Top 8 Hoạt động chính không thể thiếu trong ngày Tết tại Việt Nam
Mỗi vùng miền trên nước ta sẽ có những phong tục và hoạt động ngày Tết khác nhau, tạo nên đặc trưng rất riêng cho dịp lễ quan trọng này. Tuy nhiên, dù bạn đang...xem thêm ...
Ba ngày Tân niên
Theo phong tục của tết cổ truyền từ bao đời nay thì Ba ngày tân niên là 3 ngày quan trọng nhất của năm để chuẩn bị cho Tết nguyên đán, làm việc gì cũng phải cẩn thận, đúng phép:
- Ngày mồng một tháng Giêng Là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Trẻ con người lớn đều mặc quần áo đẹp quây quần bên nhau. Con cháu bắt đầu chắp tay trước ngực cung kính mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.
- Ngày mồng hai tháng Giêng Là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân. Đặc biệt, với những nàng dâu lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lí tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả một thời gian dài không gặp.
- Ngày mồng ba tháng Giêng Là ngày thứ ba trong năm mới. Trong quan niệm của người Việt thì mùng 3 Tết chính là ngày chúc Tết các thầy cô giáo. Bởi dẫu sao “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ngày này còn gợi nhắc mỗi người nhớ đến truyền thống tôn sư trọng đạo. Có lẽ vì thế nên vào mùng 3 Tết hằng năm những người học trò đều đến nhà thầy cô mình để gửi trao những lời chúc với tất cả sự kính trọng, yêu thương nhất.
Còn đối với cộng đồng người Công giáo Việt Nam, ba ngày đầu năm họ thường tham dự thánh lễ ở nhà thờ với ý cầu nguyện cho từng ngày: mồng Một cầu nguyện bình an cho năm mới, mồng Hai cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ nếu còn sống và tưởng nhớ nếu đã qua đời, mồng Ba cầu nguyện thánh hóa cho công ăn, việc làm trong năm mới được tốt đẹp.
Xông đất
Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Người xưa quan niệm rằng, người đầu tiên đến chúc Tết gia đình nếu là người hạp tuổi với gia chủ thì nguyên một năm, gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc đến nhà. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa, bước vào những giờ phút đầu tiên của năm mới, người Việt từ xưa rất coi trọng tục "xông đất".
Theo quan niệm xưa, sau đêm giao thừa, mọi thứ trong nhà đều rất mới chính vì thế mà gia chủ thường cầu mong đầu năm sẽ có người mang đến sự may mắn, phát tài, phát lộc đến với gia đình. Cho nên người đến nhà chúc Tết đầu tiên rất được xem trọng. Người khách đó đến vào sáng mồng 1 phải do chủ nhà sắp đặt trước và mang theo cả trái cây hay bánh mứt và lì xì khi có trẻ con trong nhà. Gia chủ sẽ ra đón tiếp vui vẻ, nhiệt tình và nhận những lòi chúc tốt đẹp đến với gia đình mình. Tục đến nhà xông đất đầu năm, diễn ra không lâu khi người đầu tiên đến nhà gia chủ chúc tết. Họ chỉ đến khoảng năm mười phút gì đó cầu chúc cho gia đình gia chủ may mắn cả năm.
Theo tục lệ xông đất, gia chủ mời những người hợp tuổi làm khách đầu tiên từ thời khắc giao thừa cho đến sáng ngày đầu năm mới. Người xông nhà phải hợp tuổi gia chủ với tuổi con vật đại diện cho năm, tránh tuổi “tứ hành xung” (bốn con giáp xung khắc với nhau về nhiều mặt trong cuộc sống) là những tuổi xung khắc với nhau. trong cùng một nhóm). Người xông nhà xong sẽ mừng tiền chủ yếu dành cho con cái trong gia đình. Sau đó, cả chủ và khách chúc nhau những câu chúc, và chủ nhà chuẩn bị thức ăn và trà.
Chuyện ăn uống này chỉ mang tính tượng trưng, cả khách và chủ trò chuyện và nói những điều tốt lành. Sau khoảng 20 phút, người xông đất rời khỏi nhà. Những vị khách tuổi khác đến chúc Tết, dù hợp tuổi sẽ không ảnh hưởng gì đến gia chủ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để xông nhà, vệ sinh nhà cửa, mang lại không khí trong lành, sạch sẽ cho gia đình.
Xuất hành và hái lộc
Việc xuất hành và hái lộc vào ngày đầu năm được xem là một phong tục của người Việt Nam từ xưa đến nay.
Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm những điều may mắn cho mình và cả gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Theo quan niệm của người xưa, giờ lúc ra đi phải được giờ Hoàng đạo, nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không được kỵ, không được khắc. Nếu chẳng may kỵ hay khắc, có thể còn gặp xui. Do vậy chọn giờ xuất hành đẹp là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, xuất hành thăm viếng họ hàng giúp gắn kết tình cảm và mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người thân và gia đình, cùng nhau hướng đến sự tốt lành.
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. "Hái lộc đầu xuân" là việc không thể thiếu trong phong tục của người Việt. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Rủ nhau đến chùa, miếu… xin lộc ngay sau thời khắc giao thừa là một truyền thống đẹp của người Việt.
Việc hái lộc theo quan điểm của người xưa còn mang đạo lý nhân quả, “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai”,… Những may mắn, những hạnh phúc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ hành động, từ lời nói. Nếu ai lười biếng thì sẽ không nhận được những điều hạnh phúc tốt đẹp.
Chúc Tết
Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng, mừng tuổi để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình. Mỗi lời chúc tượng trưng cho việc mong ước một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc. Phong tục chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, mang nhiều điều tốt đẹp tới những người thân thuộc quanh mình.
Tập tục này trước hết thể hiện qua lời nói: Chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phát tài… Ngoài ngôn từ còn có những hình thức biểu đạt như câu đối, thiệp và những biểu hiện khác: mượn giấy để viết chữ, mượn hình vẽ thành tranh khánh chúc, vẽ trên bao lì xì và gởi gắm lời cầu mong và chúc tụng trên các đồ trang trí ngày Tết.
Sáng ngày mồng Một - ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong phong bao “lì xì” cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui. Suốt 3 ngày Tết, mỗi người sẽ đi chúc tụng họ hàng, làng xóm, bạn bè và những người đã giúp đỡ, đồng hành cùng mình suốt cả năm trước.
Không chỉ mang đến niềm hy vọng đầu xuân, việc qua thăm hỏi nhau, gặp gỡ đầu năm cũng là dịp để mỗi người nói lời cảm ơn đến những người xung quanh mình. Việc cảm ơn này cũng ý nhị nhắn nhủ rằng một năm mới tới, còn nhiều điều tốt đẹp sẽ mong muốn được đồng hành cùng nhau. Tục chúc tết đầu năm đậm nét tinh thần “uống nước nhớ nguồn" của người Việt.
Tục thăm viếng
Tết – là một điều gì đó thiêng liêng và quý báu đối với chúng ta, nhất là Tết cổ truyền của dân tộc. Mỗi dịp Tết là để các thành viên trong gia đình vui vầy sum họp là thời gian để mọi người đoàn tụ, thể hiện sự yêu thương, tình cảm thắm thiết lẫn nhau. Vậy nên, đối với người Việt, tục thăm viếng là một tục lệ hết sức quan trọng.
Tục thăm viếng của người Việt để nói chung đến việc đi thăm, chúc Tết mọi người và đi viếng những người xấu số. “Mùng 1 tết cha, mùng 3 Tết thầy”.
- Sáng mùng 1 Tết, sau khi lễ gia tiên thì con cháu sẽ quây quần bên ông bà để mừng thọ và chúc Tết. Lễ gia tiên là việc con cháu xếp hàng thắp nhang và cuối lạy trước bàn thờ gia tiên ngày Tết.
- Mùng 2 thông thường thì sẽ dành để thăm nhà ngoại, họ hàng bên ngoại, tại nhà ngoại cũng sẽ tuần tự mghi thức như bên nội. Sau đó, ăn cỗ đầu Xuân cùng gia đình ngoại để tình cảm được thắt chặt và bền vững hơn.
- Bên cạnh chúc Tết nội ngoại họ hàng 2 bên, mừng thọ những người còn sống và viếng thăm những người đã khuất thì nét đẹp trong phong tục truyền thống của người Việt còn là việc thăm và chúc Tết thầy cô, nó thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người sự quan tâm hiếu thảo và đạo đức của một con người.
Thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè là để gắn kết tình cảm. Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới.
Mừng tuổi - Lì xì
Lì xì hay mừng tuổi không chỉ giới hạn trong ngày mùng Một Tết mà có thể kéo dài trong 3 ngày đầu năm mới, thậm chí đến tận mùng 10 Tết. Dùng tiền mới để lì xì như lời chúc cho một sự khởi đầu tươi mới, tốt lành với người nhận.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì, xích mích, không vui trong ngày Tết. Bao lì xì chứa tiền mừng tuổi thường có màu đỏ, màu sắc của sự thịnh vượng, may mắn theo quan niệm của người châu Á. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người cho rằng người cho đi hay nhận được càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.
Theo phong tục của người Việt Nam, cứ vào sáng mùng Một, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để chúc nhau những lời tốt đẹp. Trẻ con chúc thọ ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ lì xì một phong bao đỏ, bên trong có tiền gọi là tiền lấy may, mang lại niềm vui cả năm cho mọi người những ngày đầu năm mới. Khi có khách đến chơi nhà vào những dịp Tết, nếu gia chủ có con nhỏ, khách nên mừng tuổi cho đứa trẻ kèm những lời chúc may mắn, đồng thời gia chủ cũng gửi lại những lời chúc sức khoẻ, may mắn, phát đạt cho khách.
Cuối cùng, ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền mà là nhũng ước mong cầu chúc cho trẻ em hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, còn những người có tuổi thì thật nhiều sức khoẻ để ở bên con cháu lâu hơn nữa.
Hóa vàng
Theo truyền thống từ xa xưa, sau khi mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu, từ ngày mùng 3 Tết, khi tiệc xuân đã mãn, con cháu lại soạn lễ để cúng tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh. Đây còn gọi là “lễ hóa vàng”.
Lễ hóa vàng là lễ hóa hương vàng, quần áo, vàng mã tiễn ông bà về âm cảnh sau 3 ngày về bên con cháu đón Tết. Chính vì vậy, người ta thường gọi lễ hóa vàng mùng 3 Tết là lễ cúng tiễn đưa ông bà ngày đầu năm. Lễ cúng hóa vàng thể hiện lòng tôn kính, sự cầu mong tổ tiên ban phước lành cho hậu thế, một năm nhiều may mắn, sức khỏe và thịnh vượng.
Theo quan niệm nhân gian phải có lễ tạ thì tấm lòng của gia chủ mới được chứng giám, nên lễ hóa vàng rất quan trọng trong ngày tết. Sau khi lễ, gia chủ sẽ tiến hành hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần được hóa trước, tiền vàng, vật dụng của tổ tiên hóa sau. Nơi đốt vàng mã thường sẽ có một cây mía dài với ý nghĩa dùng để làm gậy chống để linh hồn mang hàng hóa về cõi âm.
Theo nếp sống văn hóa mới, lễ hóa vàng nên tổ chức nhẹ nhàng, không nên đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Sau khi cúng tạ thần linh, đưa tiễn ông bà về cõi âm, coi như là hết Tết, gia chủ lại hướng đến một năm mới với nhiều việc thiện, làm việc hăng say và giúp đỡ cộng đồng, xã hội… để tích nhiều phúc đức, chuẩn bị cho một tết năm sau no ấm và đủ đầy hơn.
Khai hạ
Lễ Khai hạ (cúng hạ nêu) còn được biết đến với một số tên gọi khác như lễ hạ cây nêu, lễ tạ năm mới, lễ hóa vàng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, người ta tổ chức lễ Khai hạ như một nghi thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày ăn Tết cùng con cháu để mọi người quay trở lại công việc làm ăn buôn bán hằng ngày.
Lễ cúng Khai hạ sẽ diễn ra vào mùng 7 âm lịch theo phong tục cổ. Tuy nhiên ngày nay, tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình, nghi lễ sẽ được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 10 âm lịch chứ không nhất thiết phải làm vào mùng 7 âm lịch như trước nữa.
Trong phong tục xưa, từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết, người ta dựng cây nêu có treo kèm những vật trang trí như vòng tròn nhỏ với ý nghĩa là nghênh đón những điều may mắn trong năm mới, tiễn đi những thứ xui xẻo, không may mắn của năm cũ, diệt trừ, không cho ma quỷ tới quấy phá để có một cái Tết thật bình an với gia đình. Và khi kết thúc Tết con cháu sẽ làm lễ hóa vàng để cáo lễ tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh diễn ra vào ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán. Khi đó cây nêu ngày Tết sẽ được hạ xuống, mở đầu ngày vui để chào mùa xuân mới, mong cầu may mắn cho cả năm.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .