chùa cùng với Lăng Bác, phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long… cũng nằm trong khu vực đó. Hành trình để du khách có thể tham khảo là: Thăm Lăng Bác tiếp đó là Phủ Chủ tịch, qua Bảo tàng Hồ Chí Minh và kết thúc ở chùa Một Cột.
Địa chỉ: phố P. Chùa Một Cột, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc
Nếu có dịp du lịch Hà Nội hãy đến thăm chùa Trấn Quốc, một ngôi chùa cổ độc đáo tọa lạc tại địa chỉ 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Với tuổi đời lên đến 1500 năm, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và từng vinh dự lọt Top “10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới”. Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông. Bên trong điện chùa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.
Theo lịch sử ghi chép lại, dưới thời Pháp thuộc, Viện Viễn Đông Bác cổ đã có những nghiên cứu sâu sắc và đánh giá cao ngôi chùa cổ kính này. Đặc biệt, chùa Trấn Quốc còn được xếp hàng vào một trong 10 công trình lịch sử toàn cõi Đông Dương. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi chùa vẫn được bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn nét đẹp kiến trúc, văn hóa. Năm 1962, chùa Trấn Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đối với Phật giáo Việt Nam, chùa Trấn Quốc thực sự là một niềm tự hào, là di sản quý giá sở hữu nét đẹp về kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Đến nay, công trình này vẫn là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng, điểm đến tâm linh nổi tiếng của Hà Nội, thu hút đông đảo khách du lịch và các tăng ni, Phật tử đến hành lễ. Chùa Trấn Quốc dù đã qua bao đợt trùng tu theo sự chuyển mình của đất nước nhưng nơi này vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo. Từ trên cao nhìn xuống, chùa được xếp theo hình chữ Công (I) với 3 ngôi chính: Tiền đường, Nhà Thiêu hương và Thượng điện. Ngoài ra, Bảo tháp hay còn gọi là Cửu phẩm liên hoa chính là kiến trúc đặc biệt nhất của nơi này.
- Bảo tháp trong chùa Trấn Quốc Hồ Tây: Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng vào năm 1998, đến năm 2003 thì hoàn thành và tạo thành khu vườn tháp của chùa. Tòa Bảo tháp này bao gồm 11 tầng, có diện tích khoảng 10.5m2. Phía bên trong bảo tháp thờ tượng phật A Di Đà được làm bằng đá quý. Ngoài ra, trong tháp còn có khoảng 66 pho tượng khác. Bên trên tòa tháp còn được đúc một tòa sen 9 tầng (cửu phẩm liên hoa) được làm bằng đá quý sáng lấp lánh, tựa như bông sen đang nở rộ và tỏa ngát hương thơm. Tổng thể ngọn Bảo tháp làm tăng vẻ uy nghi, linh thiêng cho ngôi chùa nhưng vẫn giữ được nét mềm mại của lối kiến trúc tổng thể.
- Nhà Tiền đường trong chùa Trấn Quốc: Sau khi tham quan Bảo tháp, bạn có thể đến hành hương và khấn phật tại nhà Tiền đường. Tòa Tiền đường được xây dựng về phía Tây, đằng sau có Nhà Tam đảo, hai dãy hành lang hai bên của nơi này là nhà thiêu hương và thượng điện. Nơi này để thờ rất nhiều các pho tượng đẹp và quan công rất độc đáo. Nổi bật nhất có lẽ là tượng phật Thích Ca Nhập Niết được làm bằng gỗ và sơn son thiếp vàng (đây được bình chọn là bức tượng Niết đẹp nhất Việt Nam). Cùng với đó là rất nhiều pho tượng phật được đúc bằng đồng sáng lung linh.
- Thượng điện ở chùa Trấn Quốc: Đằng sau của thượng điện có một gác chuông được xây dựng thành căn nhà 3 gian, xây bằng gỗ cùng mái ngói đỏ vảy cá tạo nên nét cổ kính. Bên phải của gác chuông là nhà thờ tổ, bên phải là nhà bia. Chùa Trấn Quốc hiện nay còn lưu trữ 14 tấm bia, trên những tấm bia này khắc các bài thơ của những vị tiến sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Những tấm bia lưu lại dấu ấn lịch sử của chùa, mang giá trị văn hóa lâu đời của Hà Nội.
- Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc: Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc, được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng - nơi đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Có lời tương truyền rằng: “Cây bồ đề mọc ra từ một nhánh lấy từ chính cây gốc ở Bodh Gaya bên Ấn Độ, nơi Đức Phật đã ngồi tu và đạt Giác ngộ”.
Địa chỉ: phía Đông bên Hồ Tây, số 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chùa Hà
Nằm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Chùa Hà là một trong những quần thể chùa chiền đẹp và thu hút rất nhiều phật tử, du khách ghé thăm. Nhưng nơi đây còn nổi tiếng hơn, với danh hiệu ngôi chùa cầu duyên linh nghiệm nhất miền Bắc. Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà hợp thành cụm di tích Đình - chùa Hà. Ngôi chùa này thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian, tới nay chùa Hà vẫn giữ được nét đẹp vốn có.
Theo tích xưa, chùa Hà Hà Nội do 1 gia đình làm gốm sứ giàu có quê ở Bối Khê công đức, xây dựng nên. Bên phải ngôi chùa là ngôi đình Hà thờ 2 vị Thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý - các tướng của Triệu Việt Vương. Qua bao năm tháng, ngôi chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa với tầm vóc to đẹp, khang trang như ngày nay. Không biết từ bao giờ, người dân Hà thành đã coi chùa Hà là nơi cầu duyên linh ứng. Những bạn trẻ chưa vợ, chưa chồng đến chùa để sắp lễ khấn cầu tìm được một nửa yêu thương. Những cặp đôi đang yêu cũng thành kính mong đợi tình duyên luôn êm đẹp, trăm năm hạnh phúc.
Dọc con phố đường vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng - loài hoa là biểu tượng của tình yêu. Các cửa hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán nhiều vòng nhẫn theo cặp. Vì vậy, đầu năm đến chùa, ngoài việc cầu xin bình an, tài lộc, người ta còn mong cầu cuộc sống lứa đôi thêm yên ấm, hạnh phúc, tình cảm mãi bền chặt không phai.
Địa chỉ: Phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Chùa Bộc
Chùa Bộc là nơi lưu giữ chiến công vang dội của nghĩa quân Tây Sơn Tết Kỷ Dậu 1789, ghi dấu một trang sử vàng trong lịch sử dân tộc ta. Chùa Bộc trở thành điểm tham quan, ngôi chùa nhất định phải đến khi ghé thăm đất Thủ đô. Xưa, chùa nằm trong khu vực diễn ra trận Đống Đa vang danh lịch sử Tết Kỷ Dậu năm 1789. Sau lưng là nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn, chùa Bộc trở thành một trong những gò chôn xác giặc Thanh nổi tiếng nhất. Nay, chùa nằm giữa phố Chùa Bộc sầm uất bậc nhất Hà thành nhưng vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính, tĩnh lặng ấy. Không chỉ là nơi dâng hương thờ Phật, chùa Bộc Đống Đa Hà Nội còn là nơi người dân và du khách thập phương đến để kiếm tìm sự thanh thản giữa chốn phồn hoa đô hội. Ban đầu, chùa Bộc chỉ thờ Phật. Sau này, để thể hiện lòng tôn kính, chùa thờ thêm cả vua Quang Trung và những người lính đã hy sinh anh dũng trong trận chiến năm ấy. Không chỉ thờ vong linh quân ta, vua Quang Trung còn cho xây dựng một ngôi miếu nhỏ, đặt tên là Thanh Miếu để thờ vong linh của những tướng sĩ nhà Thanh đã tử trận.
Chùa Bộc không đơn thuần chỉ là nơi dâng hương thờ Phật mà còn là một công trình kiến trúc đặc biệt, quy mô kiến trúc bề thế bậc nhất Hà thành. Chùa có hình dáng chữ Đinh bao gồm Tam Quan Ngoại, Hồ Tắm Tượng, Tam Quan Nội, Tiền Đường, Thượng Điện, Nhà Tổ, Nhà khách, Thanh Miếu, vườn tháp. Không chỉ thu hút du khách thập phương đến dâng hương cầu bình an vào các dịp đầu năm, ngày rằm mà chùa Bộc còn là nơi tổ chức lễ hội Gò Đống Đa. Lễ hội được tổ chức như một sự tưởng nhớ, tôn kính công lao của những anh hùng đã nằm xuống cho trang sử dân tộc được viết tiếp.
Lễ hội được tổ chức thường niên với các màn rước kiệu, múa rồng mãn nhãn, các chương trình văn nghệ sử thi hấp dẫn. Thời gian diễn ra lễ hội là mùng 5 Tết Âm lịch hằng năm, nhớ đến dâng hương tưởng nhớ về chiến công hiển hách Ngọc Hồi – Đống Đa bạn nhé!
Địa chỉ: xã Khương Thượng, nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chùa Láng
Thăng Long - Hà Nội được biết đến là trung tâm chính trị, tôn giáo của đất nước từ rất lâu đời. Qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây đã gìn giữ biết bao đền chùa cổ kính, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Trong số đó, không thể không nhắc đến ngôi chùa mang danh Đệ Nhất Tùng Lâm - Chùa Láng. Chùa Láng còn được biết đến với tên gọi khác là Chiêu Thiền tự. Ngôi chùa Hà Nội này cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Trên đường đến chùa, bạn có thể kết hợp ghé thăm nhiều đình, chùa, di tích nổi tiếng trong khu vực quận Đống Đa như Gò Đống Đa, chùa Phổ Giác, đình Kim Liên, Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhiều địa điểm thú vị khác.
Tương truyền, Chùa Láng được khởi công xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 - 1175), thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo dân gian, vị thiền sư này đã đầu thai làm con trai của nhà quý tộc Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông), sau đó được nối ngôi làm vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 - 1138) khi vua không có con. Vì sự tích ấy, Lý Anh Tông, con trai của Lý Thần Tông đã cho dựng nên chùa Láng để thờ phụ vương và tiền thân của ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó có các lần quan trọng nhất vào các năm 1656, 1901 và 1989. Theo các tài liệu ghi lại, Chùa Láng trước đây có tổng cộng 100 gian, được xây dựng theo phong cách kiến trúc nội công ngoại quốc. Kiểu kiến trúc này đã phổ biến ở Việt Nam từ thời xưa, với đặc điểm là có hai hành lang dài kết nối nhà tiền đường và hậu đường tạo thành một khung hình chữ nhật đóng kín, ở giữa có thể là nhà thiêu hương hoặc nhà thượng điện.
Hiện nay, Chùa Láng vẫn giữ được sự uy nghi, bề thế với một quần thể công trình hài hòa và cân đối với không gian xung quanh. Sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc chùa với thiên nhiên, sân vườn và những cây cổ thụ tạo nên một không gian yên bình và tĩnh lặng. Chùa Láng trước đây từng được mệnh danh là “Đệ Nhất Tùng Lâm”, mang ý nghĩa là nơi có rừng thông đẹp bậc nhất ở khu vực phía Tây kinh thành Thăng Long. Mỗi năm, vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch, người dân tại phường Láng Thượng lại tiến hành tổ chức lễ hội Chùa Láng với nghi thức trang trọng. Đây cũng chính là ngày sinh của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động thú vị, nhưng đặc biệt là phần rước kiệu Thánh từ Chùa Láng đến chùa Hoa Lăng để thăm thân mẫu. Tại lễ hội, người ta còn tái hiện lại cuộc đấu thần giữa Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và sư Đại Điên.
Địa chỉ: 116 phố Chùa Láng, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Hương
Ngôi chùa ngoài tên thường gọi là chùa Hương Hà Nội thì còn có tên khác là Chùa Trong - Trung tâm của quần thể di tích Phật giáo linh thiêng gồm nhiều ngôi đền, chùa lớn nhỏ xây dựng trong các vách đá vôi của động Hương Tích. Lối đi dẫn vào chùa Hương rộng và mang nhiều nét bí ẩn, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến động Hương Tích có hình thù của con rồng đang há miệng. Trên vách đá có nhiều chữ Hán Cổ từ năm 1770. Bên trong hang có đặt nhiều tượng Phật được tạc từ đá xanh như tượng Đức Phật, tượng Quan Âm. Người hành hương cho rằng chạm vào các nhũ đá mọc trong hang sẽ mang lại nhiều điều may mắn. Không khí bên trong chùa rất mát mẻ và trong lành giúp khách du lịch cảm thấy thanh thản, yên bình. Quang cảnh ở đây nhộn nhịp nhất vào dịp lễ hội chùa Hương kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Tư.Bạn cũng nên dành thời gian dừng lại và thưởng ngoạn quang cảnh trên đường đến chùa vì phong cảnh rất thú vị, điểm xuyết là những cây ăn quả bao gồm mơ và các loại dược liệu do người dân địa phương trồng. Các ngôi chùa khác có thể tham quan trong quần thể bao gồm Đền Vọng, Động Thuyết Kinh và Chùa Thiên Sơn.
Địa danh chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Ba trong dân gian. Chùa có truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện, người sau này giác ngộ và trở thành Avalokiteśvara - một vị thần Phật giáo. Tương truyền, hổ thiêng đã che chở cho công chúa Diệu Thiện trên đường lên dãy Hồng Lĩnh, nơi bà an cư trong hang đá và tu hành theo đạo Phật. Ngôi chùa ở tỉnh Hà Tĩnh được cho là có từ thế kỷ 13, xuất hiện sớm hơn nhiều so với chùa Hương ở Hà Nội.
Lễ hội chùa Hương là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất sau Tết Nguyên Đán ở miền Bắc Việt Nam, thu hút hàng triệu Phật tử và du khách thập phương. Đây cũng là lễ hội kéo dài nhất ở Việt Nam. Thời gian lễ hội kéo dài từ ngày 06 tháng Giêng Âm lịch đến ngày 06 tháng Ba Âm lịch. Nhưng lễ hội chính diễn ra từ ngày 15 - 20 tháng Hai Âm lịch. Trong lễ hội, các sự kiện tâm linh được diễn ra bao gồm: lễ dâng hương, lễ rước và lễ thiền. Có ba tôn giáo được dành riêng trong lễ hội này: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Được coi là địa điểm tôn giáo vô cùng linh thiêng, chùa Hương và lễ hội của chùa đã thu hút hàng nghìn lượt khách hành hương về Việt Nam để cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Đặc biệt, những người khó sinh cũng cầu mong sự phù hộ cho khả năng sinh sản của mình.
Địa chỉ: xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Pháp Vân
Trước đây, Chùa Pháp Vân được gọi là Long Hưng. Thời gian xây dựng ngôi chùa vẫn là một bí ẩn, nhưng theo bia cổ còn lưu giữ trong chùa thì việc trùng tu đã diễn ra vào thời vua Thành Thái, tức hơn 100 năm trước đây. Ngày nay, chùa Pháp Vân Hoàng Mai Hà Nội mang vẻ đẹp khang trang và bề thế khi được cải tạo lại vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chùa được đổi thành tên gọi hiện tại vì đây là nơi thờ cúng Pháp Vân - một trong tứ Pháp theo tín ngưỡng của người Việt, gồm Pháp Vân tức Thần Mây, Pháp Vũ tức Thần Mưa, Pháp Lôi tức Thần Sấm, Pháp Điện tức Thần Chớp. Bốn vị thần này thể hiện sự kết hợp giữa đạo Phật và tín ngưỡng bản địa vào thời điểm phật giáo từ Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam.
Về kiến trúc tổng thể, Chùa Pháp Vân có Tam Quan và Chính Điện, đằng sau là Nhà Tổ và hai Tăng Xá. Chùa được xây dựng lại trên khu đất rộng hơn 7000m2, có quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây. Ngay khi bước vào cổng chùa, du khách sẽ không khỏi ấn tượng bởi khoảng sân chùa rộng cùng hai hàng cây lớn trước Đại Hồng Bảo Điện, còn gọi là Điện chính. Bước qua 13 bậc thang nối sân với điện là thấy bức tượng Phật thếp vàng với hai bên là bức tượng tỳ hưu bằng đá. Đây cũng là nơi đặt tượng thờ Pháp Vân. Ngoài ra, di tích này còn có các khu thờ chính khác như Chính Điện, Nhà Tổ và Nhà Mẫu. Mặc dù được xây mới nhưng chùa vẫn giữ nét kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
- Cổng Tam Quan: Ngay phía trước mặt đường Giải Phóng là cổng Tam Quan với kiến trúc uy nghi, cao ba tầng, mái uốn cong và khắc hình rồng phượng. Tầng trên cùng được treo một quả chuông đồng lớn. Cổng này chỉ mở ra trong các dịp lễ của chùa. Vào những ngày bình thường, du khách sẽ đi vào qua cổng phụ bên trái. Khi bước qua cửa Tam Quan, bạn sẽ cảm thấy sự bình yên của nơi thiền tự, thay cho tiếng ồn ào và nhịp sống hối hả của phố xá.
- Khu Chính Điện: Trong khu Chính Điện, tượng Phật đồ độ nằm ở vị trí cao nhất, mang vẻ đẹp uy nghiêm, linh thiêng. Mỗi bức tượng cạnh đó như một cách thể hiện suy nghĩ và tâm tưởng của chúng sinh, gợi lên cảm giác nương nhờ Đức Phật và sự bình an giữa cuộc sống bộn bề. Trước khu Chính Điện, bạn có thể thấy tượng lớn nhất là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, tiếp theo là các bức tượng A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, và hai bên phía trước là Bồ Tát Văn Thù, Đức Bồ Tát Phổ Hiền và Đức Bồ Tát Địa Tạng. Các vị Bồ Tát này tượng trưng cho các đức tướng hạnh nguyện của các vị phật khi các ngài còn hành Bồ Tát đạo. Phía sau là ban thờ các vị sư tổ, và Trụ trì của chùa là Đại Đức Thích Thanh Huân.
- Nhà thờ Mẫu: Sau khi đi qua một sân nhỏ ở phía sau Đại Hồng Bảo Điện, du khách sẽ đến nhà thờ mẫu tại chùa Pháp Vân. Giống như nhiều ngôi chùa khác ở miền Bắc hiện nay, di tích này không chỉ thờ Phật mà còn thờ Mẫu. Khu nhà Mẫu của chùa rộng lớn nhưng hệ thống tượng thờ ở đây không quá đồ sộ như ở khu Chính Điện. Phần lớn các bức tượng tại khu Mẫu là tượng cổ, trong đó có những pho tượng đã hơn trăm năm tuổi.
Địa chỉ: Số 1299 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội
Chùa Quán Sứ
Tìm hiểu những ngôi chùa Hà Nội đẹp, linh thiêng thì du khách nhất định phải check in chùa Quán Sứ. Ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm, là điểm đến yêu thích của du khách và người dân địa phương. Tọa lạc ngay trung tâm Hà Nội, chùa Quán Sứ cũng là địa điểm hành hương lớn của các tăng ni, Phật tử và khách du lịch khi đến Thủ đô. Ngôi chùa Hà Nội này được thành lập vào khoảng thế kỷ XIV - XV, nổi tiếng là một trong những danh lam cổ tự bậc nhất ở Hà Thành.
Qua thời gian, chùa đã nhiều lần tu sửa và xây dựng. Ngày nay, công trình chùa bao gồm các hạng mục: tam quan, chính điện, thư viện, tăng phòng, giảng đường và nhà khách. Đến đây, bạn sẽ thấy tổng thể chùa Quán Sứ Hà Nội là sự kết hợp tinh hoa kiến trúc từ các ngôi chùa lớn ở miền Bắc, tuân theo bố cục "nội Công ngoại Quốc". Ngoài những pho tượng lớn, thếp vàng lộng lẫy, ngôi chùa Hà Nội này còn lưu trữ nhiều tài liệu, thư tịch Phật giáo và là một trong những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Du khách có thể đến chùa Quán Sứ vào bất cứ thời điểm nào.
Vào các ngày mùng 1, ngày rằm hay dịp lễ Tết, các Phật tử và du khách thường về đây để cầu bình an, sức khỏe, may mắn, vạn sự hạnh thông cho bản thân và gia đình. Hằng năm, chùa còn tổ chức hoạt động mừng Lễ Phật Đản, Lễ Quy Y Tam Bảo, Lễ Mông Sơn Thí Thực.
Địa chỉ: Số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .