Top 12 Mở bài và kết bài hay trong một số bài văn nghị luận văn học
Có nhiều yếu tố để làm nên một bài văn hay, và người ta thường chú trọng phần nội dung (thân bài) mà quên đi rằng mở bài và kết bài cũng quan trọng không...xem thêm ...
Mở bài và kết bài (bài thơ Đồng Chí)
Mở bài: Văn chương giống như một cây bút đa màu, nó vẽ lên bức tranh cuộc sống bằng những gam màu hiện thực. Văn chương không bao giờ tìm đến những chốn xa hoa mỹ lệ để làm mãn nhãn người đọc. Nó tiếp cận hiện thực và tiếp nhận thứ tình cảm chân thật không giả dối. Người nghệ sĩ đã dùng cả trái tim mình để đưa bạn đọc trở lại với đời thực để cùng lắng đọng cùng chia sẻ. Và với bài thơ Đồng Chí, Chính Hữu đã dẫn bạn đọc vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng Việt Bắc nhưng thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội bằng thứ văn giản dị, mộc mạc.
Kết bài: Văn chương nghệ thuật cần đến những con người biết nhìn hiện thực bằng trái tim. Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên nhưng đồng thời cũng đặt vào bức tranh ấy một viên ngọc sấng thuần khiết nhất, đó là tình đồng chí đồng đội keo sơn thắm thiết. Để rồi khi thời gian trôi qua, tác phẩm trở thành bài ca không quên trong lòng bạn đọc.
Mở bài và kết bài (Viếng Lăng Bác)
Mở bài: Mỗi tác giả đều có những xúc cảm riêng khi viết về Hồ Chí Minh, là xót xa, nuối tiếc, tự hào, ngưỡng mộ cho một đời người vì dân, vì nước. Nhà thơ Viễn Phương lần đầu tiên từ miền Nam ra thăm lăng Bác cũng đã giật mình nhận ra có những thay đổi trong chính cảm xúc của mình khi nhìn thấy Bác đang ngủ yên lành. Bài thơ “Viếng lăng Bác” là long thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại.
Kết bài: "Bác Hồ - người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại", hình ảnh Bác luôn mãi sắt son và trường tồn theo thời gian. Bài thơ thật đẹp, thật đáng quý, đáng yêu bởi những cảm xúc tự tận đáy lòng được viết ra của tác giả. Không cầu kỳ, hoa mỹ, không lộng lẫy, phô trương. “Viếng lăng Bác” kết tinh những tình cảm lớn trong một trái tim bình dị đã chạm đến cảm xúc người đọc một cách tự nhiên như thế.
Mở bài và kết bài (Mùa Xuân Nho Nhỏ)
Mở bài: Niềm ưu ái cho thiên nhiên có lẽ chưa bao giờ vơi cạn trong dòng chảy văn chương từ cổ chí kim. Thiên nhiên tự thân nó đã mang dáng dấp một bài thơ. Nhưng qua lăng kính của người nghệ sĩ, thiên nhiên khôg chỉ xinh đẹp, lung linh mà còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc khắc họa một bức tranh về thiên nhiên mà còn gửi gắm trong đó bao tình cảm, niềm khát khao, những ngẫm suy và triết lý nhân sinh. Vì vậy đến với tiếng thơ "Mùa Xuân nho nhỏ" của Thanh Hải, ta không chỉ rung cảm trước nhan sắc mùa xuân của xứ Huế kinh kì hoa mộng, của đất nước Việt Nam mà còn trước khát vọng cống hiến thiêng liêng của tác giả.
Kết bài: Trang sách đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi như khơi gợi trong lòng chúng ta về một tình cảm cao đẹp của con người. Chính tình yêu thiên nhiên, khát vọng dâng hiến của Thanh Hải đã làm xao xuyến rung động biết bao trái tim người đọc. Bài thơ cứ nhẹ nhàng thấm thía tự nhiên đi vào lòng người như một bài học sâu sắc về lẽ sống đẹp, cách ứng xử đầy nhân văn, tấm gương cao thượng trong sáng của Thanh Hải làm ta trân trọng, khâm phục và tự ngẫm phải sống sao cho xứng đáng đối với Tổ Quốc, nhân dân.
Mở bài và kết bài (Đoàn thuyền đánh cá)
Mở bài: Có ai đó từng cho rằng: Một trong những nguồn gốc quan trọng của thơ ca chính là đời sống lao động của nhân dân. Điều đó hẳn đúng với bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận". Bài thơ thực sự cất lên từ nhịp sống lao động hăng say, khoáng đạt của những người dân vùng chài. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp và mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên trên cái nền lộng lẫy, tráng lệ của vũ trụ biển cả.
Kết bài: Ngợi ca vẻ đẹp hùng tráng và thơ mộng của biển khơi, ngợi ca cuộc sống tưng bừng niềm vui xây dựng, bài thơ thực sự là tiếng hát cất lên từ hồn thơ Huy Cận để dâng tặng cuộc đời. Mang trong mình cả phong vị cổ điển nhưng lại rất hiện đại ở những liên tưởng bất ngờ, cảm hứng vũ trụ hoà cùng dòng cảm hứng lãng mạn, bài thơ mở ra một viễn cảnh thật huy hoàng và tràn đầy niềm tin vào một tương lai nhất định nở hoa.
Mở bài và kết bài (Bài thơ về tiệu đội xe không kính)
Mở bài: Có những tác phẩm đọc xong, gấp sách lại là ta quên ngay, cho đến lúc xem lại ta mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi. Nhưng cũng có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại những ấn tượng chạm khắc trong tâm khảm.“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một tác phẩm như thế. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ hồn nhiên, ngang tàng và ngạo nghễ trong thời kì chống Mĩ.
Kết bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm tiêu biểu cho thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nó không chỉ dựng lên bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh đầy khốc liệt, một mất một còn của dân tộc ta mà còn khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ lái xe vô cùng đẹp đẽ và hiên ngang. Những con người đó để lại cho chúng ta niềm cảm phục sâu sắc, lòng biết ơn chân thành, tha thiết.
Mở bài và kết bài (Bếp Lửa)
Mở bài: Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 1960 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Bằng Việt, cảm xúc tinh tế, có giọng điệu tâm tĩnh trầm lắng, giàu suy tư, triết luận. Bài thơ “Bếp lửa” là bài thơ xuất sắc của ông, được sáng tác năm 1963, khi là sinh viên khoa pháp lí trường Đại học tổng hợp Ki-ép. Qua hồi tưởng, suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương đất nước.
Kết bài: Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu. Bằng Việt đã sáng tạo hình tượng bếp lửa vừa thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự và bình luận; giọng điệu và thể thơ tám chữ phù hợp với cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm. Bài thơ như ngọn lửa ấm áp toả sáng và cháy mãi trong tình cảm của người đọc.
Mở bài và kết bài (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)
Mở bài:
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, có nhiều bài viết về chủ đề quê hương, đất nước. Lòng yêu nước thể hiện ở mỗi bài mỗi khác, tùy theo cảm hứng của tác giả, song mỗi bài là một nốt nhạc trong bản giao hưởng ngợi ca Tổ quốc và nhân dân anh hùng. Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong chiến khu tây Thừa Thiên gian khổ và ác liệt thời chống Mĩ. Trong những ngày mưa bom bão đạn ấy, bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” đã ra đời.
Bài thơ kể về người mẹ dân tộc Tà-ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo để nuôi bộ đội; tỉa bắp trên nương góp phần sản xuất lương thực cho kháng chiến và mơ ước sau này sẽ được thấy Bác Hồ, ước mong con mình khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Qua đó, tác giả ca ngợi tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu nước sâu nặng của bà mẹ Tà-ôi.
Kết bài: Sau cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, Tổ quốc ta, nhân dân ta đã xây dựng biết bao tượng đài để ghi nhớ công ơn và ngợi ca những người mẹ Việt Nam anh hùng, Với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã xây dựng thành công một tượng đài bằng ngôn ngữ về những người mẹ miền núi vô danh.
Mở bài và kết bài (Ánh Trăng)
Mở bài:
Bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 và được đưa vào tập thơ “Ánh trăng. Tập này đã được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.
Cuộc đời của mỗi con người dù đi đâu về đâu cũng không bao rời xa vầng trăng tình nghĩa. Chỉ có con người có lúc lãng quên trăng, chứ trăng bao giờ cũng ở bên người, sẵn sàng cùng người sẻ chia tâm sự. Chính vì thế, đối với ai trăng cũng sẵn sàng làm tri kỉ. Đối với Nguyễn Duy cũng vậy:
Kết bài: Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Vì vậy, bài thơ dung những lời lẽ, tình đời, tình người vẫn vấn vương cùng người đọc.
Mở bài và kết bài (Làng)
Mở bài: Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Vốn am hiểu và gắn bó sâu sắc cuộc sống nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về đề tài sinh hoạt ở làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Làng là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn trong giai đoạn trước năm 1954. Tác phẩm khắc họa đậm nét tình yêu làng, yêu nước thiết tha của nhân vật ông Hai, một lão nông hiền lành, chất phác. Qua nhân vật ông Hai, người đọc cũng nhận rõ những chuyển mới của người nông dân Việt Nam trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp: yêu quê hương, đất nước, căm thù kẻ thù xâm lược, đứng về phía cách mạng và quyết tâm bảo vệ cuộc sống.
Kết bài: Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Mở bài và kết bài (Lặng Lẽ Sapa)
Mở bài: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cùng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình” Nhắc tới vùng đất Sa Pa, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay tới việc nghỉ ngơi, ngắm cảnh hay đơn giản và tới thăm cuộc sống của những người dân bản. Cũng như chúng ta là những người thanh niên nhưng thường hay nghĩ tới làm những công việc to lớn mà không hề biết được, có những con người vẫn còn trẻ nhưng đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để làm những công việc khó khăn, vất vả mà thường không ai làm. Đó chính là bởi lòng yêu nghề, say mê công việc mà anh đã chấp nhận hi sinh tất cả. Hình tượng ấy đã được cô đọng lại trong hình ảnh của người anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
Kết bài: Qua câu chuyện, chúng ta thấy được một góc cạnh khác của cuộc sống, nơi những con người thanh niên như chúng ta vẫn đang cố gắng lao động và học tập, góp nhặt công sức của mình hiến dâng cho tổ quốc. Thế mới biết, cuộc sống của chúng ta có được như ngày hôm nay là nhờ biết bao nhiêu công sức của mọi người. Qua đây, chúng ta cần phải học tập, noi gương theo những con người như anh thanh niên trong câu chuyện để có thể góp công sức của mình xây dựng đất nước.
Mở bài và kết bài (Chiếc lược ngà)
Mở bài: Nếu như trong Chuyện người con gái Nam Xương tác phẩm được tác giả Nguyễn Dữ xây dựng cốt truyện trở nên hấp dẫn và đầy kịch tính nhờ những chi tiết đặc sắc như chi tiết kì ảo và chi tiết cái bóng thì trong Chiếc lược Ngà - Nguyễn Quang Sáng, vai trò của những chi tiết ấy cũng thể thiếu được. Và đó chính là chi tiết chiếc lược ngà cùng vết thẹo dài trên ông Sáu.
Kết bài: Như vậy, qua hai chi tiết đặc sắc như chiếc lược Ngà và vết thẹo đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên kịch tính, hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Đặc biệt nó đã khẳng định được tình yêu cha con thật thiêng liêng và đáng trân quý ở mọi hoàn cảnh, đó cũng là tư tưởng mà tác giả Nguyễn Quang Sáng muốn gửi đến qua tác phẩm "Chiếc lược Ngà".
Mở bài và kết bài (Sang Thu)
Mở bài: Từ xưa, bốn mùa luân chuyển xuân hạ thu đông luôn là ngọn nguồn sáng tác cho các thi nhân. Mùa thu luôn khiến thi nhân phải động lòng thương yêu bởi đó là mùa của những gì nhẹ nhàng và dịu êm nhất, mùa của sự tĩnh lặng và những rung động sâu sắc nhất. Mùa thu đi vào thơ Nguyễn Khuyến bình dị, gần gũi; đi vào thơ Nguyễn Đình Thi là tiếng vọng từ đất nước ngàn đời. Còn mùa thu của Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu” thật đẹp, thật nên thơ và trữ tình, và tấm lòng của nhà thơ cũng thật duyên. Sang thu đã thể hiện được tâm trạng xốn xang, bâng khuâng của nhà thơ trước những biến chuyển tinh tế của đất trời cũng như bức tranh thiên nhiên nơi đồng bằng Bắc Bộ lúc giao mùa.
Kết bài: Từng trải tạo nên bản lĩnh. Có nhà văn nước ngoài đã đặt tên cuốn hồi kí đời mình: Tôi thú nhận là tôi đã sống. Cái tên nặng chắc những từng trải chất chứa của đời người. Sang thu hoá ra không chỉ tả cảnh mà còn là bài thơ chính luận thế sự, kín đáo thuyết phục chúng ta tìm sức mạnh chủ động ngay trong tình thế đã “sang thu” của năm tháng đời người. Thế là tử tâm trạng thiên nhiên để tả cảnh chuyển mùa, bài thơ đã hạ trại vào tâm trạng con người mà bàn luận cách ứng xử việc đời. Gấp lại những vần thơ thu của Hữu Thỉnh, người đọc như thấy vương vấn trong tâm hồn, đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .