Top 3 Bài thuyết trình dự thi giáo viên giỏi mầm non chủ đề "biện pháp lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ 5-6 tuổi"
Hội thi giáo viên dạy giỏi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên...xem thêm ...
Bài thuyết trình chủ đề "biện pháp lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ 5-6 tuổi" (số 1)
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với “biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Kính thưa ban giám khảo!
Chương trình giáo dục mầm non mới là lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện cho mỗi đứa trẻ được hoạt động tích cực phù hợp với sự phát triển của bản thân trẻ, đáp ứng tối đa nhu cầu và hứng thú của trẻ trong quá trình giáo dục. Thực tế cho thấy việc tổ chức các hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm đã tạo ra một không gian mở cho trẻ, khuyến khích trẻ phát triển tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề. Nếu trẻ được tạo nhiều cơ hội tự tham gia trải nghiệm khám phá, thì như vậy trẻ đã có thể được phát triển tư duy sáng tạo, giúp trẻ có nhiều cơ hội phát triển ngôn ngữ, tình cảm xã hội, phát triển thẩm mỹ, thể chất, phát triển nhận thức. Những lợi ích đó có liên hệ trực tiếp với phương pháp dạy của các giáo viên, đó chính là cách tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.
a. Thuận lợi
Lớp mẫu giáo 5 tuổi A5 trường MN ..., với tổng số trẻ là .. cháu.Đa số trẻ của lớp nhanh nhẹn, có sức khoẻ tốt để tham gia vào các hoạt động của lứa tuổi.
- Lớp được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, đồ dùng thuận tiện như: đàn, ti vi, đầu đĩa… phù hợp với trẻ.
- Các giáo viên của lớp nhiệt tình, có đủ trình độ chuyên môn.
- Ban giám hiệu nhà trường luôn đi sâu đi sát, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên có đủ phương tiện để chăm sóc và dạy trẻ như mở các lớp bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ… Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ giáo viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn do Sở giáo dục và Phòng giáo dục và đào tạo tập huấn. Đã tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại trường về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ.
- Đa số phụ huynh của lớp nhiệt tình, quan tâm chu đáo tới con em và thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của con em mình
- Giáo viên chủ nhiệm lớp đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, tâm huyết với ngành học, yêu nghề mến trẻ, có phẩm chất nghề nghiệp.
- Đồng nghiệp thường xuyên cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm giảng dạy qua sách báo từ những kinh nghiệm của trường bạn từ đó có những biện pháp giúp trẻ học tốt môn tạo hình hơn.
- Giáo viên là người địa phương nên có nhiều thuận lợi trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ
b. Khó khăn
- Qua thời gian công tác, làm nhiệm vụ giảng dạy lớp 5 tuổi tôi đã có điều kiện để quan sát, theo dõi và nắm bắt được nhu cầu khả năng của trẻ đối với hoạt động phát triển ngôn ngữ tuy nhiên còn gặp nhiều hạn chế như:
- Đa số ở độ tuổi này về tạo hình còn sơ sài một số trẻ còn mải chơi, cảm nhận tác phẩm còn đơn giản, chậm, chưa tập trung chú ý trong giờ vẽ.
Nhiều phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc học vẽ , còn cho rằng trẻ đến trường chỉ chơi chứ không học.
- Trẻ còn thụ động, ít có sự tự tin mạnh dạn và cũng ít có nhu cầu hứng thú được tham gia hoạt động giáo dục phát triển thẩm mỹ nên trẻ chưa phát huy được hết tính tích cực của mình khi tham gia vào hoạt động giáo dục phát triển thẩm mỹ
- Kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của giáo viên.
- Cơ sở vật chất đã được trang bị nhưng chưa thực sự đầy đủ.
- Lớp có một số trẻ mới, chưa đi học ở trường bao giờ nên thời gian đầu còn bỡ ngở, ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động của lớp.
Đa số các giáo viên còn trẻ nên kinh nghiệm còn nhiều hạn chế trong việc tổ chức hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Bên cạnh đó tài liệu để phục vụ chuyên đề còn nghèo nàn và đặc biệt trẻ mẫu giáo đang bước đầu hình thành, phát triển về các tác phẩm tạo hình, thể chất…nên việc thực hiện chuyên đề gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, cha mẹ trẻ đa phần ở nông thôn, cuộc sống khó khăn ngày nay cũng khiến cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian quan tâm đến giá trị của các tác phẩm tạo hình đối với sự phát triển của trẻ.
Trong thực tế khi giáo viên cho trẻ tiếp xúc với tác phẩm tạo hình thì còn lúng túng, chưa linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Chưa có nhiều kỹ năng trong việc sử dụng biện pháp gây hứng thú, thường là câu hỏi đóng, không lấy trẻ làm trung tâm nên chưa phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ.
Thực tế trong giảng dạy cho trẻ 5 - 6 tuổi trong trường hiện nay, còn nhiều vấn đề cần khắc phục như: Sự am hiểu tính cách độ tuổi từng trẻ, cách xây dựng kế hoạch, lựa chọn chỉ số, lối dẫn dắt lôi cuốn trẻ, đa số còn dạy trẻ theo hướng lấy giáo viên làm trung tâm, cô hướng dẫn nhiều, nói nhiều, trẻ ít được thực hành, trao đổi, một phần cũng do đồ dùng đồ chơi ít, chưa đầy đủ để trẻ hoạt động.
Biện pháp thứ nhất: Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho bản thân
Chất lượng chuyên môn phụ thuộc rất lớn vào bản thân mỗi giáo viên do đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Người thầy cần giỏi về chuyên môn, đồng thời lại phải tốt về nhân cách mới thực hiện được nhiệm vụ của mình, thực sự là những “Kỹ sư tâm hồn”.
Do vậy việc bồi dưỡng về nhận thức và chuyên môn của bản thân mỗi giáo viên là một việc làm vô cùng cần thiết giúp giáo viên có nhận thức đúng đắn trang bị cho giáo viên những hiểu biết, các kiến thức về chuyên môn giúp giáo viên chủ động, tự tin trong quá trình tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.
Từ nhận thức về ý nghĩa của việc tự học tự bồi dưỡng, nên bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng chuyên môn do Phòng GD&ĐT tổ chức, các buổi sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường, lắng nghe và ghi chép một cách nghiêm túc, mạnh dạn trao đổi với giảng viên, CBQL các trường những vấn đề còn chưa rõ, chưa hiểu, những vấn đề mà tôi quan tâm về đổi mới phương pháp giảng dạy.
Biện pháp thứ hai: Tăng cường thiết bị, đồ dùng dạy học và tạo môi trường cho trẻ hoạt động lấy trẻ làm trung tâm.
Đây là biện pháp quan trọng mà người giáo viên cần phải có đó là sự sáng tạo trong thiết kế xây dựng, lựa chọn đề tài cũng như tạo dụng cụ dạy học đồ dùng đồ chơi, cách sưu tầm tranh ảnh, xây dựng mô hình, tạo và lựa chọn môi trường hoạt động học trong và ngoài lớp cho trẻ giúp trẻ có điều kiện tiếp cận với cách học mới gây được sự tò mò thích khám phá trong trẻ hơn. Khi sử dụng biện pháp này trẻ được tiếp xúc với cách học mới mà trẻ hằng mong đợi ở tường, đồ dùng, thiết bị học càng phong phú thì trẻ sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn làm khắc sâu hình tượng và ghi nhớ và nảy sinh nhiều sáng kiến với đồ dùng hơn.
Thiết bị dạy học và môi trường giảng dạy là quá trình phối hợp linh hoạt và hợp lý những kinh nghiệm, thành tựu sử dụng, điều kiện cơ sở vật chất và cải tiến phương pháp dạy học của giáo viên. Đổi mới phương pháp nhằm tích cực hoá các hoạt động dạy học, khuyến khích bản thân chủ động, sáng tạo, dạy học tập trung vào trẻ, lấy trẻ làm trung tâm để phát triển mọi khả năng của trẻ, tổ chức hướng dẫn trẻ học tập bằng cách tự phát hiện khả năng của mình và có niềm tin trong lao động, học tập.
Biện pháp ba: Thực hiện tổ chức tốt biện pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động giáo dục.
Ở độ tuổi 5-6 tuổi, hoạt động chủ đạo của trẻ “Chơi mà học, học mà chơi” thông qua các hoạt động đa dạng phong phú mà trẻ lĩnh hội tri thức trong cuộc sống xung quanh trẻ, chương trình giáo dục mầm non mới lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện cho mỗi đứa trẻ được hoạt động tích cực phù hợp với sự phát triển của bản thân trẻ, đáp ứng được tối đa nhu cầu và hứng thú, dựa vào khả năng của mỗi trẻ.
Biện pháp bốn: Lựa chọn nội dung và trò chơi phù hợp để rèn luyện tính tích cực hoạt động của trẻ.
Nói đến việc giáo dục ở trường mầm non thì không thể không nói đến việc thực hiện chương trình, chương trình là phương tiện cơ bản để giáo dục toàn diện. Muốn thực hiện tốt chương trình thì đòi hỏi phải nắm được nội dung chương trình giáo dục mầm non. Để thực hiện chương trình giáo dục có hiệu quả, không bị gián đoạn tôi đã xây dựng chương trình, kế hoạch năm, tháng, tuần theo từng chủ đề. Sau khi lên kế hoạch xong tôi đã nhờ chuyên môn xét duyệt, góp ý kiến, thống nhất chương trình giảng dạy, phù hợp với kế hoạch đã lên của chuyên môn.
Biện pháp thứ năm: ứng dụng công nghệ thông tin, Sử dụng phần mềm power point trong tổ chức các hoạt động chung.
Biện pháp thứ sáu: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Biện pháp thứ bảy: Phối kết hợp với cha mẹ trẻ giúp trẻ học tốt qua các hoạt động.
Thực hiện được các biện pháp trên đã gúp tôi tự tin trong quá trình giảng dạy, không những thế trẻ còn hứng thú, phát huy được mọi tiềm ẩn trong mỗi cá thể trẻ, trẻ năng động linh hoạt, tích cực hơn trong quá trình học và chơi, từ đó hình thành ở trẻ tính tự lập, kỹ năng sống mới, đánh dấu bước hình thành và phát triển nhân cách mới ở trẻ tạo tâm thế vửng chắc cũng như tiềm năng cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo.
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “Một số biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Bài thuyết trình chủ đề "biện pháp lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ 5-6 tuổi" (số 2)
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với “biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Kính thưa ban giám khảo!
Không những nhà giáo dục mà hơn ai hết chính cha mẹ học sinh đều mong muốn trẻ hình thành và phát triển nhân cách sớm, đặc biệt là có thói quen tốt và hành vi có đạo đức tốt để hình thành nhân cách cho trẻ sau này.Với vai trò quan trọng như vậy, thử hỏi nếu chúng ta không làm tốt hoạt động lấy trẻ làm trung tâm, giúp cho trẻ thể hiện nhận thức của trẻ thì có mang lại được kết quả như mong đợi không? Hay chúng ta cứ tiếp tục dạy trẻ theo kiểu cô nói trẻ lắng nghe nếu việc dạy học của giáo viên không đổi mới kịp thời thì vô tình chúng ta đang kìm hảm sự phát triển về mọi mặt của trẻ. Vì trẻ đến trường chỉ ngồi lắng nghe thì làm sao tiềm năng trong mỗi trẻ được khơi nguồn và phát triển.
Thuận lợi:
- Nhà trường đầu tư đầy đủ đồ dùng trang thiết bị theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 23 tháng 3 năm 2015 đảm bảo việc học tập và sinh hoạt của trẻ. Trẻ lớp tôi đa số đã học qua lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi, trẻ năng động, đi học đều có nề nếp.
- Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo sát sao việc đổi mới hình thức phương pháp giáo dục trẻ.
- Bản thân tôi là một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc giáo dục trẻ.
* Khó khăn:
- Trong những năm qua giáo dục trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm đã được thực hiện nhưng việc tổ chức các hoạt động còn độc lập, tách rời, mang nặng cung cấp kiến thức cho trẻ, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở trẻ, đánh giá trẻ hàng ngày còn chung chung, chưa thể hiện việc quan sát các biểu hiện, các hành vi cũng như khả năng tiếp thu kiến thức, kĩ năng của mỗi trẻ. Tạo môi trường học tập cho trẻ là việc làm đã được thực hiện từ lâu nhưng nhìn chung chỉ mang tính chất hình thức để trang trí theo đúng chủ đề chưa xuất phát từ trẻ, chưa kích thích tính tò mò, khám phá của trẻ, khi học và chơi trẻ đang còn rất thụ động.
- Phương pháp tổ chức các hoạt động trong chương trình còn rập khuôn chưa sáng tạo, còn cứng nhắc, việc thực hiện các hoạt động học tập vui chơi vẫn rơi vào tình trạng giáo viên làm trung tâm.
- Đồ dùng, đồ chơi chưa thật sự phong phú về chủng loại, chưa có nhiều đồ dùng, đồ chơi làm từ nguyên vật liệu mở.
- Việc quan tâm chăm sóc con em của một bộ phận cha mẹ trẻ còn hạn chế. Cha mẹ trẻ chưa nắm rõ quan điểm giáo dục hiện nay, sự hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục trẻ chưa cao.
Biện pháp 1: Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức và phương pháp về “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm”.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học tự bồi dưỡng, nên bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng chuyên môn do Phòng Giáo Dục và Đào tạo tổ chức, các buổi sinh hoạt chuyên môn tại trường, lắng nghe và ghi chép một cách nghiêm túc, mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp những vấn đề còn chưa rõ, chưa hiểu về đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm những tài liệu, sách vở về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, kỹ năng nghiệp vụ của giáo viên và tự đọc, tự nghiên cứu để rút ra những vấn đề cần thiết cho bản thân. Bên cạnh đó, tôi còn học tập tốt chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch của nhà trường.
Biện pháp 2: Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
Xây dựng kế hoạch là một biện pháp quan trọng trong quá trình thực hiện những việc cần làm của giáo viên. Việc lập kế hoạch giáo dục giúp tôi thực hiện đúng mục tiêu giáo dục một cách đầy đủ, có hệ thống, giúp tôi dự kiến trước nội dung, thời gian để tổ chức các hoạt động một cách hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để xác định các nội dung phù hợp nhất đối với từng trẻ trong lớp mình. Qua đó có điều kiện quan tâm đến trẻ hơn, biết những thế mạnh, tiến bộ của mỗi trẻ để có những biện pháp giáo dục phù hợp.
Căn cứ vào khả năng, nhu cầu học tập, kinh nghiệm sống của từng trẻ ở lớp bản thân tôi đã xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để thực hiện ở lớp như sau:
Biện pháp 3: Tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Tổ chức hoạt động luôn đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục, có nghĩa là tạo tất cả mọi cơ hội để cho trẻ tự tham gia vào các hoạt động như trải nghiệm, giao tiếp, suy nghĩ, trao đổi với bạn và với cô. Giáo viên là người chủ động, sáng tạo, tạo mọi cơ hội, hướng dẫn, gợi mở giúp trẻ tìm hiểu kiến thức hoặc giải quyết các tình huống trong quá trình hoạt động.
Tôi thực hiện việc tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không có nghĩa là tôi loại bỏ hoàn toàn phương pháp cũ mà về cơ bản vẫn phải tuân thủ các bước trong suốt tiến trình của hoạt đông học, vẫn phải dựa trên cơ sở phương pháp dạy đặc trưng các lĩnh vực. Tôi chỉ thay đổi hình thức là lấy trẻ làm trung tâm dựa trên sự hiểu biết, hứng thú nhu cầu của trẻ mà tôi đưa ra nội dung bài dạy, kiến thức sao cho phù hợp với trẻ, không gò bó, áp đặt trẻ theo đúng tính chất: “Học bằng chơi, chơi mà học” của trẻ mầm non.
Ví dụ: Khi tổ chức hoạt động phát triển nhận thức “Bé biết gì về voi”. Tôi không cho trẻ xem hình ảnh từng bộ phận và trả lời câu hỏi theo hình thức cũ mà tôi tổ chức cho cả lớp tham gia một cuộc thi gồm có các đội thi và nhiệm vụ của các đội sẽ xem một đoạn phim ngắn và tự thảo luận để trả lời các câu hỏi của cô đưa ra. Trong hoạt động tạo sản phẩm tôi chỉ đặt câu hỏi và gợi ý để trẻ suy nghĩ và cùng trẻ tạo ra sản phẩm theo suy nghĩ của trẻ.
Biện pháp 4: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
* Bố trí sắp xếp các góc trong và ngoài lớp phù hợp, tiện lợi, đa dạng, phong phú.
* Trang trí lớp theo hướng mở, linh hoạt.
Biện pháp 5: Làm và sử dụng đồ dùng đồ chơi.
* Chuẩn bị đồ dùng, học liệu đa dạng, hấp dẫn tận dụng những nguyên vật liệu, phế liệu từ thiên nhiên và có sẵn ở địa phương.
* Tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng các nguyên vật liệu ở các góc chơi sáng tạo theo nhiều cách khác nhau.
*Biện pháp 6: Phối kết hợp với cha mẹ học sinh
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “Một số biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Bài thuyết trình chủ đề "biện pháp lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ 5-6 tuổi" (số 3)
Kính thưa:
- Ban tổ chức!
- Thưa Ban giám khảo!
Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia thuyết trình trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Huyện năm học ..., với “biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Kính thưa ban giám khảo!
Trẻ lứa tuổi mầm non việc học của trẻ được thông qua hình thức “học mà chơi, chơi mà học” trẻ có mong muốn tự nhiên là được cảm nhận và khám phá 1 cách tích cực về thế giới. Quá trình khám phá và học hỏi của trẻ diễn ra thông qua nhiều hoạt động trong đó hoạt động vui chơi có ý nghĩa rất quan trọng. Vui chơi không chỉ là hoạt động giúp trẻ giải trí, thư giản mà còn giúp trẻ cảm nhận và khám phá thế giới xung quanh 1 cách tự nhiên, thuận lợi nhanh chóng. Tất cả các trò chơi đều có tiềm năng và hỗ trợ cho việc học của trẻ. Đối với trẻ mầm non thì môi trường hoạt động có vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ hoạt động thường xuyên với môi trường giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ, tâm lí cũng như đời sống tình cảm mà thông qua trò chơi những phẩm chất ý chí cũng được hình thành như: tính mục đích, tính kỉ luật, tính dũng cảm.
Ở mỗi giai đoạn sự phát triển của trẻ đều có những đặc điểm tâm lí khác nhau cha mẹ và cô giáo cần hiểu rõ được đặc điểm phát triển tâm lí của trẻ để có những phương pháp giáo dục phù hợp để định hướng và giúp trẻ phát triển đúng từng giai đoạn. Trẻ ở độ tuổi Mẫu giáo thích khám phá những điều mới lạ và hay tò mò. Trong giai đoạn này trẻ rất muốn khám phá thế giới xung quanh, tò mò và liên tục thắc mắc đặt nhiều câu hỏi với cha mẹ với cô giáo. Trẻ giao tiếp và rất thích bắt chước tập làm nguời lớn, trẻ thích được tự lập. Vì vậy việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm là vô cùng quan trọng và đã được nhà trường chỉ đạo về các lớp ở các điểm trường để cùng thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn khó khăn và hạn chế như: Kinh phí,địa hình và việc tạo môi trường đang còn do bàn tay cô giáo là chủ yếu; trẻ tham gia đang còn ít, các góc , mảng trang trí chưa mang tính mở; đồ dùng đồ chơi chủ yếu là mua sẵn, nguyên vật liệu, học liệu chưa đa dạng phong phú; trẻ hoạt động máy móc, rập khuôn, nhàm chán……Phụ huynh chưa quan tâm chưa nhận thức được tầm quan trọng của môi trường giáo dục đối với sự phát triển của trẻ.
a. Thuận lợi:
- Nhà trường đầu tư đầy đủ đồ dùng cơ sở vật chất phục vụ cho việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
- Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo sát xao việc đổi mới hình thức phương pháp giáo dục trẻ.
- Bản thân tôi là một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục trẻ.
- Đa số Phụ huynh rất nhiệt tình, quan tâm đến trẻ.
- Trẻ đồng đều lứa tuổi.
b. Khó khăn:
- Bản thân trong những năm qua chưa nhận thức đầy đủ về phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm”, còn lúng túng trong việc vận dụng chương trình giáo dục mầm non mới vào thực tế giảng dạy. Tổ chức các hoạt động còn độc lập, tách rời, mang nặng cung cấp kiến thức cho trẻ, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở trẻ, giáo viên chưa biết tạo môi trường để trẻ được học tập, tham quan khám phá ở mọi lúc mọi nơi.
- Phương pháp tổ chức các hoạt động trong chương trình còn dựa vào bài soạn mẫu chưa sáng tạo thực hiện, còn cứng nhắc.
- Đồ dùng, đồ chơi chưa thật sự phong phú về chủng loại, chưa có nhiều đồ chơi phát triển trí tuệ.
- Việc quan tâm chăm sóc con em của một bộ phận phụ huynh học sinh chưa đáp ứng với nhu cầu giáo dục ngày càng cao hiện nay. Nhu cầu về kinh tế, mưu sinh được quan tâm nhiều hơn nhu cầu học tập. Phụ huynh học sinh chưa nắm rõ quan điểm giáo dục hiện nay, thái độ hợp tác giáo dục trẻ chưa rõ ràng, chưa thống nhất với nhà trường. Giáo dục trẻ ở gia đình mang tính áp đặt và thiếu làm gương tốt cho trẻ noi theo.
Biện pháp 1: Bố trí sắp xếp các góc hoạt dộng trong và ngoài lớp phù hợp, tiện lợi, đa dạng, phong phú.
- Hoạt động các góc là một hình thức hoạt động đặc biệt trong đời sống của trẻ mầm non, đó là nơi trẻ thỏa mãn sở thích nhu cầu vui chơi, nhận thức và cảm nhận về thế giới xung quanh. Hoạt động góc giúp trẻ củng cố và rèn luyện kiến thức đã học, là nơi trải nghiệm và khám phá những cái mới và phát huy khả năng ság tạo của trẻ.Vì vậy, việc sắp xếp bố trí các góc chơi phù hợp, thuận tiện, dễ tìm, dễ nhìn, dễ lấy là rất quan trọng. Tôi đã bố trí các góc trong lớp phù hợp và thuận tiện cho cháu như sau. Góc yên tĩnh xa góc ồn ào, tạo ranh giới các góc.
Biện pháp 2: Trang trí theo hướng mở linh hoạt
- Trang trí mục đích là phối hợp giữa các mảng hình màu sắc, đường nét sao cho cân đối hài hòa, hợp lí trong một không gian nhất định. Đối với mầm non việc trang trí không chỉ đẹp, ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt,mang tính giáo dục mà còn phải phù hợp với chủ đề , với từng góc chơi, với nội dung chơi của trẻ, đáp ứng được nhu cầu khám phá sáng tạo, trí tò mò thích cái mới, cái lạ của trẻ.
Từ đó tôi đã trang trí các góc chơi ở lớp mình 1 cách sáng tạo theo hướng mở linh hoạt. Khi trẻ hoạt động ở góc chơi mở, từ 1 góc chơi trẻ có thể thay đổi nội dung chơi, chủ đề chơi, hình ảnh, biểu tượng chơi 1 cách linh hoạt và sáng tạo.
Biện pháp 3: Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu đa dạng hấp dẫn tận dụng phế liệu, vật liệu từ thiên nhiên và có sẵn ở địa phương.
- Trên thị trường có rất nhiều đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non, đa dạng về hình dáng màu sắc, phong phú về chủng loại. Nhưng không phải các đồ dùng đồ chơi mua sẵn ở ngoài thị trường đều đẹp, đều tốt, chúng không phong phú về chất liệu mà lại tốn kém về kinh phí. Để đáp ứng theo nhu cầu hoạt động của trẻ ngoài những đồ được nhà trường cấp phát, được Nhà nước hỗ trợ thì bản thân tôi đã chuẩn bị nhiều đồ dùng đồ chơi tận dụng phế liệu từ thiên nhiên và có sẵn ở địa phương để trẻ hoạt động 1 cách hứng thú và tích cực.
- Muốn cho trẻ hoạt động tích cực và hiệu quả thì ngày từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch cho hội thi làm đồ dùng đồ chơi và bản thân tôi lúc đó củng đã có kế hoạch cũng như phối kết hợp với các cô trong cụm để làm ra cho trẻ những bộ đồ dùng đồ chơi bắt mắt.
Kế hoạch cụ thể: Tôi rà soát lại những đồ chơi, đồ dùng sẵn có ở trong lớp, những đồ dùng nào nên mua những đồ dùng đồ chơi nào cần làm để phục vụ cho hoạt động giáo dục của trẻ.
- Tận dụng các nguyên vật liệu để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Ngoài những vật liệu phải mua để làm thì tôi tận dụng: bìa catstong, chai nhựa, hộp sữa,, hộp rau câu, vợt muỗi để làm đàn, can dầu, bịch sữa tắm, can nước giặt………Tận dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương như: vỏ ngao, vỏ hến, đá cuội, rơm khô, lá cây khô, chiếu…….tất cả những nguyên vật liệu cần được đảm bảo an toàn về tính mạng, không gây độc hại, không sắc nhọn, không nặng nề đối vơi trẻ. Từ những nguyên vật liệu trên tôi đã làm ra rất nhiều đồ chơi ở các góc cho trẻ.
Biện pháp 4: Tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng nguyên vật liệu, học liệu các góc chơi theo nhiều cách sáng tạo khác nhau.
- Đối với trẻ mầm non, đồ dùng đồ chơi là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Thông qua đồ dùng đồ chơi trẻ có thể tìm tòi, khám phá và được thao tác với các đồ vật. Những đồ chơi mua sẵn trẻ chơi 1 cách sáng tạo khác nhau qua đó giúp trẻ phát triển 1 cách toàn diện.
- Từ những học liệu, đồ dùng đồ chơi cô và trẻ chuẩn bị ở các góc, tôi gợi ý, hướng dẫn trẻ sử dụng, chơi sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau.
Biện pháp 5: Phối kết hợp với phụ huynh.
Xã hội hóa giáo dục mầm non là 1 bài học thành công trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tại trường và củng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
- Để phụ huynh giúp đỡ, hỗ trợ hợp tác 1 cách tích cực, tự giác và có hiệu quả thì bản thân cũng như các cô trong cụm đã tổ chức 1 buổi họp phụ huynh để thông qua những kế hoạch cũng như dự tính sắp tới và đặc biệt là tôi nhấn mạnh tầm quan trọng, mục đích,ý nghĩa, yêu cầu của công tác xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm và thực trạng môi trường của lớp và địa hình thực tế của cụm để phụ huynh đóng góp công sức ,vật chất và công sức cũng như kinh tế.
Kính thưa Ban tổ chức, ban giám khảo!
Tôi vừa trình bày xong bài thuyết trình: “Một số biện pháp lấy trẻ làm trung cho trẻ 5-6 tuổi”.
Cuối cùng xin kính chúc Ban tổ chức, ban giám khảo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .