Top 3 Bài thuyết trình về giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non hay nhất
Hội thi giáo viên dạy giỏi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên...xem thêm ...
Bài thuyết trình: "Biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5- 6 tuổi trong trường mầm non”
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với một số biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5- 6 tuổi trong trường mầm non.
Kính thưa ban giám khảo!
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra liên tục ở tất cả các nước trên thế giới, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới toàn cầu như tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, hạn hán lũ lụt ...xảy ra liên tục mà gần đây nhất như Trung Quốc đang trả giá cho tình trạng ô nhiễm làm ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhân tố con người là yếu tố chính làm cho tình trạng ô nhiễm càng ra tăng trầm trọng nhưng chính con người cũng là nhân tố bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường sống. Môi trường sống của con người là vũ trụ bao la, trong đó hệ mặt trời và trái đất là bộ phận có ảnh hưởng trực tiếp rõ nét nhất. Môi trường thiên nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên; đất, nước, không khí, ánh sáng ...tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người. Môi trường nhân tạo gồm những nhân tố vật lý, sinh học, xã hội do con người tạo nên, chịu sự chi phối của con người. Môi trường xã hội bao gồm mối quan hệ giữa người với người. Những vấn đề môi trường này nó cùng nhau tồn tại, xen lẫn và tương tác chặt chẽ vào nhau.
Đặc biệt hơn hiện nay sự bùng nổ dân số cùng với quá trình đô thị hóa nhà máy, xí nghiệp đã tạo ra nhiều khí thải .....đang xâm nhập và làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Hoạt động bảo vệ môi trường là khai thác sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường, ứng phó sự cố môi trường; là giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp. Ngày nay chúng ta không chỉ đào tạo những con người có trí thức có khoa học có tình yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, yêu lao động mà còn tạo nên những con người biết yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, giầu mơ ước, sáng tạo và còn biết nhìn xa trông rộng. Những phẩm chất ấy con người phải được hình thành từ lứa tuổi mầm non, lứa tuổi hứa hẹn bao điều tốt đẹp trong tương lai.
Biện pháp 1: Xây dựng trường học an toàn toàn diện
Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra. Do đó, cần cần đầu tư xây dựng trường học an toàn sẽ giảm thiểu nguy hiểm, mất mát về tính mạng, tài sản…do thiên tai và biến đổi khí hậu. Trường học được xây dựng an toàn: vật liệu, kỹ thuật, lối thoát hiểm… Đưa nội dung GD ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai vào công tác quản lý thường xuyên tại trường. Có kế hoạch dự phòng, hàng năm nhà trường tổ chức diễn tập về ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.
Bằng mọi hình thức giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong trường học: Đưa nội dung GD ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường tích hợp vào trong các hoạt động giáo dục của trẻ. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho GV, nhân viên, học sinh về việc BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hướng tới một trường học an toàn toàn diện.
Biện pháp 2: Cô gương mẫu chuẩn mực
Đặc điểm của trẻ là hay bắt chước, có thể bắt chước cái đúng, cái tốt, nhưng cũng có thể bắt chước cái sai, cái xấu. Vì vậy cô giáo và mọi người xung quanh cần thực hiện triệt để lời nói phải đi đôi với việc làm để thực sự là tấm gương sáng cho các cháu noi theo. Cô và mọi người quanh trẻ tích cực bảo vệ môi trường : Vệ sinh trường lớp sạch sẽ, gọn gàng; sử dụng điện nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc cây trồng vật nuôi… thì trẻ sẽ bắt chước và làm theo những hành vi tốt của người lớn.
Biện pháp 3: Tích hợp, lồng ghép nội dung GDBVMT trong các chủ đề:
Thông qua hoạt động học: Trẻ được tham gia nhiều vào các hoạt động khác nhau: khám phá khoa học, âm nhạc, làm quen tác phẩm văn học, tạo hình...mỗi hoạt động trên đều có những đặc trưng riêng và có ưu thế khác nhau như: trẻ quan sát, đàm thoại, thực hành trải nghiệm, thí nghiệm, chơi các trò chơi.....với trẻ để trẻ nhận ra được những việc làm tốt, không tốt, những hành động đúng – hành động không đúng kích thích trẻ suy nghĩ, bộc lộ tình cảm, có thái độ phù hợp với môi trường trong và ngoài lớp học.
Ví dụ: * “Chủ đề: Trường mầm non thân yêu của bé”: Ngoài việc cung cấp cho trẻ kiến thức về chủ đề: Giới thiệu các khu vực trong trường, các khu vệ sinh, nơi bỏ rác, vứt rác. Trò chuyện về sự cần thiết của việc rửa tay, rửa mặt. Những thời điểm cần rửa tay, rửa mặt (Trước khi ăn, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi hoạt động ngoài trời, và khi tay bẩn). Tôi còn giáo dục trẻ có ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp 9 sạch sẽ, không hái hoa bẻ cành cây xung quanh trường lớp, biết chăm sóc, bảo vệ cây xanh…
Tôi tổ chức cho trẻ chơi trò chơi “ Chọn những hành vi đúng - sai”: Cô làm tranh vẽ về việc giữ gìn bảo vệ môi trường của một bạn nhỏ như: bé vứt rác vào thùng, vứt rác bừa bãi, bé quét nhà, giẫm lên cỏ, bé đu cành cây, bé ngồi lên bàn, bé tranh giành đồ chơi...Sau đó chia trẻ làm hai đội, mỗi đội có một bức tranh yêu cầu trẻ phải bật qua các vòng và yêu cầu một đội đánh dấu X vào vòng tròn các hành vi đúng và một đội đánh dấu nhân vào vòng tròn những hành vi sai. Thời gian sau một bản nhạc đội nào khoanh được đúng theo yêu cầu là chiến thắng.
Biện pháp 4: Giáo dục bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động khác.
Hoạt động chơi mang tính tích hợp cao trong giáo dục trẻ, thông qua các trò chơi phân vai, trẻ đóng vai và thể hiện các công việc của người làm công tác bảo vệ môi trường như: Trồng cây, chăm sóc cây, nhặt rác...xung quanh khu vực của lớp mình tôi hướng cho trẻ đóng vai bác sĩ phòng khám đa khoa( khám chữa bệnh cho mọi người, chú ý giữ gìn vệ sinh phòng khám, xử lý rác thải y tế...) Rồi cho trẻ đóng vai cảnh sát giao thông đi bắt những người vi phạm lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự công cộng, đi sai đường, bán hàng rong... giáo dục trẻ luật lệ an toàn giao thông và bảo vệ môi trường
- Trò chơi gia đình: Phải dọn dẹp nhà cửa, lau chùi nền nhà sạch sẽ, quần áo gấp gọn gàng, ngăn nắp đi mua đồ dùng gia đình giữ gìn không rơi vỡ, quét màng nhện... trước khi ăn phải rửa tay, rửa mặt sạch sẽ nhắc nhở mọi người phải sống tiết kiệm
- Trò chơi nấu ăn: tập làm món ăn đơn giản chú ý vệ sinh dụng cụ nhà bếp 17
- Góc xây dựng: Xây dựng công viên cây xanh, sắp xếp đồ dùng ngăn lắp hợp lý
- Góc nghệ thuật: Múa hát những bài hát theo chủ đề, tạo những nguyên vật liệu thiên nhiên và phế liệu, dùng xong cất đúng nơi qui định... cô cũng có thể cho trẻ cùng trang trí cho thùng rác thật đẹp để khuyến khích các bạn nhỏ bỏ rác vào thùng : Trẻ cắt dán, vẽ tranh nhặt rác dán vào thùng, dán thùng rác có khuôn mặt cười ...
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “một số biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5- 6 tuổi trong trường mầm non. ”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Bài thuyết trình: Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non.
Kính thưa ban giám khảo!
Để trẻ được mạnh khỏe, bình an có cuộc sống vui - khoẻ, thoải mái và bổ ích thì cần cho trẻ sống trong môi trường an toàn, vì vậy nhiệm vụ trong tâm đối với ngành giáo dục mầm non là cung cấp cho trẻ những hiểu biết ban đầu về môi trường sống của bản thân và môi trường sống của con người nói chung, để trẻ có hành vi ứng xử phù hợp giữ gìn và bảo vệ môi trường, biết sống hòa nhập vào môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh về cơ thể và trí tuệ. Cơ thể trẻ còn non yếu, rất dễ bị các yếu tố về môi trường tác động làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì vậy, trẻ em cần phải được sống trong một môi trường thật sự an toàn, không bị ô nhiễm. Muốn làm được điều đó thì trước hết chúng ta phải xây dựng cho trẻ tự ý thức về vệ sinh và biết bảo vệ môi trường trong đời sống hàng ngày đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để đào tạo thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ nhằm hình thành cho trẻ kỹ năng, thói quen tốt về bảo vệ môi trường chính vì vậy tôi chọn đề tài: “Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non”
Biện pháp 1. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong trường mầm non:
Ngay từ đầu năm học căn cứ theo nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đạo tạo Hà Nội, cũng như phòng Giáo dục và Đào tạo quận tôi xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học, từ đó chỉ đạo Hiệu phó phụ trách chuyên môn xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cụ thể thời gian, nội dung công việc, biện pháp thực hiện và người thực hiện cụ thể theo từng tháng.
Chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng khối và từng lớp, phù hợp với lứa tuổi và tình hình thực tế của lớp và của trẻ.
Tóm lại: Việc xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường cần được cụ thể, tích hợp theo từng chủ đề một cách rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi và tình hình thực tế của lớp là rất quan trọng, vì qua đây giáo viên lựa chọn và lồng ghép các hoạt động trong ngày dễ dàng với lứa tuổi để kết quả giáo dục trẻ bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao.
Biện pháp 2: Bồi dưỡng nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường:
Bồi dưỡng cho 100% giáo viên trong nhà trường nhận thức được nhiệm vụ giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Giáo viên mầm non cần luôn gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường. Trong thực tế giáo viên trong nhà trường không đồng đều, mỗi người có cách nhận thức khác nhau.
Bồi dưỡng cho giáo viên về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, mỗi giáo viên cần thực hiện trách nhiệm của một công dân, một nhà giáo đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian hiện nay, cũng như ươm trồng những lớp mầm non cho đất nước sau này. Người giáo viên cần có ý thức vươn lên trong nghề nghiệp: Dù khó khăn cũng phấn đấu hoàn thành tốt với lòng yêu nghề tận tình phục vụ nhân dân và vì những lớp mầm non của đất nước.
Nâng cao trách nhiệm và đạo đức nhà giáo: mỗi giáo viên cần phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình.
Lồng ghép trong việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thực tế của nhà trường: Mỗi giáo viên đều có tấm lòng nhân ái, như người mẹ thứ hai, thật sự yêu thương tận tâm với công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Tuyên truyền phổ biến cho giáo viên biết việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường cần phải kiên trì, liên tục, mọi lúc, mọi nơi mới đạt được kết quả.
Chỉ đạo giáo viên tổ chức các họat động vui chơi ngoài trời. Hạn chế xem tivi, video, khuyến khích trẻ tham gia lao động tự phục vụ, cô không nên bắt trẻ ngồi học quá nhiều, đồng thời phải thương yêu, khuyến khích trẻ chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường sống.
Biện pháp 3: Xây dựng môi trường giáo dục
Môi trường giáo dục có vai trò rất quan trong trong quá trình phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ mầm non. Khi có môi trường giáo dục tốt sẽ giúp phát triển nhân cách cho trẻ, đồng thời giúp trẻ phát triển về tiềm năng tư chất, các năng lực tinh thần và thể chất.
Trẻ mầm non là lứa tuổi đầu tiên tiếp xúc với môi trường giáo dục. Cô giáo như mẹ hiền, thay thế mẹ để chăm sóc, giáo dục và giúp đỡ trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Vì vậy việc chăm sóc và giáo dục trẻ an toàn, giáo dục trẻ bảo vệ môi trường cần phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và sở thích của trẻ, kiên quyết tránh mọi hình thức gò bó, áp đặt, mệnh lệnh làm căng thẳng, ức chế tâm lý trẻ. Cô giáo phải thường xuyên trò chuyện, âu yếm vỗ về trẻ, tạo cho trẻ tâm thế vui vẻ, thoải mái, tạo môi trường đẹp, thân thiện để trẻ vui chơi cùng với bạn bè, xây dựng nhóm bạn cùng chơi với trẻ. Giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thích đến trường.
Xây dựng trường học an toàn
Xây dựng môi trường lớp học và góc thiên nhiên để giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ:
Biện pháp 4: Đầu tư đồ chơi an toàn cho trẻ
Đồ chơi với trẻ mầm non là điều trẻ yêu thích nhất, tuy nhiên đồ chơi phải đảm bảo an toàn, chính vì vậy trong toàn trường các giá góc cũng được đầu tư đồng bộ, màu sắc hài hòa, đồ chơi trong lớp đa dạng phong phú thu hút trẻ. Cùng với đồ chơi trong lớp khu vui chơi ngoài trời cũng rất quan trọng do vậy sân trường đã lựa chọn những đồ chơi chất liệu an toàn, sân chơi được trải thảm cỏ, tạo cho trẻ không gian vui chơi thân thiện.
Khi trẻ chơi cùng đồ chơi ngoài trời trẻ cảm thấy vui cùng bạn, trẻ được gần gũi với vườn hoa cây cảnh, từ đó trẻ thấy yêu thiên nhiên và có ý thức chăm sóc và bảo vệ vườn trường.
Biện pháp 5: Tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động trong ngày
5.1. Hoạt động khám phá khoa học
Đây là một hoạt động rất quan trọng: Qua hoạt động này trẻ có thể khám phá về bản thân và mọi vật xung quanh, cùng tham gia hoạt động hoặc trả lời các câu hỏi.
* Ví dụ trong hoạt động tìm hiểu các giác quan; Giáo viên cho trẻ được trải nghiệm và cùng tham gia hoạt động, qua đó giáo dục trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, biết phòng chống tai nạn cho chính trẻ.
* Trong hoạt động khám phá đồ dùng trong gia đình: Giáo viên nên cho trẻ được biết cách sử dụng, và giữ gìn đồ dùng, cho trẻ có cơ hội khám phá và trả lời câu hỏi của cô về tên đồ dùng, công dụng và ở nhà trẻ có thường dùng những đồ dùng đó không? Từ đó giáo dục trẻ ý thức giữ gìn đồ dùng, đồ chơi.
5.2. Hoạt động tạo hình:
Trong hoạt động tạo hình giáo viên cần tạo điều kiện cho trẻ được tham gia tạo ra các hoạt động tạo nên những thông điệp bảo vệ môi trường, tạo các sản phẩm từ những nguyên vật liệu phế thải, các nguyên vật liệu thiên nhiên, hay các vỏ sò, lá cây, vải vụn…
5.3. Hoạt động ngoài trời
Với trẻ mầm non giáo viên cần cho trẻ được tham gia các hoạt động ngoài trời, vì hoạt động ngoài trời giúp trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, qua hoạt động ngoài trời giáo viên có thể giáo dục trẻ yêu quý vật nuôi cây trồng
Hoạt động ngoài trời là hoạt động trẻ rất yêu thích, cũng từ hoạt động này trẻ biết chăm sóc cây xanh, biết cây sống được là nhờ có nước, không khí, trẻ được gần gũi với môi trường bên ngoài, qua đó giáo dục trẻ biết yêu quí thiên nhiên, mong muốn được tham gia bảo vệ môi trường, rèn trẻ có kỹ năng giữ gìn bảo vệ môi trường, từ đó giáo viên thường xuyên củng cố kiến thức bảo vệ môi trường để trẻ có thói quen ghi nhớ có ý thức về bảo vệ môi trường trong nhà trường, gia đình, xã hội.
5.4. Hoạt động góc:
Hoạt động góc giúp trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là hình thành nhân cách cho trẻ sau này. Trong hoạt động góc trẻ phản ánh lại cuộc sống hàng ngày trẻ thấy xung quanh, trẻ đóng vai lại những hành động quen thuộc của người lớn mà trẻ đã thấy. Chính vì vậy, khi cho trẻ hoạt động góc giáo viên cần gợi mở cho trẻ rõ ràng, chi tiết để trẻ hoạt động tích cực và luôn chuẩn bị đồ dùng đồ chơi phong phú, đa dạng nhằm thu hút trẻ chơi. Đặc biệt giáo viên cần đóng vai giao lưu với trẻ động viên trẻ trong các nhóm chơi giúp trẻ mạnh dạn. Thông qua đó giáo dục tính ngăn nắp gọn gàng, ý thức sắp xếp gọn gàng đồ chơi, giữ gìn môi trường sạch đẹp, biết chia sẻ hợp tác với bạn bè và những người xung có phản ứng đúng với các hành vi khi tham gia bảo vệ môi trường.
5.5. Hoạt động thăm quan dã ngoại:
Với trẻ mầm non được tham gia thăm quan dã ngoại là điều rất cần thiết, vì trong hoạt động này trẻ được khám phá trải nghiệm nhiều điều mới, được tìm hiểu nhiều về di tích lịch sử hoặc các danh nam thắng cảnh…Qua hoạt động thăm quan dã ngoại trẻ được vận động một cách tích cực, qua đó giúp trẻ biết ơn những người đã hy sinh để cho trẻ được vui chơi, học tập.
Biện pháp 6: Kết hợp với cha mẹ học sinh
Trong nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, bởi cha mẹ trẻ và những người thân trong gia đình là những người gần gũi và hiểu trẻ nhất. Họ là người có trách nhiệm theo suốt cuộc đời đối với sự phát triển và sự tiến bộ của trẻ. Đây là việc làm nhà trường xác định có tầm quan trọng rất lớn để đem đến kết quả trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ sau này.
Do vậy, tôi chỉ đạo hàng ngày giáo viên thường xuyên trao đổi tình hình trẻ ở tại trường trong giờ đón trả trẻ, kết hợp tuyên truyền giáo dục cùng nhau bảo vệ môi trường.
Qua giờ đón, trả trẻ nhắc nhở phụ huynh thường xuyên nhắc trẻ cất giầy, dép, đồ dùng cá nhân đúng nơi qui định, khi nhìn thấy vỏ bánh kẹo nơi công cộng, ngoài sân trường phải nhặt bỏ vào thùng rác, đó cũng là một việc để giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ.
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Bài thuyết trình Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non (số 2)
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non.
Kính thưa ban giám khảo!
Nếu muốn giáo dục toàn diện một con người thì phải rèn giũa ngay từ bậc học đầu tiên “ Bậc học Mầm non” bởi giai đoạn mầm non là giai đoạn ươm mầm, hình thành nền tảng cho việc phát triển kiến thức, ngôn ngữ, lối sống của trẻ. Do đó, chương trình giáo dục mầm non có ảnh hưởng rất lớn đối với tương lai của trẻ. Trong đó việc giáo dục bảo vệ môt trường là tiền đề quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ. Việc này không những giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức mà còn giúp trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, hành động bảo vệ môi trường xung quanh, rèn kỹ năng sống hàng ngày cho trẻ và đặc biệt là giúp trẻ biết yêu thiên nhiên, trân trọng những giá trị mà môi trường sống mang lại.
Vậy làm thế nào để cho thế hệ trẻ và trong mỗi chúng ta nhận thức được điều đó để chung tay bảo vệ môi trường “Xanh, sạch đẹp”, giữ gìn sức khỏe con người? Đứng trước những nguy cơ, vấn đề nóng bỏng không chỉ của nước ta mà của cả thế giới đang quan tâm, tôi thấy mình là một người lãnh đạo cần phải có trách nhiệm đóng góp một phần nhỏ bé vào chương trình giáo dục trẻ bảo vệ môi trường hiện nay.
Đây cũng chính là lý do để bản thân tôi chọn đề tài “Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non”
Biện pháp thứ nhất: Xây dựng kế hoạch để thực hiện tốt bảo vệ môi trường:
Đầu năm học, phải tiến hành lên kế hoạch xây dựng hoạt động của nhà trường, truyền đạt với giáo viên mục tiêu cụ thể để đưa vào triển khai lồng ghép các mục tiêu hoạt động, chăm sóc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong nhà trường.
Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức ban đầu về môi trường trong đó: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, mối quan hệ giữa con người với môi trường, sự biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì sao phải bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch, bảo vệ môi trường là một vấn đề hêt sức quan trọng.
Điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, cảnh quan sư phạm là nhu cầu cần thiết cho các hoạt động giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ đầu năm học tôi đã lập kế hoạch và tham mưu với hiệu trưởng về mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đầy đủ để phục vụ cho các hoạt động, đảm bảo hợp vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường lớp theo đúng tiêu chuẩn trường mầm non…
Tổ chức cho giáo viên trang trí lớp phù hợp với từng chủ đề, chủ điểm, từng độ tuổi, phù hợp với thời tiết, lồng ghép vào để giáo dục trẻ bảo vệ môi trường sao cho hợp lí.
Tổ chức phát động phong trào thi đua toàn trường vì “Môi trường Xanh – Sạch – Đẹp”. Các lớp tổ chức trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh trong khuôn viên sân trường, tổ chức đánh giá xếp loại hàng tháng.
Khuyến khích giáo viên và học sinh sưu tầm tranh ảnh và lao động chăm sóc có ích trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên…
Tổ chức quy hoạch trồng “Vườn rau của bé”, Ban giám hiệu cùng giáo viên tận dụng khu đất trống để trồng rau sạch, cải thiện bữa ăn cho trẻ thêm phong phú và an toàn hơn, tạo cơ hội cho trẻ gần gũi với thiên nhiên và thích nghi với cuộc sống hàng ngày xung quanh trẻ, từ đó giúp trẻ hiểu và tham gia bảo vệ môi trường.
Tổ chức tập huấn chuyên đề “Môi trường Xanh – Sạch – Đẹp” cho toàn thể giáo viên trong trường.
Tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Biện pháp thứ 2: Hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ:
Việc giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non là rất cần thiết trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay. Điều này giúp cho cả học sinh lẫn giáo viên nhận biết được hậu quả của phá hủy môi trường ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống con người, làm cho mọi người hiểu rằng mỗi chúng ta ai cũng có quyền sống trong môi trường trong sạch lành mạnh. Muốn làm tốt được điều này, chúng ta phải có những phương pháp, biện pháp mới, để đưa vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, sao cho phù hợp với từng nội dung, từng hoạt động và từng độ tuổi… Do đó, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên được tiến hành vào các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.
Qua sinh hoạt thảo luận, giúp giáo viên nắm vững nội dung, và hình thức cần lồng ghép, để giáo dục cho trẻ bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể, bằng các phương pháp, biện pháp tối ưu nhất để thực hiện tốt giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong nhà trường và ngoài cộng đồng xã hội.
Lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong mọi hoạt động hàng ngày của trẻ.
Giáo viên chủ nhiệm, lập kế hoạch, vệ sinh hàng tháng, tuần, ngày, phù hợp với các mùa, phù hợp với lớp để đưa vào giáo dục hàng ngày cho trẻ thực hiện.
Giáo viên đưa ra một số nội quy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, trong khuôn viên nhà trường.
Biện pháp thứ 3: Chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường phù hợp với từng độ tuổi, từng hoạt động.
Muốn làm tốt biện pháp này, đòi hỏi cô phải gương mẫu làm những công việc có ích trong công tác bảo vệ môi trường và thường xuyên nhắc nhở trẻ hàng ngày. Thông qua các hoạt động học tập cũng như ngoài giờ học, cô lồng ghép các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường sao cho phù hợp với từng hoạt động, từng độ tuổi, để mà giáo dục trẻ.
Biện pháp thứ 4: Phát Động phong trào thi đua làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nuyên vật liệu có sẵn, và bằng vật liệu phế thải, để trang trí lớp học và làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các hoạt động của trẻ.
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học, trên quan điểm đổi mới quản lý và nâng chất lượng giáo dục cho ngành học mầm non, đảm bảo được tính khoa học, tính thẩm mỹ và nhất là góp phần bảo vệ môi trường. Đầu năm học, tôi đã lên kế hoạch phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi bằng những nguyên vật liệu có sẵn và những nguyên vật liệu phế thải đã qua sử dụng trong gia đình và ngoài xã hội như: lon bia, lon nước ngọt, chai nước ngọt, chai nước lọc, hộp sữa chua, muỗng sữa chua, ống hút, que kem, chai nước rửa chén, chai dầu gội đầu, bao ni lông, tờ lịch cũ, hộp đựng các đồ gia dụng đã thải, vỏ ốc, vỏ hến, vải vụn, tre, nứa, các loại hạt của các loại cây, lá khô của cây… Những nguyên vật liệu này do giáo viên thu gom, phụ huynh đóng góp để làm đồ dùng, đồ chơi và trang trí các góc học tập cho trẻ.
Biện pháp 5: Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu xã hội hóa giáo dục, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay. Vì vậy, việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ là một vấn đề rất cần thiết. Bởi gia đình và nhà trường là cái nôi hình thành ý thức cho trẻ, chính vì vậy gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ với nhau nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ để tìm ra những phương pháp, biện pháp tốt ưu nhất để cùng chung tay giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao.
Biện pháp thứ 6: Xây dựng cảnh quan sư phạm trong nhà trường:
Ngành giáo dục của chúng ta đang tiếp tục thực hiện chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, “Ngôi trường Xanh – Sạch – Đẹp”. Vì vậy, việc xây dựng cảnh quan sư phạm trong trường học cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải chú trọng. Chúng ta phải biết tạo cảnh ngôi trường và các phòng học thoáng mát, sáng tạo, đẹp mắt, trang trí phải cho phù hợp, gây sự chú ý cho trẻ. Đồ dùng, đồ chơi phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các góc học tập phải thay đổi theo từng chủ đề, chủ điểm để tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn để trẻ mong muốn được đến trường, đến lớp. Đặc biệt là góc thiên nhiên phải được trang trí và trồng nhiều loại cây xanh để tạo cho trẻ một không gian xanh trong lành. Mỗi ngày trẻ có thể tự mình chăm sóc cây xanh, qua đó giúp trẻ biết yêu lao động, biết yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là tạo cho trẻ gần gũi với xung quanh và có sự yêu thương, trân trọng những giá trị cuộc sống.
* Biện pháp 7: Phong trào thi đua khích lệ để trẻ hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường.
Khích lệ là món ăn tinh thần của trẻ mầm non bởi tâm lý trẻ mầm non thường thích khen hơn là chê. Lúc nào trẻ cũng muốn được người lớn khen và khen nhiều, nhất là được cô giáo mình khen. Chính vì vậy, biện pháp này là hiệu quả nhất trong các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non.
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ trong trường mầm non”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .