Top 10 Món ăn cổ truyền đặc sắc nhất trong mâm cỗ miền Trung ngày Tết

103

Tết Nguyên đán hay còn được biết đến là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam luôn có những món ăn đặc sắc, được chế biến cầu kì. Vậy tại miền Trung, những...xem thêm ...

Top 0
(có 0 lượt vote)

Bánh tét

Bánh tét là một loại bánh trong ẩm thực của cả người Việt và một số dân tộc ít người ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Đây là món ăn đặc sắc, được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam với vị trí không kém gì bánh chưng.


Bánh tét có hình trụ dài nên còn được gọi là đòn bánh, hai đòn thường có một quai bánh chung bằng gân lá chuối tạo thành một cặp. Người ta còn làm bánh không có nhân thịt để có thể để được lâu hơn hoặc ăn chay với nhân có thể là chuối chín. Bánh được đánh giá là gói khéo khi bánh được làm tròn đều, buộc chặt, nhân bánh nằm chính giữa, có nghệ nhân còn gói nhân khi cắt ra có hình tam giác.


Bánh tét ngày Tết thường để lâu được vài ngày, được nấu vào đêm giao thừa để những ngày Tết có thể dùng để ăn với dưa món và thịt kho. Đây thường là bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh, và dùng cho nhiều người ăn. Ngoài ra, còn có bánh tét nhân ngọt với nhân chuối hoặc đậu xanh, loại to dùng cho nhiều người ăn hoặc loại nhỏ dùng cho một người ăn. Tuy nhiên, ngày nay, cũng có nhiều người yêu thích loại bánh tét nhân chuối hay đậu đen được làm và bán quanh năm.

Bánh tét ảnh 1
Bánh tét
Bánh tét ảnh 2
Bánh tét
Top 1
(có 0 lượt vote)

Nem chua

Nem chua là món ăn đặc biệt được yêu thích vào ngày tết, được chế biến từ thịt lợn, lợi dụng men của lá chuối (hoặc lá ổi, lá vông, lá sung,...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nổi tiếng ở Việt Nam như một sản vật phổ biến tại nhiều địa phương, tuy không rõ nem chua được người dân vùng nào làm ra đầu tiên.


Cách chế biến nem có thể chia thành hai kiểu: nem miền Bắc có thể chế biến ăn sống cùng các loại lá đặc biệt; còn nem miền Trung (đặc biệt Thanh Hoá và Huế) được đóng gói và lên men trong một số loại lá, trong đó có lá chuối, lá ổi. Chính vì sự cầu kỳ và nhiều công đoạn để làm ra món nem chua nên những ngày Tết, sau vụ mùa rảnh rỗi chính là thời gian con cháu quây quần và có thể vừa gói nem, vừa hàn huyên tâm sự.

Nem chua ảnh 1
Nem chua
Nem chua ảnh 2
Nem chua
Top 2
(có 0 lượt vote)

Tré

Tré là món ăn đặc sản của miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Bình Định. Món ăn này được làm từ thịt ba chỉ và thịt mông được cho vào nồi hấp khoảng 1 tiếng cho chín rồi mới lấy ra, da cũng được luộc chín. Riêng thịt nạc sẽ được rim cho đến khi chín và vàng đều. Các loại thịt sau khi chín sẽ được đưa đi thái, thịt nạc sẽ được thái thành những lát mỏng, còn thịt mông, thịt ba chỉ thì được thái nhuyễn, riêng da heo sẽ được cán mỏng rồi thái chỉ. Sau đó đến công đoạn trộn đều các nguyên liệu gồm thịt, mè, riềng, tỏi, nước mắm khô cùng các loại gia vị.


Tré sẽ được gói chặt trong một lớp lá ổi và được bao bọc bởi những lớp lá chuối bên ngoài. Lớp lá ổi sẽ giúp tré có mùi thơm đặc trưng và khi ăn giảm bớt mùi thịt heo để không bị ngấy. Tré vừa làm xong đã có thể ăn ngay vì các nguyên liệu đã chín tuy nhiên nếu muốn ăn tré ngon thì nên để sau ba ngày mới ăn. Khi đó, tré có thêm vị chua chua đặc trưng và được bày ra dĩa để ăn kèm với tương ớt hoặc ớt tươi cùng tỏi. Những ai thích có thể ăn kèm thêm vài lát dưa chua để vị tré thêm đậm đà.

Tré ảnh 1
Tré
Tré ảnh 2
Tré
Top 3
(có 0 lượt vote)

Thịt lợn ngâm nước mắm

Thịt lợn ngâm nước mắm là món ăn gần như không thể thiếu vào ngày tết của các gia đình người miền Trung bởi đây là món ăn giòn, ngon đậm vị và có thể bảo quản được lâu ngày. Món ăn này thường được làm từ thịt ba chỉ đã được lựa chọn kĩ càng và cắt thành từng khúc dài khoảng 8-10cm, dày khoảng 4-5cm.


Nước mắm được chọn dùng để ngâm thịt cũng luôn là loại mắm ngon để đảm bảo khi ngâm, thịt có thể thấm được những gì trọn vị và tinh túy nhất. Thịt sẽ được ngâm trong hũ thuỷ tinh đã được đem rửa sạch, tráng qua nước sôi để tiệt trùng và để ráo. Chỉ cần ngâm thịt và đậy nắp kín, để ở nơi thoáng mát khoảng 3-5 ngày là đã có được món ăn ngon ngày tết đặc trưng này. Khi thưởng thức, bạn có thể ăn kèm với rau xà lách, dưa leo, cà chua,...

Thịt lợn ngâm nước mắm ảnh 1
Thịt lợn ngâm nước mắm
Thịt lợn ngâm nước mắm ảnh 2
Thịt lợn ngâm nước mắm
Top 4
(có 0 lượt vote)

Dưa củ kiệu

Dưa củ kiệu được biết đến là món ăn chống ngán hiệu quả trong những bữa ăn ngày tết với quá nhiều thịt cá. Món ăn này có vị chua chua ngọt ngọt, thường được ăn kèm với bánh tét, bánh chưng hoặc cuốn với bánh tráng, thậm chí ăn chung với món thịt kho tàu ăn rất ngon.


Món ăn này bao gồm các nguyên liệu là củ kiệu, cà rốt, ớt, đu đủ xanh và các loại gia vị khác. Củ kiệu thường sẽ được ngâm nước tro trong 10 tiếng, sau đó đem rửa sạch rồi cắt bỏ đi phần lá, lột vỏ bên ngoài ra và giữ lại phần củ trắng. Các nguyên liệu khác như đu đủ, cà rốt sẽ được sơ chế, sau đó tỉa thành hình bông hoa hoặc xắt mỏng tùy sở thích và đem đi phơi dưới trời nắng trong 1-2 ngày.


Phần mắm đường để ngâm dưa củ kiệu cũng được chuẩn bị rất cầu kì và cẩn thận. Các nguyên liệu sẽ được ngâm trong hũ lớn khoảng 2 ngày là có thể mang ra thưởng thức.

Dưa củ kiệu ảnh 1
Dưa củ kiệu
Dưa củ kiệu ảnh 2
Dưa củ kiệu
Top 5
(có 0 lượt vote)

Bánh tổ

Bánh tổ là loại bánh được làm từ bột gạo nếp. Ngoài ra, nguyên liệu bánh tổ có thể xuất hiện thêm mè, gừng hoặc đậu đỏ tùy theo bí quyết và sở thích của người làm bánh.


Ý nghĩa tên gọi của bánh tổ là tượng trưng cho sự may mắn và sự thịnh vượng của cả năm, nó thường được ăn vào Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Loại bánh này có độ dính cao nên đây cũng được xem là món ăn dành cho Táo quân để vị thần này không nói những điều không tốt của gia đình trước mặt Ngọc Hoàng, thay vào đó là những điều tốt đẹp để Ngọc Hoàng ban thêm nhiều sự may mắn hơn cho gia đình.

Bánh tổ ảnh 1
Bánh tổ
Bánh tổ ảnh 2
Bánh tổ
Top 6
(có 0 lượt vote)

Gà luộc

Gà luộc là món ăn gần như không thể thiếu trên mọi mâm cỗ của người dân Việt Nam, đặc biệt là vào ngày Tết. Gà là con vật mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm xưa. Trong 12 con giáp, gà là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Còn trong văn học, gà lại được cho là loài sở hữu 5 đức tính lớn: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín.


Không những vậy, theo sách chiêm tinh, mỗi ngày trong 8 ngày đầu năm mới thuộc về một con giống. Gà thuộc ngày mồng 1 Tết, vậy nên mâm cỗ cúng ngày Tết gần như không thể thiếu gà. Phong tục sử dụng gà trên mâm cỗ vẫn luôn được lưu truyền từ xưa cho đến ngày nay. Không chỉ dừng lại ở giới hạn ở mâm cỗ, gà luộc rắc lá chanh cũng là một món không thể thiếu trong các bữa ăn cổ truyền Việt Nam. 

Gà luộc ảnh 1
Gà luộc
Gà luộc ảnh 2
Gà luộc
Top 7
(có 0 lượt vote)

Mắm tôm chua

Mắm tôm chua là món ăn thường được xuất hiện nhiều nhất vào ngày Tết của người dân miền Trung. Món ăn này hợp lý nhất có lẽ là làm mồi nhắm kèm với món khác như thịt luộc, rau sống.


Mắm tôm chua miền Trung nổi tiếng nhất là mắm tôm chua kiểu Huế. Nguyên liệu để làm tôm chua thường là tôm nước ngọt, người dân Huế quen gọi là tôm đất. Người ta thường dùng loại tôm không quá lớn cũng không quá nhỏ mà lựa loại tôm đều nhau.


Mắm tôm chua không phải là một thứ cao lương mỹ vị nhưng cũng không phải là một món ăn thường được dùng hằng ngày. Khác với mắm tôm mặn có màu nâu và con tôm đã bị giã nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ tươi bắt mắt và con tôm còn nguyên.

Tôm chua ảnh 1
Tôm chua
Tôm chua ảnh 2
Tôm chua
Top 8
(có 0 lượt vote)

Giò bò tiêu sọ (chả bò)

Giò bò tiêu sọ hay còn gọi là chả bò, là món ăn đặc trưng gần như không thể thiếu trong các mâm cỗ của người miền Trung nói riếng và người dân Việt Nam nói chung. Đây cũng là một món ăn thơm ngon và hấp dẫn cho bữa ăn của gia đình thường ngày.


Món giò bò (chả bò) này được làm từ nguyên liệu chính là thịt bò có những thớ thịt nhỏ, mềm, có màu đỏ tươi, thớ thịt không mịn (trừ khi là thịt bò tơ), gân trắng nhỏ và mỡ có màu vàng tươi. Bên cạnh đó, còn có các nguyên liệu như tỏi, tiêu sọ và các gia vị theo sở thích gia đình.


Ngoài ra, một nguyên liệu khác là mỡ heo sẽ giúp cho chả bò không bị khô. Món ăn này rất dễ bảo quản, đặc biệt là trong những ngày tết gia đình chuẩn bị nhiều món ăn khác nhau nên hoàn có thể yên tâm bảo quản trong tủ lạnh và dùng dần.

Giò bò tiêu sọ (chả bò) ảnh 1
Giò bò tiêu sọ (chả bò)
Giò bò tiêu sọ (chả bò) ảnh 2
Giò bò tiêu sọ (chả bò)
Top 9
(có 0 lượt vote)

Bắp bò kho mật mía

Bắp bò kho mật mía có mùi vị mật mía mang đến một hương vị đặc biệt, khiến món thịt có vị ngọt đậm đà từ mật, cay cay của ớt và thấm đẫm gia vị đến từng tầng từng lớp mùi thơm từ gia vị. Món ăn này được biết đến nhiều trong ngày Tết của xứ Nghệ. Tuy nhiên, ngày nay, bạn có thể dễ dàng thấy món bắp bò này xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của nhiều người dân miền Trung.


Món ăn này được làm từ nguyên liệu chính là những miếng thịt bò có màu đỏ tươi, lớp mỡ bò trắng đục bao bên ngoài vẫn còn căng không có tình trạng nhão, rách khỏi phần nạc. Phần vân mỡ bên trong phân bố đều và xuất hiện nhiều trên phần thịt. Nước mắm và mật mía để làm ra món này cũng được lựa chọn là những loại ngon, có độ đậm phù hợp với bắp bò, tạo nên hương vị tuyệt vời, khó quên.

Bắp bò kho mật mía ảnh 1
Bắp bò kho mật mía
Bắp bò kho mật mía ảnh 2
Bắp bò kho mật mía
Trên đây là những món ăn cổ truyền đặc sắc nhất trong mâm cỗ Tết miền Trung. Hi vọng bài viết này có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu có bất kì ý kiến nào, đừng ngại ngần chia sẻ ở phần bình luận bên dưới bài viết này nhé!

Hãy đăng nhập để bình luận

Đăng nhập bằng facebook hoặc google để bình luận .