Top 7 Bài văn thuyết minh về một trò chơi dân gian hay nhất
Hiện nay trò chơi dân gian đang được đưa vào trường học và thu hút được sự tham gia tích cực của học sinh bởi sự vui tươi, đoàn kết, gắn bó. Vậy trò chơi...xem thêm ...
Thuyết minh về trò chơi: Kéo co
Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.
Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam.
Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.
Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ, bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng.
Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.
Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực.
Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.
Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.
Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, niu giữ nét đẹp truyền thống này.
Thuyết minh về trò chơi: Thả diều
“Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời ”
("Thả diều" - Trần Đăng Khoa )
Hình ảnh con diều bay lượn trên bầu trời đã trở nên gần gũi và nên thơ trong cái nhìn của một người con đất Việt. Và thả diều từ lâu đã là một trò chơi dân gian gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam.
Trò chơi thả diều lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc. Chiếc diều đầu tiên được một người tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo đã bay trên mảnh đất Trung Hoa, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của họ. Dần dà, thú thả diều cũng được người dân Việt Nam ưa thích và trở thành một trò chơi dân gian, một phần của văn hóa dân tộc. Hình ảnh chú bé nằm vắt vẻo trên lưng trâu với con diều đang bay trên bầu trời cũng đã được các nghệ nhân tranh Đông Hồ đưa vào những bức vẽ của mình, là bóng dáng của một thời tuổi thơ chốn đồng quê.
Diều là một đồ vật thuộc loại khí cụ, mượn sức gió và sức đẩy của không khí để có thể bay lên cao. Diều thường có một khung bằng tre hoặc gỗ, được uốn thành các hình thù khác nhau. Khung diều không được quá mềm vì sẽ dễ bị gãy khi có gió lớn, và cũng không được quá cứng, nặng vì sẽ gây khó khăn khi cho diều đón gió.
Trên các khung ấy là những tấm giấy màu sắc hoặc những tấm ni lông, được dán bằng keo để cố định trên khung. Người ta thường làm thêm cho diều một cái đuôi dài với những sợi tua rua để làm phần trang trí. Khi diều bay lên, những tua rua ấy sẽ bay phấp phới, tạo nên điểm nhấn và giúp hình ảnh chiếc diều trên trời xanh được đặc sắc hơn.
Ngày nay, diều còn được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau với đủ các kích cỡ, màu sắc, hình hài vô cùng phong phú và độc đáo. Diều được kết nối với sợi dây để chạy lấy đà giúp diều bay lên và giữ cho diều không bị bay đi mất.
Diều thường được thả vào những ngày có gió bởi như thế thì diều sẽ dễ lên hơn. Nhưng người chơi cần chọn ngày có gió vừa bởi gió to quá thì diều có thể bị cuốn đi mất. Cứ tầm chiều chiều, người ta sẽ đi thả diều rất đông, đặc biệt là ở những vùng đất cao, hút gió và rộng thoáng. Những vùng nông thôn, cứ đến khi mặt trời đã tắt, ánh nắng dịu nhẹ, không khí thoáng mát hơn là người ta lại đi thả diều. Hình ảnh những đứa trẻ chân đất chạy chân trần trên nền đất để đưa diều lên đã quá quen thuộc với cuộc sống thường nhật ở nơi thôn dã:
“ Cánh diều no gió
Nhạc trời réo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre làng ”
Tiếng diều ấy là tiếng vi vu, là tiếng sáo diều thân thuộc. Nhiều con diều được gắn thêm một bộ sáo, khi bay lên, đón lấy gió thì sáo sẽ phát ra âm thanh ngân vang trong đất trời. Đây là loại diều rất đặc biệt và lí thú chơi có nguồn gốc từ các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
Để thả được diều, người chơi phải biết cách chọn hướng và xác định gió. Nếu nhiều gió, người chơi chỉ cần đứng giật dây điều khiển cánh diều từ từ bay lên. Nếu trời đứng gió, nếu thấy ngọn cây vẫn đung đưa tức là gió ở trên cao, thì người chơi chạy đà để đưa cánh diều lên đủ tầm đủ để đón được gió. Khi ấy, cánh diều sẽ tiếp tục lên cao. Với những con diều nhỏ, diều giấy đơn giản, người chơi thường tập trung ở các vùng đồng quê.
Còn với những con diều to, người ta lại thường tìm đến vùng biển nơi đón đầu những cơn gió khơi xa. Khi thả diều, người chơi không được quá lơ là mà cần chuyên tâm để diều không bị rơi xuống hay mắc dây vào những con diều khác. Đây cũng là trò chơi đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, nếu cả thèm chóng chán hay nóng tính thì rất khó để đưa được diều lên cao.
Là một trò chơi dân gian, một nếp sinh hoạt truyền thống, thả diều đã trở thành thú vui không thể thiếu mỗi khi hè về. Đây cũng là lúc người ta được giải tỏa căng thẳng khi ngắm nhìn những con diều uốn lượn trên trời cao, được nằm dài nhìn trời đất cùng những cánh diều no gió, được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Đời sống ngày càng phát triển, những cánh diều cũng ngày càng thêm phong phú hơn, và từ đó, người ta đã mở những hội đua diều, ngày mà mọi người được khoe tài làm diều và cùng chung vui trong không khí háo hức của lễ hội. Những lễ hội này thường được diễn ra ở các vùng biển như Vũng Tàu, Phan Thiết,…
Những con diều đã cất cánh bay lên trời cao, cũng mang theo một nét đẹp văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được tung cánh, chở theo bao ước mơ của những đứa trẻ thôn quê. Cánh diều cứ yên bình ngắm nhìn trời đất như thế, yên bình nhìn ngắm khung cảnh đất nước thanh bình, vẽ một nét mực trong bức tranh thôn dã tĩnh lặng của quê hương Việt Nam
Thuyết minh về trò chơi: Nhảy dây
Việt Nam luôn nổi tiếng với bạn bè thế giới bởi tính cố kết cộng đồng vô cùng cao. Tính đoàn kết thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng chỉ cần nhìn qua những khía cạnh nhỏ hơn, thông thường hơn của cuộc sống là có thể thấy rõ được điều này. Một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến ở Việt Nam, chính là trò chơi nhảy dây.
Nhảy dây là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc, đặc biệt là ở những vùng quê, vùng nông thôn ở Việt Nam, giống như trò chơi chi chi chành chành hay chơi xóc hòn thì trò nhảy dây cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần một sợi dây là mọi người có thể tham gia.
Một trong những đặc trưng riêng biệt của các trò chơi dân gian đó chính là tính cộng đồng cao. Bởi vậy mà bất kể trò chơi dân gian nào cũng đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể, nó giúp gắn kết quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng. Mang tính giải trí cao bởi thời gian lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian thường là vào khoảng thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp, vào cuối những mùa vụ, khi những người nông dân đã hoàn thành công tác mùa vụ, đang trong thời gian chờ bước vào mùa vụ mới.
Trò chơi dân gian nhảy dây cũng có rất nhiều phiên bản và nhiều hình thức chơi, bởi ở những nơi khác nhau thì con người lại có xu hướng chơi những hình thức mà mình cho là thú vị nhất, phù hợp nhất với mình. Trước hết, nói đến trò nhảy dây truyền thống, đây chính là trò chơi đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế và sự khéo léo của đôi chân. Theo đó, sợ dây sẽ dùng trong trò chơi dân gian này chính là dây thừng, dây chão, đây đều là những thứ rất dễ tìm trong cuộc sống xưa, bởi nó là thứ dùng để trói, buộc đồ đạc của người nông dân.
Người chơi sẽ bao gồm từ năm đến mười người, chia ra làm hai nhóm, một nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ quất dây, nhiệm vụ này cần có hai người, mỗi người đứng ở một đầu của sợi dây, cùng ăn ý cùng quất sợi dây theo hướng xuôi kim đồng hồ. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi sự nhịp nhàng của bàn tay, sự ăn ý của đồng đội, bởi nếu một người quất nhanh, một người quất chậm thì sợi dây thừng sẽ bị rối, người chơi sẽ không thể nhảy vào sợi dây được. Sợi dây thừng được quất lên sẽ tạo thành một vòng cung, có bán kính cao hơn đầu một người, bởi chỉ có như vậy người chơi mới có thể nhảy vào sợi dây, tương tác cùng với nó.
Nhóm còn lại sẽ là nhóm người chơi, nhóm này thì có thể có trên hai người, càng đông càng vui. Nhưng ngược lại, càng đông thì trò chơi càng trở nên khó khăn hơn, bởi đông người sẽ khó trong việc tương tác, nhịp nhàng nhảy. Người chơi sẽ nghe theo nhịp đếm một, hai, ba của người quất dây mà nhảy vào sợ dây, khi sợi dây chạm xuống mặt đất thì người chơi sẽ phải nhảy lên cao, sao cho đôi bàn chân của mình không làm vướng dây, người nhảy được càng nhiều thì sẽ là người chiến thắng. Trò chơi thú vị hơn ở chỗ, đó chính là không phải từng người nhảy một mà sẽ gồm bốn người nhảy một lượt, hai người bên này, hai người bên kia.
Khi có hiệu lệnh để nhảy thì sẽ cùng nhau nhảy vào sợi dây làm sao cho đồng đều nhất, khi có nhiều người cùng nhảy thì sẽ khó có thể điều khiển đôi chân của mình hơn, nhưng nếu hiểu ý của đồng đội, nhịp nhàng nhảy lên được thì sẽ vô cùng đều đặn, đẹp mắt.
Đây cũng là mục đích quan trọng của trò chơi, gắn kết mọi người lại với nhau, sau trò chơi mọi người sẽ hiểu nhau hơn, sẽ hiểu hơn quá trình hợp tác để hoàn thành một nhiệm vụ. Thế mới nói, trò chơi dân gian tuy đơn giản, dễ chơi nhưng bao giờ nó cũng ẩn chứa trong đó những ý nghĩa nhân văn cao cả của ông cha ta.
Ở những dị bản khác thì trò chơi nhảy dây không phải dùng dây thừng, dây chão để chơi mà dùng một loại dây khác có độ đàn hồi, co giãn cao hơn, như dây chun, dây nịt… và cùng với đó thì hình thức của trò chơi cũng hoàn toàn khác biệt. Thay vì sợi dây được quất cao lên để người chơi có thể nhảy vào thì trò chơi nhảy dây này sẽ do hai người đứng hai bên, để sợi dây vào chân của mình, người chơi phải nhảy vào khoảng trống của hai sợi dây, theo nhịp độ là: nhảy vào, xoạng ra, bắt chéo, nhảy vào và nhảy ra.
Quan trọng là hoạt động nhảy vào nhảy ra phải diễn ra thật nhanh, không được gián đoạn. Hoàn thành xong một phần thì sẽ có phần thi khó khăn hơn, mà người ta gọi là các bàn, thấp nhất là bàn gối, sau đó đến bàn đùi, bàn hông, bàn nách và cao nhất chính là bàn cổ. Cùng với đó là độ cao ngày càng được nâng lên.
Trò chơi dân gian nhảy dây tuy có nhiều phiên bản, ở mỗi phiên bản thì hình thức chơi có sự khác biệt, nhưng điểm chung chính là sự thú vị ở trò chơi, bởi nó đề cao tính cộng đồng, tính gắn kết giữa con người với nhau chứ không đơn giản là một trò chơi nhằm mục đích giải trí.
Thuyết minh về trò chơi: Trốn tìm
Thời xa xưa, khi đời sống tinh thần của nhân dân chưa được như hiện nay, không hề có tivi, laptop, máy chơi game,… thì trẻ em dân gian đã nghĩ ra rất nhiều trò chơi dân gian để cùng nhau chơi đùa trong những buổi chiều mát mẻ. Trong đó có trò chơi trốn tìm, một trò chơi đầy sự sáng tạo và mang đậm màu sắc trẻ thơ.
Trò chơi trốn tìm có từ rất sớm trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trò trốn tìm hay còn có một tên gọi khác là trò ú tim ở khu vực miền Trung và trò năm mươi năm mươi ở khu vực miền Nam. Trong không gian nông nghiệp, nông thôn xưa, những đứa trẻ trong cùng một xã, một làng hoặc một địa phương thường có xu hướng tập trung lại để cùng nhau chơi vào những buổi chiều hoặc buổi tối. Địa điểm tụ tập thường là ở đầu đình, gốc đa, những nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa của một tập thể.
Trò chơi trốn tìm thường được chơi thành từng nhóm đông từ sáu đến hơn chục người, trong đó có một người khi oẳn tù xì thua sẽ bị mọi người bịt mắt lại bằng một tấm vải, một chiếc khăn, miễn sao người bị bịt mắt sẽ không nhìn thấy mọi người. Và trong một khoảng thời gian nhất định, đa số là thời gian trong vòng năm mươi giây người bị bịt mắt mới có thể cởi bỏ khăn vải, cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thì những người còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trốn an toàn nhất.
Sau ba mươi giây, người đi tìm sẽ đi xung quanh khu vực mà họ chơi để tìm kiếm những những người khác. Những người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ sống sót và người đầu tiên bị tìm thấy sẽ tiếp tục thay người đi tìm chơi tiếp. Nếu người đi tìm không phát hiện ra mọi người trốn ở đâu, người đó có thể hô “tha gà” và người đó sẽ là người đi tìm ở lượt chơi tiếp theo cho đến lúc tìm thấy người thay thế.
Theo luật của trò chơi trốn tìm thì người đầu tiên bị tìm thấy sẽ có khả năng trở thành người đi tìm tiếp theo, nếu sau đó không có người nào giải cứu, khi ấy người đầu tiên bị tìm thấy sẽ tiếp tục thay thế cho người đi tìm. Chỉ đến người thứ hai, thứ ba và những người sau đó bất ngờ chạy ra tới nơi người tìm mà không bị họ phát hiện thì người đầu tiên bị tìm ra mới thoát cảnh đi tìm. Người đi tìm sẽ tiếp tục trò chơi mới và tìm người lại từ đầu.
Trò chơi trốn tìm thường được chơi vào xế chiều hoặc buổi tối và trong không gian rộng, có nhiều chỗ ẩn nấp, những người đi trốn khó bị tìm ra bởi người đi tìm, trò chơi sẽ hấp dẫn hơn nhiều nếu người đi tìm không thể nào tìm ra nơi những người khác đang ẩn nấp. Những người chơi cũng hào hứng hơn trong việc trốn thật kĩ, không để cho người tìm tìm ra nơi trú ẩn của mình.
Ai cũng mong muốn mình là người cuối cùng bị tìm thấy để có thể cứu những người đã bị tìm thấy và chiến thắng. Trò chơi dân gian này không những sáng tạo mà còn tạo cảm giác hồi hộp cho người chơi nhưng thường đối tượng tham gia chơi trò chơi này là những đứa trẻ con, chúng rất năng động và sôi nổi. Chính vì thế mà trò chơi trốn tìm trở thành một kí ức đẹp đẽ khi nhớ về tuổi thơ.
Trò chơi trốn tìm dường như rất phổ biến và trở thành một nét văn hóa ở nông thôn. Giờ đây xã hội tiến bộ, công nghệ ngày một phát triển, trẻ em hiếm khi chơi những trò chơi vận động thể chất như thế mà chúng thường say mê với những trò chơi điện tử,... Thật đáng tiếc nếu trẻ em - những thế hệ sau không được trải qua cảm giác vui sướng, hồi hộp khi chơi trốn tìm - một trò chơi dân gian lí thú.
Chúng ta luôn tin rằng, dù trò chơi điện tử, những chiếc laptop, ipad đầy cái mới lạ hiện nay sẽ chẳng bao giờ làm lu mờ đi những giá trị, những nét đẹp của trò chơi trốn tìm - một thú vui trong đời sống tinh thần người dân Việt lâu đời.
Thuyết minh về trò chơi: Ô ăn quan
Từ ngàn năm nay, nền văn học dân gian đã thấm nhuần trong đời sống của nhân dân ta, ngay đến những trò chơi dân gian cũng được phổ biến rộng rãi và quen thuộc, nhất là ở những vùng nông thôn. Một trong những trò chơi như vậy là trò chơi dân gian ô ăn quan.
Không biết đã xuất hiện từ bao giờ nhưng ô ăn quan từ lâu đã trở thành một trò chơi phổ biến của người Kinh và đặc biệt là với những bé gái. Đây không đơn thuần là một trò chơi để giải trí mà còn là một trò chơi mang tính chiến thuật cao. Có nhiều người cho rằng trò chơi này xuất phát từ bàn cờ mancala ở Ả Rập (khoảng 1580 – 1150 TCN) và được lan truyền đi rất nhiều nơi và đến với nước ta.
Để chơi trò chơi này, cần chuẩn bị một số điều như sau: “Quan” và “dân” tên gọi của hai loại quân chơi, cần dùng một vật liệu có hình thể ổn định, kích thước vừa phải để người chơi có thể cầm, nắm nhiều quân bằng một bàn tay khi chơi và trọng lượng hợp lý để khỏi bị ảnh hưởng của gió, đó có thể là những viên sỏi, gạch nhỏ, hạt quả, mẩu gỗ,... Quân “quan” cần có kích thước lớn hơn hoặc hình dạng khác quân “dân” để dễ phân biệt với nhau.
Số lượng quan luôn là hai còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là năm mươi. Sau khi đã có quân chơi, cần bố trí chúng: quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô là một quân, dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô là năm dân.
Khi chơi trò này, thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó. Mục tiêu cần đạt được để giành chiến thắng đó là người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số dân quy đổi nhiều hơn.
Cách chơi cũng rất đơn giản chỉ là di chuyển quân, từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo những cách để có thể ăn được càng nhiều dân và quan hơn đối phương thì càng tốt. Khi đến lượt, người chơi sẽ dùng tất cả số quân trong một ô có quân bất kỳ do người đó chọn trong số năm ô vuông thuộc quyền kiểm soát của mình để lần lượt rải vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và có thể rải ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý. Khi rải hết quân cuối cùng, tùy tình huống mà người chơi sẽ phải xử lý tiếp như sau:
Nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng tất cả số quân đó để rải tiếp theo chiều đã chọn. Nếu liền sau đó là một ô trống rồi đến một ô có chứa quân thì người chơi sẽ được ăn tất cả số quân trong ô đó. Số quân bị ăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để người chơi tính điểm khi kết thúc.
Nếu liền sau ô có quân đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô có quân nữa thì người chơi có quyền ăn tiếp cả quân ở ô này. Nếu liền sau đó là ô quan có chứa quân hoặc hai ô trống trở lên hoặc sau khi vừa ăn thì người chơi bị mất lượt và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.
Trường hợp đến lượt đi nhưng cả năm ô vuông thuộc quyền kiểm soát của người chơi đều không có dân thì người đó sẽ phải dùng năm dân đã ăn được của mình để đặt vào mỗi ô một dân để có thể thực hiện việc di chuyển quân. Nếu người chơi không đủ năm dân thì có thể vay của đối phương và trả lại khi tính điểm.
Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy. Ô quan có ít dân (nhỏ hơn năm dân) gọi là quan non và để cuộc chơi không bị kết thúc sớm cho tăng phần thú vị, luật chơi có thể quy định không được ăn quan non, nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị mất lượt.
Trò chơi này rất hay và có những chiến thuật đòi hỏi như một bàn cờ thực sự và chỉ cần một khoảng sân nhỏ các bé gái có thể chơi trò chơi này một cách thoải mái, vì phổ biến và thú vị như vậy nên trò chơi này có rất nhiều bài đồng dao đi kèm, một trong số đó là:
"Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng cúng Phật."
Thuyết minh về trò chơi: Ú tim
Trong xã hội xưa, khi mọi điều kiện về sinh hoạt, giải trí còn chưa phát triển thì trẻ em dân gian đã nghĩ ra rất nhiều trò chơi dân gian để cùng nhau chơi đùa mỗi khi rảnh rỗi. Những trò chơi tuy đơn giản nhưng mang đầy màu sắc sáng tạo, mà hơn hết là những trò chơi đều hết sức trong sáng, thể hiện được tâm hồn trẻ thơ của trẻ em xưa. Hơn nữa trong những khía cạnh nhất định, những trò chơi dân gian còn thể hiện được những nét đặc sắc về văn hóa, về phong tục tập quán của con người xưa. Một trong những trò chơi dân gian độc đáo được trẻ em yêu thích đó chính là trò chơi ú tim.
Trò chơi ú tim xuất hiện từ rất sớm trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trò ú tim hay còn có một tên gọi khác là trò trốn tìm ( ở khu vực miền Bắc) và trò năm mươi năm mươi ( ở khu vực miền nam). Trong không gian nông nghiệp, nông thôn xưa, những đứa trẻ trong cùng một xã, một làng hoặc một địa phương thường có xu hướng tập chung, tụ tập lại để cùng nhau chơi vào buổi tối. Địa điểm tập trung thường là ở đầu đình, gốc đa, những nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng.
Trò chơi ú tim thường được chơi thành từng nhóm, trong đó có một người sẽ bị mọi người bịt mắt lại bằng một tấm vải, một chiếc khăn, miễn sao người bị bịt mắt sẽ không nhìn thấy mọi người. Và trong một khoảng thời gian nhất định, đa số là thời gian trong vòng năm mươi giây người bị bịt mắt mới có thể cởi bỏ khăn vải, cũng trong thời gian ấy thì những người còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trú ẩn.
Sau năm mươi giây, người đi tìm sẽ đi xung quanh khu vực mà họ chơi để tìm kiếm những những người khác. Những người bị tìm thấy sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ sống sót và người đầu tiên bị tìm thấy sẽ tiếp tục thay người đi tìm chơi tiếp.
Theo luật chơi thì người đầu tiên bị tìm thấy sẽ có khả năng trở thành người đi tìm tiếp theo, nếu sau đó không có người nào giải cứu cho mình, và khi người đầu tiên bị tìm thấy thì họ dù có ú tim người đi tìm thì cũng không có hiệu lực. Chỉ đến người thứ hai, thứ ba và những người sau đó bất ngờ chạy ra ú tim người tìm mà không bị họ phát hiện thì người đầu tiên bị tìm ra mới thoát cảnh đi tìm. Người đi tìm sẽ tiếp tục trò chơi mới và tìm người lại từ đầu.
Trò chơi ú tim thường được chơi vào buổi tối và trong không gian rộng, có nhiều chỗ ẩn nấp, vì khi trời tối những người đi ẩn mới không bị tìm ra bởi người đi tìm, trò chơi sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu người đi tìm khó khăn trong việc tìm kiếm. Những người chơi cũng hào hứng hơn trong việc ẩn nấp, không để cho người tìm tìm ra vị trí mình đang ẩn. Ai cũng hi vọng mình là người cuối cùng bị tìm thấy, vì khi ấy khả năng đảo ngược tình thế rất cao. Và khi ú tim thành công người đi tìm thì coi như trò chơi u tim thành công.
Những người cùng chơi trò ú tim thường là những người cùng xóm , những người cùng trang lứa nên họ chơi vô cùng tự nhiên, vui vẻ. Thời gian vào mỗi buổi tối là là không gian riêng của những em nhỏ, đó là khoảng thời gian vui chơi lí thú nhất mà các em không bị quản thúc chặt chẽ của người lớn, không phải đi học, trông em hay làm những công việc nhà khác. Các em cùng nhau chơi rất vui vẻ, tuy có người thắng, kẻ thua nhưng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, bởi các em suy nghĩ rất đơn thuần, đây là trò chơi, và chỉ khi chơi thật sự, chơi hết mình thì mới có ý nghĩa.
Trò chơi dân gian ú tim tuy có từ rất lâu đời nhưng nó vẫn tồn tại đến ngày nay, nội dung trò chơi về cơ bản không có gì thay đổi nhưng hình thức thì có sự thay đổi hài hước, phù hợp với các em hơn. Đó chính là trong khoảng thời gian người bị bịt mắt đợi mọi người đi trốn thì sẽ hát bài hát “năm mười mười năm hai mươi, hai năm, ba mươi….cho đến một trăm” khi đếm xong còn hát thêm một câu nữa là “Ông trời có mắt, đi bắt trẻ con cách xa ba bước, chết hết cả đàn” thì mới bắt đầu đi tìm.
Tuy nhiên, trò chơi ú tim chỉ tiếp tục được kế thừa ở những vùng nông thôn nghèo, khi các em thiếu thốn về vật chất hơn so với các bạn khác, đặc biệt là các em không biết nhiều về công nghệ thông tim. Và đó cũng chính là thực trạng đáng buồn hiện nay ở một số trẻ em thành phố.
Các em được tiếp xúc sớm với công nghệ hiện đại, do vậy mà trở nên già dặn hơn lứa tuổi của mình, mất đi nét hồn nhiên ở trẻ thơ. Đáng buồn hơn là các em không biết đến những trò chơi dân gian như ú tim, thậm chí các em còn có tư tưởng chỉ có trẻ con nông thôn mới them chơi những trò ấy, trong khi các em vẫn ở độ tuổi của trẻ con. Hi vọng, những trò chơi dân gian thú vị, giàu bản sắc như ú tim sẽ được nhiều người biết đến hơn, để cứu vãn tuổi thơ đang bị công nghệ hóa của các em như hiện nay.
Thuyết minh về trò chơi: Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian khá phổ biến. Trò chơi này chủ yếu dành cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, nên cái tên và cách chơi cũng giản đơn. Tùy từng địa phương mà biến thể của trò chơi này cũng có chút thay đổi khác nhau. Đây không phải là trò chơi chỉ dành cho hai người chơi mà là trò chơi dành cho cả 1 tập thể cùng tham gia. Ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, thì trò chơi bịt mắt bắt dê còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.
Trò chơi bịt mắt bắt dê được diễn ra trên một sân cỏ, người chơi vây xung quanh để tạo ra một vòng tròn. Một người xung phong để mọi người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy, những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa.
Lúc này người bị bịt mắt bắt đầu lần đi xung quanh để bắt được ai đó, mọi người thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi ai đó bị bắt và người bị bịt mắt đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp. Có ai đó muốn ra chơi cùng thì phải vào làm luôn, người đang bị bịt mắt lúc này được ra ngoài hoặc là phải oẳn tù tì xem ai thắng. Kết thúc mỗi cuộc chơi là bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh đem đến cho người tham dự sự phấn khích, đầy ắp tiếng cười vui vẻ.
Bịt mắt bắt dê thể hiện tính an toàn, gần gũi với con người Việt Nam và ích lợi cho việc phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Để chơi được trò chơi này thì người chơi không những phải rèn luyện thể chất mà còn phải tăng thêm kỹ năng phán đoán, định hướng của mình để đảm bảo sự chính xác, phản ứng linh hoạt nhanh nhẹn, hoạt bát trong mỗi lần chơi.
Không chỉ là trò chơi dành riêng cho trẻ con mà bịt mắt bắt dê còn thu hút được nhiều người lớn tham gia và có mặt ở các dịp Tết và Lễ hội quan trọng của người Việt Nam trong nhiều năm. Thành công của trò chơi này mang lại chính là bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh đã mang lại cho người tham dự sự phấn khích, tiếng cười sau khi kết thúc trò chơi.
Bên cạnh việc thể hiện sâu sắc nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng ở mỗi nơi, bịt mắt bắt dê còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt. Tất cả hiện lên như một bức tranh tươi đẹp và sinh động của cuộc sống. Những điệu nhảy mềm mại, bước chạy dẻo dai, những nụ cười sảng khoái như những cánh diều bay nhè nhẹ trên cao như đưa văn hóa Việt Nam đi đến khắp các vùng miền đất nước.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại cũng là lúc các trò chơi dân gian ngày càng bị mai một và quên lãng. Trẻ em của một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc, điện tử và không có thời gian để chơi cũng là một thiệt thòi. Trẻ em ngày nay đã không còn cơ hội được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước. Vì thế mà bịt mắt bắt dê đã không còn được nhiều người biết đến nữa.
Bịt mắt bắt dê không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Bịt mắt bắt dê không chỉ nâng cánh ước mơ cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, nhanh nhẹn mà còn giúp các em hiểu thêm về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .