Top 10 Bài thơ hay của nhà thơ Tương Phố

1067

Tương Phố (1896-1973) tên thật là Đỗ Thị Đàm, sinh tại Đồn Đầm, tỉnh Bắc Giang, nhưng nguyên quán tại làng Bối Khê, tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.Tương Phố bước vào...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

Khúc thu hận


Chàng đi buổi thu sơ năm ấy,
Thu năm về, nào thấy chàng về.
Chàng đi, đi chẳng trở về,
Thu về, thiếp những tê mê dạ sầu.

Làng mây nước biết đâu nhắn gửi,
Khoảnh đất trời để mãi nhớ thương;
Vì chàng, chín khúc đoạn trường,
Vì chàng, trăm mối sầu vương tháng ngày.
Thu xưa khóc, thu này lại khóc,
Năm năm thu, mảng khóc mà già.
Người xưa khuất, cảnh cũ qua,
Non buồn, nước lạnh, cỏ hoa tiêu điều.
Nỗi ly hận mây chiều gió sớm,
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường.
Gió mưa tâm sự thê lương,
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!
Sầu ngây ngất những ngày thu lại,
Giọt ngâu tuôn lệ lại chan hoà...
Ngàn xanh sắc úa vàng pha,
Bông lau lả lướt là đà ngọn may.
Non nước với cỏ cây hiu hắt,
Khói mây tuôn, mặt đất chân trời;
Vời trông muôn dặm đường đời,
Bước trăm năm, luống ngậm ngùi cho thân.

Kể từ độ phong trần lạc bước,
Mười lăm năm mặt nước cánh bèo;
Gieo lòng theo ngọn thuỷ triều,
Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nước sa!

Con măng sữa nay đà mười sáu,
Chốn hầu môn nương náu đức dầy;
Sách đèn cơm áo bấy nay
Vì con, nuốt hết chua cay nỗi đời!
Phong lưu để ngậm ngùi tấc dạ,
Chén vinh hoa, lã chã giọt hồng!
Khóc than khôn xiết sự lòng,
Bèo xuôi sóng ngược cho lòng xót xa.
Khăn lệ cũ, chan hoà lệ mới,
Mối sầu xưa, chắp nối sầu nay;
Tân sầu cựu hận bao khuây,
Nắng sương, một vóc mai gầy thảm thương.

Thu năm về, thê lương dạ cũ,
Nước dòng thu khôn rũ tâm sầu;
Bi ca một khúc bên lầu,
Trăng thu dãi bóng, gió thu lạnh lùng.


Nguồn: 1. Nam Phong tạp chí, số 164, 1931
2. Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960


Bài thơ thể hiện nỗi đau đớn khôn xiết của tác giả trước cảnh mất chồng cùng với nỗi đau khổ khi mà phải cắn răng chịu đựng để nuôi dưa con thơ ma không có ai bày tỏ nỗi lòng.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 1
(có 0 lượt vote)

Tái tiếu sầu ngâm


Đàn xưa, ai dứt dây đàn?
Đứt dây từ đấy, chứa chan mạch sầu!
Ngày xanh chi dở dang nhau,
Tuổi xanh nghi buổi bạc đầu mà thương.
Vóc mai gầy gỏ tuyết sương,
Mấy thu chiếc bách cánh buồm bơ vơ.
E dè buổi gió chiều mưa,
Con côi, mẹ goá, dễ nhờ nương đâu?
Bước đi, âu cũng thương nhau,
Dừng chân đứng lại cơ mầu dở dang.
Dây loan chắp nối đoạn trường,
Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa!

Dễ âu duyên mới du mà,
Còn tình chăng nữa, cũng là luỵ thôi.
Trăm năm danh tiết lỡ rồi,
Dẫu thân chung đỉnh cũng đời bỏ đi.
Đào tơ sen ngó từ khi,
Ngây thơ đôi lứa ngờ chi nỗi này.
Uyên ương chia rẽ bấy nay,
Lạc bầy chắp cánh, thẹn ngày giao hoan.
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Bến xưa ngoảnh lại muôn vàn thương tâm!

Thuyền ai, não khách ôm cầm,
Dây tơ dìu dặt, âm thầm tiếng tơ.
Khúc thành, lệ ứa như mưa,
Cảm xoang điệu cũ bao giờ cho thôi.
Thân này, đôi dẫu đủ đôi,
Lòng này, riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!
Theo duyên ân ái đèo bòng,
Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.

Trông về lối cũ Bình Hương
Sông quanh chín khúc đoạn trường quặn đau!
Non cao, thẳm ngất non sầu,
Cảnh xưa ai vẽ nên mầu thê lương.
Tình xưa càng nghĩ càng thương,
Biết bao khoảng vắng đêm trường khóc nhau.
Gối nghiêng tầm tã tuôn châu,
Màn hoa chăn gấm giọt sầu chứa chan.
Cửa hầu, gửi áng xuân tàn,
Chén vinh hoa, nhấp muôn vàn đắng cay.
Nỗi lòng chua xót ai hay,
Tấm thân bồ liễu võ gầy riêng thương.
Vì chàng tâm sự dở dang,
Vì con, thôi mấy đoạn trường cũng cam.

Nghĩ vui đuốc tuệ hoa đàm,
Cha già, con dại, dễ làm sao đây?
Chàng từ cưỡi hạc chơi mây,
Bụi hồng, nào biết những ngày gió mưa.
Đau lòng thiếp, nỗi sau xưa,
Cửa nhà, non nước như tơ rối bời.
Lòng nào lòng tưởng vui cười,
Cũng thân nghiêng ngửa với trời đa đoan.
Nỗi đời nếm hết tân toan,
Khôn ngoan chi mấy mà oan trái nhiều!

Nước non duyên nợ nghĩ liều,
Cầm như con trẻ chơi diều đã xong.
Nỗi riêng lệ ứa đôi dòng,
Trăm năm để một tấm lòng từ đây!

Nguồn: 1. Nam Phong tạp chí, số 147, tháng 2-1930
2. Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960

Bài thơ thể hiện nỗi đau đớn của nhà thơ khi mà chồng mất, vì con phải tái hôn với người khác cùng nỗi lo lắng cuộc đời khi mà phải chăm sóc cho người cha già và đứa con còn nhỏ.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 2
(có 0 lượt vote)

Mất mẹ


Anh ôi, em mất Mẹ rồi!
Một trời đông lạnh, mấy hồi thê lương!
Sương sa, giọt lệ canh trường,
Quê nhà tang Mẹ, tha hương tình chồng.

Nguồn: Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960


Bài thơ được tác giả sáng tác để bày tỏ nỗi đau đớn khi mà mẹ mất nhưng mà người chồng lại không ở bên. Đồng thời nó còn thể hiện nỗi nhớ chồng của tác giả.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 3
(có 0 lượt vote)

Tim em


Tim em tan nát từ năm ấy
Những vết thương đau mãi chẳng lành,
Tuổi trẻ dễ tin, em những chắc,
Duyên sau chắp lại mối tơ mành.

Hạnh phúc đời em, ai cướp cả?
Em theo ân ái chẳng may gì,
Hờn duyên, em lại nhìn cha khóc,
Ứa lệ, cha em ngoảnh mặt đi!

Từ đấy thương cha em nín khóc,
Cha em thường thấy mặt em vui
Người đời cũng tưởng em sung sướng
Em biết tim em đã nát rồi!

Em cười phong kín hai hàng lệ,
Lệ ứa thương em lỡ cuộc đời,
Thổn thức canh dài em dẫu khóc,
Nhưng mai, son phấn lại tươi rồi!

Vì đứa con côi, em phải sống,
Nuôi con rỏ lệ máu tim hoà,
Muôn vàn hạnh phúc hy sinh hết,
Tim nát, thời gian lặng lẽ qua!...

Nguồn: Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960


Bài thơ bày tỏ sự đau khổ khi mất chồng của tác giả. Nhưng vì đứa con côi mà tác giả vẫn phải kiên cường sống sót chăm lo cho con dù cho phải tái hôn hay là con tim đã tan nát mong được thời gian chôn vùi đi.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 4
(có 0 lượt vote)

Khúc tương tư


Đông Tây xa cách bấy lâu,
Nay buồn vơ vẩn, mai sầu ngẩn ngơ;
Chân mây, cánh nhạn đề thơ,
Mái tây, mấy độ hững hờ trăng soi.
Ngàn trùng non nước nào ai,
Bâng khuâng một mối viễn hoài năm canh.
Khúc tương tư giữa đêm thanh,
Giọt ba tiêu khéo, bên thành, điểm mau!

Nguồn: Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960


Bài thơ thể hiện nỗi tương tư của tác giả về quá khứ đã qua trong đêm thanh vắng.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 5
(có 0 lượt vote)

Hòn Chồng


Hòn Chồng nhớ buổi hôm nay,
Ất Mùi thu dạo gót giầy khách du.
Thời gian tung lớp bụi mù,
Ngàn thu sau hội khách du chốn nào?
Vẫn Hòn Chồng ngạo nghễ cao,
Sóng xô hoa tuyết, biển gào tang thương.

Nguồn: Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại - quyển thượng, NXB Xuân thu, 1990


Bài thơ thể hiện nỗi nhớ chồng da diết của tác giá cũng như Hòn Chồng kia dù có bao lâu hay là có trải qua bao thăng trầm đi nữa thì vẫn sừng sững không đổi.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 6
(có 0 lượt vote)

Đời đáng chán


Đời đáng chán nghĩ thôi khôn xiết,
Tháng lại ngày dễ biết bao khuây;
Trăm năm giấc mộng tỉnh say,
Cười no khóc chán, đắng cay đã thừa.
Giọt lệ nọ thấm chưa khô hết,
Mối sầu kia đã kết nên dây;
Mênh mang bể thảm tràn đầy,
Cánh buồm mỏng mảnh não ngày phong ba;
Đứt lại đứt lòng ta ta biết,
Lệ hồng chan đẫm hết khăn hồng;
Đường kia nỗi nọ vò lòng,
Muốn đem thân lánh xa vòng trần ai.
Nghĩ đeo đẳng kiếp người thêm khổ,
Nát tâm can nào có nên gì?
Lòng đau giọt lệ lâm li,
Biết bao nhiêu lệ từ khi biết đời!...


Nguồn: Nam Phong tạp chí, số 171, tháng 4-1932


Bài thơ thể hiện nỗi đau buồn đối với cuộc đời của tác giả sau khi đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 7
(có 0 lượt vote)

Đề ảnh


Ảnh người thơ mộng bến Tương giang,
Đã một chiều thu khóc gió vàng.
Chiếc bách lênh đênh hai sóng nước;
Mối sầu héo hắt nửa can tràng.
Tấn tuồng tạo hoá vai chua chát;
Quán trọ phù sinh khách lỡ làng.
Dồn cuộc trăm năm còn giọt lệ
Thấm lan giấy mực mấy muôn hàng.

Nguồn: Phạm Thanh, Thi nhân Việt Nam hiện đại - quyển thượng, NXB Xuân thu, 1990


Bài thơ được sáng tác để bày tỏ tâm tình của nhà thơ trước cảnh chiều thu bến Tương Giang, đồng thời còn nói lên nỗi bâng khuâng về cuộc đời của tác giả.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 8
(có 0 lượt vote)

Âm thầm


Đời hiu quạnh có Cha ấm cúng,
Ngờ đâu nay, Cha cũng lại đi;
Bao người thân dứt ra đi,
Lòng con còn thiết tha gì thế gian!
Con ở lại, muôn vàn gắng gượng,
Biết bao nhiêu ngang chướng cuộc đời!
Nhớ Cha, khôn tả nên lời,
Nhớ câu tâm sự, nhớ lời văn chương.

Thương Cha, buổi tà dương bóng xế,
Cảnh nước non luống để bận lòng;
Tản cư bao nỗi long đong,
Phơ phơ mái tóc, thôi đông lại đoài.
Cảnh già túng nào ai lân tuất?
Khắp xa gần chật vật như nhau;
Nay đây, mai chắc ở đâu?
Nhà tan, nước loạn, dạ sầu ngổn ngang;
Con cái, kẻ mây ngàn hạc nội,
Loạn li này biết hỏi phương nao?
Băn khoăn sớm tối ra vào,
Bệnh xưa lại phát thuốc nào chữa đây?
Chứng hàn lị lâu ngày, chứng khó,
Ngoài lá mơ nào có thuốc chi;
Ngày ngày dò dẫm ra đi,
Hỏi han, ai mách thuốc gì cũng theo.
Đau yếu trong cảnh nghèo nỗi túng,
Đời tang thương, lòng cũng tang thương!
Đành vào tĩnh dưỡng Phúc đường,
Thuốc men săn sóc Nhà thương, nhờ người.
Mười lăm ngày Cha ơi, thấm thoắt,
Thuốc Nhà thương chẳng mát bệnh già,
Con đi, em Yến vừa xa,
Kịp đâu ngờ tới phút Cha qua đời.
Bẩy mươi tám tuổi trời chua xót,
Lúc lâm chung thảng thốt không ai;
Rể, dâu, thăm thắm phương trời,
Gái, trai, nội, ngoại, nào ai bên màn?

Thôi, Cha ơi, giang san nghiêng ngửa,
Buổi loạn li than thở thêm buồn!
Từ đây mặc cảnh nước non,
Chèo lan, Cha nhẹ cánh buồm chơi mây.
Riêng con, khoảng tháng ngày ngơ ngẩn,
Lòng nhớ Cha, vơ vẩn, vẩn vơ;
Ảm thầm mong phút chẳng ngờ,
Bên kia thế giới Cha chờ đợi con!

Đời suông tẻ lòng con cũng chán,
Cảnh cô đơn vô hạn thê lương!
Lại nghèo nữa, mới dở dang,
Một nhìn thấu hết viêm lương tình đời!
Cha thương con những lời than thở,
Còn nhớ đêm ngồi ở đầu hiên;
Giờ đây, dưới bóng bên thềm,
Ứa bao nhiêu lệ, giữa đêm thu tàn.
Song Khê vẫn quan san cách trở
Biết còn không? Biết ở phương nao?
Mấy năm xa vắng âm hao,
Gặp Cha, còn giấc chiêm bao hoạ là!

Con nhớ Cha năm qua càng nhớ,
Tủ sách xưa, lần giở lại buồn!
Không Cha, sách cũng vô hồn,
Mặc dầu phơi phóng, đâu còn duyên xưa!
Chủ nhân ông phơ phơ râu tóc,
Dưới đèn khuya, say đọc cổ văn;
Một đi về cõi xa xăm,
Non Bồng nước Nhược âm thầm bút nghiên.

Còn phảng phất bên đèn dưới trướng,
Những đêm thanh sung sướng hầu Cha:
Quây quần đông đủ một nhà,
Các con chầu chực mong Cha cất lời.
Nghe Liêu trai, quên đời, say truyện,
Cảm tình ma, lưu luyến mơ tiên;
Giọng Cha đầm ấm có duyên,
Văn hay, tích lạ, càng thêm đậm đà.
Câu nghĩa lí thiết tha giảng giải,
Đoạn thế tình phải trái khuyên răn;
Có đêm cao hứng bình văn,
Câu thơ cảm khái, giọng ngâm tiêu hồn!
Bao kỉ niệm lòng con cảm nhớ,
Anh hồn Cha nay ở phương nao?
Ngất trời khói lửa binh đao.
Bể dâu một cuộc biết bao đau lòng!

Con nhớ Cha, bên song ngồi ngẩn,
Nhìn trăng tà, bóng lẩn về Tây;
Cha ơi! Há một đêm nay,
Mất Cha, muôn kiếp chưa khuây hận lòng!

Nguồn: Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960


Bài thơ được nhà thơ viết để tưởng nhớ người cha đã mất cùng với những kỉ niệm với người Cha kính yêu. Đồng thời còn giải tỏa nỗi lòng day diết, tình cảnh khốn khó của nhà thơ.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Top 9
(có 0 lượt vote)

Giọt lệ thu


Âm thầm... tặng hương hồn
Anh Thái Văn Du
xa lánh trần ai năm ba mươi tuổi.

Khóc nhau còn giọt lệ này,
Hoà cùng giọt mực ghi ngày biệt nhau.
Người đi thu ấy về đâu?
Để năm thu lại mối sầu riêng ai!

Bao giờ quên được mối tình xưa!
Sinh tử còn đau mãi đến giờ.
Giấc mộng tìm nhau tìm chẳng thấy,
Mênh mang biển hận, hận không bờ!

Thân ái tặng
Chị Thân Thị Cung
Một người chị Bắc Nam duyên hội, phương trời cách xa...
Một người bạn gái cầu đoạn trường cùng qua một dịp, duyên lửa hương chung kiếp lạnh lùng, nắng mứa một bước phong trần, đò ngang gượng đáp âm thầm... thương nhau!

Duyên chẳng hẹn trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh Thái Văn Du mất ở Huế ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh Thân, đôi lứa trẻ trung, kẻ Nam người Bắc, khi sống đã xa nhau, lúc mất lại không gặp mặt, lòng em thương xót bao giờ cho nguôi!

Trời thu ảm đạm một mầu,
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em,
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng!

Anh ơi! Thu về như gợi mối thương tâm. Mỗi độ thu sang em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại. Hỏi ba sinh hương lửa thời ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau? Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu, xui nên chăn gối vừa êm, lửa hương mới bén, sắt cầm dìu dặt ngón đàn, bỗng ai xô lộn bình tan gương vỡ cho người dở duyên!

Than ôi! Minh dương đôi ngả, gió mây hội ấy, anh đi đi mãi, năm tháng thường về, người không dấu vết. Em muốn tìm anh tìm chẳng thấy, hôm sớm bâng khuâng buồn lại nhớ, thương nhau gày gỏ khóc vì nhau.

Anh vui non nước bấy lâu, bụi hồng khuất nẻo dứt đường cá chim, trông bốn phương trời mây buồn vơ vẩn, em còn biết đâu là lối phượng bay mà tìm. Chốn phòng loan từ thủa vắng anh, lệch làn chăn gối đượm sầu, giường xưa chiếu cũ nghiêng xiêu, thu đông đến chẳng cùng em ân ái nữa. Giấc cô miên trằn trọc suốt canh dài mắt muốn nhắm đi, lòng nào có ngủ, đường kia nỗi nọ, trăm năm tâm sự, khôn đem hồn mộng gửi chiêm bao!

Ngày tới đêm lui, hôm mai lần lữa, những ngậm ngùi than thở xót cho thân. Than ôi! Lênh đênh sóng nước một con thuyền, phong ba cuộc thế mấy phen dập vùi. Nghĩ như cánh buồm bạt gió, bể hận không bờ, con chèo tuyệt vọng khôn dò bến, em nay còn biết buông theo ngả nào! Trên cầu đoạn trường, sầu dường bể, khắc như năm, võ gày thảm thiết thương anh, trăm mối tơ lòng không tung mà rối.

Xuân qua hạ lại, cảnh tình đã chẳng khác chi đông; thu sang tâm sự lại dạt dào, thương tâm gió buổi mây chiều, lòng em lai láng biết bao sầu tình!

Anh ơi! Phòng thu vò võ một mình, mỗi khi nhớ anh, em lại ngừng tay kim chỉ, cuốn bức châu liêm xa trông non nước, và hồi tưởng những đường xưa lối trước đi về có nhau, thì muôn nghìn tâm sự bây giờ lại như xô lùi em vê cảnh đời dĩ vãng, mà rồi ngọn trào trong dạ cũng mênh mang con sóng lệ. Em nhiều khi cũng nghĩ thương nước mắt, muốn thôi đi không khóc nữa, nhưng hai hàng châu lệ vẫn cứ chan hoà như mưa!

Nước non ngao ngán tình xưa,
Trăm năm bạn cũ bây giờ xa đâu?
Để riêng ai
Bức khăn hồng tầm tã giọt châu
Gối chăn còn ngấn lệ sầu đến nay!

Anh ơi! Nước non còn đó mà anh vội đi đâu? Ngày xanh sao chẳng ở cùng nhau, duyên thắm nỡ nào chia rẽ lứa. Ngoài nội uyên kia cùng chắp cánh, trên nương én nọ chẳng lìa đôi, tung mây kết bạn ngang trời, nghĩ chim ríu rít tủi người lẻ loi.

Ôi! Chim có đôi, người sao lẻ bạn, chăn đơn gối chiếc em biết cùng ai than thở chuyện trăm năm. Đành em phận mỏng cánh chuồn, tóc tơ ngắn ngủi, cùng anh không có phúc nối duyên lâu dài. Nhưng gieo chanh rắc ớt, chua cay lòng trẻ, để đến duyên này chếch mác dở dang, cũng bởi tại khuôn xanh kia đã quá tay lừa lọc. Trời ơi! Ba sinh hương lửa, đã cho duyên kiếp ái ân bạn đời, ví dầu chẳng để trăm năm nữa, cũng cho xuân thu đắp đổi độ vài mươi năm, cho cam tấm lòng trẻ thơ khăn túi. Nỡ nào chắt chiu én mới một xuân qua, đã đem sinh li tử biệt chia phôi bước đường.

Con còn trong cữ chưa se rốn, vợ qua bể cạn chửa hoàn hồn, anh đã vội vàng dứt áo ra đi. Ôi! Ra đi nào phải đi gần, dặm đường Âu Mỹ ngàn trùng nước non. Buổi tiễn đưa nhìn anh thôi lại nhìn con, giọt hồng lã chã, chén quan hà những uống lệ mà say!...

Anh sang Tây, em cũng tính ngày về Bắc, con vừa đầy tháng em đã bước lên đường.

Nghĩ vợ chồng lấy nhau mùa thu, biệt nhau chưa kịp qua thu, đất khách quê người, gánh tình sẻ nửa, dặm sầu chia hai, mà nay em ra về, nước non như vẽ cảnh đoạn trường!

Thôi, từ đây cảnh trời Phan Thiết rẽ hai thâm tình! Than ơi! Cùng nhau đương hợp mà tan, nghĩ nguồn cơn ấy thì thà rằng đôi lứa như chim, lại không biết có cái thảm những ngày gió mưa chia rẽ.

Gió mưa chim chẳng lìa đôi,
Giữa đường ân ái não người lẻ duyên;
Lai sinh nguyện chắp cánh uyên,
Cao bay chang đ ể khuôn thiêng lọc lừa.

Anh ơi! Một năm hoa mấy thời xuân, bốn mùa trăng dễ mấy rằm trung thu. Trăng đẹp khi tà, hoa thơm khi úa, đời xuân xanh ai trẻ mãi ru mà! Người yêu hoa đem lòng luyến ái, khách say trăng chén rượu vui mòi, những than ba vạn sáu ngàn ngày, sinh thú cõi trần ai không hơn gì mộng cảnh, cho nên thương hoa xuân tạ, cảm trăng thu tàn. Đã mang tấc dạ yêu say, khách chung tình không nỡ để vì mình mà trăng sầu hoa tủi. Em nay vì anh đến nỗi chừng xuân tơ liễu còn xanh, mà nửa làn tầm sự đã sang thu rồi! Than ơi! Anh đi chẳng lại, đã đành rằng duyên kia dang dở, nhưng ngày xanh quãng vắng em chờ đợi ai?!

Ngày xuân luống tiếc xuân dài,
Oanh đưa liễu đón duyên ai đi về.
Vui xuân đôi lứa đề huề,
Sầu xuân say tỉnh tê mê một người.
Xuân xanh duyên đã phai rồi,
Đời xuân thôi cũng là đời bỏ đi!

Anh ơi! Hờn xuân em lại giận trời, trời đa đoan phụ phàng con trẻ, nỗi dở dang này em biết than thở với ai đây? Theo duyên những ước duyên may, em có ngờ đâu giữa đường đứt gánh chung tình, anh đi để lại cho em những ngày mưa sầu gió thảm!

Con anh măng sữa, em còn thơ ngây, cuộc đời trăm đắng nghìn cay, trông vào ai, cậy vào ai? Đường gian nan chân chồn bước ngại, tới lui đã dở, nắng mưa dễ biết lánh vào đâu!

Đường mây vỗ cánh, lựa chiều bóng mát cây cao, chim kia còn hơn em có tô hôm mai đi về. Buông con mắt trông bốn phương trời, em chỉ ngậm ngùi rưng rưng nước mắt, mà không còn biết đâu là nơi hi vọng được những tháng ngày ấm no.

Trông vời đỉnh Rĩ mây che khuất, bơ vơ thân gái cõi phong trần, dở duyên em đành lại phải ôm con thơ quay về nương tựa gối cha già. Than ôi! Cha già nhà túng trông lên luông não tấm lòng thần hôn. Tóc da mười chín năm trời, kính ngọt dâng bùi, đền ơn trả nghĩa chưa mảy may nào. Nay tơ duyên đứt mối, giữa giòng chiếc bánh lênh đênh, mình chẳng yên được phận mình, lại còn đem tấm thân trôi nổi dạt vào lòng cha. Nhưng để luỵ đến cha già cũng là một điều vạn bất đắc dĩ, chứ lòng em có muôn thế đâu. Nghĩ cha em nửa đời gà sống nuôi con, cảnh ngày đã xế về hôm, mà vẫn còn đeo lo đeo nghĩ chưa được yên bụng già, thì em lại ngậm ngùi tấc dạ làm con, hai chữ thần hôn luống tủi lòng khuya sớm.

Thần hôn đã lỗi đạo thường,
Con côi mẹ goá lại nương cha già.
Muối dưa đắp đổi ngày qua,
Phơ phơ tóc bạc cũng sa giọt sầu!

Anh ơi! Quán nước làng mây chia rẽ lối, anh đi năm ấy buổi thu sơ, tính đến thu này đã bao lần khóm cúc nảy chồi, giò sen rũ lá, lòng em vật vã bấy lâu, đem thu mà ước cũng mấy tao đoạn trường! Nhưng mưa Ngâu lầm đất khi còn tạnh, gió vàng rụng lá buổi còn im, mùa thu có hẹn, ngày thu có chừng. Đến như một mối thương tâm đòi đoạn lòng người, thì còn có năm có tháng có ngày nào đâu! Tấm thân goá bụa, chợ trần ai vắng vẻ bạn thâm tình, em dẫu ước đem nghìn vàng đánh đổi một ngày vui xưa, cũng không bao giờ còn có nữa.

Ngày vui xưa đã không trở lại, phong vũ đoạn trường lại cứ năm năm mưa gió cùng về với thu, khiến cho em mỗi trận gió vàng lại một phen vật vã. Ôi! Thu xưa lệ rỏ, thu này châu sa, mỗi độ thu về mất bao nhiêu nước mắt!... Nhưng sao em khóc đã nhiều mà hồ lệ bên lòng vẫn không vơi được, cái tâm sự đắng cay lại cứ càng ngày càng thêm cay đắng.

Thu thường lại, ngày vui chẳng lại; thu thường đi, lòng hận chẳng đi; thương không có hạn, giận không có kì, người đi đi mãi, kẻ khóc khóc hoài. Chao ôi! Anh có biết đâu một sớm anh chơi mây, để lại tháng ngày em lẻ bạn!

Thu có hạn, sầu dài không hạn,
Cảm thu sang, nhớ bạn lứa đôi.
Đoạn trường biết mấy tao nôi,
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn.
Khúc uyên dạo dây đờn ai dứt,
Dao sầu kìa cắt đứt lòng son.
Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn,
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan!

Anh ơi! Gái Thiên tôn than thở khóc sinh li, năm năm còn được thấy Ngưu Lang trở lại, cầm sắt với dao cầm, dây đàn kia lại cùng nhau so phiếm cũ. Em nay đau lòng tử biệt, những ngậm ngùi kẻ khuất người còn, miền dị lộ nước mây thăm thẳm cách, non Bồng nước Nhược, vời trông anh bóng hạc biết về đâu! Cõi trần ai quanh năm uống lệ lại nuôi sầu, đoạn trường ấy anh biết cho nhau chăng nhẽ?

Năm theo anh mười bảy thơ ngây, đào tơ sen ngó, ái ân thủa đó, đem ngày xanh hẹn buổi bạc đầu. Em những chắc cùng nhau đôi lứa thiếu niên, Bắc Nam dù cách trở, hương lửa vẫn nồng nàn, thì nay dẫu xa xôi, mai rồi lại gặp gỡ, vả nước non còn đó, đâu hết cơ duyên. Nên chi con thơ măng sữa em chăm chút, chẳng phiền cha mẹ, chẳng phiền anh, rắp mong để yên lòng khoa danh gặp hội anh đua bước. Một mai nam nhi toại chí, dưới bóng tùng quân em cũng được nở nang mày mặt.

Than ơi! Những cậy mình tuổi trẻ khinh li biệt. Em nào có học đến chữ ngờ mà biết trước sinh li tử biệt đoạn trường dồn nhau! Sự duyên càng nói càng đau...

Nghĩ lại Âu du bước ấy có may gì! Quê người dầu dãi tuyết sương, mấy năm trời lao tâm khổ tứ, thang mây thăng một bực, tuổi thọ giáng bao nhiêu!

Ngót ba thu lần lữa đất Mác-xây, nghĩ luống thương anh yếu đau săn sóc cho người, môn Biển Thước thêm được bức văn bằng Thuộc địa Y khoa, lúc trở về đã hai làn phổi nát! Thảm thiết thay! Anh mang trọng bệnh lên đường vinh quy, trước khi bảng vàng ghi chép cái danh hão huyền kia, hẳn cũng không ngờ đâu ba chữ tên mình sắp đến ngày mò xoá trong sổ nhân loại thế gian!

Tin về đưa đến, Bắc Nam đôi ngả xa vời, chén tẩy trần, em những ngậm ngùi ngoài thiên lí, cuộc trùng hoan nào được thấy nhau. Nhưng cũng tưởng đầu xanh tuổi trẻ, ái ân còn dài, thì rồi đây vui sum họp âu sẽ có ngày cùng nhau hàn huyên kể lể giải sầu chia phôi. Nào hay đâu ông Tạo hoá cơ cầu, xui nên vật đổi sao rời trong phút chốc. Đương đau xa nhau, bỗng lại khóc mất nhau!

Ôi! Tin đâu xé ruột xé lòng!... Mảnh giấy xanh đưa đến tận nơi: Ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh Thân là ngày anh tạ đất tạ tròi, cướp công cha mẹ, dứt tình Vợ con, lìa rẽ anh em, chia đường kim cổ. Một gánh nợ đời trút cả cho người còn ở lại!

Chao ôi! Lưng trời sét đánh, em thật đã chết cả đời người. Thôi thế là thôi! Một dải khăn ngang, năm thân gấu xổ, trăm năm tâm sự còn nói năng gì!

Con anh nào đã biết mặt cha, thân côi cút trái đào ba tuổi, từ đây em dạy em nuôi, khoảng trời đất không mong gì còn có bố!

Nghĩ mà chua xót thương con, nhà không nóc, mưa gió mai ngày, cuộc đời xoay sở biết toan sao? Đoạn trường em lại biết bao giăng mắc. Con còn trẻ thơ lo ăn lo mặc, lo học lo hành, con khôn lớn lại phải lo sao cho thành danh phận, để chen vai nối gót với đời. Nghĩ như thân em sức vóc liễu bồ, cánh vây không có, hai bàn tay trắng, đức tài cũng không. Một mình mẹ goá nuôi con, em biết lo liệu thế nào cho tròn phận ấy?

Anh ơi! Anh mất đi, anh đế lại cho em biết bao nhiêu nỗi dở dang ở đời! Dầu em có nghĩ liều: mặc đòi cua máy cáy đào, nỗi dở dang âu đành chẳng bận. Nhưng tình nhớ thương khuây khoả sao đây! Ra vào vắng vẻ tháng ngày, khăn áo cũ còn hình dung bóng dáng. Khoảng trời đất non buồn nước lạnh, người đi bằn bặt, kiếp này còn gặp nhau đâu nữa mà mong!

Trên mây kia Ngưu Nữ chia phôi cũng đoạn trường, nhưng khóc nhau còn lại có ngày thấy nhau. Em khóc anh mấy thu nay lệ đã đắm lòng, người đành không lại, mộng sao chẳng về? Nghĩ đau duyên ấy lại hờn với Ngâu:

Thu về đẹp lứa duyên Ngâu,
Năm năm ô thước bắc cầu Ngân Giang;
Đôi ta ân ái lỡ làng,
Giữa đường sinh tử đoạn trường chia hai;
Anh vui non nước Tuyền đài,
Cõi trần hương lửa riêng ai lạnh lùng;
Nhân gian khuất nẻo non Bồng,
Trăm năm não thiếp tấm lòng bơ vơ!

Anh ơi! Chung cảnh thu này, đông tây nam bắc biết bao người cảm thu! Nhưng lòng thu ai hẳn có như em, mà mây chiều vẩn dạ, gió mai lạnh lòng. Như em mỗi hạt sương gieo là một giọt lệ thảm, mỗi làn lá rụng là một mảnh tình sầu. Thu càng thâm, sầu càng nặng.

Anh ơi! Em nghĩ đến về với anh mùa thu, mất anh lại cũng mùa thu, cho nên năm năm cứ đến độ thu sang, thì em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa, mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu!

Ôi! Hòn duyên em lại khóc thu, mà thu kia như cũng vô tình, có đem châu lệ đền bù cho em đâu!

Cùng buổi thu này, trăng trong gió mát, tao khách thi nhân say tình say cảnh, cùng nhau cất chén hoàng hoa, ngâm thơ Tống Ngọc, lưng bầu phong nguyệt hẹn hò với thu.

Riêng em trong cảnh phòng không chiếc bóng, luống tủi mình đầu xanh lẻ bạn, giữa đường lạc duyên, cho nên trông trăng những nhớ trăng xưa, thấy thu lại tưởng thu này năm nao, mà rồi châu lệ dạt dào, tấc dạ cũng thê lương, lòng riêng không còn một cảnh vui nào để cho mình ước hẹn với thu. Người buồn lại gặp cảnh thu, sầu riêng trăm mối bao giờ gỡ xong!

Anh ơi! Giọt lệ khóc thu, em chỉ vì anh mà năm năm lai láng... Than ôi! Thu sang thu não lòng người biết bao!...

Sầu thu nặng, lệ thu đầy,
Vì lau san sát hơi may lạnh lùng;
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Ai đem thu cảnh hoạ cùng thu tâm!


Giọt lệ thu được hoàn thành từ mùa thu năm 1923, nhưng đến năm 1928 nữ sĩ Tương Phố mới gửi đăng trên tạp chí Nam phong (số 131 tháng 7-1928). Câu chuyện tình duyên ngắn ngủi đầy nước mắt được viết bằng văn xuôi, xen lẫn những đoạn thơ lục bát và song thất lục bát đã làm cho nhiều người trong xã hội nước ta lúc bấy giờ vô cùng xúc động và ngưỡng mộ tài năng văn thơ của bà, đã tạo nên được những nỗi niềm rung động trái tim thân thiết với bao người đến thế.

Ảnh minh họa nguồn internet ảnh 1
Ảnh minh họa nguồn internet
Tương Phố mất năm 1973 và được chôn cất trên một đồi thông dưới chân đèo Mimosa thuộc dãy Langbiang. Từ khi bà nằm xuống, ngọn đồi ấy mang tên Tương Sơn như để nhắc nhớ về người nằm đó - nữ sĩ Tương Phố.

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .