Top 10 Bài văn phân tích, phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm "Ông lão đánh cá và con cá vàng" (Ngữ văn 6 - SGK Cánh diều) hay nhất

1020

Puskin (1799 – 1837) là nhà thơ Nga vĩ đại, là niềm tự hào của dân tộc Nga và của chung nhân loại. Sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với toàn bộ nền...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích tác phẩm "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 1

Tác phẩm “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là một tác phẩm điển hình của đại thi hào người Nga – Puskin. Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm một chân lí, cái thiện bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng, cái ác cái tham lam luôn luôn bị quả báo.


Tác phẩm viết về câu chuyện của hai vợ chồng sống nghèo khổ, ngày ngày ông lão ra biển đánh cá, còn mụ vợ thì suốt ngày đay nghiến ông lão, bắt ông lão phải làm cái này cái kia mà không hài lòng. Khi ông lão bắt được con cá vàng, con cá van xin ông thả đi thì con cá sẽ báo đáp ông. Nhưng ông chẳng muốn xin gì, ông về và kể lại câu chuyện cho mụ vợ. Thấy ông về nhà, mụ vợ đay nghiến, mắng mỏ ông là ngu ngốc, rồi bắt ông ra biển để xin con cá vàng cho một cái máng lợn mới.


Nhưng cái máng lợn mới vẫn không thỏa mãn lòng tham của mụ, mụ lại tiếp tục bắt ông lão ra bờ biển để xin ngôi nhà mới. Không dừng lại đó, mụ vợ lại được nước, bắt ông lão bắt con cá vàng cho mình làm trở thành nhất phẩm phu nhân. Nhưng mụ đâu có dừng lại đó, khi lòng tham vô đáy của mụ lên đến tột cùng, mụ đòi làm nữ hoàng và muốn có con cá vàng bên cạnh để hầu hạ cho ý muốn của mụ.


Ông lão trong câu chuyện vốn dĩ là một người nghèo khổ nhưng lương thiện. Ông không quản mưa gió bão tố, làm việc cần cù cần mẫn để kiếm sống, sống một cuộc sống lương thiện. Trước tiên ông lão là một người nghèo khổ nhưng rất lương thiện. Khi ông lão bắt được con cá vàng, lẽ ra ông lão sẽ mang nó về nhà, nhưng khi nghe nó van xin ông lại thương lòng, thả nó về với biển - về với nhà của nó. Ông sẵn sàng làm những việc mà có lẽ những người ở làng chài không bao giờ làm. Ông là một người bao dung, lương thiện.


Nhưng trái ngược hoàn toàn với ông, mụ vợ của ông lại vô cùng tham lam. Mụ hết lần này tới lần khác bắt ông lão làm theo ý mình, bắt con cá vàng phải làm theo ý của mụ. Xét cho cùng, lẽ ra ông lão là một người đàn ông, phải là một người bản lĩnh trong gia đình, nhưng ông có phần hơi nhu nhược, khi làm theo ý mụ vợ rất nhiều lần. Dù nhiều lần ông khuyên ngăn nhưng trước sự hung hãn của mụ vợ, ông lại không có đủ can đảm để chống lại hay ngăn cản lại ý muốn của mụ. Lẽ ra được phục vụ được chấp thuận thì mụ phải cảm thấy sung sướng, phải cảm thấy biết ơn, cả ông lão và con cá. Nhưng chính lòng tham không đáy của mụ mà khiến mất tất cả mọi thứ biến mất.


Con cá là một biểu tượng cho chân lí cái thiện sẽ luôn được đền đáp, sống lương thiện sẽ được báo đáp. Chân lí này giống như câu “ở hiền gặp lành” của dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời con cá vàng chính là công cụ để nhân dân lương thiện thi hành sự trừng trị thích đáng đối với những kẻ tham lam bạc bẽo.


Câu chuyện kết thúc thật bất ngờ, khi trước mặt ông lão hiện ra với túp lều rách nát ngày xưa và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trên cái máng lợn sứt mẻ”. Mọi thứ lại trở lại như xưa cũ và cái kết cục này là tất yếu, và là một bài học xứng đáng cho những kẻ tham lam và không biết giới hạn của sự mong muốn của mình. Mọi thứ nếu tới một giới hạn nhất định, nếu đi qua giới hạn đó, có thể con người đánh đổi và mất tất cả.


Tác phẩm kết thúc thật bất ngờ, qua tác phẩm tác giả muốn tỏ lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và sống lương thiện nhưng cũng đưa ra những bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, không làm gì mà thích sai khiến người khác và đạt được nguyện vọng của mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 1
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích tác phẩm "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 2

Ông lão đánh cá và con cá vàng là một trong những tác phẩm xuất sắc của cây đại thụ làng thơ văn nước Nga nói riêng và thế giới nói chung – Puskin. Tác phẩm chính là thông điệp về chiến thắng tất yếu của cái thiện và quả báo thích đáng cho những kẻ độc ác, tham lam.


Nội dung của truyện xoay quanh cuộc sống của hai vợ chồng ông lão đánh cá nghèo khổ. Ông lão hiền lành, nhưng mụ vợ lại là kẻ tham lam, suốt ngày đay nghiến, bắt chồng làm hết việc này tới việc khác. Một ngày nọ, ông lão đi đánh cá và bắt được một con cá vàng, cá van xin được tha và hứa sẽ báo đáp, nhưng ông lão lại thả cá đi mà không đòi gì cả. Đây là một chi tiết chứng tỏ sự lương thiện, chất phác và không ham phú quý của ông lão đánh cá. Nhưng mụ vợ của ông lại trái ngược hoàn toàn. Nghe ông kể lại, mụ vợ nổi điên, mắng mỏ ông là kẻ ngu ngốc rồi bắt ông trở ra biển, tìm cá vàng xin một cái máng lợn mới.


Tuy nhiên, một cái máng lợn làm sao có thể thỏa mãn được bản tính tham lam của mụ vợ. Thế là mụ ta liên tiếp bắt ông ra biển đòi cá vàng báo đáp nào là ngôi nhà mới, nào là được làm nhất phẩm phu nhân, thậm chí mụ còn đòi làm nữ hoàng và buộc cá vàng phải ở bên cạnh để hầu hạ. Qua nhân vật này, Puskin đã phác họa rõ nét một con người tiêu biểu cho những kẻ tham lam, "được voi đòi tiên", không biết điểm dừng. Và sự tham lam quá độ đã khiến bà ta phải trả giá. Cá vàng đã thu hồi lại tất cả mọi thứ, để bà ta lại trở về với cuộc sống nghèo khổ bên cái máng lợn cũ nát.


Song có một điều là mọi người thường tập trung vào lòng tham của mụ vợ và bài học cho những kẻ không biết thỏa mãn như mụ ta và ca ngợi bản tính lương thiện, thật thà của ông lão mà bỏ qua một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém. Đó chính là sự hiền lành tới nhu nhược của ông lão. Đáng lý ra, là một người đàn ông, ông lão phải có đủ bản lĩnh để đưa ra quyết định nhưng dù có khuyên can thì cuối cùng vẫn nghe theo sự sai khiến của mụ mà đòi hỏi cá vàng. Có lẽ chính sự nhu nhược đó cũng là lý do khiến ông lão phải sống mãi với kiếp nghèo và chịu đựng mụ vợ của mình.


Theo cảm nhận của em, truyện có nhiều nét tương đồng với truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Bởi nó truyền tải thông điệp "ở hiền gặp lành", tham lam sẽ gặp quả báo. Mọi thứ đều phải do mình làm ra và phải biết ơn khi nhận được, chứ không thể có chuyện ngồi không hưởng lộc.


Bên cạnh đó, Puskin còn muốn nhắn nhủ thêm một bài học nữa, đó là mọi thứ đều có giới hạn, khi con người cố chấp vượt qua giới hạn đó thì tất yếu sẽ phải trả giá.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 2
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích tác phẩm "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 3

A.Puskin là nhà văn lỗi lạc, đại thi hào dân tộc Nga. Ông đã để lại cho lớp lớp thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị, sức sống lâu bền và một trong số đó là truyện "Ông lão cá đánh cá và con cá vàng". "Ông lão đánh cá và con cá vàng" được Puskin kể lại bằng 205 câu thơ, dựa trên cơ sở truyện dân gian của Nga và Đức. Với nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật và nội dung, truyện đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng sâu sắc.


Truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" là câu chuyện kể về hai vợ chồng ông lão đánh cá, "sống cùng nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi". Và trước hết, nhân vật mụ vợ ông lão đánh cá là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Mụ vợ là người có lòng tham không đáy. Sau khi nghe ông lão đánh cá - chồng của mụ kể về việc đánh được con cá vàng và con cá xin được ông tha mạng đồng thời hứa sẽ đền đáp cho ông, mụ đã liên tiếp đưa ra những yêu cầu với con cá, những yêu cầu ấy cứ ngày một tăng dần. Lần đầu tiên, mụ yêu cầu một chiếc máng lợn vì chiếc máng ở nhà đã sắp vỡ.


Sau khi được con cá đáp ứng, bà lão vẫn chưa hài lòng, bà bảo "một cái máng thì đã thấm vào đâu. Đi tìm lại con cá và đòi một cái nhà rộng". Lần này, mặc dù biển đã bắt đầu gợn sóng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của mụ và để rồi, "một ngôi nhà rộng và đẹp" vẫn không đủ thỏa mãn lòng tham của bà lão, bà lão lại một lần nữa đưa ra yêu cầu khác. Lần thứ ba, bà lão yêu cầu được làm nhất phẩm phu nhân. Ông lão lại một lần nữa ra biển cả, tìm con cá và nói lên ước muốn của mụ vợ, biển cả nổi sóng dữ dội nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu ấy của mụ vợ.


Nhưng mụ vợ vẫn chưa hài lòng với vị thế đấy của mình, bà lại muốn trở thành nữ hoàng và khi trở thành nữ hoàng bà lại muốn trở thành Long Vương ngự trên mặt biển. Mụ vợ, với năm lần đưa ra yêu cầu theo cấp độ tăng tiến và trong số đó có những yêu cầu thật vô lí, điều đó cho thấy mụ vợ là một người tham lam vô độ, không có bất cứ điều gì có thể thỏa mãn được lòng tham ấy của bà. Thêm vào đó, mụ vợ còn là người độc ác, ích kỉ và bội bạc. Những điều ấy thể hiện rõ nét qua thái độ và cách đối xử của bà với chồng của mình. Khi con cá đã đáp ứng những yêu cầu của mụ thì mụ không còn xem ông lão đánh cá như người ngoài mà đuổi khỏi nhà. Mụ quát tháo, đánh vào mặt ông lão và thậm chí mụ còn xem ông lão là nô lệ, buộc ông lão phải đi quét dọn chuồng ngựa. Và như vậy, mụ vợ trong tác phẩm hiện lên là một người tham lam, độc ác và ích kỉ, đáng bị mọi người phê phán, lên án.


Trái ngược hoàn toàn với nhân vật mụ vợ đó chính là nhân vật ông lão đánh cá - chồng của mụ. Ông lão đánh cá hiện lên là một người hiền lành, thật thà, tốt bụng, lương thiện và chăm chỉ. Mặc dù cuộc sống của gia đình lão rất nghèo khó và vất vả nhưng ngày này qua ngày khác lão vẫn chăm chỉ, cần mẫn đi thả lưới. Không dừng lại ở đó, lòng tốt của lão còn được thể hiện khi lão bắt được con cá vàng. Theo lẽ thường, như những người làm nghề chài lưới khác, khi bắt được cá người ta sẽ mang ngay về nhà, nhưng ông lão lại hoàn toàn khác.


Sau nhiều lần quăng lưới và không thu về được gì, lão mới bắt được con cá vàng nhưng khi nghe con cá van xin, lão đã tha cho nó mà không một chút lăn tăn, suy nghĩ. Để rồi, khi con cá muốn được trả ơn, lão chẳng nhận gì cả mà chỉ đáp lại với con cá "Trời phù hộ cho ngươi. Ngươi trở về biển khơi mà vùng vẫy. Ta không đòi hỏi gì cả, ta cũng chả cần gì". Ông lão tốt bụng lương thiện là thế nhưng ta vẫn thấy ông lão là người hèn nhát, nhu nhược. Trước những yêu cầu của vợ mình, lão không chút phản đối mà một mực nhất nhất nghe mà làm theo. Trong tác phẩm, có lần lão đã có phản ứng lại với vợ của mình nhưng đó chỉ là lời cầu xin của lão đối với vợ chứ không phải là khuyên răn hay ngăn cản.


Thêm vào đó, trong tác phẩm, con cá cũng là một hình tượng giàu ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Con cá là phần thưởng cho những người lương thiện, có lòng tốt, là biểu hiện sâu sắc cho chân lí "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của nhân dân ta". Hơn nữa, cá vàng còn đại diện cho công lí, lẽ phải khi trừng trị kẻ độc ác, tham lam, bội bạc. Đồng thời, cách kết thúc tác phẩm cũng có ý nghĩa sâu sắc, góp phần to lớn vào việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Truyện kết thúc bằng chi tiết "trước mắt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ'. Có thể nói, đó là cách kết thúc tác phẩm đầy bất ngờ nhưng cũng rất hợp lí. Cách kết thúc tác phẩm ấy chính là sự trừng trị thích đáng đối với mụ vợ - kẻ tham lam, bội bạc. Đồng thời, kết thúc ấy cũng góp phần thể hiện chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm.


Tóm lại, truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố tưởng tượng, kì ảo đã cất lên lời ngợi ca về lòng biết ơn đối với những con người lương thiện, tốt bụng và nêu ra bài học những con người tham lam, bội bạc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 3
(có 0 lượt vote)

Bài văn phân tích tác phẩm "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 4

Ông lão đánh cá và con cá vàng của nhà văn Puskin là tác phẩm được kể dựa trên truyện dân gian Nga và Đức. Bên cạnh những yếu tố được giữ lại giống với nguyên tác, tác giả đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, chứa đựng nhiều bài học triết lí trong cuộc sống.


Truyện kể về đôi vợ chồng nghèo sống cùng nhau bên bờ biển, trong một túp lều nát. Hai vợ chồng họ kiếm sống qua ngày bằng nghề đánh cá. Một ngày nọ, ông lão bắt được một con cá vàng và sau đó hàng loạt biến cố đã xảy đến với gia đình ông, qua đó bộc lộ những phẩm chất, tính cách của hai nhân vật chính.


Ông lão bắt được cá vàng trong một lần đi thả lưới, nghe những lời cầu xin tha mạng của cá ông đã đồng ý thả nó ra và nói: “Trời phù hộ cho ngươi! Ngươi trở về biển khơi mà vùng vẫy. Ta không đòi gì cả, ta cũng chẳng cần gì” . Nếu là những người khác, chắc đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này mà đòi tiền bạc, nhà cao cửa rộng, còn ông lão thì tuyệt đối không cần gì. Lão giúp người khác bằng tấm lòng lương thiện, không màng tính tiền bạc, thiệt hơn. Qua hành động, lời nói của ông, cho thấy ông lão là một người hiền lành, thật thà, tốt bụng.


Vì là người thật thà ông lão đã đem chuyện này kể với người vợ của mình. Trái ngược hoàn toàn với người chồng, mụ vợ lập tức mắng: “Đồ ngốc! Sao lại không bắt con cá đền cái gì? Đòi một cái máng cho lợn ăn không được à? Cái máng nhà đã gần vỡ rồi”. Đòi hỏi của bà lão không có gì quá đáng, nó rất thiết thực với nhu cầu của gia đình bà, bởi vậy cá vui vẻ chấp nhận lời đề nghị.


Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, khi được đáp ứng yêu cầu về chiếc máng, bà hiểu rằng cá vàng có những quyền năng phi thường, có thể đáp ứng những yêu cầu cao hơn của bà, lòng tham trong mụ dậy. Mụ lại gọi chồng, chửi mắng và bắt ông phải đòi cá vàng một chiếc nhà rộng. Yêu cầu của bà lão đã tăng lên một bậc về vật chất, nếu chiếc máng lợn có giá trị nhỏ thì ngôi nhà rộng lại có giá trị lớn hơn rất nhiều lần, lòng tham của mụ đã tăng lên một cấp mới. Trước đòi hỏi của vợ, ông lão không hỏi lại lời nào mà lại lủi thủi ra biển lớn cầu cứu sự giúp đỡ của cá vàng. Đứng trước biển lớn đã nổi sóng, cá vàng xuất hiện và ân cần khuyên ông lão “Ông lão ơi! Đừng băn khoăn quá. Thôi hãy về đi. Tôi kêu trời phù hộ cho, ông sẽ được một cái nhà rộng vào đẹp”.


Có lẽ mụ vợ đã thỏa mãn với những gì cá vàng cho và ông lão sẽ được sống cuộc sống yên ổn. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại, khi vừa nhìn thấy ông lão mụ vỡ đã tét tát mắng và yêu cầu ông lão ra biển yêu cầu cá vàng cho mình làm nhất phẩm phu nhân – một địa vị sang trọng, quyền quý, mang danh vọng to lớn khiến bao người ngưỡng mộ. Mụ lại tiếp tục được cá vàng đáp ứng yêu cầu. Nhưng lòng tham của mụ vẫn không dừng lại lần này mụ giận dữ và mắng: “Tao không muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân nữa, tao muốn làm nữ hoàng”. Lời của mụ nói với chồng thật khiếm nhã, và thiếu tôn trọng. Đối với người đã sống bên mình bao năm qua nhưng bà coi chẳng khác nào người hầu, kẻ hạ, xưng là mày tao, không có sự tôn trọng với chồng mình. Không chỉ vậy, ta thấy trong yêu cầu lần này không chỉ còn là tiền bạc, danh vọng mà đó còn là đòi hỏi về cả quyền lực, quả thật lòng tham của mụ là không đáy, không điều gì có thể thỏa mãn được mụ. Trước yêu cầu của vợ, ông hoảng sợ van xin nhưng bị mụ vợ tát vào mặt và ông buộc phải ra biển. Lúc này biển đã nổi sóng mịt mù, nghe thỉnh cầu của ông lão cá vàng vẫn tiếp tục đáp ứng. Cho đến lần cuối cùng mụ là muốn làm Long Vương để có thể cai trị cả biển xanh, yêu cầu này quả vượt ngoài sức chịu đựng của cá vàng, bởi vậy, nó đã không nói gì và quẫy đuôi bỏ đi. Về đến nhà, ông lão chỉ còn thấy chiếc túp lều nát với người vợ đang ngồi cạnh chiếc máng lợn sứt giống khi xưa.


Lòng tham không đáy của mụ vợ đã bị trừng phạt đích đáng. Mụ ta không chỉ là một kẻ tham lam mà còn là một kẻ phụ bạc. Phụ bạc với chồng – người đã đem lại cho mụ tất cả tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực, hơn thế đó còn là chồng mụ, người đã ở bên cạnh mụ trong suốt bao năm. Khi được hưởng vinh hoa, phú quý, mụ ngay lập tức quên đi tình nghĩa vợ chồng sẵn sàng đánh chửi, quát mắng. Không chỉ vậy mụ còn phụ bạc với lòng tốt của cá vàng, với mọi yêu cầu của mụ không lần nào cá vàng không đáp ứng, nhưng mụ lại bị lòng tham làm cho mờ mắt mà đưa ra những đòi hỏi quá đáng hơn. Chính bởi vậy cá vàng đã trừng trị mụ, từ chỗ có tất cả cho đến mất tất cả: mụ mất đi tất cả tình cảm, tiền bạc, danh vọng và quyền lực, sự trừng phạt này mới thật là đích đáng.


Ông lão là một người hiền lành, tốt bụng, không ham mê giàu sang, danh vọng nhưng ông lại là một người chồng quá hèn nhát, nhu nhược. Trước mọi yêu cầu của mụ vợ ông không một lần phản ứng, cãi lại, chỉ có duy nhất một lần lão cầu xin vợ chứ không phải khuyên giải bà, ông răm rắp tuân theo mệnh lệnh. Dáng người nhỏ bé, liêu xiêu khi ông lão “lủi thủi” “lóc cóc” ra biển trông vô cùng tội nghiệp, đáng thương nhưng cũng rất đáng giận. Ngoài ra, xây dựng nhân vật ông lão, nhà văn Puskin cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với người dân Nga, nếu mãi chịu cảnh nhún nhường, im lặng thì sẽ bị áp bức, bóc lột suốt cuộc đời.


Trong tác phẩm, Puskin đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo. Sắp xếp các chi tiết theo chiều tăng tiến (lòng tham của mụ vợ) và kết thúc đầu cuối tương ứng. Không những thế ông còn dựng lên hai tuyến nhân vật tương phản (ông lão đại diện cho những người hiền lành, lương thiện; mụ vợ đại diện cho kẻ bội bạc, tham lam, xấu xa). Sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố trên đã làm nổi bật giá trị của tác phẩm.


Ông lão đánh cá và con cá vàng là một truyện xuất sắc của đại thi hào Nga Puskin. Tác phẩm với nghệ thuật tăng tiến, tương phản, kết thúc đầu cuối tương ứng đã làm nổi bật giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Truyện ngợi ca lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và nêu ra bài học thích đáng cho những kẻ vong ân phụ nghĩa, tham lam bội bạc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 4
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 1

Truyện kể về một ông lão đánh cá nghèo ra biển, lần đầu tiên kéo lưới, ông chỉ thấy bùn, lần thứ hai, ông chỉ kéo được cây rong mãi đến lần thứ ba ông lão mới kéo lên được một con cá vàng. Con cá ấy kêu van, hứa sẽ trả ơn ông lão nên ông đã thả cá đi. Mụ vợ biết chuyện, mắng ông lão một trận và bắt ông 5 lần ra biển để đòi cá vàng trả ơn. Đáp ứng những nhu cầu của mụ. lần đầu tiên, mụ đòi cá giúp một chiếc máng lợn mới.


Lần thứ hai, mụ đòi một căn nhà rộng. Lần thứ ba, mụ mắng như tát nước vào mặt ông lão và đòi làm nhất phẩm phu nhân. Lần thứ tư, mụ lại đòi hỏi cao hơn khi muốn làm nữ hoàng. Và lần thứ năm, mụ muốn được làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ. cá vàng sau nhiều lần đáp ứng những yêu cầu quá đáng của mụ đã tức giận, cá hóa phép lấy lại tất cả những gì đã cho. Ông lão trở về nhà và thấy mụ vợ đang ngồi bên cạnh chiếc máng lợn sứt mẻ cùng túp lều rách nát như xưa.


Câu chuyện phê phán thói tham lam của mụ vợ. từ một yêu cầu rất thiết thực là chiếc máng lợn mới, mụ dần đưa ra những đòi hỏi cao hơn, từ một kẻ nghèo hèn mụ muốn có nhà rộng, muốn làm nhất phẩm phu nhân rồi đến cả nữ hoàng. Đã ở một vị thế rất cao là nữ hoàng – người đứng đầu vương quốc, một chuyện mà xưa nay mụ chưa bao giờ dám mơ đến, nhưng dường như lòng tham của mụ là vô đáy, mụ không hề thỏa mãn với những gì mình có, nên mụ còn tiếp tục muốn làm Long Vương để có cá thần phục vụ. và kết quả của lòng tham vô tận ấy là việc mụ đánh mất tất cả, trở lại cuộc sống nghèo hèn trước đây.


Bên cạnh lòng tham, mụ còn là kẻ phụ bạc, khi có tiền tài, địa vị, mụ ta trở mặt, đối xử tệ bạc với chồng – người đã mang lại những điều ước cho mụ. còn người chồng, tuy ông ta là người tốt bụng nhưng cũng là kẻ nhu nhược, ông ta không biết khuyên bảo vợ mình mà chỉ biết nhẫn nhục làm theo như một kẻ không biết phản kháng.


Cuối cùng, cả kẻ tham lam và người nhu nhược đều không có gì trong tay cả, tất cả đều biến mất. Mọi của cải, thành công đều chỉ thuộc về ta, khi chính ta tạo nên nó, còn nếu nó đến từ những thứ ban phát, hư vô thì cuối cùng cũng tan biến mà thôi.


Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 5
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 2

Ông lão đánh cá và con các vàng là một truyện cổ dân gian Nga được A.Puskin kể lại bằng 205 câu thơ (tiếng Nga) và Vũ Đình Liêm, Lê Trí Viễn dịch sang tiếng Việt qua văn bản tiếng Pháp. Người dịch vừa giữ được nét chất phác, dung dị của nghệ thuật truyện cổ dân gian, vừa rất điêu luyện, tinh tế trong sự miêu tả và sắp xếp tình tiết của truyện. Truyện không chỉ hấp dẫn với người Nga mà còn với nhiều dân tộc khác trên thế giới.


Truyện sử dụng những biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu của cố tích như sự lặp lại và tăng tiến của những tình huống, sự đối lập giữa các nhân vật, sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng, hoang đường. Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng ca ngợi lòng biết ơn với những người nhân hậu và nêu ra bài học đích đáng cho những kẻ tham lam, bội bạc.


Cốt truyện đơn giản: "Ngày xưa, có hai vợ chồng người đánh cá già sống rất nghèo khổ. Một hôm, ông lão kéo lưới bắt được một con cá vàng. Cá vàng van xin ông lão thả ra, ông lão muốn gì sẽ được nấy. Mụ vợ tham lam bắt ông lão phải thực hiện những điều mụ yêu cầu. Lòng tham vô tận, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá hầu hạ. Cá vàng tức giận, bắt mụ trở về cuộc sống nghèo khổ như xưa".


Truyện có ba nhân vật: ông lão đánh cá, mụ vợ và con cá vàng. Biển cả mênh mông là khung cảnh làm nền cho ba nhân vật hoạt động. Trong truyện, ông lão năm lần ra biển gọi cá vàng để nhờ cậy. Lần thứ nhất: biển gợn sóng êm ả. Lần thứ hai: biển nổi xanh nổi sóng. Lần thứ ba: biển xanh nổi sóng dữ dội. Lần thứ tư: biển nổi sóng mù mịt. Lần thứ năm: một cơn dông kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.


Năm lần gọi cá vàng là năm lần cảnh biển thay đổi. Một bên là những yêu cầu hàng ngày càng quá quắt của mụ vợ ông lão, một bên là phản ứng của biển mỗi lúc một tăng, tương ứng với sự vô lí của những yêu cầu đó. Qua những lần lặp lại như thế, tính cách nhân vật (ông lão, mụ vợ, cá vàng) và chủ đề của truyện càng được tô đậm. Ở đây, biển không chỉ đơn thuần làm nền cho các nhân vật hoạt động mà còn tham gia tích cực vào diễn biến của truyện, tượng trưng cho phản ứng của nhân dân, của trời đất trước thói tham lam và bội bạc.


Đọc truyện này, ai cũng thương ông lão bởi vì ông lão là người tốt bụng, hiền lành mà không may gặp phải mụ vợ tai quái, độc ác. Ông lão luôn luôn bị vợ mắng chửi tàn tệ. Lần thứ nhất, khi ông lão thật thà kể chuyện về cá vàng, ông đã bị mụ mắng như mắng trẻ con: "Đồ ngốc!… ". Lần thứ hai, dù ông lão đã làm theo ý mụ, mụ vẫn quát to: "Đồ ngu!…". Lần thứ ba, thấy ông lão từ biển về, mụ mắng như tát nước vào mặt…


Không chỉ bị vợ sỉ nhục, mắng mỏ, ông lão còn bị mủ khinh rẻ, ngược đãi. Lần thứ ba, tuy ông lão đã ra biển xin cá vàng cho mụ trở thành thất phẩm phu nhân nhưng ông vẫn bị mụ quát tháo và bắt quét dọn chuồng ngựa. Lần thứ tư, ông lão lại năn nỉ xin cá vàng cho mụ được làm nữ hoàng, để rồi mụ tàn nhẫn ra lệnh đuổi đi…


Từ địa vị của một ông chồng, ông lão đã bị biến thành đầy tớ, bị vợ hắt hủi, xua đuổi không chút xót thương. Nguyên nhân chỉ vì ông sợ vợ một cách mù quáng. Người đọc thương ông lão hiền lành nhưng cũng giận ông lão quá nhu nhược, nhất nhất nghe theo lời vợ. Biết mụ được voi đòi tiên nhưng ông vẫn nhắm mắt làm theo lời mụ. Cảm thấy những đòi hỏi của mụ vợ là vô lí, nhận ra lòng tham đến mức quái gở của mụ, vậy mà ông lão không dám phản đối thì thật là là đáng trách.


Chính vì nhu nhược mà ông lão bị mụ vợ đối xử thậm tệ. Lần thứ tư, rồi lần thứ năm, ông lão vẫn mù quáng làm theo lời mụ vợ, chỉ biết van xin cá vàng: "- Giúp tôi với! Thương tôi với! Tôi sống làm sao được?" Ông lão không biết bảo vệ mình. Dân gian có câu: Một sự nhịn là chín sự lành nhưng nhịn nhục như ông lão là điều không nên.


Ông lão là một người hiền lành tử tế, đối lập với mụ vợ tai quái, độc ác. Vì vậy, người đọc thương xót, ái ngại cho tình cảnh của ông. Câu chuyện của ông lão đánh cá đã cho chúng ta một bài học về cách đối nhân xử thế. Sự nhẫn nhục chịu đựng bao giờ cũng có giới hạn. Mỗi người cần có bản lĩnh để bảo vệ nhân phẩm của mình, không nên nhân nhượng và làm theo những tham vọng ngông cuồng của kẻ khác.


Trong truyện, mụ vợ là nhân vật phản diện. Đây không phải là một con người mang tính xấu mà là tính xấu xuất hiện dưới lốt người. Có thể kể ra vô số tính xấu của nhân vật này như: tham lam, bội bạc, dữ dằn, thô lỗ… Trong đó có hai thói xấu nổi bật nhất làm tham lam và bội bạc. Có lẽ sự bội bạc còn đáng ghét và khó tha thứ hơn cả sự tham lam.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 6
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 3

Truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng do A. Pu-skin (1799 – 1837) kể lại bằng 205 câu thơ từ nguốn gốc truyện cổ tích Nga, Đức. Do vậy, về mặt thi pháp của truyện, những vấn đề như cốt truyện, tính cách nhân vật, chiều hướng phát triển, xung đột và thắt nút, mở nút là thuộc mô típ truyện cổ tích. Bên cạnh đó, về mặt ngôn từ biểu đạt đã có sự tham gia sáng tạo của cá nhân nghệ sỹ A. Puskin. Thi pháp kết cấu được xây dựng theo xung đột kịch, có các giai đoạn: Mở đầu, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm (mở nút) và kết thúc.


Mở đầu là lời miêu tả hoàn cảnh sống của vợ chồng ông lão đánh cá: Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày người chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Đoạn văn ngắn gọn mở đầu chỉ với hai câu văn, nhưng nêu lên được nhiều tình tiết quan trọng.


Về thời gian: ngày xưa – mô típ mở đầu quen thuộc của truyện cổ tích; nhân vật: hai vợ chồng ông lão đánh cá; quan hệ nhân vật: ở với nhau; không gian: trên bờ biển; công việc của mỗi người: chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Những chi tiết đó là những đầu mối không thể thiếu để câu chuyện tiếp tục được triển khai theo chiều hướng của quan niệm nghệ thuật về con người và cái nhìn nghệ thuật thống nhất trong toàn thiên truyện.


Thắt nút là chi tiết ông lão bắt được con cá, con cá van xin được thả và hứa sẽ đền ơn: Ông lão ơi! Ông sinh phúc thả tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được. Tính hấp dẫn của tình tiết thắt nút thể hiện ở hai điểm: Một là, con cá vàng biết nói tiếng người. Hai là lời hứa trả ơn Ông muốn gì cũng được. Phần phát triển được triển khai với việc lặp lại năm lần theo mô típ: Mụ vợbđòi hỏi – ông lão nhờ cá giúp – cá vàng giúp. Trong phần phát triển, bốn điểm nhìn nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên tính kịch của câu chuyện: Một là, tình tiết tăng nặng của lòng tham vô đáy của mụ vợ: Từ đòi phải có một cái máng lợn mới, đến một ngôi nhà rộng và đẹp, bà nhất phẩm phu nhân, rồi nữ hoàng, và tột đỉnh là Long Vương ngự trên mặt biển để con cá vàng phải hầu hạ và làm theo ý muốn của mụ Hai là thái độ của mụ vợ đối với ông lão và ứng xử của ông. Biểu hiện cụ thể là mụ vợ có thái độ vô lễ, hỗn xược, càng về cuối càng tăng nặng: chửi rủa: đồ ngốc (lần 1), đồ ngu (lần 2), đồ ngu, ngốc sao ngốc thế; xưng với chồng bằng tao (lần 3), bắt ông lão quét dọn chuồng ngựa; xưng tao, mày; không cho ông lão phân trần (lần 4), đuổi đi; xưng mày, tao (lần 5).


Ba là thái độ của ông lão đối với con cá vàng. Ông lão thể hiện thái độ của một người luôn hàm ơn, cầu xin, tôn trọng cá vàng. Khi gọi con cá vàng lên, gặp con cá vàng, bao giờ ông cũng chào hỏi lịch sự, cầu xin giúp đỡ như ngưởi có lỗi. Chẳng hạn như: Ông lão chào con cá và nói: cá ơi! Giúp tôi với!; hoặc: Cá ơi, giúp tôi với! thương tôi với!…


Bốn là, thái độ của con cá và trạng thái của biển. Con cá vàng luôn giao tiếp lịch sự, ân cần với ông lão trong những lần ông lão nhờ giúp, ngoại trừ chỉ đến lần thứ 5 là con cá không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển. Còn trạng thái của biển thì thay đổi theo từng lần gặp giữa ông lão với con cá vàng, trong biểu hiện của biển bao hàm sự diễn biến của thái độ: biển gợn sóng êm ả (lần 1), biển xanh đã nổi sóng (lần 2), biển xanh nổi sóng dữ dội (lần 3), biển nổi sóng mù mịt (lần 4), một cơn giông tố kinh khủng kéo đến, biển nổi sóng ầm ầm (lần 5). Phần đỉnh điểm của xung đột là tình tiết nhân vật mụ vợ đòi làm Long Vương ngự trên biển để sai khiến con cá vàng phục vụ mọi nhu cầu của mình. Rõ ràng, trong xu thế phát triển của truyện thì đến đây đã tạo nên một sự chuyển biến về chất, một bước ngoặt hoàn toàn mới so với bốn lần trước.


Trong bốn lần đòi hỏi trước, nhu cầu của nhân vật mụ vợ chỉ tăng về mức độ của giàu sang vật chất và quyền lực tinh thần; nhưng ở lần cuối – lần thứ 5 – không chỉ có vậy mà xuất hiện sự khác biệt về tính chất và ý nghĩa. Đó là, trong bốn lần trước, mối quan hệ giữa nhân vật mụ vợ với con cá vàng thực chất là giữa kẻ hàm ơn và người ban ơn, giữa người chịu ơn và ân nhân của mình; nhưng trong lần thứ năm thì tham vọng của nhân vật mụ vợ là trở thành chủ nhân còn con cá vàng phải trở thành vật sở hữu, là tôi tớ, nghĩa là sự đòi hỏi này thay đổi, đảo ngược về vị thế của mỗi bên so với bốn lần trước. Chính điều này làm cho mâu thuẫn phát triển đến đỉnh điểm, và không thể phát triển thêm được nữa. Từ đó, mở nút câu chuyện là con cá vẫy đuôi lặn xuống biển sâu mà không trả lời đáp ứng sự cầu xin giúp đỡ của ông lão. Tục ngữ Việt Nam có câu: Được voi đòi tiên, và Lòng tham vô đáy mà Tham thì thâm là vậy.


Phần kết thúc là cảnh nhà ông lão trở lại như cũ, như trước khi được con cá vàng giúp: Lâu đài, cung điện biến đâu mất; trước mắt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ. Đây là kiểu kết thúc đầu cuối tương ứng, có tính giáo dục cao. Nhân vật trong truyện được xây dựng thành 3 tuyến, bao gồm: Nhân vật thần linh, siêu nhiên; người lao động trung thực và kẻ tham lam. Tính kịch diễn ra giữa hai nhân vật chính biểu trưng cho hai hệ giá trị tương phản, đối lập nhau: Ông lão đánh cá (hiền lành, trung thực, nhân văn) và mụ vợ (tham lam, bội bạc, tàn nhẫn).


Có thể xem mối quan hệ giữa các đặc tính và giá trị của nhân vật ông lão và mụ vợ là biểu trưng cho những đặc tính vốn có, cố hữu trong bản chất con người thuộc mọi thời gian và không gian. Do vậy, xung đột ở đây cũng chính là xung đột ngay trong chính từng con người nên độ phổ quát của vấn đề được đặt ra là rất sâu sắc và rộng lớn. Thi pháp ngôn từ thay đổi theo từng ngữ cảnh và hành vi con người, trong đó, dấu ấn sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ A. Pu-skin thể hiện khá rõ trong việc cá biệt hóa tính cách của các nhân vật thông qua miêu tả và thể hiện ngôn từ nhân vật – những đặc điểm vốn rất mờ nhạt trong truyện cổ tích. Việc miêu tả trạng thái của biển – như một nhân vật – hàm chứa nội tâm, thái độ cũng là một biểu hiện đáng kể của việc tham gia sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ.


Thi pháp không gian nghệ thuật có những đặc điểm nổi bật. Đó là không gian thay đổi theo nhịp xúc cảm của tình tiết truyện và phù hợp với thái độ người tiếp nhận. Có hai không gian chính là không gian dịa lý và không gian tâm trạng. Về không gian địa lý, có hai phân cảnh là nhà vợ chồng ông lão và biển. Hai vùng không gian này không đứng im mà biến đổi và phát triển song hành trong một lô gic nhất định. Trong đó, đặc trưng của gia cảnh và vị thế nhà ông lão thay đổi tăng tiến về vật chất và địa vị của mụ vợ tương thích với sự thay đổi thái độ của biển theo chiều hướng từ bình thường, sang bất bình, giận dữ và đến cuồng nộ.


Về không gian tâm trạng có các miền vừa tương giao vừa tương phản với nhau, bao gồm: Không gian tâm trạng ông lão với tâm lý hàm ơn con cá vàng, day dứt vì làm phiền con cá vàng thái quá, buồn khổ vì lòng tham vô đáy và thái độ đối xử bất nhân của mụ vợ đối với mình. Không gian tâm trạng mụ vợ là không gian vực thẳm của lòng tham, của tâm địa ác độc, bất nhân. Không gian này tương phản với tâm trạng ông lão. Không gian tâm trạng của con cá vàng là không gian biến chuyển từ hàm ơn, báo ân và đi tới chỗ phản ứng lại. Cả ba miền không gian của ba nhân vật này không bất biến mà diễn biến theo sự tương tác trong các mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau từ đầu cho tới kết thúc truyện.


Việc xây dựng hình tượng và kết cấu truyện mang tính kịch cũng như tạo dựng không gian nghệ thuật như thế đã tạo nên giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cho truyện. những phẩm chất tốt của con người (qua nhân vật ông lão đánh cá) được trân trọng, đề cao, tưởng thưởng; những cái xấu của con người (qua nhân vật mụ vợ của ông lão đánh cá) sẽ bị trừng trị. Tính nhân văn của truyện theo đó cũng thể hiện trên hai phương diện là ca ngợi, trân trọng cái đẹp và phê phán, lên án cái xấu, cái ác của con người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 7
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 4

Puskin là đại danh hài người Nga. Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ trong đó có bài “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Tác phẩm cho thấy những người sống nhân hậu hiền lành thì cuối cùng cũng sẽ được đền đáp. Còn những kẻ tham lam có voi đòi tiên thì cuối cùng sẽ bị báo ứng.


Truyện kể về ngày xưa có hai vợ chồng sống nghèo khổ. Một ngày ông lão đi đánh cá nên bắt được một con cá vàng.Con cá xin con cá tha cho,ông muốn gì ông cũng cho. Mụ vợ tham lam bắt ông lão phải đòi được những gì theo ý mình. Lòng tham,bà mụ bắt con cá cho một lâu đài và cá phải hầu hạ bà.Cá vàng tức giận bắt mụ trở về cuộc sống nghèo khổ như xưa.


Trước tiên ông lão là một người nghèo khổ nhưng rất lương thiện.Ngày ngày ông không quản mưa nắng vẫn cần mẫn đi kiếm sống qua ngày. Đối với một người đi đánh cá thì việc bắt được cá là mục tiêu của họ. Nhưng khi bắt được con cá vàng,nó cầu xin ông tha mạng thì ông lão dã thả con cá trở về biển về đại dương. Ta thấy ông lão là một người rất nghèo khó không có cuộc sống no đủ nhưng trước lời cầu xin của con cá thì ông sẵn sàng trả con cá về mặc dù đó đồng nghĩa với việc hôm nay ông sẽ không thu hoạch được gì. Ta thấy được tấm lòng  lương thiện bao dung của ông lão đối với cả một động vật nhỏ bé.Nhưng ngược lại tấm lòng lương thiên ấy là mụ vợ của ông  khi biết được chuyện đã quát mắng ông bắt ông năm lần bảy lượt ra bắt cá làm theo ý định của mụ ta. Ông lão buộc phải đồng ý với mụ vợ và chán nản đi ra biển nhờ cá giúp đỡ theo ý của mụ.


Qua đây ta thấy được ông lão có phân hơi nhu nhược trước mụ vợ. Ông không hề quyết đoán mà chỉ biết nghe lời vợ chấp nhận theo ước muốn của mụ ta.Ông cúng không đồng tình với ý mụ vợ nhưng ông không đủ dũng cảm để chống lại mụ ta. Ta thấy ở đây ông lão là một người vô cùng lương thiện. Khi con cá hỏi ông có ước muốn gì không thì ông không hề tham lam ông không cần gì cả mà vẫn vui vẻ trả con cá về biển. Ông chính là biểu tượng của một người nông dân trong chế độ xã hội cũ. Đối với mụ vợ thì ông lão không chỉ là chồng mà còn là ân nhân vì có ông nên mụ vợ mới được sống sung sướng. Nhưng mụ vợ không hề biểu được điều đó mà luôn có thái độ coi thường quát mắng ông. Mụ chỉ coi ông như một người đầy tớ một người để bà sai bảo và chỉ có thể cúi đầu nghe lệnh.


thúc truyện hình ảnh mụ vợ phải trở về cuộc sống như xưa nên rất thích đáng. Trước đây mụ chưa từng được sống trong giàu sang phú quý nên mụ chưa hiểu được sự sung sướng là như thế nào nhưng khi mụ đang được sống sung sướng mà lại trở về nghèo khó thì đó không chỉ là một sự trừng phạt về cả tinh thần. Mụ chắc chắn sẽ không thể chịu được cuộc sống đó lúc nào cũng chỉ cảm thấy khó chịu uất ức nhục nhã ê chề đến cực điểm. Cá vàng trừng trị ông lão cả về tội tham lam và bội bạc nhưng ta thấy rằng tội bội bạc có phần lớn hơn. Mụ vợ không những khi có được cuộc sống giàu có thì chuyển sang không coi con cá là ông nhân của mình mà còn bôi bạc với người chồng đã sống với mình mấy chục năm.


Ở đây con cá chính là một biểu tượng cho sự biết ơn khi ông lão thả con cá về thì con cá cho ông được cái mình muốn. Con cá chính là hình ảnh tưởng tượng của nhân dân ta để báo đáp những người sống thật thà lương thiện. Đồng thời con cá cũng là công cụ để nhân dân ta thi hành sự trừng trị thích đáng đối với những kẻ tham lam bạc bẽo.


Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh “trước mặt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ”. Cái kết cục ấy là tất yếu nhưng cũng đã để lại cho người đọc người nghe nhiều suy nghĩ. Với ông lão, việc trở về cuộc sống bình thường hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều.


Còn với mụ vợ, con người không có chút công lao gì với cá vàng mà lại đòi hỏi quá nhiều thì việc mất hết những gì mụ đã có (mà không phải bỏ ra chút công sức nào) là lẽ công bằng, một sự trừng phạt đích đáng cho thói tham lam vô độ và sự bội bạc của mụ đối với ông lão. Đó cũng là sự thể hiện ước mơ công lí của nhân dân. Ta thấy câu truyện ông lão đánh cá và con cá vàng chính là một câu chuyện điển hình của truyện cổ tích dân gian.Mà đã là chuyện cổ tích thì thường thể hiện ước muốn của nhân dân đó chính là cái thiện sẽ được báo đáp còn những kẻ tham lam bội bạc thì sớm muộn gì cũng sẽ bị trừng trị thích đáng nhất.Câu chuyện cũng thể hiện một phần nào đo ước muốn có cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân trong cuộc sống cực khổ ở xã hội đương thời.


Tác phẩm đề cao lòng biết ơn đối với những người nhân hậu và bài học đích đáng cho những kẻ bội bạc tham lam.Đó cũng là mong ước muôn đời của nhân dân ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 8
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 5

Truyện dân gian là một kho tàng văn học khổng lồ đã ăn sâu vào trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ, những câu chuyện luôn mang một ý nghĩa nhất định về cuộc sống, là lời dạy của thế hệ đi trước, là bài học rút ra từ những gì đã trải qua. Cũng giống như Việt Nam, những câu chuyện cổ tích nước ngoài cũng chứa đựng ý nghĩa sâu xa nhất định, trong đó có tác phẩm  “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc của nhà văn A. Pushkin, tác phẩm phản ánh những mặt sáng mặt tối của cuộc sống, là lời giải thích cho những gì mà người sống nhân hậu hiền lành nhận được và cái giá phải trả cho lòng tham lam.


Qua tác phẩm đọng lại rõ nét nhất trong lòng người đọc là hình ảnh ông lão, một con người nghèo khổ, thật thà, một con người chăm chỉ với công việc của mình, ở cái tuổi của ông đáng ra phải được nghỉ ngơi, phải được sum họp cười nói vui vẻ bên gia đình, cùng con cháu quây quần bên những câu chuyện không mở đầu cũng chẳng có kết thúc. Nhưng không, ông lão vẫn cứ tất bất với công việc của mình, công việc đem tới niềm vui cho ông, đối với những người đi câu thì việc chinh phục thiên nhiên, bắt được cá là đích đến cuối cùng mà ai cũng ao ước có được, nhưng khi ông bắt được con cá vàng, trước lời van xin của nó ông đã thả đi, vậy là đối với ông ngày hôm đó chẳng có thu hoạch gì, chẳng đạt được kết quả gì, một con người nghèo khó về vật chất nhưng về mặt tình cảm thì vô cùng giàu có.


Con người có tầm lòng bao dung rộng lớn đó lại chung sống với một mụ vợ tham lam độc ác, một con người có lòng tham vô đáy, trước câu chuyện ông kể về con cá vàng, trước lời từ chối của ông lão về sự đền ơn mà con cá đem lại mụ vợ đã nổi cáu, quát mắng và bắt ông hết lần này tới lần khác làm theo ý mụ để thỏa mãn lòng tham của mình. Với thận phận một người vợ điều đầu tiên cần làm là tôn trọng chính người chồng của mình, chăm sóc cho chồng và đặc biệt là có sự bình đẳng giữa hai người, nhưng người phụ nữ này không hề hiểu điều đó, sự hiền lành của ông lão chính là nguyên nhân khiến mụ vợ coi thường, luôn quát mắng, coi ông lão như một người đầy tớ, người hầu chứ không phải là một người chồng, còn về phía ông lão dù không đồng tình về những việc làm mà vợ mình đưa ra nhưng cũng không dám làm trái, không dám đứng lên, luôn nghe theo lời vợ, đơn giản bởi ông lão quá lương thiện.


Rồi việc gì đến cũng đến, qua những thứ mà con cá đền ơn cho mụ vợ thì cuối cùng đâu lại vào đó, trước mắt người vợ hiện ra là một không gian cũ, một không gian với cái máng lợn, với túp lều. Cái kết đối với người đọc là sự thỏa mãn vô cùng, một con người tham lam, nghèo khó trải qua một quãng thời gian ngắn khi được sống trong giàu sang, vinh hoa phú quý, cuối cùng lại trở lại với cuộc sống nghèo khổ như ban đầu là sự trừng trị không có gì đau đớn hơn, về phía ông lão trở lại với cuộc sống hiện tại là điều tốt nhất đối với ông. Về phía con cá vàng hiện lên như một biểu tượng của sự biết ơn, là sự đền đáp xứng đáng đối với những người thành tâm giúp đỡ, không vụ lợi, không toan tính, cuối cùng ý nghĩa mà câu chuyện đem lại thật sâu sắc, những người sống ích kỉ, luôn muốn hưởng giàu sang mà không phải lao động, lòng tham không có điểm dừng sẽ không bao giờ có được những thứ mình mong muốn, những người sống lương thiện, thật thà sẽ luôn gặp may mắn.


Câu chuyện được xây dựng với nhiều tình tiết li kì, hư cấu nhằm thể hiện khát vọng, ước mơ của nhân dân, là lời dạy mà những thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ con cháu đời sau, là bài học quý giá về cuộc sống đối với con người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Top 9
(có 0 lượt vote)

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 6

Truyện “ông lão đánh cá và con cá vàng là câu chuyện kể về 3 nhân vật chính với 3 tính cách và đại diện cho kiểu người khác nhau trong xã hội, mặt được và tồn tại trong chính con người họ là điểm mấu chốt để tạo nên câu chuyện này.


Có một ông lão nghèo làm nghề đánh cá ở biển sống cùng một bà vợ lười biếng và tham lam không có giới hạn, trong một lần đi đánh cá ở ngoài khơi, hôm đó được xem là ngày không may mắn của ông nếu như không kéo được mẻ lưới có con cá vàng, ông kéo lần nào cũng trượt lúc thì toàn bùn, lúc thì rong biển. Cá ta vừa bị bắt liền kêu lên van xin tha mạng, lão đánh cá là một người hiền lành thấy vậy nên cũng đành tha dù mẻ lưới hôm nay toàn là những điều xúi quẩy. Dù cá vàng đã hứa sẽ trả ơn ông nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới việc đó, vấn đề không đi quá xa nếu như ông không kể cho mụ vợ tham lam biết, khi được tin như thế bà vợ năm lần bảy lượt bắt ông đi bảo cá vàng đáp ứng nhu cầu của mình, lúc thì đòi cái máng lợn mới, khi lại đòi nhà rộng, sự tham lam quá độ của bà ta càng ngày càng lên, giờ lại còn đòi nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng và cuối cùng là bảo cá vàng bắt Long vương phải hầu hạ mụ ta, thật sự quá. Cái gì cũng có giới hạn của nó cả, bà ta sẽ trở thành người đàn bà sung sướng nhất thế gian nếu như sự tham lam của mụ ta ở mức độ đáp ứng được. Cuối cùng lại nhận cái kết bi thảm trở về cuộc sống bình dân, không nhà rộng, không vướng quyền, mà trở về căn lều nhỏ rách nát với chiếc máng lợn bị nứt vỡ.


Sử dụng biện pháp lặp đi lặp lại có chủ đích trong truyện cổ tích, tác giả nêu bật được tâm trạng, thái độ của cá vàng thông qua những lần biển dâng lên, phản ứng đó để minh chứng cho sự quá quắt của mụ vợ nổi càng trở nên quá đáng và không thể chấp nhận nổi. còn mụ vợ quá quắt sướng lại không muốn, lại muốn khổ chỉ vì sự tham lam không có giới hạn của bà ta, khiến cá vàng không hài lòng một chút nào, lòng tham cùng vơi sự bội bạc đã khiến bà ta mất tất cả. Cá vàng bắt mụ vợ phải trả giá cho sự tham lam và bội bạc của mình.


Về phía ông lão thì vừa thương vừa giận, là một người chồng nhưng lúc nào cũng núp bóng vợ, còn bà ta không nhưng không chăm lo, cùng ông vun ven mái ấm mà lúc nào cũng đòi hỏi, ông lão thì chả bao giờ dám cãi lời bà ta, điều này cho thấy ông là một con người nhu nhược, trở về cuộc sống đời thường chắc sẽ tốt hơn so với cuộc sống xa hoa, có lẽ nó không hợp với ông. Còn cá vàng đại diện cho sự chân chinh, chân lý của con người, của nhân dân, là thái độ và phản ứng của mình đối với kẻ tham lam, bội bạc với những người sống hiền lành, lương thiện.


Kết thúc truyện chính là bài học cho kẻ bội bạc, tham lam, ích kỉ, chỉ muốn hưởng mà không muốn làm, đứng núi này trông núi kia, cuối cùng chỉ có người sống chan hòa, lương thiện, hiểu chuyện mới có thể sống tốt và có kết thúc có hậu được.

Ảnh minh họa (Nguồn internet) ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hi vọng bài viết trên mang lại nhiều giá trị cho bạn. Chúc các bạn học tốt và tiếp tục theo dõi các bài văn hay trên Alltop.vn

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .

0/
Top 9
Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" - mẫu 6