Top 10 Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” (Lớp 7) hay nhất

10650

Đa số các câu tục ngữ đều có nghĩa đen và nghĩa bóng, trong đó nghĩa đen là nghĩa thực tế, nhưng chủ yếu các bài học thực tế hàm ý thì là nghĩa bóng...xem thêm ...

Top 0
(có 3 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 1

Một trong những đạo lý làm người căn bản và quan trọng nhất chính là đạo hiếu của người con đối với cha mẹ. Chính vì vậy mà ông cha ta có câu: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đây chính là bài học nhận thức răn dạy phận làm con phải biết lắng nghe sự dạy bảo, lời khuyên răn của bậc cha mẹ.


Hình ảnh “con cá” cũng được đưa vào câu trở thành hình ảnh minh họa cho những lời răn dạy. Trước hết, “cá ăn muối” nghĩa là cá đã được mổ sạch, đem ướp muối để cho thịt cá được săn chắc. Nếu cá không được ướp muối để lâu sẽ bị ươn, nghĩa là không còn tươi ngon nữa. “Con cãi cha mẹ” là những lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, sai khiến của cha mẹ. Khi con cái cãi cha mẹ sẽ trở thành một đứa “con hư”. Muối ở đây tương ứng với những lời răn dạy, chỉ bảo của cha mẹ, không ăn muối cá sẽ ươn giống như con không nghe lời cha mẹ, con sẽ khó mà nên người.


Cha mẹ là người đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn, trải qua cuộc sống và nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái. Những điều cha mẹ dạy bảo luôn là điều hay lẽ phải, bởi có cha mẹ nào lại không mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Thấy con làm cái này chưa đúng, cha mẹ chỉ bảo cặn kẽ cho con làm lại thật chính xác, thấy con làm điều trái với đạo lý, cha mẹ từ từ khuyên ngăn và dạy bảo giúp con tránh xa điều ác, làm người tốt. Chình vì vậy, những đứa con cần hiểu được tấm lòng cha mẹ, phải biết lắng nghe, ghi nhớ, kính trọng và vâng lời cha mẹ. Những lời dạy bảo của cha mẹ đáng quý hơn ngàn vàng, quý trọng lời của cha mẹ mới là trọn đạo làm con. Nếu con cái để ngoài tai những lời của cha mẹ thì mãi mãi vẫn không thể trưởng thành, không tiến bộ và nên người được.


Ngược lại còn khiến mình trở thành người con bất hiếu, vô giáo dục. Ngày nay, tính đúng đắn của câu câu vẫn nguyên vẹn, tuy nhiên xét trong từng hoàn cảnh, không còn quan niệm con cái nhất nhất nghe theo lời sai bảo của cha mẹ mà bây giờ con cái có thể đứng trên quan điểm của mình bày tỏ ý kiến và trao đổi với bố mẹ. Dù là cha mẹ nhưng cũng sẽ có những lúc sai lầm, sẽ có lúc sai khiến con làm điều sai mà không nhận ra. Chính vì vậy, người con phải biết lắng nghe và tiếp thu sự chỉ bảo của cha mẹ một cách chọn lọc. Cần có sự lắng nghe của cả hai phía, con nghe lời chỉ bảo của cha mẹ, cha mẹ cũng cần lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của con cái, như vậy mới dung hòa được những vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù có quyền được bày tỏ ý kiến nhưng con cái phải luôn giữ phép tắc, lễ nghĩa, thái độ đúng mực, có được như vậy gia đình sẽ luôn hòa thuận, hạnh phúc, con cái nên người, cha mẹ nhẹ lòng.


Câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” thực sự là một bài học đạo đức quý giá đối với những người làm con. Chúng ta cần phải biết lắng nghe lời của cha mẹ, trở thành con ngoan trò giỏi, hoàn thiện bản thân nên người, có ích cho gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 2

Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn trọng đạo lý từ ngàn xưa. Trong các quan hệ tình cảm thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Trách nhiệm lớn lao của cha mẹ là nuôi dạy các con nên người. Ngược lại, bổn phận của con cái là phải lễ phép và vâng lời cha mẹ. Vâng lời là biểu hiện của lòng hiếu thảo, của đạo làm con. Nếu trái lời cha mẹ, phụ lòng cha mẹ, con cái khó trở nên người tốt. Để khẳng định vai trò răn dạy, chỉ bảo của cha mẹ đối với con cái, người xưa đã có câu:


“Cá không ăn muối cá ươn,
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”


Bài học lớn về đạo làm người được rút ra từ một thực tế hết sức đơn giản: mua cá ở chợ về, muốn giữ được tươi lâu, ta phải ướp muối. Cá thấm muối, thịt săn chắc, khi chế biến thành món ăn, hương vị sẽ đậm đà. Ngược lại, nếu để lâu không ướp muối, cá sẽ ươn, ăn mất ngon. Con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ khác nào như cá không ăn muối, sẽ không thể nên người.


Sự hiểu biết, từng trải trong xã hội khiến cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm ấy phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, có khi cả bằng máu nên lại càng quý báu. Với tình thương yêu vô bờ, với trách nhiệm lớn lao, các bậc làm cha, làm mẹ không những tận tình mà còn không tiếc cả tâm sức của mình để chăm lo, nuôi dạy con cái ngày một lớn khôn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi đứa con bị ốm, cha mẹ lo đêm lo ngày. Con học hành được điểm tốt, cha mẹ vui mừng. Con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ đau lòng, xót ruột và tìm cách dạy dỗ, giáo dục.


Người xưa có câu “Nước mắt chảy xuôi”; lại có câu “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Mong muốn duy nhất của cha mẹ là con cái nên người, tức là trở thành người tốt, có ích cho xã hội, làm rạng rỡ gia đình, Tổ quốc. Cho nên, những bậc cha mẹ chân chính đều thiết tha dạy con những điều đúng đắn, tâm huyết, có khi như là cắt ruột truyền cho con.


Trong đường đời, người thầy đầu tiên của con cái chính là cha mẹ. Cha mẹ dìu dắt con những bước chập chững đầu tiên. Cha mẹ dạy con những bài học đầu tiên. Cha mẹ chuẩn bị hành trang cho mỗi đứa con khi bước vào đời. Vì vậy, con cái cần phải nghe lời dạy dỗ của cha mẹ. Sau đó là tự mình nhận thấy đúng mà tự giác tiếp thu. Bấy giờ mới rõ những điều cha mẹ khuyên răn, dạy dỗ là điều hay, lẽ phải.


Trước đây, ông cha chúng ta quan niệm rằng con cái phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ; chỉ một lòng thờ mẹ kính cha, nhất thiết không được trái lời. Ngày nay, quan niệm truyền thống ấy có phần thay đổi. Con cái phải vâng lời cha mẹ, nhưng cũng được phép bàn bạc, góp ý với cha mẹ để công việc đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, khi góp ý, con cái phải giữ thái độ lễ phép và đúng mực.


Cha mẹ gánh vác trách nhiệm chính trong gia đình nên có quyền quyết định mọi việc, song cha mẹ cũng nên biết lắng nghe tâm tư tình cảm của các con, hiểu rõ tính nết của con, để từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả hơn. Có như vậy, quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới thực sự gắn bó và gia đình sẽ sống trong không khí đầm ấm, thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau. Đó là yếu tố để tạo nên hạnh phúc gia đình.


Thực tế xung quanh chúng ta cho thấy có nhiều người con tài đức vẹn toàn. Những bạn học sinh nghèo vượt khó là con ngoan, trò giỏi, là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và xã hội. Ví dụ gần đây nhất là các anh chị Lý Thị Minh Tâm, Nguyễn Hòa Bình, Lê Minh Thắng, Phan Chí Hiếu, Chu Thị Kim Liên… vừa đi học vừa đi làm giúp đỡ gia đình mà vẫn thi đỗ vào từ một đến hai, thậm chí ba trường đại học với số điểm rất cao.


Bài học đạo đức mà câu trên nêu ra từ xưa vẫn là một kinh nghiệm quý, nhắc nhở mỗi người phải giữ đạo làm con. Nó có liên quan đến chữ hiếu , và chữ hiếu ngày nay dù có mang nét mới, tiến bộ của thời đại nhưng vẫn là đức lớn trong đạo làm người của dân tộc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 3

Truyền thống đạo lý của dân tộc ta đã quy định một số khuôn mẫu làm người. Trong đó có mối quan hệ của con cái đối với cha mẹ, con cháu đối với ông bà. Ngoài lòng hiếu kính thì người con còn có bổn phận phải biết vâng lời dạy bảo của các bậc sinh thành. Bổn phận đó được ông bà ta nhắc nhở qua câu:


“Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”


Để bảo quản cá, người ta thường ướp muối. Nếu không để lâu cá sẽ bị ươn. Cũng như con cái mà không biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ thì sẽ hư hỏng. Với hình ảnh so sánh thật cụ thể nhưng lại có tính thuyết phục rất cao. Nếu như con cái mà không nghe lời cha mẹ thì con cái sẽ trở thành một người hư hỏng vì không cha mẹ nào đi dạy cho con cái những điều xấu, trái đạo đức.


Thực tế cho thấy, lịch sử các triều đại phong kiến nước ta cho thấy vị vua nào không tuân theo lời giáo huấn của tiên vương để chăm lo việc nước mà lại đam mê tửu sắc thì thường bị mất ngai vàng. Và cuộc sống quanh ta đã diễn ra biết bao nhiêu cảnh con cái không vâng lời cha mẹ, luôn cãi lời cha mẹ không lo học hành mà thường hay bỏ học trốn học, chơi game, rượu chè, thuốc lá theo lời xúi giục của bạn bè cứ mải mê ăn chơi rồi dẫn đến sự sa đọa và cuối cùng thì hủy hoại tương lai của mình, trở thành một kẻ thất nghiệp, có khi sa vào các tệ nạn xã hội. Trong khi đó các bạn khác thì vâng lời bố mẹ chăm lo học hành, chăm chỉ làm việc giúp đỡ bố mẹ và người đó trở thành một người con chăm ngoan hiếu thảo, học hành thành đạt, có địa vị trong xã hội.


Nhưng đôi khi, cha mẹ do không nắm bắt được ước mơ, nguyện vọng của con cái nên những lời khuyên bảo của cha mẹ có lúc lại làm cho con mình không thể nào phấn đấu được. Chẳng hạn như, một người muốn chọn học ngành, chọn trường đại học kia cho phù hợp với năng lực, sở thích và đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cuối cùng phải chiều theo ý bố mẹ chọn ngành nghề không đúng với nguyện vọng cuối cùng có nhiều người phải chán nản và không có hướng phấn đấu. Có khi lời khuyên của cha mẹ lại nhắm vào quyền lợi cá nhân, của gia đình, lại xung đột với quyền lợi của xã hội. Trong những trường hợp này,ta cần kiên nhẫn giải thích và thuyết phục cha mẹ thay vì chúng ta vâng lời cha mẹ một cách mù quáng.


Là người con chúng ta phải biết kính trên nhường dưới, vâng lời lễ phép với ông bà cha mẹ. Đạo làm con chúng ta phải giữ trọn chữ hiếu, chúng ta không nên cãi lời ông bà cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đó là lời giáo dục tình cảm, đạo đức con người về lòng hiếu kính, thương yêu cha mẹ, quan hệ đầy tình nghĩa với hàng xóm, họ hàng, với mọi người chung quanh ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 5

Từ xưa ông cha ta đã có câu: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” để răn dạy con cháu phải biết vâng lời ông bà cha mẹ. Đấng sinh thành đã có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người nên chúng ta phải biết trân trọng những người đã sinh ra ta.


“Cá không ăn muối cá ươn” ý chỉ khi muốn bảo quản cá thì cần ướp muối, nếu không sẽ bị ươn - không còn tươi ngon. Cũng giống như con cãi cha mẹ thì sẽ trở thành đứa con bất hiếu. Ngụ ý của câu này khuyên cái cần phải biết vâng lời cha mẹ, sống trọn nghĩa tình. Cha mẹ chính là những người từng trải nên rất có kinh nghiệm và lời khuyên nhủ của cha mẹ đều là những lời có lý.


Ở xã hội của chúng ta luôn đề ra một chuẩn mực đạo đức nhất định, nếu như con cái như hỏng thì cha mẹ chính là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Do vậy ngay từ khi còn bé chúng ta vẫn thường được căn dặn phải biết nghe lời cha mẹ, đi đâu cũng phải nghe lời người lớn và chính tư tưởng này cũng đã trở thành một truyền thống của Việt Nam ta. Đây là một câu câu đúng với truyền thống của cha ông ta. Hồi nhỏ mỗi lần phạm lỗi thì chúng ta sẽ bị cha mẹ, ông, bà phạt, đây là một cách răn dạy con cái của cha ông chúng ta bởi vì “Cá không ăn muối cá ươn”.


Tuy nhiên đôi lúc chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện hơn. Bởi vì phàm là con người thì cũng sẽ có lúc đúng lúc sai, không phải bao giờ cũng có thể đúng hoàn toàn được. Có những vấn đề đôi lúc người lớn cũng không thể bao quát được toàn bộ vấn đề nên sẽ làm sai không đúng. Đặc biệt khi mà xã hội ta đang ngày càng thay đổi thì đôi khi con cái lại có những cái nhìn khác hơn so với thế hệ cũ cho nên cha mẹ cũng cần dung hòa được mối quan hệ thế hệ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cãi lại lời cha mẹ mà cần phải có những cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề đừng nhất nhất nghe theo ý kiến phụ huynh để rồi đưa ra những quyết định sai lầm.


“Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” là câu ca được đúc kết từ hàng ngàn đời nay của cha ông ta. Cho dù thời đại có thay đổi thế nào đi nữa thì đến thời điểm hiện tại chúng vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi chúng ta hãy biết nghe lời người lớn, suy nghĩ về những định hướng của người lớn để có được một định hướng đúng đắn nhé.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 4

Trong các quan hệ tình cảm thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Trách nhiệm lớn lao của cha mẹ là nuôi dạy các con nên người. Ngược lại, bổn phận của con cái là phải lễ phép và vâng lời cha mẹ. Vâng lời là biểu hiện của lòng hiếu thảo, của đạo làm con. Nếu trái lời cha mẹ, phụ lòng cha mẹ, con cái khó trở nên người tốt. Để khẳng định vai trò răn dạy, chỉ bảo của cha mẹ đối với con cái, ông cha ta có câu:


Cá không ăn muối cá ươn,

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.


Ta biết một thực tế là: để có được tươi lâu, ta phải ướp muối. Cá thấm muối, thịt săn chắc, khi chế biến thành món ăn, hương vị sẽ đậm đà. Ngược lại, nếu để lâu không ướp muối, cá sẽ ươn, ăn mất ngon… Qua câu tục ngữ, ông cha ta răn dạy con cháu là phải biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ bởi nếu không thì khác nào như cá không ăn muối, sẽ hư hỏng, không thể trở thành người tốt được.


Sự hiểu biết, từng trải trong xã hội khiến cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống. Với tình thương yêu vô bờ, với trách nhiệm lớn lao, các bậc làm cha làm mẹ không những tận tình mà còn không tiếc cả tâm sức của mình để chăm lo nuôi dạy con cái ngày một lớn khôn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Con váng mình sốt mẩy, cha mẹ lo đêm, lo ngày; con vui tươi khỏe mạnh cha mẹ hạnh phúc, mừng vui. Con học hành được điểm tốt, cha mẹ vui mừng tự hào. Con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ đau lòng xót ruột.


Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Mong muốn duy nhất của cha mẹ là con cái nên người, tức là trở thành người tốt, có ích cho xã hội, làm rạng rỡ gia đình, dòng tộc. Cho nên, những bậc cha mẹ đều thiết tha dạy con những điều đúng đắn, tâm huyết, có khi như là cắt ruột truyền cho con. Đó là nhiệm vụ, là lo toan, mong ước sâu xa, tha thiết nhất của cha mẹ. Cha mẹ chúng ta là những người thầy đầu tiên. Cha mẹ dìu dắt con những bước chập chững đầu tiên. Cha mẹ dạy con những bài học đầu tiên. Cha mẹ chuẩn bị hành trang cho mỗi đứa con khi bước vào đời. Vì vậy, nghe lời, vâng lời cha mẹ trước tiên là biết vâng theo, tập theo cái đúng. Sau đó là tự mình nhận thấy đúng mà tự giác tiếp thu. Bấy giờ mới rõ những điều mà cha mẹ khuyên răn, dạy dỗ là điều hay, lẽ phải. Biết nghe, biết vâng lời cha mẹ là tỏ ra biết kính, biết thương, hiếu thảo với cha mẹ..


Trước đây, cha ông chúng ta quan niệm rằng con cái phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ; chỉ một lòng thờ mẹ kính cha, nhất thiết không được trái lời. Ngày nay, quan niệm truyền thống ấy không hề thay đổi, nhưng đã được và cần được bổ sung thêm cho phù hợp với cuộc sống, với thời đại. Con cái vâng lời cha mẹ, đồng thời cũng được phép bàn bạc, góp ý với cha mẹ, được bày tỏ quan điểm trong cuộc sống, trong công việc. Chỉ có điều cách nói, cách làm của con cái phải giữ thái độ lễ phép và đúng mực.


Cha mẹ gánh vác trách nhiệm chính trong gia đình nên có quyền và trách nhiệm quyết định mọi việc, song cha mẹ cũng nên biết lắng nghe tâm tư, tình cảm của các con, hiểu rõ tính nết của con, tôn trọng các con để từ đó đưa ra những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả hơn. Như thế, quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới thực sự gắn bó và gia đình sẽ sống trong không khí đầm ấm, thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau. Đó là yếu tố để tạo nên hạnh phúc gia đình.


Thực tế xung quanh chúng ta cho thấy có nhiều người con tài đức vẹn toàn. Rất nhiều những bạn được sống trong tình yêu thương và sự tôn trọng của cha mẹ, người lớn đều trở thành những người con hiếu thảo, có hiếu với ông bà, cha mẹ. Cũng có nhiều bạn, vì không nghe theo lời dạy bảo đầy yêu thương của cha mẹ mà đã sa ngã khó trở thành người tốt, có ích cho xã hội.


Câu tục ngữ không chỉ là bài học, là lời dạy của cha ông cho bao lớp con cháu sau này mà còn là kết tinh của đạo lí làm người, là truyền thống quý báu của dân tộc ta đó là hiếu kính cha mẹ. Dù cho chữ hiếu ngày nay có mang nét mới, tiến bộ của thời đại nhưng vẫn là đức lớn trong đạo làm người của dân tộc, vẫn là nền tảng cho đời sống văn hoá gia đình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 1 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 6

Ông cha ta đa gửi gắm nhiều lời răn dạy vô cùng quý giá, bổ ích đến thế hệ sau:


“Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ chăm đường con hư”


Trước hết, ở vế câu thứ nhất, “cá ăn muối” ý chỉ cá đã được mổ sạch đem ướp muối để cho thịt cá được săn chắc. Còn “cá ươn” là trạng thái cá đã có mùi hôi, không còn tươi nữa. Nếu cá không được ướp muối thì sẽ trở thành cá ươn. Tiếp đến ở vế câu tiếp theo, “con cãi cha mẹ” ý chỉ những lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, khuyên nhủ của cha mẹ. Khi đó sẽ trở thành “con hư” chỉ những đứa con bất hiếu, có những lời nói và hành động trái với thuần phong mĩ tục. Ở đây đã có sự so sánh đối chiếu của hai vế câu để từ đó khẳng định con cái cãi lại lời cha mẹ là không đúng. Đồng thời đưa ra lời khuyên mỗi người phải biết hiếu thảo, lễ phép và nghe lời cha mẹ.


Thật vậy, cha mẹ chính là những người có công ơn sinh thành, nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày mới sinh ra con. Đến khi con được sinh ra, khi con biết nói, tiếng gọi đầu tiên cũng là gọi cha mẹ. Rồi trên từng chặng đường đời, cha mẹ cũng luôn ở bên che chở, định hướng cho chúng ta. Đặc biệt nhất là khi chúng ta mắc phải sai lầm, cha mẹ cũng chính là người duy nhất vẫn bao dung, dang rộng cánh tay ôm tà vào lòng. Đúng là:


“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”


Nếu như con cái vẫn để ngoài tai những lời của cha mẹ thì mãi mãi vẫn không thể trưởng thành, không tiến bộ và nên người được, ngược lại còn khiến mình trở thành người con bất hiếu, vô giáo dục.


Bên cạnh đó, dù là cha mẹ nhưng cũng chỉ là con người, dễ có những lúc sai lầm, sẽ có lúc sai khiến con làm điều sai mà không nhận ra. Chính vì vậy, người con phải biết lắng nghe và tiếp thu sự chỉ bảo của cha mẹ một cách chọn lọc. Đồng thời, mỗi người cũng cần biết đấu tranh cho những điều đúng đắn, nhưng cần thuyết phục cha mẹ sao cho phải đạo. Chúng ta cần tránh những hành động như cãi lời, chửi mắng và thậm chí là đánh đập cha mẹ.


Như vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” là vô cùng đúng đắn. Mỗi người hãy ghi nhớ để sống sao cho trọn đạo làm con.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 7

Cha mẹ là đấng sinh thành. Họ không chỉ nuôi nấng, mà con dạy dỗ chúng ta nên người. Bởi vậy mà ông cha ta có câu:


“Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ chăm đường con hư”


Trong vế đầu tiên, “cá ăn muối” là cá đã được mổ sạch, đem ướp muối để cho thịt cá được ngấm muối, săn chắc và không có mùi tanh. Nếu cá không được ướp muối mà để lâu sẽ dẫn đến bị “ươn” - là cá không còn tươi, đã có mùi hôi. Đến vế tiếp theo, “con cãi cha mẹ” muốn chỉ lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, khuyên nhủ của cha mẹ. Khi đó sẽ trở thành “con hư” chỉ những đứa con bất hiếu, có những lời nói và hành động trái với thuần phong mĩ tục. Như vậy, câu trên muốn khuyên nhủ con người cần sống hiếu thảo với cha mẹ.


Chẳng thể phủ nhận được công lao to lớn của cha mẹ. Họ không chỉ ban cho chúng ta sinh mệnh. Mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ chúng ta nên người. Trong suốt quá trình trưởng thành, con người luôn có cha mẹ ở bên. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày cho đến khi sinh con ra lại lo lắng cho con từ miếng ăn, giấc ngủ. Người cha bảo vệ con trước những cám dỗ của cuộc đời, dạy dỗ con cách sống, cách làm người sao cho đúng đắn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi đứa con đã khôn lớn thì cha mẹ vẫn không hết lo lắng, yêu thương.


Những lời răn dạy của cha mẹ đều nói ra với mong muốn giúp con cái trưởng thành hơn. Bởi vậy, chúng ta cần biết tôn trọng và lắng nghe cha mẹ của mình. Khi cần thuyết phục thì phải khéo léo, tránh có những hành vi như cãi lại, mắng chửi cha mẹ. Đó là hành vi thể hiện sự bất hiếu, cần phê phán.


Như vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” gửi gắm lời khuyên giá trị. Chúng ta cần sống sao cho trọn đạo làm con.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 8

Cha mẹ là những người đã có công lao lớn sinh thành ra chúng ta, họ là những người có công lao như trời bể, chính vì thế những lời lẽ mà cha mẹ dành cho chúng ta là những tình cảm chân thành, chân thực và thiêng liêng nhất, chính vì thế dân gian ta mới có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.


Câu ca dao trên ý muốn nói về cách sống và cư xử với những người cha, người mẹ, đã sinh thành ra mình, con phải biết quý trọng và nghe lời cha mẹ, những lời mà cha mẹ dành cho chúng ta là những điều tốt nhất, bởi tình cảm mà cha mẹ dành cho chúng ta là những tình cảm chân thành, gần gũi và thiêng liêng nhất. Cá không ăn muối cá ươn nó là một câu ví và sự so sánh có phần giúp người đọc liên tưởng, như chúng ta đều thấy cá không cho vào ngâm muối sẽ bị ươn và rất khó nấu, nhưng khi cho muối vào, cá sẽ khô và cứng hơn.


Cũng giống như con cái khi biết nghe lời những người cha, người mẹ của mình, thì sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, những con người luôn được sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, những tình cảm và sự yêu mến mà cha mẹ dành cho chúng ta là những thứ cao lớn như trời bể, không ai có thể sánh bằng. Chính vì là những người con, chúng ta phải biết vâng lời, và lắng nghe những lời dạy bảo của cha mẹ, có như thế chúng ta mới trở thành những con người có ích cho xã hội, luôn biết coi trọng, giữ gìn và yêu thương những lời mà cha mẹ đã dành tặng cho chúng ta, đó là những tình cảm chân thành, da diết và đúng đắn nhất.


Ca dao chúng ta đã đề cập đến những khía cạnh quan trọng của đời sống, nhắc đến tình cảm gia đình, thì đó là những tình cảm thiêng liêng, chân thành và da diết nhất. Tình cảm đó giúp chúng ta vững vàng hơn cho cuộc sống, cha mẹ luôn là người yêu thương và lo lắng cho chúng ta hết mực, người sẽ luôn bên chúng ta, động viên, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống. Một người luôn dành hết tình yêu thương, sự quan tâm, trân trọng và quý mến dành cho những người con của mình, tình cảm đó da diết trong từng nỗi nhớ, nó khắc họa biết bao nhiêu cảm xúc, tình cảm, những giá trị tinh hoa, văn hóa của cuộc sống, để dành tặng cho những người con của mình.


Cha mẹ là người yêu thương, sinh thành, công lao đó không có gì có thể sánh bằng, vì thế công lao trời bể mà cha mẹ dành cho chúng ta, mỗi người con như chúng ta cần phải biết coi trọng và giữ gìn những tình cảm đó, nó là những tình cảm thật đáng trọng, giữ gìn và phát huy mỗi ngày. Là những người con, chúng ta cần phải biết yêu quý và vâng lời những người cha, người mẹ, họ là những người đi trước chúng ta, họ dành hết những tình cảm chân thành hết cho những người con của mình, chính vì thế, chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị cao lớn đó.


Cá không ăn ươn cá ươn, con cãi lời cha mẹ chăm đường con hư, quả không bao giờ sai, cha mẹ đã là người sinh thành ra chúng ta chính vì thế, chúng ta phải biết coi trọng, không được nói những lời lẽ làm cho cha mẹ buồn lòng, là những người con có hiếu trong gia đình, chúng ta phải biết quan tâm, chăm sóc và luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho cha mẹ của mình. Họ là người đã có công lao lớn cho chúng ta. Dân tộc ta đã đúc kết ra rất nhiều những câu ca dao có giá trị, bài ca dao này đã để lại cho nhiều người rất nhiều những suy tư, suy nghĩ và cách ứng xử cho có đạo đức, có văn hóa với cha mẹ, luôn phải biết điều chỉnh hành vi của mình cho đúng với tôn ti trật tự trong gia đình. Cha mẹ đã dành cho chúng ta những tình cảm chân thành nhất, chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn và tôn trọng những người cha, người mẹ của mình.


Trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết sử dụng những câu ca dao này cho cuộc sống của mình, nó là những câu ca dao tạo nên rất nhiều những bài học có giá trị cho cuộc sống, những giá trị đó đáng được tôn trọng và giữ gìn mỗi ngày. Câu ca dao trên đã để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ và chúng ta cần phải biết coi trọng và vận dụng những lời cốt lõi mà ông cha ta đã dành tặng cho những người con như chúng ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 0 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 9

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống tôn trọng đạo lý và đề cao chữ hiếu. Mối quan hệ hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ máu thịt rất thiêng liêng và cao quý. Từ ngàn đời xưa thì con cái phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ và để răn dạy thế hệ trẻ thì ông cha ta có câu: “Cá không ăn muối cá ươn con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.


Trước tiên khi giải thích ý nghĩa về câu ca dao trên chúng ta cần phải giải thích các từ ngữ với ý nghĩa tường minh. Cá ăn muối tức là cá được ướp bởi muối để không bị ươn, thối. Còn cá ươn  là cả đã chết và bắt đầu có mùi khó chịu. Nghĩa bóng của câu ca dao đó chính là con cái phải nghe theo lời cha mẹ từ những lời dạy bảo đúng đắn đó thì con mới lên người. Ngược lại thì con là đứa con hư và khó có thể nên người được.


Bài ca dao chính là bài học lớn về đạo làm người được rút ra từ thực tế rất đơn giản. Như chúng ta đã biết thì thông thường những loài cá mua ở chợ về hoặc những loài cá được đánh bắt ngoài biển thì người ta sẽ làm sạch sẽ và đem ướp muối. Khi cá thấm muối thì thịt sẽ săn chắc và hương vị đậm đà khi được chế biến. Ngược lại khi để lâu mà không sơ chế thì ăn sẽ không được ngon không để được lâu hay thậm chí phải bỏ đi. Ông cha ta đã lấy hình ảnh Cá không ăn muối để ví với việc con cái không nghe lời dạy bảo của cha mẹ để răn dạy thế hệ trẻ. Đây là một vấn đề rất đúng đắn bởi chúng ta biết rằng những người cha mẹ luôn muốn tốt cho con cái của mình mong cho con đạt được những điều tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó họ là người có sự hiểu biết giàu kinh nghiệm sống.


Những kinh nghiệm ấy để có được họ phải trả giá bằng biết bao mồ hôi nước mắt và có khi cả sự đổ máu nên càng thêm quý báu. Khi làm cha mẹ trách nhiệm của họ hết sức lớn lao. Không bậc cha mẹ nào lại tiếc công sức để nuôi dạy con cái lớn khôn ăn cả về thể xác, trí tuệ lẫn tâm hồn. Họ bươn chải kiếm tiền để lo từ bữa ăn giấc ngủ cho con rồi mong con được học hành đến nơi đến chốn không thua kém bạn bè. Con cái ngoan ngoãn học hành đạt kết quả tốt thì cha mẹ sẽ vui mừng và càng thêm phấn đấu để con được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Ngược lại khi con có biểu hiện không ngoan nhất là không nghe lời chính mình khiến cha mẹ buồn lòng và hao tốn tâm sức để suy nghĩ tìm cách dạy dỗ, giáo dục con giúp con trở lại con đường đúng đắn.


Người xưa có câu “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ“. Cha mẹ lo lắng chăm chút cho con không phải bởi để con báo hiếu mình mà là mong muốn con trở thành người có ích cho chính bản thân, cho gia đình của con sau này và cho xã hội. Phận làm con chúng ta cần phải biết rằng người thầy dạy dỗ chúng ta đầu tiên không phải là ai xa lạ mà chính là cha mẹ. Người dạy dỗ chúng ta những bài học đường đời đầu tiên từ cách chúng ta ăn uống, chào hỏi đến những điều nhỏ nhặt nhất. Việc nghe lời cha mẹ trước tiên đó chính là biết nghe lời biết học theo những cái đúng mà cha mẹ chỉ dạy. Biết kính trên nhường dưới và biết hiếu thảo.


Trước kia, mọi người quan niệm rằng con cái có nghĩa vụ phải tuyệt đối nghe theo lời của cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Tuy nhiên ngày nay cũng có sự thay đổi. Con cái nghe lời cha mẹ nhưng từ những nhận thức của mình thì con cái có thể góp ý, bàn bạc với cha mẹ để mọi công việc đạt được kết quả tốt. Song khi góp ý thì con cái phải thể hiện sự khéo léo, lễ phép và đúng mực để cha mẹ không cảm thấy mình không được tôn trọng.


Thực tế hiện nay giới trẻ có một phần không nhỏ thường có thái độ thiếu lễ phép với chính cha mẹ mình. Được bố mẹ mẹ nuôi ăn hỏng nhưng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại luôn thực hiện hành vi trốn học gây rối khiến cha mẹ phải bận tâm thậm chí là giải quyết hậu quả mà con cái gây ra. Công việc kiếm tiền đã vất vả ngay lại vì chuyện của con cái khiến cho cha mẹ buồn lòng và chịu nhiều áp lực. Thậm chí khi con cái lớn khôn lấy vợ, lấy chồng nhưng vẫn khiến bố mẹ phải lo lắng và chu cấp tiền bạc. Thế có thể thấy việc không nghe lời cha mẹ, không ngoan ngoãn, phấn đấu trong học tập và công việc thì sau này sẽ khó có thể thành công, khó có thể tự chăm lo cho chính mình.


Câu ca dao “Cá không ăn muối cá ươn” chính là một bài học đạo đức là một kinh nghiệm quý báu để nhắc nhở mọi người cần phải giữ đạo làm con.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 9
(có 1 lượt vote)

Bài văn giải thích câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” - mẫu 10

Từ xưa, truyền thống của Á Đông là con cái phải thương yêu, hiếu kính, vâng lời cha mẹ, “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, vì đó là đấng sinh thành của mình, đã khổ cực nuôi mình khôn lớn, đã trải nghiệm, đi qua cuộc đời nhiều hơn nên cha mẹ có kinh nghiệm sống, những bài học quý giá truyền trao cho con cái, mà những kinh nghiệm, bài học đó đáng lẽ mình phải đi qua nhiều thất bại mới biết được nó.


Nghe lời cha mẹ thì bản ngã của đứa trẻ sẽ nhỏ xuống, vì nó phải nép mình, phải hạ mình xuống để tuân thủ mệnh lệnh, không cãi bướng, không cố chấp ý mình. Bản ngã nhỏ xuống thì nhiều đức tính xuất hiện. Thứ nhất là khiêm hạ, đứa bé sẽ biết tôn trọng mọi người, không thấy mình hay, không thấy mình giỏi, như biển, biển là nơi thấp nhất nên trăm con sông đều đổ về biển. Cũng vậy, khi đứa bé khiêm hạ thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến với nó. Có thể bẩm sinh nó chỉ là một người bình thường, không có năng khiếu gì đặc biệt, nhưng do bản ngã của nó rất nhỏ nên nó sẽ biết khiêm hạ, lễ phép với người lớn, tôn trọng mọi người. Từ đó, nó sẽ giỏi lên, cuộc đời nó sẽ phát triển theo một chiều hướng tốt.


Thứ hai là sức chịu đựng cao và lòng dũng cảm đứa bé sẽ chịu được khó khăn, cực khổ, nghịch cảnh, không ngại nguy khó. Vì bản ngã nhỏ thì người đó sẽ quên mình, xả thân vì đại nghĩa. Còn những người bản ngã lớn, lúc nào cũng chỉ biết có mình, cũng chỉ lo cho mình thì sức chịu đựng rất kém, thiếu dũng cảm vì sợ sẽ ảnh hưởng đến mình. Nhờ sức chịu đựng đó, mà ta thấy, khi nước ta bị ngoại xâm lấn chiếm, có những con người đã xông pha ra trận mạc, bất kỳ khó khăn nào cũng vượt qua được, quyết tâm bảo vệ bờ cõi, chỉ vì những con người đó khi nhỏ, họ đã được dạy phải vâng lời cha mẹ, vâng lời người lớn làm bản ngã họ nhỏ xuống, nên khi lớn lên, họ có đủ khả năng chịu đựng gian khó, nguy hiểm để đem lại hòa bình cho non sông.


Một lợi ích của sức chịu đựng cao nữa là khi đứa bé lớn lên, dựng vợ gả chồng thì hôn nhân, gia đình sẽ bền vững. Cái gốc là trong quan hệ vợ chồng, nhiều khi có những xích mích hay sai phạm, người có bản ngã lớn thì rất dễ nổi nóng, gây gổ, cố chấp, ít tha thứ cho nhau, dần dà nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình, người vợ hoặc người chồng chán nản, bèn đi tìm hạnh phúc riêng ở bên ngoài,… và kết cục là gia đình đổ vỡ, con cái bơ vơ, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, khi lớn lên rất dễ sa vào những cạm bẫy của cuộc đời. Còn người có bản ngã nhỏ thì có thể chịu đựng được khi xảy ra xích mích, khi người bạn đời của họ mắc phải sai phạm, cùng nhau giải quyết và giúp nhau vượt qua lỗi lầm, vì thế nên gia đình được hạnh phúc lâu dài. Đó là lý do vì sao ở Tây phương, vợ chồng ly dị nhiều hơn ở Đông phương, vì đứa trẻ ở Tây phương được dạy theo lối phát triển bản ngã, luôn cãi lời cha mẹ, để chứng tỏ cá tính của mình, để tự bảo vệ mình, nên khi lớn lên lập gia đình rất dễ đổ vỡ. Còn đứa trẻ ở Đông phương, khi nhỏ được dạy phải vâng lời cha mẹ triệt để, làm cho bản ngã nhỏ dần, khi lớn lập gia đình thì gia đình rất bền vững, hạnh phúc lâu dài. Khi đứa trẻ vâng lời cha mẹ thì bản ngã của nó sẽ héo úa dần, mà bản ngã héo úa dần thì những điều tốt đẹp sẽ nở hoa.


Hiện nay, do thời đại văn minh, sự toàn cầu hóa ngày càng tiến triển, văn hóa của các nước xâm nhập lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Lối sống tự do, phóng đãng của Tây phương đang xâm nhập vào nước ta làm mai một dần những truyền thống quý giá của ta từ bao đời. Trong đó, truyền thống con cái phải vâng lời cha mẹ bị mất đi một mảng rất lớn. Những luật lệ bảo vệ trẻ em vô lý và quá quắt của Tây phương đang từ từ xâm nhập vào nước ta, mà nguồn gốc của những luật lệ đó là một số trường hợp cá biệt, cha mẹ hành hạ con cái, một số ít mà thôi. Báo Thanh niên ngày 4/9/2009 có đăng tin một cô bé 6 tuổi bị người cha mất nhân tính của mình hành hạ, đến nỗi phải vào bệnh viện. Mọi người rất cảm thương cô bé đó và căm phẫn người cha tàn nhẫn. Rồi ta còn nghe thêm một số vụ bạo hành trẻ em, cha mẹ hành hạ con cái.


Từ đó, báo chí bắt đầu lên tiếng nói rằng thầy cô, trường lớp phải dạy cho trẻ em cách phản kháng, chống đối người lớn để tự bảo vệ mình. Nhưng, chúng ta nên nhớ rằng, trong khoảng 30000 người, thì chỉ có 1 người hành hạ con cái, là một người cực ác, còn số còn lại đều yêu thương con mình hết lòng, tận tụy lo lắng cho con. Thế thì tại sao chúng ta chỉ dựa trên một vài trường hợp hết sức cá biệt mà dựng nên một bộ luật vô lý để tạo cơ hội cho trẻ em phản kháng, chống đối cha mẹ, đó có phải là một cái nhìn khiếm khuyết và thiển cận quá chăng? Báo chí chỉ nói một chiều, chỉ dựa trên một vài trường hợp, nhưng không nhìn đến số đông còn lại.


Những bộ luật bảo vệ trẻ em vô lý đó sẽ làm cho đứa trẻ trong gia đình trở nên vô lễ và bất hiếu, vì nó biết phía sau lưng luôn có những lực lượng bảo vệ cho nó, khi cha mẹ làm nó không vừa ý, nó sẽ nhờ cảnh sát can thiệp. Hậu quả của những việc làm đó là giới trẻ ở Tây phương sống hư hỏng, ăn chơi trụy lạc, luôn khác người để chứng tỏ cá tính của bản thân, chống đối người lớn. Theo lối ngang ngược đó, bản ngã của những đứa trẻ ngày càng phát triển thêm, lớn lên nó sẽ sống kém bản lĩnh, hèn nhát nhưng lúc nào cũng ngạo mạn, xem mình là trên hết, chúng ta cứ tưởng tượng nếu trong một xã hội, mà phần đông là những người như thế thì đất nước này sẽ đi về đâu? Chúng ta hãy nghĩ xem cha mẹ khôn ngoan hơn con cái hay con cái khôn ngoan hơn cha mẹ? Cha mẹ yêu thương con cái hơn hay con cái yêu thương cha mẹ hơn? Trong việc dạy dỗ, sự nghiêm khắc tốt hơn hay sự dễ dãi, chiều chuộng tốt hơn? Nếu xét cho kỹ những điều đó thì tại sao chúng ta lại dành cho đứa trẻ quá nhiều quyền như thế? Nếu xét cho kĩ thì chúng ta mới thấy bộ luật bảo vệ trẻ em của Tây phương thật thiếu khôn ngoan và truyền thống con cái phải vâng lời cha mẹ của Đông phương thật đáng quý biết chừng nào!


Thế giới đang gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức. Việt Nam đang từ từ mất dần những thuần phong mỹ tục đáng quý, trong đó có truyền thống con cái vâng lời cha mẹ. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì lớp trẻ Việt Nam sớm muộn gì cũng đi theo vết xe đổ của Tây phương . Mọi người hãy cùng nhau chung tay góp sức lại để bảo vệ truyền thống tốt đẹp của ta, để chúng ta được sống lại những năm tháng yên bình, an vui, hạnh phúc, tràn đầy đạo đức của thuở xa xưa.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .