Top 10 Cuốn sách hay nhất viết về Hà Nội

1029

Hà Nội - niềm tự hào của con người Việt Nam, là đề tài bất tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học tạo ra những sản phẩm để đời, tác...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn

Là hai thành phố lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn - mỗi nơi mang một vẻ, có những nét đặc sắc và câu chuyện riêng. Nhà báo Jean Lacouture từng gọi Hà Nội là thành phố “anh hùng và chung tình”, còn Sài Gòn là cô gái “kiều diễm và quyến rũ”. Dù là người quen hay còn xa lạ với hai thành phố này, qua tuyển tập Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn - bạn sẽ có dịp khám phá những dấu ấn tạo nên phong vị mỗi nơi.


Cả hai mảnh đất này không chỉ là huyết mạch, cội nguồn văn hóa của đất nước, mà còn là nơi dang tay đón nhận biết bao lớp người, nuôi dưỡng muôn vạn hoài bão, giấc mơ, bao dung hết thảy vui buồn rất đỗi con người. Phải chăng khi nhớ Hà Nội hay thương Sài Gòn, cũng là lúc người ta nhớ thương thời hoa niên, tuổi thanh xuân đã qua, những năm tháng thăng trầm chứa đựng vô vàn va đập cuộc đời? Tuyển tập "Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn" ra đời, như lời cảm tạ tới hai thành phố khiến chúng ta không ngừng nhớ thương”, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga -người sáng lập thương hiệu sách Wavebooks chia sẻ.


Tuyển tập sách ra mắt ngay trước dịp Tết Nhâm Dần 2022, quy tụ gần 50 cây bút, từ những tác giả kỳ cựu có tiếng như Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Hoàng Ánh, Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoài Hương, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo, Lưu Đình Long,… đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Vũ Thị Huyền Trang, Hoài Sa, Trang Ps, Gari Nguyễn, Lê Ngọc, Liêu Hà Trinh, Khúc Cẩm Huyên, Nguyễn Anh Vũ… Và cây bút trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi (Lê Nguyễn Minh Khuê, sinh năm 2008).


Tập tản văn Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn gồm hai phần chính, viết về những nỗi nhớ Hà Nội, niềm thương Sài Gòn, lưu lại những câu chuyện rung cảm với hai thành phố. Đó là một Hà Nội nghìn năm văn hiến, luôn cố gắng gìn giữ những điều son sắt, nhưng vẫn không từ chối thu nạp cách sống mới, thời đại mới. Đó là một Sài Gòn hiện đại, cởi mở, dẫu có qua bao nốt lặng vẫn luôn lấy thương đổi thương.


Bạn đọc sẽ tìm thấy một Hà Nội xa xưa trong Viết về Hà Nội của nhà văn Uông Triều, điểm lại những đầu sách viết về Hà Nội của các bậc tiền bối như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng… Bài viết lần lượt điểm qua một loạt tác phẩm vang bóng để đi đến những nét đẹp văn hóa của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Alltop mong rằng cuốn sách "Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn" sẽ gợi lại cho bạn những dư vị bồi hồi, thêm thấu hiểu và thương yêu hai thành phố đã bao dung triệu triệu con người.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/nho-ha-noi-thuong-sai-gon-p159259322.html

Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn ảnh 1
Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn
Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn ảnh 2
Nhớ Hà Nội, Thương Sài Gòn
Top 1
(có 0 lượt vote)

Hà Nội 36 Phố Phường - Thạch Lam

Hà Nội 36 phố phường là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thach Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời do nhà xuất bản Văn học phát hành. Thạch Lam (1910-1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân sinh tại Hà Nội nhưng thời thơ ấu sống ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.


“Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì không thể quên được tình yêu dành cho Hà Nội- một tình yêu không  dễ gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội 36 phố phường”  chính là tác phẩm giúp ta hiểu hơn về  Hà Nội như thế, hiểu thêm những nét đẹp của Hà Nội yêu dấu. Cuốn sách là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thach Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời do nhà xuất bản Văn học phát hành. Thạch Lam (1910-1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân sinh tại Hà Nội nhưng thời thơ ấu sống ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.


Hà Nội 36 phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt đi sâu về những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Trên mỗi trang viết giản dị, mộc mạc là hình ảnh một Hà Nội xưa quyến rũ  lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là những hình ảnh  mái nhà cổ kính bên những con đường quanh co… giữa không gian êm ả, thanh bình. Đọc xong cuốn sách độc giả sẽ cảm nhận được toàn bộ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa.


Cuốn sách tập hợp hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa với những cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng giữa các số phận éo le đó lại ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nôi, nép mình dưới những khu phố khác nhau với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả.


Với “Hà Nội 36 phố phường” tác giả cũng bày tỏ lòng thương cảm tới những người bán rong- những thân phận bé nhỏ lam lũ kiếm sống trong đêm. Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, thanh tao.


Hà Nội 36 phố phường” đã thể hiện tấm lòng của Thạch Lam đối với văn hóa và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên trong tay có cuốn sách này để tự mình thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ha-noi-36-pho-phuong-p605250.html

Hà Nội 36 Phố Phường - Thạch Lam ảnh 1
Hà Nội 36 Phố Phường - Thạch Lam
Hà Nội 36 Phố Phường - Thạch Lam ảnh 2
Hà Nội 36 Phố Phường - Thạch Lam
Top 2
(có 0 lượt vote)

Miếng Ngon Hà Nội - Vũ Bằng

Vũ Bằng là nhà văn cách mạng, người Hà Nội gốc, nên ông rất sành các món ăn Hà Nội. Mỗi khi nghĩ về ông lại nhớ đến món ăn Hà Nội, hoặc khi thưởng thức món ăn Hà Nội ta lại nhớ đến ông. Hai mươi năm cuối đời ông sống và viết ở Sài Gòn, nhưng lại viết toàn chuyện Hà Nội. Có lẽ do những năm tháng tha hương ấy, nỗi nhớ quê da diết đã đưa ngòi bút của ông đến với từng hương vị của kỷ niệm Hà Nội, của đất Bắc Kỳ trong tác phẩm nổi tiếng Miếng Ngon Hà Nội.


Vũ Bằng viết về Miếng ngon Hà Nội là viết về chính đời mình: “Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn... Những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn...”. Mỗi món ăn là một thiên bút ký, 15 món trong sách “Miếng ngon Hà Nội” được nhà văn mô tả chăm chút, kỹ lưỡng, đều là các món “quốc hồn, quốc túy” mà bao thế hệ người Hà Nội đều mê, đều thèm: đầu bảng là phở bò, rồi phở gà, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoái, bánh Xuân Cầu, cốm Vòng, rươi, ngô rang, khoai lùi, gỏi, quà bún, chả cá, thịt cầy, tiết canh cháo lòng, hẩu lốn! Tất cả đã làm nên diện mạo ẩm thực Hà Nội, làm nên hương vị cuộc sống truyền đời.


"Ăn cho khoái khẩu, cho đã cơn thèm, cũng gọi là đã biết ăn rồi. Ăn mà nhấm nháp rồi mô tả tỉ mỉ cách làm, cách ăn, cảnh để ăn, mùa để ăn, và cao hơn, ăn để yêu, ăn để thương để nhớ... đó đích thực mới là Tiên Ẩm!",... Đọc “Miếng ngon Hà Nội” từng câu, từng đoạn chậm rãi nhâm nhi như được thưởng thức những bữa cỗ Hà Nội đích thực dưới bàn tay đạo diễn của Cội nguồn văn hóa cha ông... “Miếng ngon Hà Nội” cũng như Hồ Gươm, Tháp Rùa, như phố cổ Hà Nội... ai đi đâu cũng nhớ, tiết trở lại thèm, thế đấy...!


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/mieng-ngon-ha-noi-viet-nam-danh-tac-p77225336.html?

Miếng Ngon Hà Nội - Vũ Bằng ảnh 1
Miếng Ngon Hà Nội - Vũ Bằng
Miếng Ngon Hà Nội - Vũ Bằng ảnh 2
Miếng Ngon Hà Nội - Vũ Bằng
Top 3
(có 0 lượt vote)

Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn - Hồng Phúc

Người Sài Gòn dễ thương, người Hà Nội nghĩa tình. Người Sài Gòn náo nhiệt, người Hà Nội suy tư. Khác nhau đấy nhưng nếu có lòng thì vẫn thương vẫn nhớ… Cũng như bao con người khác, nhà báo Hồng Phúc đã rời quê hương Hà Nội để “vào Nam lập nghiệp” và đem lòng thương mảnh đất Sài Gòn. Với “Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn” chị đã phác nên bức tranh về hai thành phố khác nhau với những nét tính cách và những câu chuyện riêng biệt bằng một tình yêu cuộc sống và con người tha thiết.


"Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn" là một tựa đề cảm xúc, và toàn bộ cuốn sách là những cảm nhận tinh tế của một nữ nhà báo có cái nhìn sâu sắc, nhân văn và nhiều trăn trở về cuộc sống, giá trị, văn hóa, xã hội và kinh tế ở Hà Nội và Sài Gòn. Những kỷ niệm và suy tư về hai thành phố này được chắt lọc từ cái nhìn vừa khách quan vừa cởi mở, tạo thành một bức khảm sinh động về hình ảnh hai thành phố này.

Nếu đất Sài Gòn là điểm đến đầy hứa hẹn của những hoài bão thì Hà Nội là “chốn về” của những tâm hồn xa quê. Kinh thành bốn ngàn năm trầm mặc như một người trưởng thành nhiều suy nghĩ. Nhớ về thủ đô, Hồng Phúc nhớ nhiều về mùa thu sương trắng bên cạnh đường Thanh Niên nơi chị lớn lên. “Trong văn hoá Việt Nam, trà mạn ướp sen pha với sương mai trên lá sen của Hồ Tây đã thành thứ tuyệt đỉnh của văn hoá ẩm thuỷ.” Trong ký ức tuổi thơ, Hà Nội của Hồng Phúc là những mùa thu ngạt ngào hoa sữa và mù sương Tây Hồ. Đó là những đặc sản không nơi nào khác có mà người Hà Nội xa quê cứ đau đáu nhớ về mỗi khi đài báo trời se lạnh.


Cuốn sách vừa là cảm nhận cá nhân, nhưng lại là nhận thức xã hội. Đánh giá của tác giả rất xác đáng và là cảm nhận chung cho rất nhiều “tâm hồn đô thị” khác, rất nhiều người Sài Gòn, người Hà Nội, người đến Sài Gòn, người đến Hà Nội... Với những người nghiên cứu đô thị hoặc viết về đô thị, quả thực đây là một cuốn sách bạn nên đọc và phải có.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/yeu-ha-noi-thich-sai-gon-tai-ban-2019-p13853125.html

Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn ảnh 1
Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn
Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn ảnh 2
Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn
Top 4
(có 0 lượt vote)

Phố - Chu Lai

Chu Lai là nhà văn viết nhiều về chiến tranh. Bản thân ông là người lính, cầm bút trong màu áo lính. Trong số các cuốn sách của tác giả, "Phố" viết về cuộc sống của những người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chưa lâu, đối diện trước cơm, áo, gạo tiền và đổi thay chóng mặt của cơ chế, đó là sự giằng co giữa tình yêu, tình đồng đội của những con người gắn liền với con phố Nhà Binh.


Chiến tranh Việt Nam được tái hiện sống động qua những tiểu thuyết và bộ phim điện ảnh sặc mùi thuốc súng, đạn bom, máu và nước mắt. Đến với nhà văn Chu Lai, chúng ta sẽ được chứng kiến những lát cắt hiện thực về chiến tranh, đó không phải là những cuộc chiến đẫm máu mà là đời sống của những anh lính áo xanh, đang gồng mình để quen với cuộc sống thời hậu chiến. Phố của Chu Lai giúp bạn có một góc nhìn bi kịch nhưng lãng mạn về tình yêu, cuộc sống của những con người Hà Nội giai đoạn đầu đổi mới. 


"Phố" viết về cuộc sống của những người lính trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Họ trở về quê nhà sau khi tham gia vào những trận chiến ác liệt nơi chiến trường xưa. Không phải chiến đấu không có nghĩa là cuộc sống dễ dàng với những người lính đã quen với môi trường quân ngũ. Vì kinh tế đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, những người lính này phải làm quen với việc kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống.


Nhà văn kiên nhẫn đi hết từng ngóc ngách trong con phố nhà binh. Sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, cái cũ và cái mới, bao cấp sang chủ nghĩa xã hội đã khiến cuộc sống của người dân có nhiều biến chuyển. Dẫu vậy, trong thời nào, người lính năm xưa vẫn giữ nguyên chất lính đáng quý. Tác phẩm ban đầu có tên Phố Nhà Binh rồi lại chuyển thành Phố. Có phải mục đích của tác giả là trải rộng ra thêm cuộc sống của cả xã hội bấy giờ? Sau chiến tranh, những người lính đã quen với đạn bom khói lửa sẽ làm gì để mưu sinh? Khi bị dồn đến tận cùng tuyệt vọng, họ vẫn sẽ chống trả quyết liệt hay bỏ mặc cho số phận đưa đẩy?


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/van-hoc-viet-nam-tieu-thuyet-pho-chu-lai-p77578506.html?

Phố - Chu Lai ảnh 1
Phố - Chu Lai
Phố - Chu Lai ảnh 2
Phố - Chu Lai
Top 5
(có 0 lượt vote)

Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội - Đỗ Phấn

Cuốn sách "Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội" là những vụn vặt phố phường Hà Nội được thể hiện qua những tạp văn ngắn nhiều ngẫm ngợi với một giọng văn khi hồ hởi, lúc chua chát, hài hước để lại trong lòng người đọc nhiều suy tư về quá khứ và hiện tại. Những câu chuyện có liên tưởng về những thời kì khác nhau của một thành phố có nhiều biến động về cơ cấu dân số, về tác phong sinh hoạt, về truyền thống và hiện tại đan xen làm nên một cái nhìn khái quát về một Hà Nội mà ta đang sống.


Người đọc không khó để nhận ra một chút nuối tiếc về một Hà Nội thời quá vãng với những hàng cây, những con đường, những mái nhà êm ả nay đã không còn nữa. Thay vào đó là một xô bồ áo cơm, một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất nhưng lại nghèo nàn đi khá nhiều về tâm hồn. Dễ dàng tìm thấy trong cuốn sách những sinh hoạt, món ăn và vật dụng của Hà Nội một thời thanh lịch chưa xa.


“Những gì nhà văn Đỗ Phấn ghi nhớ được là rất quý giá, đó là bảo tàng về ngôn ngữ một cách rất nghệ thuật. Không chỉ kể về cây này vì sao như thế, tác giả còn nói về vẻ đẹp, màu sắc của nó; âm thanh của Hà Nội ra sao, từng thời thế nào… với tình yêu và nỗi buồn khi thấy Hà Nội không còn như trước. Nhà văn nặng lòng không phải với những cái cũ kỹ mà là những giá trị từ lâu đã làm nên những điều để người ta nhớ tới Hà Nội”, bà Lê Thị Hoàng Anh – Trưởng Chi nhánh Hà Nội NXB Trẻ chia sẻ.


Nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn dành trọn vẹn tâm tư tình cảm của mình cho Hà Nội, những đoạn văn không dài, những câu chuyện nhỏ trong tản văn Đỗ Phấn đã dẫn dắt ta dạo chơi vào miên man cảnh sắc, gặp gỡ con người trên mảnh đất này, mang tới cho người đọc một hình dung tương đối đầy đủ về một Hà Nội thời chưa xa với những hầm hố phố phường, vòi nước công cộng, tàu hỏa hơi nước, Tết xưa Tết nay... vừa quen vừa lạ.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ngoi-le-doi-mach-voi-ha-noi-p428910.html

Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội - Đỗ Phấn ảnh 1
Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội - Đỗ Phấn
Nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn trong một buổi giao lưu ảnh 2
Nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn trong một buổi giao lưu
Top 6
(có 0 lượt vote)

Hà Nội Dấu Xưa, Phố Cũ - Uông Triều

Nhà văn Uông Triều với Hà Nội dấu xưa, phố cũ. Cuốn sách là tập hợp các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội bằng sự trải nghiệm, chiêm nghiệm đầy lý thú, nó được xem là phần 2 của cuốn Hà Nội quán xá, phố phường. Mặc dù được biết đến là phần 2 của Hà Nội quán xá, phố phường, nhưng với tác giả Uông Triều, Hà Nội dấu xưa, phố cũ là một tác phẩm mang nhiều nét riêng đặc biệt.


“Ở cuốn trước, tôi khảo sát phố, hàng quán, món ăn Hà Nội. Ẩm thực chiếm một vị trí khá quan trọng. Còn ở cuốn này tôi mở rộng hơn, đa dạng hơn về các đặc trưng Hà Nội” - Uông Triều chia sẻ - “Cứ bảo Hà Nội có những đặc điểm riêng nhưng tôi nghĩ cần gọi chúng ra cụ thể. Ví dụ con phố nào có âm thanh đặc biệt nhất, con phố nào đi cách xa đã ngửi thấy mùi vị, phố nào sặc sỡ nhất. Hà Nội nhìn từ trên cao ra sao, mái ngói của Hà Nội có màu gì, nếu cơn mưa ập đến trong thành phố thì mọi người trú ở đâu. Hà Nội lúc 0h có gì đặc biệt…Tôi cũng đi xa hơn như lên thành cổ Sơn Tây, vào chùa Đậu, thăm đình Mông Phụ… Tôi viết nhiều về đền chùa trong phố cổ”.


Nhiều bạn đọc bảo rằng cuốn Hà Nội dấu xưa, phố cũ “nặng ký” hơn cuốn trước, còn khi đặt cạnh nhau, “bộ đôi” tác phẩm về Hà Nội này sẽ tạo ra một tổng thể chung và hấp dẫn hơn. Phong cách viết của Uông Triều đã có thêm sự sâu lắng và trưởng thành. Anh đi sâu vào cảnh quan và tâm thức Hà Nội, viết trong sự liên kết và hồi tưởng. Tác phẩm như một cuốn “dư địa chí” về Hà Nội vừa lạ vừa quen. Và để tạo nên cái lạ, sâu thêm cái quen, Uông Triều đã dành thời gian tìm kiếm, rong ruổi khắp nẻo Hà thành.


Viết về phố xá Hà Nội thì mất khá nhiều công sức và kiên nhẫn. Việc điều tra tư liệu qua sách vở thì không quá khó vì nguồn tư liệu cũng nhiều. Khó khăn nhất là đi thực tế, khảo sát. Anh đã phải đi bộ rất nhiều trong các con phố của Hà Nội để thâm nhập thực địa, ghi chép, so sánh, đối chiếu. Không chỉ viết và hoài niệm, Uông Triều đặt Hà Nội dưới cái nhìn “gai góc” của hiện thực.Trải qua bao biến cố thăng trầm, Hà Nội dần “thay da đổi thịt”, lặng lẽ lưu lại những vết trầm tích và hướng về một thời đại mới.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ha-noi-dau-xua-pho-cu-p56377197.html

Hà Nội Dấu Xưa, Phố Cũ - Uông Triều ảnh 1
Hà Nội Dấu Xưa, Phố Cũ - Uông Triều
Nhà văn nhìn Hà Nội với con mắt của 'kẻ si tình' - Hà Nội dấu xưa, phố cũ ảnh 2
Nhà văn nhìn Hà Nội với con mắt của 'kẻ si tình' - Hà Nội dấu xưa, phố cũ
Top 7
(có 0 lượt vote)

Hà Nội Bảo Thế Là Thường - Trương Quý

Sách "Hà Nội bảo thế là thường" của Trương Quý ghi chép những câu chuyện bên quán nước, bàn nhậu, trong bữa cơm của người thủ đô.


Nguyễn Trương Quý sinh sống tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành kiến trúc sư. Hiện anh viết văn, vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông. Anh được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019. Nguyễn Trương Quý từ lâu đã xác lập mình là nhà văn của Hà Nội, người say mê ghi lại những trầm tích quá vãng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Những ghi chép nhỏ nhặt như thể đang rảo bước chân vào từng ngõ ngách, nhưng gộp lại thành một bức tranh Hà Nội rộng lớn cả về không gian lẫn thời gian.


Tản văn "Hà Nội bảo thế là thường" gồm bốn phần, nói về bốn khía cạnh văn hóa: Ngõ sâu quán nhỏ (nếp sinh hoạt ăn uống), Quần manh áo mỏng (chuyện trang phục), Nhất tâm nhị tình (nét gia phong bao đời), Nhựa đường và gạch ngói (tâm tư người phố thị). Ở mỗi khía cạnh, tác giả ghi lại những quan sát rất nhỏ ít ai để ý vì nó hiện hữu như lẽ thường tình và nhắc nhớ về nhiều điều cũ xưa.


"Hà Nội bảo thế là thường" nghĩa là không có gì nổi bật, chẳng có gì đáng bàn tới. Nhưng độc giả sẽ thấy những sự "thường" ấy nghiễm nhiên trở thành một nét riêng của Hà Nội. Anh viết về chuyện đàn ông xứ này thích ngồi chè chén vỉa hè: "Ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng. Những địa điểm này tập trung tinh thần những giai thoại 'người Bắc có lý luận', khi những người uống bia hơi và nhấp chén trà không say cồn mà say giành phần thắng trong tranh cãi". Lối ăn mặc được Nguyễn Trương Quý quan sát và nhận ra những quy luật bất thành văn như mặc quần âu để nói "Tôi là người sẵn sàng làm việc", hay chuyện chiếc mũ, bộ complet từng là dấu hiệu nhận diện địa vị của một người.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ha-noi-bao-the-la-thuong-p67477611.html

Hà Nội Bảo Thế Là Thường - Trương Quý ảnh 1
Hà Nội Bảo Thế Là Thường - Trương Quý
Hà Nội Bảo Thế Là Thường - Trương Quý ảnh 2
Hà Nội Bảo Thế Là Thường - Trương Quý
Top 8
(có 0 lượt vote)

Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người - Đỗ Phấn

Tiếp nối với "Ngồi Lê Đôi Mách Với Hà Nội" phía trên, tuyển tập tản văn mới nhất của Đỗ Phấn luôn là đề tài miên viễn Hà Nội. Tản văn "Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người" của Đỗ Phấn là một cuộc khảo cứu ký ức của chính mình. Chân xác, tỉ mỉ nhưng không vì thế mà nặng gánh theo một cứu cánh.


Lấy cái giọng kể vừa phải chậm rãi đặc trưng làm nhịp, tác bình thản gửi gắm chút nhớ thương cho ngày cũ. Ký ức ở đây luôn hòa lẫn với những ám ảnh, suy tư thường ngày chất đầy Hà Nội. Như chút bụi phố còn vương trên vai áo người, đó là một thứ ký ức nhẹ tênh giữa những nặng nề tiện nghi của đổi thay, một thứ ký ức lịch lãm của-hiện-tại và cho-hiện-tại. Không vui. Cũng chẳng buồn. Chỉ miên man là nhớ.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ha-noi-chut-bui-tren-vai-nguoi-p68392329.html

Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người - Đỗ Phấn ảnh 1
Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người - Đỗ Phấn
Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người - Đỗ Phấn ảnh 2
Hà Nội- Chút Bụi Trên Vai Người - Đỗ Phấn
Top 9
(có 0 lượt vote)

Chuyện Người Hà Nội - nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức

Với văn phong giản dị, gần gũi, bộ sách “Chuyện người Hà Nội” đã làm “sống dậy” những hồi ức đẹp đẽ về một Hà Nội xưa cũ, cổ kính và đầy hoài niệm.


Sau thành công của “Chuyện người Hà Nội” tập 1, nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức, đã tiếp tục cho ra mắt “Chuyện người Hà Nội” tập 2 với mong muốn đi sâu hơn vào ngõ ngách văn hóa, đời sống sinh hoạt của mảnh đất Kinh kỳ. Từng trang sách như quay ngược thời gian, giúp độc giả có thể cảm nhận chân thực, sâu sắc về bức tranh Hà Nội xưa cũ, dung dị và rất đỗi quen thuộc.


“Chuyện người Hà Nội” có thể viết về người Hà Nội, cũng có thể là chuyện của các tác giả - những người Hà Nội viết về chính họ, về Hà Nội dấu yêu. Đó là những mảnh kí ức mang tên gánh hàng rong với thức quà vặt tuổi thơ; những tà áo dài thướt tha; những con phố cũ đầy hoài niệm; hay kí ức về những người ông, người cha, người thầy đáng kính; và những người bà, người mẹ, người chị tần tảo, suốt đời hi sinh cho gia đình.


Nhắc đến Hà Nội xưa là không thể bỏ qua những “đặc sản” một thời như: rạp chiếu bóng Hòa Bình; bãi chiếu bóng Khương Thượng; các khu nhà tập thể chật hẹp xây theo kiểu lắp ghép, đầy “chuồng cọp”... Với nhiều người Hà Nội, đó chắc chắn là những hồi ức không thể quên của một thời khốn khó nhưng đáng nhớ và đầy ắp kỉ niệm. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với những dâu bể thăng trầm, người Hà Nội vẫn duy trì được phẩm chất hào hoa, phong nhã cùng ý chí mạnh mẽ, phi thường, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Nét đẹp ấy là sự kết tinh tinh hoa của gia giáo nhiều đời và được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội.


Bên cạnh các bài tản văn, “Chuyện người Hà Nội” còn có rất nhiều bài viết cung cấp thông tin, mang tính chất khảo cứu cho những người yêu quý Hà Nội và muốn tìm hiểu kỹ về mảnh đất này. Nguồn gốc, thân thế chiếc xe tay - một phương tiện giao thông của Hà Nội xưa; địa danh lịch sử Bác cổ với kiến trúc đặc sắc và độc đáo; một cây cầu Thăng Long với vô vàn “cái nhất”; diện mạo văn học Hà Nội từ năm 1947-1954... Tất cả đều được gói gọn trong 2 tập sách nhỏ xinh “Chuyện người Hà Nội”.


Link tham khảo mua sản phẩm: https://tiki.vn/ha-noi-chut-bui-tren-vai-nguoi-p68392329.html

Chuyện Người Hà Nội ảnh 1
Chuyện Người Hà Nội
Nhóm Hà Nội Tri Thức trong buổi giao lưu, gặp gỡ các tác giả ảnh 2
Nhóm Hà Nội Tri Thức trong buổi giao lưu, gặp gỡ các tác giả
Hà Nội, thủ đô mang dáng vẻ vừa cổ kính vừa hiện đại, với nét văn hóa hàng quán vỉa hè cùng những con ngõ thông nhau chằng chị đã in đậm dấu ấn đối với khách thập phương. Hà Nội đẹp bởi sự bình yên và cũng chính bởi những câu chuyện và con người nơi đất thủ đô. Alltop hi vọng sẽ làm bạn thêm yêu Hà Nội qua những cuốn sách thú vị và bổ ích trên nhé!

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .