Top 5 truyện về ngày 8/3 cho trẻ mầm non hay và ý nghĩa nhất
Ngày 8/3 thì nên kể chuyện gì cho trẻ nghe? Truyện nào là phù hợp ngày 8/3? Truyện nào hay cho ngày 8/3? Đó là câu hỏi mà nhiều cô giáo mầm non cần tìm...xem thêm ...
Truyện Bông hoa cúc trắng
Giới thiệu về câu chuyện: Truyện Bông hoa cúc trắng là câu chuyện cổ tích Nhật Bản, ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của một cô bé đối với người mẹ bị ốm nặng. Tấm lòng hiếu thảo ấy đã được đền bù một cách xứng đáng. Câu chuyện còn có ý nghĩa giới thiệu hình ảnh bông hoa cúc trắng với vô vàn cánh nhỏ xinh đẹp và trong trắng như tấm lòng hiếu thảo của cô bé đối với bà mẹ kính yêu.
Nội dung câu chuyện:
1.Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một cái lều nơi xóm vắng. Người chồng mất sớm, nên mẹ con làm lụng vất vả lắm mới đủ ăn. Hằng ngày gà chưa gáy sáng bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến đêm khuya.
Một hôm, gà gáy lâu lắm rồi mà bà mẹ vẫn chưa dậy. Cô bé thức giấc vội đến bên mẹ, cô biết là mẹ đã ốm rồi! Làm thế nào bây giờ, giữa nơi hoang vắng và cảnh nghèo túng này? Cô chỉ còn biết đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ, rồi ngồi đấy chăm sóc mẹ. Mẹ cô thỉnh thoảng hé đôi mắt khô héo nhìn con.
Một buổi chiều khi ánh nắng chiếu qua khe liếp, bà mẹ chợt tỉnh lại.
– Con ơi! Con đi mời thầy thuốc về đây. Mẹ thấy trong người khó chịu lắm.
2. Cô bé vội vã ra đi. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Được một đoạn đường dài, cô gặp một cụ già tóc bạc phơ. Thấy cô bé đi một mình, cụ liền hỏi:
– Cháu đi đâu mà vội thế?
– Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc. Mẹ cháu ốm đã lâu, mà bệnh ngày một nặng thêm.
Tự nhận là thầy thuốc, cụ bảo em dẫn về nhà để xem bệnh giúp. Về đến nhà, xem mạch cho người ốm xong, cụ quay lại hỏi cô bé:
– Chỉ có cháu và mẹ cháu ở đây thôi ư?
– Thưa vâng!
– Từ hôm mẹ ốm, cháu chăm sóc thế nào?
– Thưa cụ, cháu chỉ biết quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ cháu.
– Mẹ cháu bị bệnh nặng lắm. Ta sẽ cố chưa cho mẹ cháu khỏi. Cháu hãy đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp về đây.
3. Bên ngoài trời rất lạnh. Cô bé chỉ có mỗi một chiếc áo mỏng trên mình. Cô lẳng lặng bước đều trong gió rét. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Cô đi đã mỏi chân mới đến gốc đa đầu rừng. Quả nhiên cô thấy trên bụi cây trước mặt có một bông hoa trắng rất đẹp. Co ngắt bông hoa, tay nâng niu với tất cả tấm lòng tha thiết cầu mong cho mẹ tai qua nạn khỏi. Bỗng cô nghe như văng vẳng bên tai tiếng cụ già tóc bạc ban nãy lại khuyên nhủ cô:
– Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.
Cô bé cúi xuống nhìn hoa, cô đếm: “Một, hai, ba, bốn, …, hai mươi. Trời ơi! Còn có hai mươi ngày nữa thôi ư?…”
Suy nghĩ một lát, cô rón rén chạy ra phía sau cây đa. Cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ. Mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng bong như tấm lòng ngây thơ trong trắng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô bé nâng niu trên tay bông hoa lạ đó. Trời ơi! Sung sướng quá! Cô vùng chạy về. Đến nhà, cụ già tóc bạc bước ra cửa tươi cười đón cô và nói:
– Mẹ cháu đã khỏi bệnh! Phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của cháu đấy!
Từ đó hàng năm, về mua thu, thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp.
Đó chính là bông hoa cúc trắng.
Giáo dục trẻ: Ai cũng có mẹ, mẹ là người luôn thương yêu, chăm sóc các con và những người thân trong gia đình. Chúng ta phải biết yêu quý mẹ và,quan tâm đến người thân trong gia đình.
Truyện Bê mẹ - Bê con
Nội dung câu chuyện:
Sau những ngày trời liên tiếp đổ mưa, sáng nay nắng ấm, mọi cảnh vật như tươi tỉnh, những đám cỏ non vươn lên xanh mơn mởn. Ba mẹ con chị Bê nhanh câhn bước ra khỏi nhà. Như thường lệ, Bê mẹ dắt hai con ra phái cuối làng, ơi đây là một vùng đất trồng cỏ có đường sắt chạy ngang giữa hai làng.
Hai chú bê con chạy nhảy quanh mẹ một lúc lâu, chúng cảm thấy đói, cả hai xin mẹ đi tìm cỏ non để ăn. Bê mẹ dặn:
-Các con tìm cỏ quanh đây, không được băng qua dường sắt nguy hiểm lắm đấy!
Cả hai hớn hở chạy đi tìm cỏ non. Nhìn những đám cỏ xanh mơn mởn, cả hia cùng mải mê ăn., vượt lên gần đường sắt, quên cả lời mẹ dặn.
Mải mê gặm cỏ, một lúc sau, Bê mẹ nhìn quanh quẩn không thấy hai con đâu, liền gọi to mấy tiếng: “Be…be!” nhưng chẳng thấy hai con trả lời. Bê mẹ vội vã đi tìm con. Bỗng từ đằng xa, Bê mẹ nhìn thấy hai con đang đến gần đường sắt, Bê mẹ vội chạy đến, gọi hai con dừng.
Vừa lúc đó, đòan tàu vừa tiến đến cùng với tiếng còi tàu làm hai chú Bê con giật bắn cả người.
Nguy hiểm đã qua, ba mẹ con ôm nhau mừng rỡ. Nhìn thấy mồ hôi ướt đầm của mẹ, hai chú Bê con vô cùng hối hận và xin lỗi mẹ.
- Thưa mẹ, chúng con xin lỗi mẹ, từ nay về sau chúng con sẽ vâng lời mẹ không đến gần đường sắt nữa!. Bê con lí nhí nói.
Hai con biết nhận lỗi là tốt, các con phải biết vâng lời mẹ, không nên gặm cỏ hoặc chơi gần đường sắt rất nguy hiểm – Bê mẹ căn dặn bê con.
- Hai chú Bê con đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn mẹ, cuối cùng không ai bảo ai, cả hai cùng nhìn xuống con đường ray dài thăm thẳm.
Giáo dục trẻ: Giáo dục trẻ khi làm gì thì cũng phải chú ý và ghi nhớ lời người lớn dặn dò đừng mãi vui chơi mà quên đi lời dặn dò của người lớn. Không được chơi nơi gần đường ray có tàu hỏa chạy qua.
Câu chuyện về ba cô gái
Giới thiệu về truyện: Kho tàng truyện Việt Nam khá phong phú với rất nhiều thể loại truyện: truyện cổ tích, truyện ngắn, truyện ngụ ngôn… “Ba cô gái” là một câu chuyện cổ tích kể về bà mẹ nghèo và 3 đứa con gái của mình. Câu chuyện tuy ngắn, nhưng mang rất nhiều ý nghĩa.
Nội dung câu chuyện:
Ngày xưa, có một người đàn bà nghèo sinh được ba cô con gái. Bà rất yêu thương các con, bà lo cho các con từng li từng tí. Nhà nghèo, bà phải làm lụng vất vả để nuôi các con nhưng bà không hề phàn nàn.
Được mẹ yêu thương chăm sóc, ba cô con gái lớn nhanh như thổi. Cả ba đều đẹp như trăng rằm. Thế rồi lần lượt hết cô này đến cô khác di lấy chồng, bà mẹ ở nhà một mình.
Năm tháng trôi qua, bà mẹ tuổi mỗi ngày một già, sức mỗi ngày một yếu. Một hôm, bà thấy trong người mệt mỏi, bà biết mình không sống được bao lâu nữa, bà nhớ các con nhưng cả ba cô gái đều ở xa quá nên bà không thể đến thăm các con được. Bà liền nhớ Sóc con đưa thư cho ba cô gái, bà dặn Sóc:
- Sóc khôn ngoan, Sóc hãy nói với các con ta là ta đang ốm và báo chúng về ngay thăm ta Sóc nhé!
Sóc con vâng lời mang thư đi. Sóc đi ròng rã một ngày một đêm đến nhà cô chị cả, cô chị cả đang cọ chậu. Sóc con đưa thư cho cô và nói:
- Chị cả ơi! Mẹ chị đang ốm đấy, mẹ chị muốn gặp chị. Chị hãy về ngay cho mẹ chị gặp.
Nghe Sóc nói, cô cả đáp:
- Thật á Sóc? Mẹ chị đang ốm à? Ôi! Chị buồn quá! Chị thương mẹ chị quá! Chị cũng muốn về thăm mẹ chị ngay, nhưng chị còn phải cọ xong mấy cái chậu này đã.
Nghe chị cả nói xong, Sóc con giận dữ:
- Thương mẹ, thương mẹ mà lại còn cọ chậu rồi mới đi thăm mẹ. Thôi cứ ở nhà mà cọ chậu.
Ngay lúc đó cô gái ngã lăn ra đất, biến thành một con rùa to bò ra khỏi nhà đi mãi.
Sóc con lại đi đến nhà cô gái thứ hai. Phải mất ròng rã một ngày, một đêm nữa thì Sóc đến được nhà cô hai. Cô hai đang xe chỉ. Sóc con đưa thư rồi nói với cô hai:
- Chị hai ơi! Mẹ chị đang ốm đấy, mẹ chị muốn gặp chị. Chị hãy đến gặp mẹ đi.
Nghe Sóc con nói, cô hai đáp:
- Thật ư Sóc? Mẹ chị đang ốm à? Ôi! Chị thương mẹ chị quá! Chị muốn về thăm mẹ yêu quý của chị ngay, nhưng chị còn bận xe cho xong chỗ chỉ này đã.
Nghe cô hai nói, Sóc con giận dữ:
- Thương mẹ, thương mẹ mà lại còn để xe chỉ đã rồi mới đi thăm mẹ. Thôi được! Nếu thế thì cứ ở nhà mà xe chỉ suốt đời.
Sóc con vừa nói xong thì cô hai biến thành con nhện, suốt đời giăng chỉ.
Sóc con lại đi đến nhà cô gái út. Cô đang nhào bột. Sóc con đưa thư cho cô út. Đọc thư xong cô hốt hoảng, tát tả đi thăm mẹ ngay.
Thấy cô út thật tình thương mẹ, Sóc con âu yếm nói:
- Chị út ơi! Chị là người con hiếu thảo. Mọi người ai ai cũng thương yêu, quý mến cô. Còn các con cô thì người nào cũng quý mến cô.
Cô khái quát và giáo dục trẻ: Mẹ là người đã sinh ra các con. Hàng ngày mẹ phải làm việc vất vả để nuôi các con khôn lớn. Vì vậy các con phải biết yêu thương, kính trọng và luôn là người con hiếu thảo với bố mẹ!
Sự tích dây khoai lang
Giới thiệu câu chuyện: Câu chuyện kể về một cậu bé rất hiếu thảo, cậu sống cùng với bà, vì nhà nghèo nên không có cơm ăn, phải đào củ mài để ăn, thương bà, cậu đã quyết tâm làm lụng vất vả để trồng lúa Cho bà có cơm ăn, nhưng tới mùa thu hoạch thì nương lúa bị cháy hết, thương cậu bé và biết được tấm lòng hiếu thảo của cậu bé đối với bà nên ông bụt đã cho cậu 1 điều ước đấy.
Nội dung câu chuyện:
Ở bìa rừng, có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hàng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn.
Một hôm, cậu bé nói với bà: Từ nay trở đi, cháu sẽ đi kiếm củi, đổi lấy thóc giống và cây lúa để có gạo nấu cơm cho bà ăn. Ăn củ mài mãi thì khổ lắm!
Từ đó, cậu bé cấy cày và chăm chút cho nương lúa của mình. Nhìn cây lúa trổ bông, rồi chín vàng, cậu sung sướng nghĩ: "Thế là bà sắp được ăn cơm trắng rồi!".
Nhưng chẳng may, một hôm, cả khu rừng bị cháy. Nương lúa cũng cháy thành tro. Cậu bé buồn quá, bưng mặt khóc. Bỗng, có ông Bụt hiện lên và bảo:
- Hỡi cậu bé hiếu thảo và chăm chỉ, ta cho con một điều ước, con hãy ước đi!
- Thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi, bà con già yếu lắm rồi... Ông Bụt gật đầu và biến mất.
Buổi trưa, cậu bé vào rừng đào củ mài nhưng kiếm mãi cũng chẳng còn củ nào. Đến vài cái nấm hay khóm măng cũng chẳng có.
Bỗng, cậu bé đào được một củ gì rất lạ. Ruột nó có màu vàng nhạt và bột mịn mềm. Cái củ đó cũng bị lửa rừng hun nóng và bốc mùi thơm ngòn ngọt. Cậu bé bẻ một miếng nếm thử thì thấy ngon tuyệt. Cậu bèn đào thêm mấy củ đem về mời bà ăn. Bà cũng tấm tắc khen ngon và thấy khỏe hẳn ra. Bà hỏi:
- Củ này ở đâu mà ngon vậy hả cháu?.
Cậu bé hào hứng kể lại câu chuyện được gặp ông Bụt cho bà nghe. Bà nói:
- Vậy thì thứ củ này là của ông Bụt ban cho người nghèo chúng ta đấy. Cháu hãy vào rừng tìm thứ cây quý đó đem trồng khắp bìa rừng, bờ suối để cho mọi người nghèo cũng có cái ăn.
Cậu bé vừa tới cửa rừng thì một dải dây leo xanh mướt quấn vào chân cậu bé. Cậu nghĩ: "Chắc hẳn đây là cây quý" và mang cây đi trồng ở khắp bìa rừng. Chỉ mấy tháng sau, những rễ cây đã phình to thành củ màu tím, màu đỏ. Nếu đem luộc hoặc nướng thì có vị thơm ngon, ngọt bùi. Cậu bé gọi đó là củ khoai lang.
Nếu ai muốn trồng, chỉ cần đem vùi dây khoai xuống đất và chăm bón thì tới mùa sẽ thu hoạch được rất nhiều củ. Và cho đến bây giờ, khoai lang vẫn được nhiều người ưa thích.
Giáo dục trẻ: Phải hiếu thảo với bố mẹ, ông bà; Phải chăm chỉ; Phải biết chăm sóc và bảo vệ cây xanh và cần phải biết chia sẻ những cái ngon cho mọi người, bạn bè như cậu bé đã trồng cây khoai lang cho tất cả mọi người nghèo đều có cái ăn đấy nhé!
Truyện sự tích hoa hồng
Giới thiệu câu chuyện: Sự tích hoa hồng - chuyện kể về nguồn gốc màu sắc của các loài hoa hồng ngày nay, góp phần làm tô điểm thêm cho cuộc sống nhờ sắc hương rực rỡ.
Nội dung câu chuyện:
Ngày xưa, hoa hồng chỉ toàn một màu trắng tinh. Những bông hoa hồng nói với nhau:
-Ước gì chúng ta có nhiều màu sắc như các loài hoa khác.
-Ừ nhỉ ! Giá mà chúng ta có được màu đỏ rực rỡ của hoa thược dược, màu tím ngát của hoa lưu ly, màu vàng tươi của hoa cúc…
-Nhưng chúng ta biết làm cách nào bây giờ ?
Đúng lúc ấy, có một nàng tiên bay qua và nghe được câu chuyện của những bông hoa hồng. Nàng thầm nghĩ “Mình sẽ giúp các bạn hoa hồng!”
Nàng tiên bay đến gặp thần Mặt Trời và nói:
-Xin thần hãy ban cho loài hoa hồng sắc đỏ rực cháy của thần !
Thần mặt trời vuốt râu cười khà khà, gật đầu cười đồng ý.
Nàng tiên cảm ơn thần Mặt Trời rồi bây đến gặp nữ thần Mặt Trăng và nói:
-Xin nữ thần ban cho các loài hồng sắc vàng êm dịu của thần !
Nữ thần Mặt Trăng mỉm cười gật đầu.
Sáng sớm hôm sau, khi nàng tiên trở lại vườn hoa hồng thì cây lá tưng bừng chào đón. Bông hồng đỏ thắm nhất giữa các bông hồng mỉm cười chào đón nàng tiên. Nàng tiên nói:
-Từ nay, bạn có tên là Hồng Nhung. Các bạn hoa hồng có cánh màu vàng thì gọi là Hồng Vàng. Còn những bông hoa vẫn giữa màu trắng tinh thì gọi là hoa Hồng Bạch.
Hoa Hồng Nhung băn khoăn hỏi:
-Tiên nữ ơi, nàng bay khắp đó đây, nàng có biết ai đã biến màu cho loài chúng tôi không ?
Nàng tiên trả lời:
-Đó là thần Mặt Trời, Mặt Trăng, là hơi ấm ngọt ngào của Đất mẹ, là nắng gió, là mưa và sương đêm, là bạn bè ở khắp nơi đấy!
Những bông hoa hồng cùng lên tiếng:
-Vậy thì chúng tôi phải làm gì để đáp lại lòng tốt của họ ?
-Các bạn hãy mang hương sắc của mình làm đẹp cho cuộc sống. Đó là cách trả ơn đáng qúi nhất.
Nói rồi nàng tiên nữ vui vẻ bay đi để khoe với tất cả mọi người rằng: đã có một loài hoa hồng muôn sắc hương rực rỡ.
Thế là từ đó, hoa hồng có nhiều màu sắc như bây giờ.
Giáo dục trẻ: Hoa hồng mang hương sắc làm đẹp cho cuộc sống của con người thêm tươi vui, vì vậy chúng mình không được bứt lá bẻ cành, phải biết chăm sóc bảo vệ cây hoa, cây trồng, bảo vệ thiên nhiên.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .