Top 12 Món ăn cổ truyền đặc sắc nhất trong mâm cỗ miền Bắc ngày Tết
Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, là khoảng thời gian mà mỗi đứa con xa quê đều ngóng trông. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi thì truyền thống...xem thêm ...
Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ miền Bắc. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống "uống nước nhớ nguồn". là món ăn đặc trưng của dân tộc trong những ngày đầu năm mới. Chắc hẳn hai từ bánh chưng đã rất quen thuộc với mọi người Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Vì thế nên trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt không thể thiếu được cặp bánh chưng xanh.
Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết và là một loại bánh có lịch sử rất lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông văn bằng lá dong sau đó được đem luộc trong khảng 8 - 10giờ cho đến khi chín. Bánh dẻo, rất thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong.
Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ở miền Bắc từ khoảng giữa tháng Chạp nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất. Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa hồng. Bên nồi bánh chưng ấm áp các thế hệ trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác.
Gà luộc
Không biết từ bao giờ và xuất phát từ đâu nhưng trong mọi dịp quan trọng hoặc những ngày lễ đặc biệt như: mâm cỗ từ đám cưới, đám hỏi, mừng thọ, tân gia,... Những miếng gà luộc luôn là một trong những thành phần không thể vắng mặt trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc. Miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt tuy rất đơn giản nhưng lại cực kỳ thơm ngon.
Gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang. Vì thế, khởi đầu một năm mới với món gà luộc vàng óng để gia đình bạn có được khởi đầu may mắn và cầu gì được nấy. Do đó, không biết từ khi nào, gà luộc được chọn làm món ăn khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn.
Không chỉ ngày Tết cổ truyền, mà gà luộc còn là món chính trong các mâm cỗ quanh năm, bữa tiệc, ngày cưới hỏi, giỗ chạp. Có thể thấy gà luộc vàng ươm, thêm chút lá chanh xanh xắt nhỏ là món ăn tuyệt đối không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.
Các loại giò
Theo dân gian thì miếng giò chả tượng trưng cho sự sang trọng nhưng đôi khi lại dân dã và bình dị. Sự xuất hiện của giò chả trong mâm cơm ngày Tết là cầu mong cho phúc lộc đầy nhà, trong ấm ngoài êm suốt năm. Ngoài ra, nó là món ăn thể hiện lòng thành kính của con cháu khi dâng lên tổ tiên vào mỗi dịp xuân về.
Ngày xưa, món giò lụa được ưa chuộng nhất trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Nhưng hiện nay, xã hội ngày càng hiện đại nên có rất nhiều các loại giò chả được ra đời như: giò bò, giò hoa ngũ sắc, giò bì, giò gà, chả quế, giò xào, giò me,... khiến mâm cỗ Tết thêm đủ đầy, trọn vẹn, bắt mắt hơn.
Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành từng miếng gọn gàng, sắp xếp đẹp mắt và dễ gắp. Món ngon ngày Tết miền Bắc này chính là một nét ẩm thực đặc trưng trong mâm cơm đoàn viên.
Dưa hành
Càng tìm hiểu thì ta càng mới thấy mâm cơm ngày Tết đã được ông cha ta nghiên cứu, kết hợp hài hòa đến mức độ nào. Một mâm cơn ngày Tết không chỉ dừng ở việc bày biện các món ăn sao cho đẹp mắt mà còn bản thân hương vị của chúng cũng phải hòa hợp lại với nhau sao cho không món nào khắc món ăn nào. Đó chính là lý do. cùng với rất nhiều những món ăn như thịt, cá,... dưa hành lại chiếm giữ một vị trí rất đặc biệt và là món ăn đặc trưng của mâm cơm người miền Bắc.
Dưa hành thường được sử dụng như một món gia vị ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều dầu mỡ để cho đỡ ngán. Dưa hành chỉ chiếm một phần nhỏ trong mâm cơm nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng hơn trong suốt những bữa ăn. Vị cay cay, chua chua dịu nhẹ giúp dễ tiêu hóa, giảm bớt độ ngấy và mang lại cảm giác ngon miệng. Nếu đã chán những món thịt hay những món chiên rán trong suốt những ngày Tết thì chỉ cần có một đĩa hành ngâm kèm thêm chút mắm để chấm là ta vẫn có một bữa cơm vô cùng ngon miệng.
Thịt đông
Thịt đông có lẽ là món ăn khác biệt và thể hiện đặc trưng của miền Bắc rõ ràng nhất. Bởi chính nhờ khí hậu lạnh giá vào mùa Đông - Xuân mà chỉ có ở khu vực này mới tạo ra được món thịt đông ngon và chất lượng nhất. Món ăn được làm từ tai heo, thịt chân giò, bì heo, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu và xíu gia vị. Tất cả các nguyên liệu đều được ninh nhừ, tạo nên sự hoà quyện, tinh tuý từ những hương vị đặc trưng sánh lại với nhau. Khi thịt đông trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn và đưa cơm.
Bởi vậy, món thịt đông trong mâm cỗ như lời cầu chúc cho sự gắn kết yêu thương của các thành viên trong gia đình. Không những vậy, màu sắc trong trẻo của món ăn còn mang ý nghĩa hy vọng một năm mới may mắn, thuận lợi sẽ đến với cả gia đình.
Nem rán
Trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc, món nem rán là một món ăn vô cùng đặc trưng và là một phần không thể thiếu. Nem truyền thống của miền Bắc có phần nhân gồm các nguyên liệu chính như thịt, mộc nhĩ, cà rốt, nấm hương, giá đỗ, trứng gà,... Ngoài ra, thùy theo sở thích của từng nhà thì ta có thể cho thêm thịt tôm hoặc các loại hải sản khác. Những chiếc nem trong mâm cơm Tết đều không chỉ ngon về hương vị mà còn phải đẹp về hình thức. Những cuốn nem ngon và đạt chuẩn phải có vỏ ngoài được chiên vàng óng, nhân bên trong vẫn giữ được độ ẩm, thơm và mềm.
Góp phần bắt miệng cho món nem rán thì ta không thể không nhắc đến những bát nước chấm chua ngọt. Nước chấm ngon không chỉ nâng tầm hương vị mà còn khiến món nem ăn không bị ngán. Chính vì thế nước chấm nem rán phải pha thật khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường, vị chua của chanh (hay giấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.
Xôi gấc
Trong mâm cỗ ngày Tết, mỗi món ăn sẽ mang một ý nghĩa, một ước mơ và khát khao riêng của con người. Trong đó, mâm cỗ tuyệt đối không thể thiếu đi đĩa xôi nếp dẻo nóng, ngọt bùi. Xôi nếp là một món ăn rất phổ biến trong đời sống của những dân tộc có chung nền văn hóa lúa nước. Với những nguyên liệu chính, đơn giản là những nông sản như gạo, đỗ, lạc… Và được mang đi đồ hoặc hấp chín, trong ngày Tết món xôi gấc được được biệt ưa chuộng hơn.
Xôi gấc chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất bổ dưỡng, tốt cho người thị lực kém, phòng chống ung thư, tốt cho tim mạch, nâng cao sức đề kháng,…. Màu đỏ tươi của xôi gấc cũng tượng trưng cho tài lộc, sự may mắn nên rất được người miền Bắc ưa chuộng và dùng để thiết đãi bạn bè, người thân dịp Tết.
Là món ngon trong dịp Tết nên xôi gấc thường được chuẩn bị rất công phu. Từ việc lựa gấc làm sao cho đỏ, thơm và ngon nhất đến việc đồ xôi, đơm xôi và đặt lên ban thờ như thế nào? Tất cả đều được các bà, các mẹ làm kỹ lưỡng và cầu kỳ.
Canh măng
Món ngon ngày Tết miền Bắc mà quên nhắc tới canh măng thì quả thật là điều vô cùng thiếu sót. Măng khô sẽ được ngâm nước qua đêm, sau đó luộc qua nhiều nước rồi nấu chung với móng giò hoặc cổ, cánh, chân gà… Vị ngậy, béo hòa quyện với vị ngọt bùi của măng tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ.
Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Thiếu đi món ăn này, mâm cơm không còn mang nét đặc trưng của ngày Tết nữa.
Canh bóng thả
Trong mâm cỗ Tết, canh bóng luôn ở vị trí khiêm nhường, không hào nhoáng như đĩa gà luộc và bát canh măng, song là món ăn không thể thiếu.
Canh bóng thả là một món ăn đặc sắc của ngày Tết, một trong bốn bát tượng trưng cho "tứ trụ" không thể thiếu trên mâm cỗ: bóng, vây, măng, miến. Gọi là "canh bóng thả" vì nguyên liệu chính của món ăn là từ da lợn, nhìn vào trông giống như những chiếc bóng thả trên mặt bát canh. Canh bóng thả không chỉ gói trọn mùa xuân, còn là biểu trưng cho sự thanh tao của ẩm thực cổ truyền miền Bắc.
Nếu ngày Tết người miền Nam ăn canh khổ qua với ước mong mọi điều khó khăn trong năm tới có thể bay biến hết thì người miền Bắc lại chọn canh bóng thả. Có lẽ cha ông ta đã nhận ra rằng canh bóng thả với nguyên liệu phong phú và muôn vàn vị ngọt hòa quyện là phù hợp hơn hết thảy để gửi gắm nguyện ước một năm vạn sự ấm êm, tưng bừng khởi sắc.
Canh miến nấu măng
Trong các món ngon ngày Tết miền Bắc, canh miến nấu măng hấp dẫn đến lạ kỳ. Trong số các món canh truyền thống của đất Bắc, bạn không thể bỏ qua bát canh miến nấu với măng khô, bộ lòng gà hoặc sườn non. Vị béo ngậy của sườn, gà hòa quyện cùng hương thơm bùi của măng tạo nên sức hút kỳ lạ cho món canh miến.
Người miền Bắc cũng giống miền Trung thích ăn canh chan với cơm. Do vậy, bạn nên chuẩn bị một bát canh miến thơm ngon, bổ dưỡng tăng tạo màu sắc cho mâm cơm ngày Tết thêm phần sung túc và ấm cúng.
Chè kho
Chè kho là món ăn vô cùng giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu. Chỉ cần có đậu xanh, vừng trắng và đường cát là đã có thể nấu thành nồi chè thơm nức mũi. Món chè này mang một hương vị đặc biệt đó là mùi thơm của đỗ xanh, quyện với mùi thoang thoảng của nước bưởi ăn rất mát và mềm mịn.
Mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết thì chủ nhà lại cắt từng miếng chè kho và pha ấm trà sen để mời khách dùng. Hương vị của món ăn đọng lại trong tâm trí nhiều người bởi vị mát, mềm dẻo lại mịn màng, thơm ngon và thoảng hương thơm của hoa bưởi. Thưởng thức món chè này, bạn sẽ thấy được cả tinh túy của trời đất giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ mến khách.
Các món nộm miền Bắc
Ngoài các món ăn nhiều thịt mỡ, các món nộm chua ngọt đậm vị cũng rất được yêu thích ở ngày Tết miền Bắc. Vừa giúp giải ngấy, vừa giúp cân bằng dinh dưỡng cho ngày Tết. Với nguyên liệu và cách làm đơn giản, nộm đu đủ, nộm su hào, nộm gà hoa chuối, gỏi vịt... luôn 'đắt khách' bởi dễ tiêu hóa và thanh mát.
Trong những ngày tết, chúng ta thường ăn quá nhiều món ăn gây ngán. Chính vì vậy, việc bổ sung thêm các món ăn thanh mát giúp cân bằng lại vị giác là điều rất cần thiết. Việc ăn quá nhiều những món ngon trong những ngày Tết rất dễ gây ra cảm giác ngán, chính vì thế mà những món nộm rau củ, hải sản sẽ chống ngán rất hiệu quả.
Hãy đăng nhập để bình luận
Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .