Top 7 bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân chọn lọc hay nhất

76

Bài viết dưới đây Alltop đã tổng hợp các bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân chọn lọc hay nhất, các bạn cùng tham khảo để rèn luyện cách viết cho mình nhé!...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 1

Đi chợ mùa xuân là phong tục của người Việt từ thời xa xưa truyền lại để cầu một năm mới nhiều tài lộc, may mắn, bình an. Vốn là vùng đất cổ, Nam Định quê em nổi tiếng với những phiên chợ xuân độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa ấm áp nồng hậu. Ngoài phiên chợ Viềng nổi tiếng cả nước diễn ra vào đêm mùng 7, 8 tháng Giêng còn có chợ cầu may đêm mùng 2 sáng mùng 3 Tết ở hầu khắp các làng quê trong tỉnh. Mỗi phiên chợ có một nét văn hóa độc đáo riêng, nhưng đều mang dấu ấn của cư dân nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách đến chơi chợ, du xuân, làm nên nét riêng đất và người Nam Định.


Đã thành thông lệ, ngày mùng 1, mùng 2 sau khi lo cúng lễ tổ tiên, Tết mẹ Tết cha, sang ngày mùng 3, người ta bắt đầu mở chợ, mua bán lấy may. Vậy nên, khu vực các huyện phía bắc tỉnh dân gian tổng kết lịch “chơi chợ”: “Mùng Một ăn Tết ở nhà/Mùng Hai chơi điếm, mùng Ba chơi đình/ Mùng Bốn chơi chợ Quả Linh/ Mùng Năm chợ Trình, mùng Sáu chợ Gôi/ Nghỉ ngày mùng Bảy mà thôi/ Đến ngày mùng Tám đi chơi chợ Viềng”. Xưa kia đình và chợ thường gắn liền với nhau nên hầu hết các địa phương trong tỉnh mở cửa đình vào đêm mùng 2 và họp chợ cầu may ngay sân đình vào ngày mùng 3.


Phiên chợ cầu may ngày mùng 3 Tết ở mỗi địa phương có một nghi lễ khác nhau gắn với thần tích của vùng đất đó. Phiên chợ cầu may làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh), gắn với tục thờ Thần Hoàng Quý Triều Đại Vương là em trai của Tản Viên Sơn Thần. Theo truyền thuyết, có lần Thần đi kinh lý qua cửa Thần Phù, thấy người dân tổng Văn Lãng xưa thường chịu cảnh lũ lụt, mùa màng thất bát, Thần Hoàng Quý Triều Đại Vương bèn dạy cho cách trị thủy, trồng cấy. Sau đó, dân làng lập đền thờ và cứ đến mùng 2 Tết hàng năm lại tổ chức rước Thần từ đền Nam Lạng ra đình làng mở hội chợ đầu năm ở ngay khu đất trống trước đình để Thần ban cho may mắn. Sau khi thực hiện các nghi lễ kính cáo Thần linh, tảng sáng, phiên chợ khai xuân được mở. Hàng hóa trong phiên chợ cầu may làng Nam Lạng mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như tranh, chữ, tò he, đồ gốm sứ cho đến những nông sản như rau, cá, thịt, hoa quả… Đặc biệt có hai sản phẩm mang nét đặc trưng không thể thiếu trong phiên chợ cầu may mà ai đến chợ cũng phải mua cho kỳ được là muối và bánh rang. Vừa trao đổi hàng hóa, mọi người vừa trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới và thăm hỏi những đổi thay trong một năm qua.


Tại thôn An Hòa, xã Yên Bình (Ý Yên) cứ đến sáng mùng 3 Tết, dân trong làng, người mớ cá, giỏ cua, gánh rau vườn nhà, người phản thịt bò, mẹt muối gói giấy điều đỏ… họp chợ nơi sân đình. Việc bán, mua chỉ là cái cớ bởi trong nhà thực phẩm mọi thứ gà, lợn, măng, miến, dưa hành vẫn sẵn, nhà nào nhà nấy con theo cha, vợ theo chồng rủ nhau ra chợ chỉ để gặp mặt, hỏi han chúc nhau năm mới sức khỏe, mua thêm chút cá tươi, mớ rau cần, xách thịt bò để làm cơm hóa vàng cúng tổ tiên. Chợ Đình thôn An Hòa họp chóng vánh trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ lúc sáng sớm rồi tan nhưng người dân trong thôn, ai bận việc không ra đến chợ đều như thấy thiếu một điều gì đó chưa làm. Nhiều cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn bảo con cháu dắt ra chợ Đình, không đi lại được thì ngồi gốc đa xem người làng mua bán, ngẫm nhìn sự đổi thay của xóm làng và chứng kiến vạn vật vào xuân.


Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, ngày nay, phiên chợ cầu may ở khắp các địa phương trong tỉnh trở nên đông vui, tấp nập hơn. Quy mô chợ được mở rộng, hàng hóa trong chợ cũng đa dạng hơn; ngoài các sản phẩm truyền thống của địa phương còn có sự góp mặt của hàng hóa ở nhiều nơi khác. Từ tờ mờ sáng ngày phiên chợ, từ các ngả đường trong xã, người dân í ới gọi nhau đến đền, chùa để lễ Thần, Phật rồi đi chợ. Tất cả hòa nhập trong không gian ấm áp linh thiêng, cười nói vui vẻ, bán, mua nhanh chóng để cầu may mắn cho cả năm.


Qua ngày mùng 3 “hết” Tết nhà, Tết họ, người dân mong ngóng đến phiên chợ Viềng đầu xuân. Chợ họp một phiên duy nhất trong năm kéo dài từ chiều mùng 7 sang ngày mùng 8 Tết. Người đi chợ bán mua rôm rả suốt cả đêm, ánh đèn nhoang nhoáng thắp sáng cả vùng. Sản phẩm làm nên nét đặc trưng của chợ Viềng là thịt bò thui. Mỗi phiên chợ hàng trăm con bò được ngả ra phục vụ ăn uống ngay tại chợ và để du khách mua mang về nhà làm quà. Chợ liền với Phủ Dầy - địa chỉ tâm linh nổi tiếng nên người đi chợ bao giờ cũng vào Phủ lễ Mẫu, sang Chùa lễ Phật rồi mới vào chợ bán mua nên phiên chợ đầu xuân càng thêm độc đáo, ai nấy đều tỏ ra thân mật gần gũi, vui vẻ, hoà đồng, hứa hẹn một năm làm ăn sung túc. Người đi chợ Viềng đầu năm không chỉ có dân Nam Định mà người tứ xứ từ Hà Nội xuống, Thanh Hóa, Nghệ An ra; Hải Phòng, Quảng Ninh đến, ai cũng muốn ít nhất một lần trải nghiệm chơi chợ “Năm có một phiên/ Để cho trai gái đắt tiền trầu cau”, mong lộc xuân một năm thuận hòa, may mắn.


Với người kinh doanh, chợ Xuân là một cơ hội làm ăn, kích cầu mua sắm rất hiệu quả. Với người sản xuất - những nông dân trong vùng, phiên chợ Xuân là cơ hội tuyệt vời để quảng bá sản phẩm. Do vậy họ cố mang đến chợ những hàng hóa chất lượng nhất để người mua nhớ mà tìm lại. Những năm gần đây, chính quyền và các địa phương đã đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa và giá trị kinh tế - xã hội của hoạt động chợ Xuân nên đã chỉ đạo tổ chức đảm bảo chất lượng, quy mô, tạo một sự kiện, hoạt động giao thương sinh động, hiệu quả từ đầu năm. Do vậy, ngoài chợ Viềng phủ, Viềng chùa, các chợ Xuân Hải Lạng, Liễu Đề… được tổ chức hết sức sôi động, cung đường du xuân khắp các vùng trong tỉnh thêm phong phú. Chợ Xuân thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 1
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 2

Hội chợ Xuân là một hoạt động giúp học sinh hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, giúp chúng em thêm tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp; giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, và cũng qua đó nhằm gắn kết mối quan hệ: nhà trường, gia đình và xã hội. Hội chợ Xuân năm nay diễn ra ngay trong khuôn viên trường thu hút rất đông học sinh, phụ huynh và giáo viên tham gia.


Hội chợ Xuân ở trường đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp học sinh phát huy khả năng độc lập, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, có thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết cổ truyền, biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.


Nổi bật của hội chợ xuân là các gian hàng, mỗi gian hàng được trang trí công phu rất đẹp mắt và khéo léo mang đậm phong vị ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mặt hàng đa dạng và phong phú là các món ăn do tự tay các em học sinh và các bậc phụ huynh chuẩn bị… đến các mặt hàng ẩm thực, các mặt hàng thủ công và tranh ảnh ngày tết đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan hội chợ. Tại hội chợ Xuân năm nay, các mặt hàng, sản phẩm mua bán rất đa dạng và phong phú. Có nhiều bạn học sinh vui chơi ở hội chợ còn mua quà mang về cho gia đình, cho bạn bè. Các bậc phụ huynh thì tham gia nhiệt tình vào công tác bán hàng, tạo ra một bầu không khí vui tươi, náo nức hơn bao giờ hết. Mỗi một gian hàng là sự đóng góp không nhỏ của các bậc phụ huynh, của thầy cô giáo cùng với sự góp sức của các bạn học sinh.


Và cũng không thể thiếu được trong hội chợ xuân đó là hoạt động gói bánh chưng ngày Tết của của học sinh chúng em. Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Để nối tiếp nét văn hóa này, tập thể giáo viên, học sinh cùng phụ huynh trường THCS ............. đã cùng nhau gói những chiếc bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ và dựng lại những nét đẹp cổ xưa của người dân Việt. Đây là hoạt động thường niên được nhà trường tổ chức nhằm mang đến những những giá trị văn hóa tốt đẹp để lưu truyền.


Hội chợ Xuân khép lại với những dư âm hân hoan khó quên trong lòng mỗi người. Hội chợ Xuân 20... của trường THCS ............. thực sự trở thành một sân chơi, một sự trải nghiệm đầy bổ ích và lí thú đối với học sinh, giáo dục tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tương thân, tương ái đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích giúp học sinh tìm về với cội nguồn văn hóa Việt, giáo dục đạo đức truyền thống Uống nước nhớ nguồn. Chắc chắn đây sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ của chúng em dưới mái trường THCS .............

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 2
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 3

Cũng là nơi mua bán hàng hoá, nhưng chợ quê, đặc biệt vào phiên chợ Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Đây cũng là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến.


Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội bán đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, mỗi khi tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê, và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ năm nào. Những phiên chợ quê như thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.


Sở dĩ nhiều người thích đi chợ quê vì cảm giác đi chợ quê ngày tết rất vui, giống như đi trẩy hội vậy. Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Ở chợ quê, có sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha khi cố gắng buôn bán để sắm được đôi dép, quần áo mới cho con cái. Đi chợ quê ngày Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới.


Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng hoặc theo phiên. Nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí Tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp hơn từ ngày 23 tháng Chạp. Bắt đầu từ thời điểm này các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp ban thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm, mâm ngũ quả cho ngày Tết. Còn những đứa trẻ thì luôn phấn khởi, với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.


Nhiều mặt hàng nông sản của bà con đem từ vườn ra hoặc từ các chợ đầu mối đổ về làm cho chợ quê thêm phong phú. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến cả những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, nâng cao thu nhập. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi... đều được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.


Nhưng góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.


Phiên chợ ngày tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn. Tiếng nhạc Xuân vang lên giữa chợ quê: "Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!", làm ai cũng nôn nao.

Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Phiên chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 3
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 4

Hội chợ xuân do trường em tổ chức luôn là một hoạt động rất được mong chờ trước ngày Tết Nguyên đán cận kề. Năm nay cũng vậy, ngày 24 tháng chạp, học sinh trường THCS... chúng em đã được trở về với không gian Tết xưa qua các trò chơi dân gian, gói bánh chưng, tục xin chữ đầu năm cùng phần trình diễn thời trang độc đáo, ấn tượng.


Tại sân trường rộn rã tiếng nhạc và tiếng nói cười náo nức, tất cả học sinh trong trang phục áo dài truyền thống hào hứng tham gia hoạt động gói bánh chưng. Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, lá dong, lạt…. đã được chuẩn bị từ trước được đặt trên chiếc chiếu giữa sân trường. Cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô giáo, tình nguyện viên và phụ huynh, học sinh từ khối 1 đến khối 5 đều tích cực lắng nghe hướng dẫn, quan sát động tác và trực tiếp tham gia vào công đoạn gọi bánh để làm ra sản phẩm là những chiếc bánh tuy còn vụng về nhưng rất đáng yêu.


Ai ai cũng háo hức tham quan các gian hàng trong Hội chợ Xuân, hòa mình vào không khí ấm áp của phiên chợ Tết với các tiểu cảnh, gian hàng trang trí theo phong cách cổ truyền, được cảm nhận hương vị ngày Xuân, được mua sắm mặt hàng yêu thích. Không chỉ được học gói bánh chưng, chúng em còn được xem ông đồ viết thư pháp, xin chữ đầu năm và chơi nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, thú vị...


Trong chương trình Hội chợ Xuân năm nay, trường em còn có hoạt động đấu giá những món đồ chơi cũ nhưng còn mới và sử dụng được do các bạn học sinh góp tặng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Em cũng quyên góp chiếc ô tô đồ chơi mà bố mua tặng dịp sinh nhật năm trước. Khi biết quyết định của em bố đã rất vui và ủng hộ nhiệt tình. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, dạy cho chúng em về lòng bao dung, nhân ái, biết chia sẻ trong cuộc sống.


Được tham gia hội chợ xuân ngày Tết là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp em thêm hiểu biết, trân trọng, tự hào về văn hoá truyền thống; biết chia sẻ, yêu thương con người.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 4
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 5

Vào những ngày giáp tết, những phiên chợ quê bắt đầu nhộn nhịp, rộn ràng tiếng người mua kẻ bán. Gác lại bao bộn bề, lo toan, trên khuôn mặt tất cả mọi người nơi đây đều ánh lên niềm vui, sự hân hoan tất bật chuẩn bị cho một cái tết thật đủ đầy, sum vầy.


Phiên chợ Tết bắt đầu từ lúc trời còn tờ mờ sáng, vậy mà các bà, các mẹ đã thồ những xe hàng nào hoa quả, bánh trái... tấp nập trên con đường đến chợ. Khi những tia nắng ửng hồng của ông mặt trời chiếu xuống vạn vật, khu chợ đã rộn ràng, đông đúc vô cùng. Có lẽ ai cũng muốn là người lựa được những món hàng mới tốt nhất. Vẫn tiếp tục có từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt. Cạnh đó là những bó ống dang để chẻ lạt, gói bánh chưng. Kế đó là dãy bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ,… và các loại cây thuốc quý như cam thảo, sa nhân, hồi, quế – những đặc sản mang hương vị của núi rừng. Các cô bán hàng, giọng ngọt như đường, đon đả chào mời khách mua hàng. Bên trái chợ là khu bán hoa quả. Những quả chuối vàng ruộm, mập mạp, đều đặn trông như những ngón tay đang khum khum xoè ra. Quả bưởi to, tròn màu nắng ấm, còn nguyên cuống lá xanh. Những rổ cam ngọt lành, quả hồng xiêm màu nâu xám. Còn nữa là chùm nho tím với những quả treo lúc lỉu, mọng nước… Tất cả đều được cô bán hàng sắp xếp nhìn thật vui mắt. Chếch sang một chút là nơi bán rau, đủ các loại cây nhà lá vườn. Củ su hào còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối, chín căng mọng xếp vào từng giỏ lớn cạnh những bó hành dọc xanh, củ trắng nõn nà. Tất cả đều tươi xanh roi rói.


Đi tiến lên chút nữa là quầy bán bánh kẹo. Những hộp mứt, hộp kẹo, bánh được trang trí với nhiều hình dạng và màu sắc sặc sỡ trông thật bắt mắt. Những thỏi kẹo sôcôla hay những gói bánh trứng càng vì thế mà ngon lành hơn. Những lon bia, chai rượu cũng được tô điểm mới lạ, đẹp hơn mọi ngày. Mẹ tôi vào lựa hai chai rượu một gói bánh về chuẩn bị thắp hương. Bước ra khỏi quầy bánh kẹo, tôi và mẹ đến xem quần áo tại một cửa hàng đối diện. Những tấm thổ cẩm, những tấm vải dệt rực rỗ sắc màu làm tôi hoa cả mắt. Kẻ mua, người bán ồn ào, tấp nập. Mấy cô gái trẻ ướm thử những thứ mình định mua rồi quay ra nhìn nhau cười khúc khích. Mẹ chọn cho tôi và Đạt mỗi đứa một bộ để diện đi chơi Tết. Chen giữa dòng người, hai mẹ con tôi như bị cuốn đi trong những tiếng chào mời tíu tít. Luồn lách mãi mới đến được hàng hoa. Vươn lên tán lá dày, xanh mát là hàng chục bông hồng đua nhau toả hương khoe sắc. Chúng khoác lên mình bộ dạ hội đỏ thắm, cao sang cùng những viên kim cương điểm xuyết cho tà áo rực rỡ. Cạnh đó là những bông cúc gắn liền với mùa thu trong sáng, dịu êm. Những bông hoa vàng tươi, kiêu hãnh chao nghiêng theo làn gió nhẹ khoe những cánh vàng e ấp, mịn màng. Chúng như mời gọi các nàng ong, nàng bướm tụ hội. A, kia rồi! Cây bích đào duyên dáng với hàng ngàn, hàng vạn chồi non, lộc biếc như vô vàn những ánh nến lấp lánh ẩn hiện dưới nắng sớm. Nép sau tà áo xanh mơn mởn, những cánh hoa phơn phớt hồng đầu tiên đã hé nở, chào đón Tết đến. Cạnh đó là nơi bán đèn lồng. Những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ để trang trí nhà cửa, cầu cho mọi người năm mới tốt lành.


Hội chợ xuân ngày Tết từ lâu không chỉ là nơi mua bán, sắm sửa đồ tết, mà còn là nơi đại diện cho nét văn hóa từ lâu đời của người dân Việt Nam. Dù cuộc sống hiện đại ngày nay, các siêu thị hay những của hàng tiện lợi mọc lên như nấm, phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, thì những ngày chợ Tết diễn ra trên tại các miền quê vẫn luôn nhộn nhịp tấp nập kẻ bán, người mua.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 5
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 5

Những làng quê trên mọi miền của đất nước Việt Nam luôn để lại dấu ấn đậm sâu trong mỗi người với những lũy tre làng xanh tươi rì rào trong gió, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với giếng nước, gốc đa,... Và có lẽ hơn tất cả, nơi in dấu những kỉ niệm tuổi thơ, nơi hội tụ đầy đủ nhất những nét đặc trưng của làng quê đó chính là phiên chợ quê.


Từ ngàn đời nay, chợ quê luôn là một nét đẹp trong văn hóa của làng quê Việt và nó được hình thành từ lâu đời. Chợ quê thường nằm ở đầu mỗi làng, xã hoặc là nơi giao nhau của các làng, xã. Sở dĩ như vậy bởi là nơi trao đổi hàng hóa của những người trong làng, hoặc trong xã. Cùng với đó, mỗi chợ sẽ có những tên gọi riêng, có thể dựa vào đặc điểm của chợ hay của làng xã mà đặt tên cho nó. Đồng thời, mỗi chợ sẽ có phiên chợ vào một số này nhất định ở trong tháng và những ngày này luôn cố định, không thay đổi theo thời gian.


Chợ quê thường có kết cấu, quang cảnh rất đơn giản, thường là những lều bằng lá tranh, lá cọ và cột làm bằng tre. Ngày nay, có nhiều nơi đã được xây bằng gạch, thành những gian hàng khang trang hơn. Những phiên chợ quê thường bắt đầu từ lúc sáng sớm tinh mơ và kết thúc khi buổi xế chiều. Từ sáng sớm, những người buôn bán đã mang rất nhiều hàng hóa đến chợ và bày biện, mỗi người, mỗi gian hàng có những món hàng hóa khác nhau. Ngay từ cổng chợ, người ta đã nghe thấy âm thanh náo nhiệt, ồn ào, tấp nập kẻ mua người bán, người mời hàng, người trả giá và còn có cả tiếng trò chuyện vui vẻ của những cô những bác đi chợ. Thêm vào đó còn có những em bé theo mẹ đi chợ, vừa đi vừa ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Những phiên chợ quê luôn bày bán rất nhiều những món hàng. Từ đầu chợ đã nghe thấy mùi thơm của những gánh phở, mùi hương của những loại bánh như bánh gạo tẻ, bánh bao, bánh chưng,... Không dừng lại ở đó, chợ còn là nơi bày bán những nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày cho mọi người như rau củ, thịt, cá, các loại hoa quả, các loại gạo,... Có lẽ những gian hàng này luôn là nơi được nhiều người quan tâm nhất vì vậy lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Thêm vào đó, ở chợ, người ta còn bày bán các loại áo quần, giày dép, mũ nón,... để mọi người có thể ghé lựa chọn và mua. Những phiên chợ quê bao giờ cũng vậy, luôn đầy đủ mọi món đồ và là niềm mong ước của những đứa trẻ.


Những phiên chợ quê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người Việt Nam nói chung và ở những làng quê nói riêng. Nó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà hơn thế phiên chợ quê là nét đặc trưng, là nét đẹp riêng của làng quê Việt từ ngàn đời nay và có thật nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ đây để vẽ nên những bức tranh thật tuyệt. Cùng với đó, những phiên chợ quê còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm, những kí ức tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ nơi làng quê Việt.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

bài văn thuyết minh kể lại hội chợ xuân - mẫu 6

Xuân đã đến khắp muôn nơi, cỏ cây, hoa lá đâm chồi cùng nhau khoe sắc chào đón một năm mới - xuân 2025. Trong không khí đó, ai ai cũng đang mong chờ về quê tận hưởng những ngày Tết đầm ấm bên những người thân trong gia đình cùng trò chuyện và thưởng thức những món ăn quê hương, ôn lại một năm đã qua và chúc nhau một năm mới an lành.


Dù tết chưa đến, nhưng học sinh tại Trường THPT Nguyễn Huệ, đã được sống trong không khí ngày tết của dân tộc tại Hội chợ xuân 2025 do nhà trường cùng toàn thể phụ huynh học sinh tổ chức. Hội chợ xuân 2025 được tổ chức, thực sự là ngày Hội dành tặng cho các bạn học sinh nhân dịp cuối năm, để các bạn có một ngày được vui đùa, được sống trong không khí ngày tết tại chính ngôi nhà thứ 2 của mình - Trường THPT Nguyễn Huệ . Để tổ chức được Hội chợ xuân 2025, trước tiên phải nói đến sự tham gia nhiệt tình và tích cực từ phía phụ huynh học sinh, hiếm có một hoạt động mà phụ huynh học sinh lại tham gia nhiệt tình đến vậy. Kế đến phải kể đến công sức của tập thể CB, GV, NV nhà Trường. Các cô đã phải chuẩn bị nhiều ngày, tự tay làm nên các chậu hoa, lọ hoa đá cùng các đồ chơi hết sức hấp dẫn từ chính những vật dụng khác nhau để đặt vào gian hàng "Sắc hoa lung linh", ẩm thực dân tộc như thịt sấy, thịt chua, măng ớt, mứt dừa, bánh chưng, xôi các màu được nhuộm từ lá cây với gian hàng "Ẩm thực", "Tết Việt"… đều được trưng bày tại hội chợ.


Có thể nói tất cả các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ đều do chính đôi bàn tay khéo léo của chính các bạn học sinh đầy năng động và sáng tạo cùng với các bậc phụ huynh, các thầy cô tạo nên với chất lượng hoàn thiện cao. Và kết quả là Hội chợ đã thành công, các gian hàng đều được bài trí bắt mắt, ấn tượng và có bản sắc riêng. Với khách tham dự đoàn thể thanh niên, học sinh, sinh viên và chính phụ huynh học sinh đều được tận hưởng không khí ngày tết tại quê hương. Đây quả thực là một hội chợ ý nghĩa với tôi và gia đình trước kỳ nghỉ đón Tết.

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn.

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .